Kinh tế "phong trào"

NGÔ MINH KHÔI 22/09/2003 05:09 GMT+7

TTCN - Ở VN đang xuất hiện một hiện tượng kinh tế rất nguy hiểm: các địa phương đua nhau làm kinh tế theo kiểu “phong trào”. Khi địa phương này có nhà máy, dự án này, địa phương khác cũng tìm cách có cái đó và có với bất cứ giá nào, chẳng cần tính toán hiệu quả, lỗ lãi!


Một công đoạn trong qui trình sản xuất gạch

Những năm 1984-1986, "phong trào" làm nhà máy đắp lốp ôtô, sản xuất lốp xe đạp, từ thủ công đến cơ khí diễn ra trên khắp cả nước; kế đến là nhà máy cơ điện huyện, tỉnh rất rầm rộ; tiếp theo là nhà máy thuốc lá, nhà máy rượu, nhà máy bia Tiệp Khắc, nhà máy sắn vo viên... 

Mỗi nhà kiểu này vốn đầu tư từ 10 - 100 tỉ đồng. Tỉnh nào cũng có tất cả các loại nhà rnáy để thể hiện “tinh thần năng động”, “biết làm kinh tế” đúng "mốt thời đại". Nhưng rồi chỉ năm bảy năm sau đa số các nhà máy "phong trào" đó đều nằm im hoặc trở thành đống sắt rĩ. Cả ngàn tỉ đồng vốn liếng của dân bị ném qua cửa sổ. Đất nước đã nghèo lại càng khốn khó thêm.

Đến thời đổi mới, mở cửa làm ăn, tưởng các địa phương sẽ thức thời hơn để biết bỏ vốn vào các dự án có lợi cho quốc kế dân sinh. Ai ngờ cách làm kinh tế theo kiểu “phong trào" lại như càng rầm rộ thêm. 

Bây giờ tỉnh nào cũng có nhà máy bia. Có tỉnh có đến ba nhà máy bia; có tỉnh 30% dân tình nghèo đói, dù thị trường tỉnh tràn ngập các loại bia nội ngoại nhưng chính quyền cũng nhất định phải đầu tư xây dựng nhà máy bia của mình. Hàng trăm tỉ đồng vốn vay đổ vào xây dựng, xây xong để đó, vì nếu làm ra bia để hạch toán buôn bán thì lại càng lỗ hơn! 

Sau bia là cảng. Một cảng biển con con cũng mất vài chục tỉ đồng. Tỉnh nào cũng xin trung ương đầu tư xây dựng cảng. Có tỉnh xây dựng cảng chỉ để mỗi năm tiếp nhận vài trăm nghìn tấn than tử Quảng Ninh về, còn chủ yếu là “phục vụ” tàu thuyền buôn lậu hàng đường biển! 

Có tỉnh còn đầu tư trên trăm tỉ đồng trong số ngân sách còm cõi của mình để xây dựng cảng nước sâu, mặc dù ai cũng biết hai ba chục năm nữa cũng chẳng có hàng hóa gì lớn để bốc lên bốc xuống! 

Sau cảng là nhà máy ximăng lò đứng, nhà máy đường với cả trăm ngàn tỉ đồng vốn đầu tư ồ ạt ra đời để rồi thua lỗ cả ngàn tỉ đồng. Sau “phong trào” đường và ximăng là "phong trào" gạch tuy nen, gạch ceramic. Theo số liệu của Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng, đến nay công suất gạch ceramic và granit nhân tạo cả nước đã lên tới gần 200 triệu m2, gấp đôi nhu cầu trong nước! 

Gần đây báo chí lại lên tiếng về "phong trào" đua nhau làm công viên nước mỗi cái 5-6 tỉ đồng, rồi phong trào làm khu công nghiệp; có tỉnh xây dựng đến ba, bốn khu công nghiệp, nhưng chẳng có mấy dự án của nước ngoài thuê đất. Một khu công nghiệp như thế cũng mất vài chục tỉ đồng xây dựng hạ tầng, nhưng khó thu hồi được vốn! Đến cả cây trồng cũng được trồng theo “phong trào"! 

Tỉnh, huyện, xã cứ bỏ hàng nghìn tỉ đồng vốn 327, vốn xóa đói giảm nghèo hô hào nhân dân trồng quế, cao su, dứa, mía, cà phê... chẳng cần biết sản phẩm sau này tiêu thụ ở đâu. Có tỉnh cây quế, cao su chưa thu hoạch đã phải thanh lý...! Làm “kinh tế phong trào” được một mà mất chín, mười bởi đó là hình thức đầu tư vô tội vạ, bất chấp thị trường!

Tại sao lại có kiểu làm kinh tế như vậy? Nguyên nhân: do "màu cờ sắc áo”, phán xét chủ quan, cảm tính của các nhà lãnh đạo bốc đồng; do trình độ, năng lực các bộ thấp nên chỉ biết hình thành các "đề án ăn theo" tỉnh khác. Một nguyên nhân quan trọng nữa là do bệnh chạy theo thành tích. Ngoài ra còn do áp lực phải lo ngân sách tỉnh!

Cơ chế đầu tư dàn trải, cơ chế "xin cho" cũng làm cho kinh tế kiểu phong trào phát triển. Do không có qui hoạch vùng và cả nước, nên tỉnh này "xin" được dự án, thì tỉnh kia cũng chạy vạy xin cho bằng được. Thế là nuôi béo bọn “buôn dự án!” Bọn buôn dự án "chạy chọt ", bày ra các dự án để kiếm chác, sau đó thì "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi". 

Khi tất cả đã đổ bể, hoặc thua lỗ tràn lan thì bọn "buôn dự án" đã "hạ cánh an toàn!", hàng trăm nghìn tỉ đồng tiền thuế nhân dân đóng góp bị thiêu ra tro hoặc chui vào túi bọn tham nhũng, cơ hội!

Làm sao để xóa được nạn dịch "kinh tế phong trào", khi nó đã thành nan y. Trước hết, phải tính toán cân đối ngân sách trung ương và địa phương, làm sao không gây ra bức xúc do thiếu ngân sách chi tiêu dẫn tới những dự án đầu tư "mì ăn liền". 

Thứ hai, Chính phủ phải qui hoạch xây dựng phát triển sản xuất công nghiệp theo vùng. Xóa bỏ tận gốc cơ chế "xin - cho", thực hiện chính sách doanh nghiệp vay vốn đầu tư và chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế từng dự án. Kiên quyết chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng... Đào tạo cán bộ lãnh đạo có trình độ kinh tế, biết sử dụng đội ngũ các nhà khoa học trong việc hoạch định chiến lược kinh tế từng địa phương... 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận