Lao động hậu xuất khẩu: Một cách làm của người Nhật

HỒ VĂN 25/10/2011 22:10 GMT+7

TTCT - Đưa người sang Nhật lao động là chuyện bình thường, gần đây một số công ty Nhật còn cất công sang VN tìm cách đưa những lao động từng làm việc ở Nhật vào làm cho các công ty Nhật tại VN, thậm chí chọn làm giám đốc...


Phỏng vấn tu nghiệp sinh sang Nhật lao động - Ảnh: Hồ Văn

Đùng một cái… lên giám đốc

Trong một số buổi giao lưu dành cho người từng xuất khẩu lao động qua Nhật tổ chức gần đây tại TP.HCM, chúng tôi thật sự bất ngờ khi gặp lại nhiều đồng nghiệp trước đây cùng đi xuất khẩu lao động, nay trở thành giám đốc công ty này, đại diện công ty kia. Một kết cục “có hậu” tuyệt vời không phải người đi lao động nào cũng may mắn có được. 

Anh Vũ Văn Biềng, một lao động xuất khẩu, giờ là giám đốc giám sát Công ty giấy dán tường Anh Đào do tập đoàn ở Nhật Bản đầu tư vào VN. 

“Khi còn làm việc ở Nhật Bản chúng tôi có nghe ông giám đốc Công ty Sanup (chuyên về trang trí nội thất, giấy dán tường) có ý định đầu tư vào VN và tiếp nhận các lao động như chúng tôi khi trở về. Chúng tôi không tin lắm vì có lẽ nào họ tốt đến thế, nhưng nay tôi đang là người điều hành công ty với cương vị giám đốc giám sát. Cứ như trong mơ” - anh Biềng tâm sự.

Trong buổi giao lưu, ông Yanagi Seiichi, tổng giám đốc Công ty Sanup, cho biết: “Ba năm làm việc tại Nhật, Biềng ham học hỏi, tay nghề phát triển rất nhanh và là người có đạo đức tốt nên chúng tôi tin tưởng giao cho cậu ấy một vị trí quan trọng trong công ty ở VN. Chúng tôi cũng cử nhân viên người Nhật qua đây làm việc và cũng phải dưới sự quản lý của Biềng vì cậu ấy giỏi hơn họ”.

Còn Lê Văn Tiền, quê Bến Tre, là một trường hợp khác được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc sau ba năm lao động ở Nhật Bản. Với kinh nghiệm và chút vốn liếng tiếng Nhật, Tiền có ý định sẽ tìm việc tại một công ty Nhật ở Bến Tre nhưng “thật bất ngờ, Công ty Ikeda - nơi tôi làm việc tại Nhật - đã gọi điện qua đề nghị tôi giữ chức giám đốc điều hành chi nhánh của công ty tại TP.HCM. Mừng như bắt được vàng, tôi nhận lời ngay!” - Tiền nhớ lại.

Sẽ là lãng phí

Giám đốc điều hành Lê Văn Tiền chính là một trong 19 tu nghiệp sinh hoàn thành chương trình tu nghiệp và thực tập kỹ năng ba năm tại Nhật về nước hồi đầu năm nay. 19 tu nghiệp sinh này đã được Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IMM) làm lễ tuyên dương tại Hà Nội và trao cho mỗi người số tiền hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng 600.000 yen (tương đương 120 triệu đồng vào thời điểm đó). Không chỉ thế, các tu nghiệp sinh này sau đó đã được IMM liên hệ với các công ty Nhật tại VN nhận vào làm việc.

Trong buổi họp mặt giao lưu gần 200 lao động VN từng làm việc cho Tập đoàn Kanto ở Nhật được tổ chức tại TP.HCM, ông Fukuda, tổng giám đốc tập đoàn, chia sẻ: “Chúng tôi biết sau khi trở về các em số thì thất nghiệp, số thì làm trái nghề, số khác muốn trở lại Nhật làm việc tiếp. Chúng tôi đã liên hệ với các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào VN tiếp nhận các lao động này vào làm việc”.

Theo ông Fukuda, không thể để lãng phí nguồn lực đã qua đào tạo, có tay nghề khá, giỏi, nhất là được đào tạo theo công nghệ Nhật. “Nhưng chưa có cầu nối để các em đến với doanh nghiệp Nhật trong nước, nên chúng tôi qua VN để làm việc này” - ông Fukuda nói.

“Nhìn lại chương trình trao đổi lao động giữa hai nước, chúng tôi rất buồn khi đa số lao động VN làm việc ở Nhật trở về đều thất nghiệp. Nhiều lao động không phát huy được tay nghề đã học hỏi từ Nhật vì không có việc hoặc vì làm trái nghề” - ông Yanagi Seiichi tâm sự. Vị tổng giám đốc này cho biết trong năm tới sẽ có tám lao động của công ty hoàn thành hợp đồng ở Nhật về VN, Công ty Anh Đào sẽ tiếp nhận hết các lao động này.

Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, tính từ khi triển khai chương trình năm 2006 đến nay đã có hơn 700 lao động VN qua Nhật làm việc theo chương trình của IMM.

Người Nhật nghĩ đơn giản: sẽ thật lãng phí nếu để những lao động có tay nghề này thất nghiệp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận