Kinh tế châu Á: Loay hoay vì dịch

LOAN PHƯƠNG 22/02/2020 23:02 GMT+7

TTCT - Vào lúc các ca nhiễm mới lẫn tử vong do dịch COVID-19 đã giảm và một loại thuốc mới được đưa ra thị trường, câu hỏi lớn nhất với nền kinh tế các nước xung quanh Trung Quốc cũng như kinh tế toàn cầu lúc này là khi nào thì những hoạt động bình thường sẽ được nối lại.

Sân bay quốc tế Thiên Hà ở Vũ Hán (Trung Quốc) không còn một bóng người những ngày qua. Ảnh: Flickr
Sân bay quốc tế Thiên Hà ở Vũ Hán (Trung Quốc) không còn một bóng người những ngày qua. Ảnh: Flickr

Theo báo cáo của Bloomberg Economics, nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng chỉ hoạt động ở mức 40-50% công suất trong mấy tuần qua. Thống kê cho thấy tổng số các chuyến đi lại ở Trung Quốc từ ngày 10-1, khi bắt đầu nghỉ tết, tới nay đã giảm 1,4 tỉ lượt so với cùng kỳ năm 2019. 

Trung bình số lượt di chuyển bằng máy bay, xe lửa, xe hơi và tàu biển chỉ bằng 20% so với bình thường, đồng nghĩa hàng triệu người vẫn chưa trở lại làm việc. Nếu chỉ tính các chuyến đi đường dài, tỉ lệ giảm còn có thể mạnh hơn, tới 50%.

Tương tự, dù một số công ty nhà nước, và các hãng thiết bị y tế đã tăng mạnh năng suất, mức tiêu thụ điện tại Trung Quốc hiện thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, một chỉ dấu cho thấy sản xuất đang chững lại.

Các chuyên gia ước tính mức suy giảm từ 25-50% hoạt động của các lĩnh vực tối quan trọng với nền kinh tế như lọc hóa dầu, nhà máy điện chạy than và sản xuất thép. Chi tiêu của người dân trong lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng, đi lại, mua vé xem phim... cũng giảm mạnh.

Sự suy giảm đó ở Trung Quốc đại lục nhanh chóng được cảm nhận ở các mắt xích khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đòi hỏi sự phản ứng sớm từ các chính phủ. Ngay lúc này, ít ra là ba nền kinh tế, Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Singapore, đã cam kết sẽ cung cấp các gói kích thích tài chính nhằm vực lại nền kinh tế chịu tác động từ dịch bệnh.

Do vai trò toàn cầu của nền kinh tế Trung Quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã kêu gọi cần có hành động hiệp đồng trên toàn thế giới. Bản thân Trung Quốc thì thông báo sẽ sớm thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế hiệu quả, bao gồm việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, giới chức tài chính Hong Kong nói vùng lãnh thổ này đang hứng chịu một “cú sốc như sóng thần” có thể dẫn tới thâm hụt ngân sách ở mức kỷ lục.

“Trong khi việc giảm mạnh thuế và phí ở quy mô lớn làm tăng các thách thức trong ngắn hạn, chúng ta phải có tầm nhìn dài hạn và có những động thái kiên quyết để cắt giảm” - Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn viết ngày 17-2 trên tạp chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Cầu Thị.

Cuối tuần này, các bộ trưởng tài chính và người đứng đầu ngân hàng trung ương nhóm G20 gặp nhau ở Riyadh, Saudi Arabia, cũng sẽ thảo luận về rủi ro ngày càng tăng với tăng trưởng toàn cầu, trong khi HSBC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của thế giới của họ cho năm 2020 từ 2,5% xuống còn 2,3%.

Trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bơm tiền vào nền kinh tế, các ngân hàng trung ương ở Philippines, Thái Lan và Malaysia - đều là những nước có nền kinh tế kết nối rộng với Trung Quốc - đã đồng loạt cắt giảm lãi suất.

Ở Hong Kong, tác động kinh tế của dịch bệnh làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái vốn đã diễn ra trước đó vì những cuộc biểu tình và bất ổn chính trị. Không chỉ ảnh hưởng tới lĩnh vực bán lẻ, giải trí và du lịch, cú sốc mới này có thể khiến tình trạng thất nghiệp ở Hong Kong “trầm trọng thêm rất nhanh”, theo lời người đứng đầu ngành tài chính vùng lãnh thổ, Paul Chan, trong một bài đăng blog ngày 17-2.

Singapore, cũng chịu tác động mạnh, dự kiến sẽ sớm đưa ra một gói kích thích “đáng kể” trong tuần này, theo lời Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, cũng là đồng chủ tịch ủy ban đặc nhiệm phản ứng với dịch COVID-19.

Ngày 15-2, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói khả năng đất nước này rơi vào suy thoái trong năm 2020 là không thể loại trừ, khi chính phủ điều chỉnh lại dự báo GDP, giảm 0,5 điểm phần trăm so với mức được đưa ra trước dịch là 0,5-2,5%.

Nhật Bản, vốn đã tung ra một gói kích thích 120 tỉ đôla từ cuối năm 2019, nay tiếp tục rơi vào suy thoái vì dịch bệnh. Không thể tiếp tục một gói kích thích nữa, chính quyền ngày 15-2 mới công bố một gói 96 triệu đôla quỹ khẩn cấp hỗ trợ các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất vì dịch COVID-19.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận