Kinh tế học của chỗ đậu xe

HẢI MINH 02/04/2012 23:04 GMT+7

TTCT - Từ Tokyo tới Buenos Aires, từ San Francisco tới Jakarta, quy hoạch chỗ đậu xe đã trở thành một bài toán hóc búa với bất cứ đô thị phát triển nào.

Phóng to
Việc điều chỉnh mức phí đậu xe tùy vị trí, thời điểm có tác dụng với việc phân bố lại chỗ đậu xe? Trong ảnh: thu phí đậu ôtô trên đường Lê Lợi, quận 1, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Thống kê của Sở Giao thông vận tải TP.HCM và Hà Nội cho thấy ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam số lượng xe hơi lần lượt là hơn 480.000 và hơn 380.000. Những con số đó vẫn đang tiếp tục tăng mạnh, chưa kể hàng chục nghìn lượt phương tiện vãng lai mỗi ngày. Trong khi hạ tầng không phát triển kịp ở một xã hội còn chưa có thói quen sử dụng phương tiện công cộng, chỗ đậu xe trở thành một phép thử quan trọng với công tác điều hành quy hoạch.

Việt Nam vẫn chưa có thói quen trả mức phí cao cho chỗ đậu xe. Trong khi ấy, một thống kê của Colliers International (*) năm 2011 cho thấy mức phí đậu xe tại những siêu đô thị phát triển đều cao ở mức chóng mặt. Với những thành phố đầu bảng, giá một chỗ đậu xe dễ dàng vượt xa tiền thuê nhà cho cả một gia đình mỗi tháng, chẳng hạn như 1.083 USD tại London (Anh), 822 USD ở Zurich (Thụy Sĩ) hay 805 USD ở Amsterdam (Hà Lan).

Những thành phố có điều kiện tương đồng hơn với TP.HCM hay Hà Nội cũng có mức phí đậu xe hằng tháng khá cao, như Thượng Hải ở mức 293 USD/tháng hay Quảng Châu 247 USD/tháng, dù thống kê của Colliers không có thành phố Việt Nam nào để so sánh trực tiếp.

Phóng to
Cột thu phí tự động trên đường Market, thành phố Wilmington (Mỹ) - Ảnh: myreporter.com

Kinh nghiệm San Francisco

Mới đây nhất, vào giữa tháng 3, chính quyền thành phố San Francisco ở Mỹ đã tiến hành một nỗ lực gây rất nhiều chú ý với tham vọng đảm bảo có ít nhất một chỗ đậu xe trống ở bất cứ khu vực nào có đồng hồ tính tiền. Chương trình này dựa trên công nghệ mới và tính toán của các kinh tế gia về luật cung cầu, đã tăng phí đậu xe ở những khu vực đông nhất thành phố và giảm phí ở những khu vực vắng vẻ hơn. Mức tăng cao nhất lên tới 4,5 USD mỗi giờ.

Những đô thị khác ở Mỹ và trên toàn thế giới theo dõi chặt chẽ chương trình của San Francisco, một trong những thí nghiệm thực tế đầu tiên của việc áp dụng kinh tế học và quản lý chỗ đậu xe. Chính quyền đã lắp các thiết bị cảm ứng và máy tính tiền đậu xe mới ở khoảng một phần tư trong số 26.800 điểm có lắp máy cũ để theo dõi và đánh giá những thay đổi.

Bắt đầu từ mùa hè năm ngoái, thành phố cũng bắt đầu điều chỉnh phí đậu xe cứ mỗi hai tháng, với lựa chọn tăng tối đa là 25 xu Mỹ mỗi giờ và giảm tối đa là 50 xu Mỹ mỗi giờ. Nhiều điểm đậu xe trước đây vắng lặng được giảm giá tối đa và điều chỉnh giá liên tục chứ không giữ cố định, để đảm bảo thị trường có thể hoạt động tốt nhất.

Lúc này còn quá sớm để nhận xét chương trình có thành công hay không, nhưng những đánh giá ban đầu cho thấy việc điều chỉnh mức phí đậu xe liên tục đã có tác dụng nhất định với việc phân bố lại chỗ đậu xe, vốn là một nguồn lực hết sức khan hiếm ở các đô thị lớn. Jay Primus, người quản lý chương trình thuộc Cơ quan Giao thông đô thị San Francisco, nói với báo Mỹ The New York Times rằng chính quyền đang muốn giảm lưu lượng giao thông, tình trạng ô nhiễm không khí và giúp cho việc đậu xe dễ dàng hơn, chứ không chỉ là tăng thu cho ngân sách.

Các máy tính tiền ở San Francisco giờ có thể tính phí đậu xe khác nhau ở những thời điểm khác nhau trong ngày. Một chương trình khác giúp người lái xe có thể tìm chỗ đậu và trả tiền thông qua tin nhắn điện thoại di động cũng đang được đưa vào thí điểm.

Chương trình này được coi là cuộc thí nghiệm lớn nhất một học thuyết của kinh tế gia Donald Shoup - giáo sư về quy hoạch đô thị tại Đại học bang California, Los Angeles. Cuốn sách dày hơn 700 trang viết năm 2005 của ông Chi phí cao của việc đậu xe miễn phí (The high cost of free parking) đã biến Shoup thành một nhân vật nổi tiếng của ngành quy hoạch đô thị ở Mỹ và trên Facebook đã có một nhóm hàng nghìn người, The Shoupistas, bày tỏ sự ủng hộ với ông.

Tên thành phố

Chi phí đậu xe (USD/tháng)

Chi phí thuê một căn hộ hai phòng ngủ (USD/tháng)

Tokyo (Nhật Bản)

744

4.352

Matxcơva (Nga)

420

3.500

Hong Kong(Trung Quốc)

744

2.830

London (Anh)

1.083

2.824

Singapore

225

2.810

Abu Dhabi (UAE)

89

2.500

Paris (Pháp)

323

2.390

San Francisco (Mỹ)

375

2.100

New York (Mỹ)

533

1.359

(Nguồn: Colliers International, Investopedia)

Không thể miễn phí

Tất nhiên, kế hoạch tăng phí, bất cứ loại phí gì, cũng sẽ vấp phải sự chống đối mạnh mẽ từ dư luận và cả các áp lực chính trị khi cử tri không muốn bỏ phiếu cho quan chức nào cứ đòi moi tiền từ túi họ. Tuy nhiên, giáo sư Shoup cho rằng ngoài việc phí được điều chỉnh lên xuống, chứ không chỉ có tăng, chương trình thật ra sẽ có lợi cho những người khó khăn hơn trong thành phố, nhất là những người không có xe hơi. Tiền thu được từ tăng phí đậu xe sẽ dùng để cải thiện hệ thống giao thông công cộng và giảm bớt giao thông cá nhân, đồng nghĩa với tăng tốc độ xe buýt mà rất nhiều người dân San Francisco sử dụng.

Thật vậy, những người sở hữu xe hơi có thể không muốn nghe, nhưng ở hầu hết thành phố lớn, việc đậu xe miễn phí hay giá rẻ là hết sức có hại, không chỉ cho bầu không khí, tình trạng giao thông mà cả những tác dụng phụ khó thấy hơn, như hiệu quả sử dụng đất. Những chi phí mà xã hội phải gánh chịu cho một chỗ đậu xe miễn phí là rất khó thấy với những người sở hữu xe. Nếu chỗ đậu xe quá rẻ, hậu quả sẽ là chúng ta sử dụng đất đai trong thành phố - một nguồn lực quý giá - một cách lãng phí, và đi xe hơi cả trong những lúc không cần thiết.

Theo tính toán của giáo sư Shoup, một chỗ đậu xe miễn phí có thể khiến xã hội mất ít nhất 100 USD mỗi tháng ở nhiều thành phố tại Mỹ. Nếu một người lái xe đi làm 20 ngày mỗi tháng, số tiền tài trợ cho việc đậu xe miễn phí, dù là ở cơ quan hay ngoài đường, là 5 USD mỗi ngày, lớn hơn rất nhiều so với các chi phí khác cho chính chiếc xe như xăng dầu hay phí hao mòn xe.

Tại những thành phố đông đúc của Mỹ như New York, vấn đề có thể phức tạp hơn khi rất nhiều chiếc xe hơi lượn lờ để tìm một chỗ đậu giá rẻ hoặc miễn phí trên đường, thay vì trả tiền cho một chỗ đậu có thu phí. Nguồn lực xã hội bị lãng phí ở đây là thời gian của tài xế, chi phí hao mòn xe, chi phí tắc đường và nhiều chi phí khác không thể tính đếm hết.

Cũng theo giáo sư Shoup, hiện nhiều chỗ đậu xe ở Mỹ có giá trị kinh tế còn cao hơn cả những chiếc xe ở đó. Sau khi tính các chi phí xây dựng và chi phí đất, ông ước lượng giá trị một chỗ đậu xe ở thành phố Los Angeles là hơn 31.000 USD, cao hơn nhiều so với nhiều loại xe ở Mỹ. Điều đó có nghĩa là các nguồn lực xã hội đang bị lãng phí, hay nói đơn giản hơn, “một tiền gà, ba tiền thóc”. Trong cuốn sách của mình, giáo sư Shoup cho rằng giá trị xã hội tài trợ cho việc đậu xe hơi miễn phí ở Mỹ vào năm 2002 lên tới 127 tỉ USD.

“Ai đang trả cho việc đậu xe miễn phí? Tất cả mọi người, trừ chính chủ xe”, giáo sư Shoup kết luận.

Với công chúng bỏ tiền trả phí, chi tiêu minh bạch là một trong những yếu tố mấu chốt để người dân quyết định họ có ủng hộ việc thu phí hay không. Tại Mỹ, sự hoạt động mạnh mẽ và thực chất của các tổ chức dân sự, phi chính phủ, đấu tranh cho quyền dân sự, bảo vệ người tiêu dùng... là yếu tố quan trọng để đảm bảo tiền phí thu được không bị sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, sức ép từ lá phiếu của cử tri cũng buộc những người nắm quyền phải cân nhắc việc thu phí và chi tiêu từ tiền phí tăng thêm.

Một ví dụ điển hình là trang mạng USAspending.gov, trang web chính thức của Chính phủ Mỹ cho phép mọi người dân tiếp cận với các thông tin cơ bản về chi tiêu của chính phủ, từng hạng mục, giá trị từng hợp đồng của chính phủ, chi tiêu và nguồn chi tiêu ở từng bang, vùng lãnh thổ, từng bộ phận trong chính phủ đều được công khai trên trang web này để “dân biết, dân bàn và dân kiểm tra”, nếu muốn.

__________

(*) Colliers International là một công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có trụ sở ở Seattle (Mỹ) và 500 văn phòng ở 61 nước (bao gồm Việt Nam).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận