Kỳ thị trong học thuật

NGUYỄN VĂN TUẤN 13/11/2012 22:11 GMT+7

TTCT - Một trong những câu hỏi người ta thường nghe trong các lớp tập huấn về xuất bản khoa học là: trong xuất bản khoa học có kỳ thị hay không? Trải nghiệm của tôi cung cấp một câu trả lời ngắn gọn là “có”.

Nhưng sự kỳ thị này xảy ra một cách âm thầm và tinh vi, chứ không trắng trợn.

“Không thầy đố mày làm nên”

Ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một suy nghĩ đơn giản về công bố khoa học. Không ít người nghĩ rằng họ có ý tưởng tốt, âm thầm làm nghiên cứu một mình và hi vọng đến ngày sẽ công bố cho toàn thế giới biết. Thế nhưng đến khi bài báo đệ trình cho tập san thì bị trả lại hay từ chối khéo rất nhanh. 

Những bạn này không nhận ra rằng cái thời làm nghiên cứu khoa học đơn lẻ, âm thầm và công bố một cách đột ngột như cách làm vào các thế kỷ trước không còn nữa. Ngày nay, bất cứ bạn nào, trẻ hay không còn trẻ, muốn bước chân vào trường khoa học thì phải hợp tác với một vài đồng nghiệp có kinh nghiệm trước khi trở thành độc lập. 

Các tác giả mới xuất hiện thường bị thiệt thòi. Một nhà khoa học chưa có tên tuổi rất khó công bố trên các tập san quốc tế, cho dù chỉ là công bố một lá thư. Muốn tạo dấu ấn trong khoa học, họ phải qua một trong hai vai trò: hoặc là làm nghiên cứu sinh, hoặc qua hợp tác với đồng nghiệp nổi tiếng.

Trong giới khoa học, khi một cái tên mới xuất hiện trên diễn đàn khoa học, câu đầu tiên người ta thường hỏi là “người này đến từ lab nào?”. Và tên của người hướng dẫn hay đồng nghiệp nổi tiếng chính là một cách nhận dạng lab đó.

Trong con đường thứ nhất, nhà khoa học có thể theo học tiến sĩ hay thạc sĩ với một người hướng dẫn đã thành danh. Trong giai đoạn học và nghiên cứu, và như là một yêu cầu, nghiên cứu sinh phải công bố nghiên cứu dưới sự đỡ đầu của người thầy/cô hướng dẫn. Sau khi đã công bố vài công trình, đã xuất hiện trong các hội nghị khoa học quốc tế và sau khi đã qua giai đoạn hậu tiến sĩ (postdoc), nghiên cứu sinh có thể trở thành một nhà khoa học độc lập.

Trong con đường thứ hai, đối với những người không theo đuổi học tiến sĩ hay thạc sĩ, họ vẫn có thể trở thành tác giả qua hợp tác với các đồng nghiệp có tiếng trong chuyên ngành. Trong thực tế, các đồng nghiệp này có khả năng làm nghiên cứu độc lập, nhưng vì chưa có tên tuổi nên họ khó công bố quốc tế. Vì thế, việc đứng tên chung (hay hợp tác nghiên cứu) với các đồng nghiệp đã thành danh là một cách thức tham gia “bộ lạc” (chuyên ngành) và có cơ hội góp tiếng nói trong chuyên ngành.

Số bài báo nhận được và tỉ lệ từ chối trên tập san Am J Roentgen

Nước

Số bài báo

Tỉ lệ từ chối (%)

Mỹ

2.252

28

Ðức

263

32

Canada

198

39

Anh

174

32

Pháp

153

38

Ý

152

41

Úc

60

45

Nhật

578

42

Hàn Quốc

457

35

Ðài Loan

131

54

Trung Quốc

123

42

Thụy Sĩ

110

25

Ấn Ðộ

79

73

Nguồn: Ehara S, Takahashi K. Am J Roentgen 2007; 188:W113-6


Xuất xứ của nghiên cứu


Ảnh: gladstoneinstitutes.org

Giáo sư Shinya Yamanaka (Nhật) đã nâng cao uy tín cho khoa học Nhật với công trình đoạt Nobel y sinh 2012 vì những khám phá liên quan đến tế bào gốc

Trong ngành y sinh học, các công trình nghiên cứu được thực hiện ở các nước đang phát triển (như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan...) thường khó công bố hơn là từ các nước đã phát triển. Nên nhớ rằng đại đa số tập san khoa học là ở các nước Âu Mỹ, và có lẽ trong suy nghĩ của các ban biên tập, những nghiên cứu từ các nước đang phát triển có nhiều vấn đề. Đối với người Mỹ, họ còn có một suy nghĩ rất “dễ thương”: cái gì mà Mỹ chưa làm là coi như thế giới chưa làm, hoặc chỉ có Mỹ làm mới có chất lượng hơn các nước khác!

Trong thực tế, các ban biên tập cũng có lý do để nghi ngờ những nghiên cứu từ các nước đang phát triển. Trong thời gian gần đây, những vụ ngụy tạo dữ liệu, đạo văn và vi phạm y đức ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ làm cho nhiều ban biên tập cảm thấy hoang mang khi nhận một bài báo từ các nước này.

Đối với các nước chưa có thành tích khoa học đáng kể như Việt Nam thì mối nghi ngờ càng lớn. Trong một công trình nghiên cứu về ăn chay và loãng xương ở Việt Nam, chúng tôi thiết kế nghiên cứu với chất lượng cao nhất, có thể nói là rất khó phê phán. 

Nhưng khi bài báo cáo đệ trình cho tập san y khoa hàng đầu trong ngành loãng xương thì bị một chuyên gia bình duyệt (reviewer) chất vấn rằng làm sao ở Việt Nam chúng tôi có thể đo mật độ xương, và tại sao số cỡ mẫu chính xác và cân đối đến khó tin như thế! Một chuyên gia bình duyệt khác thì viết bâng quơ rằng một vài câu chữ tiếng Anh có vẻ không chuẩn mực!

Cố nhiên, đây là một sự nghi ngờ và một cách gieo nghi ngờ (tiếng Anh). Trong phần hồi đáp, chúng tôi phải phản đối cách bình duyệt mà tôi gọi là “xúc phạm” và yêu cầu tổng biên tập không sử dụng chuyên gia này trong tương lai. 

Trong một công trình về dịch hạch ở Tây nguyên trên một tập san số 1 thế giới về dịch tễ học, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ban biên tập cho ba chuyên gia bình duyệt và phần nhận xét dài gần mười trang! Trong phần hồi đáp bình duyệt, chúng tôi phải cung cấp cả những hình ảnh trong các chuyến “điền dã” để thuyết phục họ rằng công trình được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và đúng phương pháp.

Tỉ lệ từ chối các bài báo khoa học dao động khá lớn giữa các nước. Bảng dưới đây trình bày tỉ lệ từ chối của tập san Am J Roentgen. Chẳng hạn như trong năm năm, tập san nhận 2.252 bài có xuất xứ từ Mỹ và trong số này 28% bị từ chối công bố. Những nước đã phát triển ngoài Mỹ có tỉ lệ từ chối cũng khá cao, như Úc và Ý (41-45%), tương đương với Trung Quốc. Hơn phân nửa bài báo từ Đài Loan bị từ chối. Riêng Ấn Độ có tỉ lệ từ chối lên đến 73%. 

Cố nhiên, những số liệu này vẫn chưa phải là bằng chứng để nói rằng có sự kỳ thị nơi nghiên cứu, nhưng rõ ràng các công trình từ Mỹ có tỉ lệ được chấp nhận cao nhất so với các nước khác (xem bảng biểu).

Có khi người ta còn nhận thấy có tinh thần quốc gia chủ nghĩa trong khoa học nữa. Trong một lần họp ban biên tập một tập san y khoa (mà tôi là thành viên), một thành viên phàn nàn một cách rất thẳng thắn (mà cũng rất ư phản khoa học) rằng có một số công trình nghiên cứu bạc triệu do NIH (tức Viện Y tế Mỹ) tài trợ mà bị tập san từ chối, và theo anh ấy, đó là một quyết định không phù hợp với tinh thần Mỹ! 

Cả ban biên tập, gần phân nửa là ngoài Mỹ, ngỡ ngàng trước sự phàn nàn của anh ấy! Dĩ nhiên, quan điểm của anh ấy không được chấp nhận. Nhưng ngay cả việc nêu vấn đề cũng nói lên tinh thần quốc gia chủ nghĩa trong khoa học.

Coi mặt đặt tên!


Ảnh: ABC

Giáo sư Hàn Quốc Hwang Woo Suk năm 2005 đã gây chấn động giới khoa học khi thú nhận đã bịa đặt các dữ liệu để công bố tạo ra được tế bào gốc phôi người bằng phương pháp nhân bản vô tính

Trong vài trường hợp hiếm hoi, kỳ thị tên họ cũng xảy ra. Theo đó, những nhà khoa học có tên gốc châu Á (ngoài Nhật) có thể bị thiệt thòi, vì đơn giản là... không thích. Những tác giả từ Iran thường than phiền rằng họ bị thiệt thòi chỉ vì Iran và các nước Âu Mỹ có vài bất đồng hay tranh chấp chính trị.

Một đồng nghiệp Thái Lan gửi bản thảo một công trình nghiên cứu (làm ở Thái Lan) cho một tập san hàng đầu về xương. Chỉ trong vòng hai tuần, bài báo bị từ chối một cách lịch sự. Khoảng sáu tháng sau, bài báo được đệ trình với vài thay đổi nhỏ nhưng có tên của các chuyên gia trong lĩnh vực, và kết quả là bài báo được gửi ra ngoài bình duyệt! 

Bài đó có kết quả “có hậu”, tức sau khi bình duyệt hai lần thì được chấp nhận cho công bố và trở thành một trong những công trình mà tác giả nhận được giải thưởng của vua Thái Lan.

Một đồng nghiệp khác ở Viện Garvan (Úc) thuật một thí nghiệm rất thú vị khác cũng liên quan đến vấn đề kỳ thị tên họ. Thí nghiệm được thực hiện như sau: một báo cáo nghiên cứu được soạn rất công phu, nhưng thay vì ký tên thật, bà quyết định ký tên họ của một người (giả tưởng) gốc châu Phi. Bài báo được gửi cho tập san Medical Journal of Australia (của Hiệp hội Y khoa Úc). Bài báo bị từ chối một cách lịch sự và còn kèm theo vài phê bình về... tiếng Anh.

Vị đồng nghiệp của tôi chờ đến gần một năm sau và gửi lại (hoàn toàn không thay đổi nội dung), nhưng lần này bà ký tên thật (bà là một giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực tiểu đường) và bài báo được gửi bình duyệt và chấp nhận cho công bố. Dĩ nhiên, không có phê bình bâng quơ về tiếng Anh!

Nói tóm lại, cũng như bất cứ cộng đồng nào, cộng đồng học thuật cũng có kỳ thị. Sự kỳ thị xảy ra mà tác giả không hề hay biết. Mặt khác, những người đóng vai trò biên tập và quyết định công bố hay từ chối bài báo cũng không nghĩ rằng hành động của họ là kỳ thị mà nhân danh chất lượng. Rất khó loại bỏ ba vấn đề nêu trên, chúng ta phải sống với các vấn đề này một cách sáng suốt. 

Điều này có nghĩa là lúc nào cũng khởi đầu bằng những hợp tác hay theo học với các đồng nghiệp danh tiếng và từng bước tạo uy tín trong chuyên ngành.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận