Kỳ lân hay lạc đà?

TỊNH ANH 07/06/2020 10:06 GMT+7

TTCT - Thế giới startup không cần thêm những con kỳ lân, sinh vật huyền bí được chăm bẵm hết nấc để vươn tới điều kỳ diệu nhưng dễ... tiêu đời, mà cần có lạc đà - thực tế hơn và có sức chống chịu, bền bỉ trước gian nan thử thách hơn.

Ảnh: Crunchbase

Thuật ngữ kỳ lân (unicorn) được đặt ra vào năm 2013 để chỉ công ty startup đạt mốc định giá từ 1 tỉ USD trở lên. Hình tượng sinh vật thần thoại được chọn cho phép ẩn dụ này do lẽ mức định giá 1 tỉ USD vào thời điểm đó là một thứ huyền thoại không dễ đạt được. Chỉ có 39 công ty kỳ lân vào năm 2013, còn so với hiện nay là 460, theo trang Crunchbase.

Địa vị kỳ lân đã trở thành đích đến của các startup, nhất là các công ty khởi nghiệp từ Thung lũng Silicon. Nhưng khi con đường trở thành kỳ lân, thậm chí cả số phận của những kỳ lân đương thời, ngày càng gặp nhiều trở ngại, chẳng hạn như đại dịch COVID-19 hiện nay, các startup đã phải xem xét lại tư duy “tăng trưởng bằng mọi giá”.

Những thực tế mới, khắc nghiệt hơn đòi hỏi doanh nghiệp phải có sức chống chịu mạnh mẽ hơn, đủ sức vượt khó trong đường dài. Đây tình cờ lại là đặc tính của những chú lạc đà có thể nhịn đói, nhịn khát mà sống sót trong sa mạc.

Kỳ lân xuống vực

Trước khi bàn chuyện “startup lạc đà”, hãy nhìn lại tình cảnh của những chú kỳ lân khi đại dịch làm chao đảo kinh tế toàn cầu.

Khó ai “yêu” kỳ lân như Masayoshi Son, CEO Tập đoàn SoftBank Group. Năm 2017, Son lập quỹ đầu tư Vision Fund trị giá gần 100 tỉ USD để rót tiền vào các công ty công nghệ mà ông cho rằng sẽ tỏa sáng trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Với số tiền khổng lồ, Vision Fund nhanh chóng vượt qua các quỹ đầu tư mạo hiểm lâu đời khác để thành nhà đầu tư vào kỳ lân lớn nhất thế giới, theo báo Nikkei Asian Review.

Kỳ lân ngã vào thung lũng virus corona. Ảnh chụp màn hình

Dành nhiều tiền bạc và sức lực nuôi dưỡng những chú kỳ lân, Son mới đây công bố Vision Fund lỗ đến 18 tỉ USD. Tại buổi công bố tình hình tài chính trực tuyến ngày 18-5, Son trình bày kết quả đáng thất vọng kèm mô tả sống động tình cảnh của những chú kỳ lân công nghệ mà ông và Soft Bank đã đổ bao nhiêu tiền của vỗ béo và kỳ vọng.

“Những con kỳ lân vốn đang vất vả vượt đồi cao bỗng dưng gặp phải “thung lũng virus corona” và rơi xuống đó” - ông Son nói khi màn hình chiếu ảnh minh họa những chú kỳ lân ngã chỏng chơ trong “thung lũng tử thần” mang tên con virus gây ra đại dịch COVID-19.

Trước đại dịch, thế giới đã biết đến câu chuyện kỳ lân WeWork từng được định giá 47 tỉ USD “ngã quỵ” vì kết quả minh bạch hóa tài chính và hoạt động cho thấy công ty đầy vấn đề, đến mức phải hủy cả IPO. Vụ việc đã làm bộc lộ nhiều điểm yếu của WeWork nói riêng cùng các startup kỳ lân nói chung, và sự “yếu ớt” đó càng hiển lộ khi xảy ra cuộc khủng hoảng toàn cầu như dịch bệnh.

WeWork, cơn đau đầu của SoftBank, “ôm” một mớ văn phòng khi các công ty trên khắp thế giới chuyển sang làm việc từ nhà. Uber Technologies, một trong các con cưng được Vision Fund rót tiền, cũng bị ảnh hưởng bởi không ai đi xe trong thời các đô thị bị phong tỏa. Oyo, startup khách sạn của Ấn trong danh mục đầu tư của SoftBank, điêu đứng vì không còn du khách quốc tế do các nước đóng cửa biên giới.

Theo Nikkei, Son thừa nhận 15/88 công ty trong danh mục đầu tư của Vision Fund có thể phá sản, song vẫn kỳ vọng 15 công ty khác sẽ “sải rộng cánh bay cao hơn cả bầu trời”. “Khi bong bóng dot-com vỡ, vài công ty như Alibaba và Yahoo! tạo ra đến 90% giá trị cho chúng tôi và tôi nghĩ điều đó sẽ lại xảy ra lần này” - Son nói.

Thăm dò hồi tháng 4 của Hãng nghiên cứu Startup Genome không được lạc quan như thế, khi cho rằng 41% startup toàn cầu chỉ còn đủ tiền mặt để duy trì hoạt động trong 3 tháng hoặc ít hơn.

Lạc đà sáng giá

Trong những ngày startup chao đảo vì đại dịch, nhà đầu tư mạo hiểm và học giả Alex Lazarow miệt mài phổ biến khái niệm “startup lạc đà”, nội dung chủ đạo trong quyển sách ông dự kiến phát hành tháng này, Out-Innovate: How Global Entrepreneurs -- from Delhi to Detroit -- Are Rewriting the Rules of Silicon Valley (tạm dịch: Sáng tạo hơn: Các doanh nghiệp toàn cầu -- từ Delhi đến Detroit -- đang viết lại luật chơi ở Thung lũng Silicon như thế nào).

Ảnh: Wamda

Lazarow cho rằng có một hệ sinh thái startup nằm ngoài Thung lũng Silicon và các trung tâm tài chính lớn của thế giới, mà ở đó các công ty phải đối mặt với tình hình chính trị, kinh tế bất ổn định, thiếu tài nguyên, tài chính, không có hoặc khó tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, nguồn nhân lực có kinh nghiệm. Môi trường khắc nghiệt đó như sa mạc và chỉ có lạc đà mới có thể sống sót.

Lạc đà được chọn cho phép ẩn dụ này vì chúng không phải là sinh vật huyền thoại, mà là động vật có thật, có thể thích nghi sống ở môi trường khắc nghiệt như sa mạc. Lạc đà có thể đi xa mà không cần uống nước, nhưng khi được giải khát nó sẽ uống nhanh hơn bất kỳ động vật nào khác. Theo Lazarow, nhiều startup đã ứng dụng hiệu quả mô hình lạc đà, vượt qua khó khăn và đạt thành công toàn cầu.

Matthew Cowan, thành viên Công ty đầu tư mạo hiểm Next47, cũng nêu khái niệm startup lạc đà với 4 đặc tính: bền bỉ - có chiến lược tăng trưởng hiệu quả, thấu đáo, cẩn trọng - luôn có quỹ dự phòng bất trắc, quyết tâm - hướng đến mục tiêu lâu dài và đặt khách hàng trên hết.

Cowan nhận định đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng mạnh đến giới startup. “Các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ vẫn tiếp tục tìm kiếm startup để bỏ tiền, song việc gọi vốn thành công sẽ khó hơn trước đây. Với những ai chưa bắt đầu áp dụng tư duy lạc đà thì đây là lúc để làm điều đó” - Cowan viết trên trang crunchbase.com.

 

Lazarow đặt lạc đà bên cạnh kỳ lân là bởi môi trường cho startup làm ăn trong thời COVID-19 đang là “một sa mạc”, khi sức tiêu thụ chậm lại thì không còn những người sẵn sàng bỏ tiền mua những cổ phiếu bị định giá cao hơn giá trị thực tế. Theo trang Kauffman Fellows, đang trong sa mạc nhưng lại “chẳng có cây đèn thần nào”, giới lãnh đạo doanh nghiệp chỉ còn cách nhìn nhận lại tư duy “tăng trưởng bằng mọi giá” và tham khảo cách thành công của “startup lạc đà”.

Các đặc trưng của startup lạc đà là chỉ làm sản phẩm/dịch vụ thật sự cần thiết, tính giá vừa phải, không bung tiền trợ giá, chấp nhận lỗ để đổi lấy tăng trưởng, quản trị chi phí hợp lý, đặt mục tiêu phát triển bền vững, tầm nhìn dài hạn chứ không phát triển nóng kiểu “đốt tiền”.

Điều này hoàn toàn tương phản với đặc trưng của startup kiểu Thung lũng Silicon là ưu tiên tăng trưởng hơn lợi nhuận và luôn cần vốn từ các quỹ đầu tư để có thể tồn tại. Theo Lazarow, lối tiếp cận này chỉ dẫn đến 2 kết cuộc: hoặc đại thành công, hoặc hoàn toàn thất bại.

Kịch bản thất bại như sau: công ty chật vật trong nhiều năm, liên tục gọi vốn để có tiền theo đuổi mục tiêu tốn kém tăng trưởng bằng mọi giá với lời hứa hẹn tương lai sẽ có lợi nhuận đến khi nhà đầu tư mất kiên nhẫn hay có biến động kinh tế, chẳng hạn như khủng hoảng do đại dịch gây ra.

Trong khi đó, thay vì gây quỹ vô tội vạ, startup lạc đà có thể chủ động quyết định khi nào nên kêu gọi vốn, gọi từ ai, điều khoản thế nào. “Những startup lạc đà thông minh nhất gọi vốn với chiến lược tăng trưởng cụ thể và chỉ gọi đúng số mình cần” - Lazarow viết trên Medium.

Điều quan trọng là tư duy startup lạc đà vẫn có thể áp dụng cho các công ty khởi nghiệp trong lòng thung lũng công nghệ. Ứng dụng hội họp trực tuyến Zoom là một ví dụ khi IPO thành công, làm ăn có lãi và chỉ gọi đủ số vốn mình cần. Zoom chỉ gọi 146 triệu USD từ các quỹ đầu tư và hiện có giá trị vốn hóa khoảng 50,6 tỉ USD. Để so sánh, Airbnb gọi đến 4,5 tỉ USD và giá trị hiện tại chỉ là trên 30 tỉ USD.■

Lazarow lấy ví dụ Zoona, công ty tiền di động ở Zambia, để làm ví dụ về một startup lạc đà điển hình. Đồng sáng lập Zoona, Keith Davies, luôn có kế hoạch tài chính chi tiết với nhiều kịch bản khác nhau. Nhờ thế mà năm 2016, khi khủng hoảng tiền tệ xảy ra và đồng kwacha của Zambia mất giá hơn 70%, Zoona gần như không bất ngờ và vẫn tự tin trình bày được với các nhà đầu tư cùng cộng sự kế hoạch hành động ứng phó với khủng hoảng. Công ty thu hẹp quy mô, giảm tốc độ đầu tư và điều chỉnh chi phí.

Một đặc tính điển hình khác của startup lạc đà: đa dạng trong hoạt động, bỏ trứng nhiều giỏ. Lazarow mô tả startup Thung lũng Silicon giống như những con muỗi, chỉ có mục tiêu duy nhất. Trong khi đó, startup lạc đà đa dạng sản phẩm và có nhiều lựa chọn chiến lược khác nhau.

Chẳng hạn, VisionSpring, công ty xã hội chuyên cung cấp kính cho người nghèo, có 3 mảng kinh doanh: bán sỉ, bán qua trung gian và bán trực tiếp, hoạt động tại 6 thị trường. “Điều này giống như VisionSpring có đến 18 công ty khác nhau, mỗi công ty đều có quy mô và độ phát triển riêng - Lazarow viết - Các công ty phát triển hơn sẽ hỗ trợ các “anh chị em” mình và khi một công ty gặp khó khăn, VisionSpring vẫn còn trứng ở những giỏ khác”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận