Kinh tế thế giới và chiến sự Ukraine: Viễn cảnh u ám

NAM MINH 05/03/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Đúng lúc tưởng như thế giới đã có thể bước vào một giai đoạn “yên bình” để dồn sức phục hồi kinh tế sau 2 năm bị tàn phá bởi COVID-19, thì chiến sự nổ ra giữa Ukraine và Nga lại có thể khiến con tàu tăng trưởng có nguy cơ trật đường ray.

Trục giao thương hàng hóa và vận chuyển hành khách Á - Âu đang đối mặt nguy cơ đứt gãy nghiêm trọng. Các hãng giao nhận hàng hàng đầu thế giới là United Parcel Service, DHL và FedEx mới đây đã lần lượt buộc phải tạm dừng dịch vụ giao hàng đến Nga và Ukraine.

Ảnh: ft.com

 

Giao thương đứt đoạn

Lộ trình bay của nhiều hãng hàng không phải thay đổi - đi đường vòng để tránh không phận đang giao tranh, rồi những lệnh cấm đoán qua lại của các bên liên quan. 

Điều này tất nhiên làm đội chi phí trong bối cảnh ngành hàng không còn chưa kịp ngóc đầu lên sau 2 năm tan tác vì đại dịch và ngay lúc này mọi hãng đều phải vất vả đối phó cú sốc giá xăng dầu.

Có thể thấy những hạn chế về không phận trên làm nổi bật vai trò không thể thiếu của Nga trong hoạt động đi lại đường hàng không toàn cầu. Đường bay nhanh nhất cho các chuyến bay giữa châu Âu và vành đai châu Á - Thái Bình Dương là bay qua vùng Siberia của Nga. 

Theo Cơ quan vận tải hàng không Liên bang Nga, ước tính có gần 195.000 chuyến bay thương mại đi qua không phận Nga trong năm 2021. Con số này trước đại dịch là 301.000 chuyến.

Nhiều chuỗi cung ứng cũng đã đột ngột đứt gãy do Nga và Ukraine là nhà cung cấp nhiều nguyên vật liệu sản xuất, khoáng sản và nông sản quan trọng cho nhiều khu vực. 

Ví dụ, Nga là quốc gia cung ứng than đá lớn thứ ba cho Việt Nam, chỉ sau Úc và Indonesia, với sản lượng 3,59 triệu tấn vào năm 2021. Do đó trong ngắn hạn, chưa biết các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam sẽ phải xoay xở cách nào để bù đắp nguồn cung than đá thiếu hụt.

Một mặt hàng quan trọng khác chịu ảnh hưởng là phân bón. ASEAN nhập khẩu 9,74% giá trị phân bón từ Nga, nguồn cung lớn thứ ba sau Trung Quốc và Canada. 

Với việc nông nghiệp vẫn là một phần quan trọng của nền kinh tế ở nhiều nước Đông Nam Á, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung phân bón có thể cản trở tốc độ phát triển của ngành.

Hay như Ukraine là nguồn cung cấp phần lớn lúa mì, yến mạch và các loại ngũ cốc khác của khối ASEAN, chiếm khoảng 9,21%, trong khi Nga cung cấp 3,99%. 

Sự gián đoạn nguồn cung các mặt hàng như vậy từ Nga và Ukraine có thể dẫn đến áp lực gia tăng giá cả các mặt hàng lúa mạch tại khu vực này.

Ở Việt Nam, chứng khoán BSC nhận định ngành chăn nuôi sẽ không mấy khả quan do nguy cơ giá các loại nguyên liệu đầu vào - nông sản tăng đột biến ở Nga và Ukraine. 

Xung đột làm gián đoạn sản xuất, khiến giá nguyên vật liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao, trong khi đặc thù ngành khó có thể chuyển mức tăng chi phí vào giá bán.

Nga còn là thị trường xuất khẩu khá lớn của Việt Nam, chủ yếu là các mặt hàng máy móc, thiết bị, điện thoại thông minh với giá trị 1,5 tỉ USD vào năm 2020. Lượng hàng hóa này có thể bị ảnh hưởng nếu Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại nhắm vào Nga.

Bên cạnh đó, hệ thống tài chính thế giới đang khá hỗn loạn khi Mỹ và EU đã loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán tài chính liên ngân hàng quốc tế (SWIFT). 

Được xem là trục tài chính huyết mạch lớn nhất thế giới, hiện SWIFT được sử dụng bởi hơn 11.000 định chế tài chính tại hơn 200 quốc gia. SWIFT sử dụng các mã an toàn, được tiêu chuẩn hóa cho phép các tổ chức gửi và nhận thông tin, chẳng hạn như hướng dẫn chuyển tiền qua biên giới. 

Đây là cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng nhất trong các dịch vụ tài chính khi xét về khối lượng và giá trị được lưu chuyển khắp thế giới.

Theo các chuyên gia, việc bị loại khỏi hệ thống SWIFT sẽ khiến các ngân hàng Nga không còn có thể thanh toán cho các hoạt động thương mại và tài chính, khiến nước này gặp khó khăn khi xuất khẩu các mặt hàng như dầu, than và khí đốt tự nhiên. 

Biện pháp này cũng sẽ ngăn cản Nga nhập khẩu các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn và máy móc cho các ngành công nghiệp. Kéo theo đó, đồng rúp đã mất giá trầm trọng và nhiều mặt hàng phục vụ cho cuộc sống sẽ khan hiếm.

Tất nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh và đầu tư vào Nga cũng sẽ chịu tác động không nhỏ. Họ sẽ buộc phải dừng đầu tư hay thoái vốn ra khỏi quốc gia này để đảm bảo an toàn dòng vốn. Xét về dài hạn, dòng vốn FDI chảy vào Nga sẽ suy kiệt và có thể khiến nền kinh tế quốc gia này trì trệ. 

Trước mắt, đồng rúp đã giảm giá tới 30% chỉ sau một đêm cấm vận và Ngân hàng Trung ương Nga phải tăng lãi suất lên mức cao nhất trong thế kỷ này: 20%, để tránh tình trạng tháo chạy tiền mặt ở các ngân hàng trong nước.

Bóng ma đình lạm

Nga cũng có những vũ khí của riêng mình để trả đũa, đặc biệt và vũ khí “dầu thô”. 

Thật vậy, điều mà thế giới lo ngại hiện nay là căng thẳng Đông Âu sẽ khiến giá dầu tiếp tục lập đỉnh, dẫn đến một cú sốc đình lạm (lạm phát kết hợp với tăng trưởng thấp) đẩy nền kinh tế toàn cầu vào kịch bản xấu nhất: suy thoái kéo dài trên diện rộng.

Nga hiện là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới. Bất kỳ một sự gián đoạn trong việc vận chuyển dầu từ Nga tới các đường ống ở châu Âu sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng toàn cầu. 

Mới đây, OPEC+ (liên minh của các nước xuất khẩu dầu mỏ và một số nước ngoài khối) điều chỉnh giảm dự báo thặng dư thị trường dầu năm 2022. 

Dữ liệu cũng cho thấy kho dự trữ ở các nước phát triển vào cuối năm nay dự báo đứng ở mức 62 triệu thùng, thấp hơn mức trung bình từ 2015 đến 2019. 

“Giá dầu tăng lên 150 USD/thùng có nguy cơ làm giảm tăng trưởng GDP toàn cầu xuống 0,9% trong nửa đầu năm, đồng thời làm tăng lạm phát lên 7,2%”, Ngân hàng JPMorgan cảnh báo.

Theo giáo sư Steve Schifferes thuộc Đại học London, cuộc xung đột Ukraine diễn ra vào một thời điểm mong manh đối với nền kinh tế thế giới, vốn chỉ mới bắt đầu phục hồi sau sự tàn phá của COVID. 

Một so sánh đáng lo ngại là cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 ở Trung Đông, dẫn đến một cuộc khủng hoảng dầu mỏ đã làm kinh tế thế giới điêu đứng một thời gian dài. 

Lúc bấy giờ, cuộc khủng hoảng làm rung chuyển kinh tế toàn cầu và được nhiều sử gia kinh tế coi là khởi đầu cho kết thúc của thời kỳ bùng nổ tăng trưởng từng giúp giảm tỉ lệ thất nghiệp và nâng cao mức sống ở rất nhiều nước trong vài thập niên trước đó.

Ngày nay, nền kinh tế thế giới lớn hơn nhiều so với trước đây, nhưng đã tăng trưởng chậm lại trong những thập kỷ gần đây. Đại dịch đã giáng một đòn mạnh trong hai năm qua, với việc các chính phủ buộc phải chi những khoản tiền khổng lồ để cứu vãn và hồi phục nền kinh tế. 

Hiện tại, mặc dù đã có một số dấu hiệu phục hồi, nhưng rủi ro lạm phát cao hơn và tăng trưởng thấp hơn vẫn hiển hiện, trong khi các khoản nợ lớn sẽ hạn chế khả năng can thiệp của nhiều chính phủ.

Theo tờ Financial Times, các ngân hàng trung ương sẽ đau đầu để đối phó với viễn cảnh xám xịt hiện nay. 

Lý do là việc áp lãi suất thấp hơn có thể khuyến khích đầu tư và tiêu dùng trong ngắn hạn, nhưng không giúp gì cho việc tăng sản lượng dầu thô. Thậm chí các ngân hàng trung ương có khả năng sẽ phải tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, để ngăn chặn lạm phát.■

Nhìn qua lăng kính hướng tích cực, xung đột Đông Âu có thể mang lại một số cơ hội mới. Ví dụ, Nga hiện là quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới và đứng thứ 2 về xuất khẩu thép vào EU. 

Nếu lượng xuất khẩu này bị cắt giảm do cấm vận, thì sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác vào thị trường này, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam như Hòa Phát, Nam Kim, Hoa Sen… 

Căng thẳng tại châu Âu còn thúc đẩy dòng vốn tìm đến các khu vực an toàn và có tiềm năng tăng trưởng, trong đó châu Á và khối ASEAN có thể là đích đến hứa hẹn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận