Làn sóng thứ hai của dịch bệnh: Lời nhắc nhớ từ trăm năm trước

YÊN LAM 01/08/2020 23:08 GMT+7

TTCT - Làn sóng thứ hai của dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra ở Mỹ vào ba tháng cuối năm 1918, với số ca nhiễm khiến bệnh viện và nhân viên y tế khắp nước quá tải, và số người chết không kịp chôn.

Những hình ảnh tương đồng trong đại dịch 1918 và 2020. Ảnh: Getty Images
Những hình ảnh tương đồng trong đại dịch 1918 và 2020. Ảnh: Getty Images

“Vào thời điểm kết thúc tháng 8 bước sang tháng 9-1918, không ai nghĩ rằng sắp có một đợt cúm chết người quét khắp Texas và phần còn lại của nước Mỹ với tốc độ và sự chết chóc của một cơn bão” - tác giả David Tarrant viết trên The Dallas Morning News ngày 3-7.

Bằng cách lục lại tư liệu lưu trữ từ báo chí lúc bấy giờ, Tarrant dựng lại cách mà làn sóng thứ hai của dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra: làn sóng thứ nhất kết thúc sớm và không đáng kể dẫn đến chủ quan, giới chức y tế phớt lờ, thậm chí coi thường dịch bệnh và thái độ phản kháng với các biện pháp phòng bệnh của người dân.

Làn sóng thứ nhất "nhẹ nhàng"

Các chuyên gia tin rằng đại dịch năm 1918 xuất phát từ hạt Haskell (bang Kansas) và nhanh chóng lan sang trại Funston, một trung tâm huấn luyện dành cho lính quân dịch mới tuyển để tham gia Chiến tranh thế giới lần I.

Mùa xuân năm ấy, thanh niên khắp nước phải vào các trại như vậy, nơi họ cùng ăn, cùng ngủ, cùng luyện tập trong các khu khép kín. Các binh sĩ mang theo virus trong người khi di chuyển từ căn cứ này sang căn cứ khác, và lên tàu sang châu Âu chiến đấu. Virus làm bùng phát dịch ở hàng chục điểm khắp nước Mỹ, lan sang cuộc chiến ở châu Âu, làm giảm quân số cả hai phe tham chiến. Nhiều sử gia tin rằng bệnh cúm đã buộc cuộc chiến kết thúc sớm hơn.

Bệnh dịch vào mùa xuân lúc đó là một phiên bản nhẹ hơn so với làn sóng thứ hai, chủ yếu ảnh hưởng đến binh sĩ. Thường dân nhìn chung không bị “phơi nhiễm” và vì thế có ít, nếu không muốn nói là không hề có miễn dịch với virus này.

John Barry, tác giả quyển The Great Influenza: The Story of the Deadliest Plague in History, cho rằng trận cúm ảnh hưởng khoảng một nửa các doanh trại quân đội ở Mỹ, trong khi có rất ít ca ghi nhận ở các khu vực dân sự.

Điều này sẽ thay đổi chóng mặt khi bước sang mùa thu năm 1918.

Làn sóng thứ hai "không đỡ kịp"

Mùa hè 1918, dịch bệnh, lúc này đã được gọi tên là cúm Tây Ban Nha, gần như hoàn toàn bị quên lãng. Đến cuối tháng 9, làn sóng thứ hai của bệnh cúm, lần này chết chóc hơn, quét khắp nước Mỹ, với Dallas và nhiều thành phố lớn khác bị ảnh hưởng nặng nề.

Các quan chức y tế Dallas dường như không lo lắng gì trước dịch bệnh tái bùng phát. Người đứng đầu ngành y tế Dallas lúc bấy giờ, A. W. Carnes, cho rằng dịch bệnh đang lan nhanh kia chẳng hơn gì bệnh cảm thông thường. Vào cuối tháng 9, tờ The News có bài “Nỗi sợ bệnh cúm đang suy giảm”, vì chỉ có “một vài ca nhiễm cá biệt” được báo cáo với bệnh viện cấp cứu thành phố.

Chính quyền Dallas còn cho phép tổ chức một sự kiện đông người, cuộc tuần hành Liberty Loan, thổi bùng mồi lửa thảm họa vốn sẵn chực chờ. Khi chiến tranh xảy ra ở châu Âu, người Mỹ được vận động đóng góp bằng cách mua trái phiếu chiến tranh, một cách để công chúng cho chính phủ vay tiền để chi trả cho cuộc chiến.

Các thành phố ở Mỹ tổ chức các cuộc diễu hành và tuần hành Liberty Loan để vận động người dân mua trái phiếu. Sáng 28-9-1918, hàng ngàn người đổ về khu trung tâm để chứng kiến 5.000 thường dân và 2.500 quân nhân diễu hành. Đó là một sự kiện đông vui hiếm thấy ở Dallas với những tiếng reo hò, ca hát, vỗ tay.

Kết quả là gì khi náo nhiệt đã qua? Các ca nhiễm cúm tăng vọt, theo bài viết ngày 4-10-1918 của The News. Tổng cộng 76 ca mới được ghi nhận trong ngày 3-10, gấp đôi con số trong hai ngày trước đó. The News cũng đưa tin thành phố có ca tử vong đầu tiên cũng trong ngày 3-10. Nạn nhân Pierpont Balderson, 15 tuổi, bị cúm và chết tại bệnh viện vì viêm phổi.

Thiệt hại nặng nề

Làn sóng thứ hai gây ra nhiều ca tử vong nhất trong đại dịch đó - khoảng 50-100 triệu người toàn thế giới, theo ước tính của các chuyên gia. Ở Mỹ, 675.000 người chết vì virus cúm Tây Ban Nha. Riêng trong tháng 10-1918, gần 200.000 người Mỹ đã chết.

Cuộc tuần hành Liberty Loan hóa ra lại “gieo rắc thảm họa ở bất cứ nơi nào mà nó được tổ chức” - tiến sĩ Peggy Redshaw, giáo sư Đại học Austin, nói. Bất chấp lãnh đạo thành phố thúc giục và thực tế rằng các trại lính gần đó đều đã cách ly binh sĩ bị bệnh, ông Carnes vẫn chưa muốn áp lệnh phong tỏa.

Ngày 12-10, thị trưởng Dallas Joseph Lawther phải tự mình hành động: yêu cầu tạm dừng mọi việc tụ tập đông người, đóng cửa trường học và nhà thờ. Trong ngày hôm đó, bệnh viện cấp cứu thành phố ghi nhận 725 ca nhiễm; tổng số ca lúc đó đã là 3.444, gấp gần 20 lần so với 185 ca cách đó có 9 ngày. Quân đội cũng ghi nhận gần 2.000 ca nhiễm và 4 ca tử vong trong ngày 6-10.

Bệnh dịch tấn công cả người giàu lẫn người nghèo, bác sĩ y tá cũng không thoát. Có nhiều gia đình mà cả nhà nhiễm bệnh. Virus tiếp tục gây chết chóc cho đến tháng 12. Sau đó còn xảy ra một làn sóng thứ ba, dù ngắn ngủi, và dịch bệnh chính thức suy yếu vào mùa xuân năm 1919.

Các chuyên gia tin rằng có rất nhiều ca tử vong không được ghi nhận chính thức, do lẽ “việc thu thập dữ liệu rất tệ”, theo lời chuyên gia Redshaw của Đại học Austin. “Người ta không thể theo dõi được các con số. Số người chết nhiều đến choáng ngợp. Nhiều ca tử vong ở vùng nông thôn không hề được tính đến” - Redshaw nói.

Theo lịch sử cơ quan y tế Dallas, viết năm 1941, nhiều người chết hơn số được sinh ra trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12-1918, một điều chưa hề có tiền lệ.

Tương đồng với hôm nay

Cũng như cách đây hơn 100 năm, thế giới hiện tại đang chật vật đương đầu với một chủng virus chưa có vaccine. Tính đến hết tuần qua (26-7), toàn thế giới đã có hơn 16,2 triệu ca nhiễm và gần 650.000 người chết vì COVID-19.

Vì dịch cúm năm 1918 chóng tàn sau mùa xuân và chỉ bùng phát trở lại vào mùa thu, người ta từng nghĩ nhiệt độ nóng vào mùa hè có tác động lên virus. Trên thực tế, Barry tin rằng tính dễ mắc bệnh (susceptibility) của dân số quan trọng hơn yếu tố mùa.

Theo chuyên gia này, việc tiếp xúc với virus trong làn sóng thứ nhất sẽ phần nào được bảo vệ trước làn sóng thứ hai, với nguy cơ mắc bệnh giảm gần 90%. Người dân Mỹ đã không có được sự bảo vệ đó, “bởi nếu thế thì ta có lẽ đã có một làn sóng thứ hai ít nguy hiểm hơn”.

Logic của Barry: dịch bệnh đã không lây lan nhiều trong làn sóng thứ nhất, dẫn đến số người dễ mắc bệnh rất lớn, và nhiều trong số đó đã trở thành nạn nhân của làn sóng thứ hai. “Tôi cho rằng có sự tương đồng giữa dịch năm 1918 và ngày nay: trong cả hai trường hợp, ta đều có tỉ lệ dân số dễ mắc bệnh rất lớn” - ông nói.

Với đại dịch của năm 2020, Barry cho rằng các nơi như Florida, Arizona, Texas và Brazil đều có số ca nhiễm tăng mạnh, ngay cả khi nhiệt độ tăng. “Nhiệt độ là một yếu tố, nhưng tính dễ mắc bệnh lại quan trọng hơn nhiều” - ông giải thích.

Một yếu tố tương đồng khác là cách công chúng phản ứng với các mệnh lệnh y tế. Năm 1918 cũng có hiện tượng chống đối yêu cầu mang khẩu trang và lệnh giới hạn thực hành tôn giáo nơi công cộng y như ngày nay.

“Đã có rất nhiều phản kháng, đặc biệt là khi một thành phố dỡ bỏ các lệnh giới hạn, rồi lại tái áp đặt chúng - Barry nói - Ở San Francisco, có người thậm chí còn gửi bom đến cơ quan y tế sau khi họ ban hành trở lại lệnh mang khẩu trang”.

Virus của đại dịch 2020 cũng đang lây lan nhanh gần như virus cúm năm 1918. Và vì chưa có vaccine lẫn miễn dịch cộng đồng rộng khắp, virus chắc chắn sẽ tiếp tục lây lan, gieo rắc sự chết chóc. “Cuối cùng thì lý do các đại dịch cúm đến theo từng làn sóng là vì chúng luôn tìm đến nơi mới, với những người dễ tổn thương mới - Redshaw nói - Nó sẽ còn trở lại mãi cho đến khi nào hết người dễ lây mới thôi”.■

Trong một phát biểu gần đây, nhà dịch tễ học Robert Haley thuộc Trung tâm y khoa UTSW (Đại học Texas) cho rằng dịch cúm 1918 là “đại dịch lớn và tàn khốc nhất trong lịch sử thế giới”. Theo Haley, thứ khiến dịch cúm 1918 nguy hiểm là khả năng đột biến sang chủng mới và tiếp tục gieo rắc chết chóc. Trong những trường hợp tệ nhất, “ta mắc bệnh vào buổi sáng, trở nên nguy kịch vào ban chiều và đến tối thì chết”.

Vì không có phương thức chữa trị, giới chức vào năm 1918 phải ban hành các biện pháp phòng ngừa mà ngày nay ta chẳng lạ gì: đeo khẩu trang, rửa tay, tránh xa đám đông. Các trường học, rạp phim, tiệm bida, sàn nhảy phải đóng cửa. Quảng cáo trên báo và bích chương yêu cầu người dân che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bắt đầu xuất hiện.

“Khác biệt trong khuyến cáo phòng bệnh [giữa xưa và nay] ít đáng kinh ngạc - tiến sĩ Redshaw nói - Mục đích của mọi biện pháp là kéo dài thêm thời gian để các nhà khoa học biết được phải làm gì”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận