Loay hoay với chuẩn

LAN ANH - NGỌC HÀ 05/12/2015 18:12 GMT+7

TTCT - Đào tạo y dược đã trở nên “bình dân” hơn? Sau sự kiện ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội được Bộ GD-ĐT cho tuyển sinh ngành y dược, dư luận ồn ào phản đối, người bệnh lo ngại chất lượng bác sĩ trong tương lai, bản thân các bác sĩ, dược sĩ chán nản vì những chuẩn mực của nghề đang bị lơi lỏng, từ điểm tuyển đầu vào, sự khó nhọc trong thời gian học tập đến thực tế hành nghề.

 

Sau nhiều năm ĐH Y Hà Nội phải “đong đếm” từng nửa điểm, 27,5 điểm trở lên mới đậu bác sĩ đa khoa, giờ đây đã có những trường ngay ở Hà Nội sẵn sàng tuyển sinh đào tạo bác sĩ đa khoa với điểm đầu vào là 20, thậm chí dưới 20.

Đầu vào “vênh” 5-7 điểm, đầu ra “hòa cả làng”?

Sự thật là trong các mùa tuyển sinh trước đó đã có không ít trường ĐH đa ngành, ĐH ngoài công lập tuyển sinh ngành y ở dưới mức 20 điểm. Năm 2012 - 2013, Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) tuyển sinh ngành bác sĩ đa khoa với mức điểm chuẩn 17. Thậm chí với ngành dược, năm 2014 Trường ĐH Thành Đô còn lấy mức điểm chuẩn bằng đúng điểm sàn là... 13 điểm.

Phản hồi trước nhận định chung cho rằng đầu vào thấp hơn mức chung khó có được đầu ra đảm bảo, PGS Lê Văn Truyền - nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, nay đảm nhiệm chức trưởng khoa dược ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - cho rằng trường ông không đào tạo như khoa y dược của ĐH Quốc gia Hà Nội.

“Ở đó họ chỉ tuyển 50 sinh viên/năm, đào tạo dược sĩ chủ yếu nghiên cứu và chế tạo thuốc mới, lấy thí sinh từ 24 điểm trở lên. Trường tôi không nhằm đào tạo lực lượng đó. Cần phải phân tầng xem các dược sĩ làm những công việc gì” - ông nói và cho rằng sử dụng người đã được đào tạo y, dược chí ít sáu năm ở trường ĐH còn hơn là phải “để người dân rơi vào tay lang băm” và “không thể so sánh bác sĩ tuyến xã với giáo sư ở Bệnh viện Bạch Mai”.

“Nên nghĩ tới việc 30.000 nhà thuốc không phải nhà thuốc nào cũng có dược sĩ, hơn là đòi hỏi những dược sĩ đều làm trong các phòng nghiên cứu khoa học” - ông Truyền nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dù hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội lý giải việc trường lấy điểm xét tuyển ngành y đa khoa chỉ 20 điểm, thấp hơn phổ điểm chuẩn chung các trường y, dược truyền thống, nhưng vẫn là “điểm số tương đối cao so với điểm sàn ở mức 15 điểm” và nhà trường “coi trọng đầu ra hơn đầu vào”, nhưng nỗi lo lắng về thế hệ bác sĩ được đào tạo từ những trường ĐH mới mở ngành y đã lấy điểm chuẩn thấp hơn bình thường vẫn canh cánh trong những người tâm huyết với giáo dục.

Một ngành đặc thù, đào tạo nhân lực để chăm sóc sức khỏe, nâng niu tính mạng cho nhân dân mà điều kiện đầu vào quá thấp thì lấy gì đảm bảo?” - GS Lương Xuân Hiến nêu câu hỏi.

Năm 2013, ĐH Y Hà Nội từng đau đầu về điểm chuẩn khi điểm chuẩn dự kiến được đặt ra là 28 điểm. Trường này đã phải “xin” thêm Bộ GD-ĐT 150 chỉ tiêu ngoài ngân sách, có mức học phí cao hơn để tuyển những thí sinh đạt 26 - 27,5 điểm nhưng không được Bộ GD-ĐT đồng ý vì chính sách này đã chấm dứt từ mấy năm trước.

Từ năm 2014, Trường ĐH Y Hà Nội đành phải đề xuất thu hẹp chế độ tuyển thẳng học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, dành suất cho thí sinh dự kỳ thi bình thường đạt điểm cao.

Năm 2015, đối tượng tuyển thẳng ngành y đa khoa dù được rút gọn chỉ dành cho thí sinh đoạt giải nhất quốc gia môn toán, hóa, sinh (quy định chung của Bộ GD-ĐT là học sinh đoạt giải ba quốc gia trở lên sẽ được tuyển thẳng vào ĐH) thì điểm chuẩn ngành y đa khoa Trường ĐH Y Hà Nội vẫn đạt mức kỷ lục: 27,75 điểm.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, với mặt bằng điểm tuyển đầu vào này, chất lượng bác sĩ đầu ra sẽ có độ vênh do điểm đầu vào các ĐH Y dược truyền thống đã cao hơn, họ lại có đủ giảng viên có kinh nghiệm và thiết bị giảng dạy.

Ngay với các trường ĐH Y có truyền thống như vậy mà khi ra trường bác sĩ cũng chưa làm việc độc lập được ngay, cần thêm một giai đoạn đào tạo thực tế tại bệnh viện, nay với bác sĩ tương lai thiếu đủ thứ từ giai đoạn đầu vào, chất lượng đầu ra e rằng sẽ càng kém cỏi”.

Không bình thường?

GS Trần Phương, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho rằng dư luận “thiếu công bằng” với việc trường được mở ngành y, dược. Ông viện dẫn tiền lệ này ở nhiều trường khác.

Hiện đã có khoảng 10 trường ĐH đa ngành (8/10 trường là ngoài công lập), một số trong đó lâu nay chật vật tuyển sinh cũng được đào tạo ngành y dược, với điểm chuẩn đầu vào thấp hơn nhiều mặt bằng chung của các trường y dược.

Cuối năm 2014, chính Bộ GD-ĐT đã có văn bản “tuýt còi” tạm ngưng mở ngành y dược ở trường đa ngành, không chuyên y dược vì lấn cấn về khâu chất lượng đào tạo và chất lượng bác sĩ. Tuy thế chưa đầy một năm sau, chính Bộ GD-ĐT lại ra quyết định mở ngành y dược cho ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội. Vì vậy thật khó chứng minh được đây là... chuyện bình thường.

Điều kiện Bộ GD-ĐT đặt ra là trường muốn mở ngành phải đảm bảo đội ngũ giảng viên với tối thiểu một giảng viên có trình độ tiến sĩ và ba giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký. Với điều kiện này, khi rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng, Bộ GD-ĐT đã phát hiện hàng trăm ngành đào tạo ĐH không đáp ứng đủ nhu cầu.

Với riêng ngành y đa khoa, khi tình trạng đào tạo có dấu hiệu lộn xộn, chất lượng đào tạo chưa thật sự đảm bảo, Bộ Y tế đã “kiến nghị” Bộ GD-ĐT nâng chuẩn điều kiện mở ngành lên tối thiểu 50 giảng viên trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất có 6 tiến sĩ.

GS Lương Xuân Hiến, hiệu trưởng ĐH Y dược Thái Bình, thừa nhận việc đào tạo ngành y đa khoa đòi hỏi đội ngũ giảng viên thật sự mạnh, không thể chỉ đặt tiêu chí một tiến sĩ, ba thạc sĩ là đủ đáp ứng mở ngành.

Ngành y đa khoa mà ĐH Y dược Thái Bình đang đào tạo có đến hơn 30 bộ môn, nên yêu cầu mở ngành chung với tối thiểu bốn giảng viên như trên là “không thể đáp ứng” trong khi bộ môn nào cũng đòi hỏi số lượng giảng viên đạt trình độ tiến sĩ nhất định. Dù có truyền thống đào tạo ngành y dược lâu năm, đến nay ĐH Y dược Thái Bình cũng mới có 45 tiến sĩ, 180 thạc sĩ trong tổng số gần 400 cán bộ giảng dạy, không đủ so với yêu cầu đào tạo.

Theo ông Nguyễn Minh Lợi - phó cục trưởng Cục Khoa học - công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), ở các trường có truyền thống đào tạo ngành y dược, một bộ môn nội chẳng hạn cũng cần tách ra đào tạo chuyên môn (nội chung, nội tim mạch, nội hồi sức cấp cứu...) vì y khoa cần chuyên môn thật sâu mới vững vàng trong điều trị.

Với lực lượng giảng viên ít ỏi, các trường mới chỉ có khoa nội chung, không thể đủ giảng viên đào tạo các lĩnh vực chuyên khoa sâu. Nhìn danh sách giảng viên khoa y của ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội thấy nhiều vị có học hàm tiến sĩ, phó giáo sư nhưng đều là những người nhiều năm làm công tác quản lý, như ông L.A.T. nhiều năm làm giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bà N.T.B.Đ. và N.P.Y.N. nhiều năm làm giám đốc bệnh viện, ông L.K.S. nhiều năm làm công tác quản lý ở cấp bộ...

Trong khi đó trao đổi với TTCT, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), lại cho rằng đề xuất về điều kiện mở ngành y đa khoa cần đến 50 giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên của Bộ Y tế là “chưa thật sự có đủ cơ sở”.

Vì vậy hiện tại trong khi xem xét mở ngành, Bộ GD-ĐT “tham khảo công văn đề nghị của Bộ Y tế”, yêu cầu điều kiện mở ngành y đa khoa phải có ít nhất 6 tiến sĩ, nhưng số lượng thạc sĩ không nhất thiết phải đảm bảo số lượng 50 người.

Bộ GD-ĐT giải thích do việc đầu tư cho đào tạo ngành y rất tốn kém, nên những năm gần đây Nhà nước không còn đầu tư mở mới ngành này, thậm chí cũng không đầu tư để mở rộng quy mô đào tạo ngành y ở các trường truyền thống.

Xu hướng phát triển đào tạo ngành y sẽ chủ yếu tập trung ở các trường ngoài công lập, các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đảm bảo đầy đủ yêu cầu chuyên môn và có đầy đủ ý kiến từ cơ quan quản lý chuyên môn là Bộ Y tế trong quá trình thẩm định và trước khi mở ngành” - bà Phụng nói.

Thực tế lại có câu trả lời khác. Ngay cả trường ĐH đa ngành, ngoài công lập mới nhất được Bộ GD-ĐT cấp phép mở ngành y đa khoa “khoe” rằng đã đầu tư 80 tỉ đồng cho việc mở ngành y dược thì việc mua sắm thiết bị cũng mới ở mức đáp ứng 1-2 năm đầu. Hơn một tháng trước, đoàn thẩm định liên bộ GD-ĐT - Y tế từng đặt ra yêu cầu Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cần “bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành thí nghiệm theo góp ý”. Đến nay khi trường đã được mở ngành, hiệu trưởng trường này giải thích trường chưa thể mua hết thiết bị!

Điểm chuẩn riêng cho khối ngành y dược?

Theo ông Nguyễn Minh Lợi, nên có điểm sàn riêng cho khối ngành y dược, bên cạnh đó cần bổ sung tiêu chí mở ngành cho đào tạo y dược (tiêu chí mở ngành chung hiện nay chỉ cần một tiến sĩ và ba thạc sĩ).

Bộ Y tế đã đề xuất với Bộ GD-ĐT về tiêu chí mở ngành, trong đó có khuyến cáo về số lượng giảng viên cơ bản là 50 người có trình độ thạc sĩ trở lên, tối thiểu trong đó có 6 tiến sĩ với các trường có đề xuất mở ngành y. Tuy nhiên, những văn bản này chưa được thể chế hóa. Khi đi kiểm tra các trường mới mở đào tạo y khoa ở khu vực Đông Nam bộ, chúng tôi đều thấy so với khuyến cáo của Bộ Y tế thì số lượng giảng viên đều chưa đủ” - ông Lợi cho biết.

Dự kiến Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT sẽ sớm tiến hành một đợt hậu kiểm về chất lượng đào tạo y dược tại các trường có đào tạo ngành học này, trước hết ở những trường mới mở và có nghi ngại về chất lượng. Có khoảng chín trường được cho phép đào tạo y dược trước đó, song Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế chưa từng hậu kiểm.

Bộ Y tế cũng chỉ mới tham gia thẩm tra điều kiện mở ngành lần đầu tiên ở Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội vào tháng 10 và khẳng định với chín trường mở ngành trước đó, họ không được tham khảo ý kiến. Và trong khi ngành y phàn nàn về việc sử dụng nhân lực đầu ra nhưng không quyết định được chuyện đầu vào thì ông Nguyễn Tiến Quyết, nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức, tâm sự ngay sinh viên y các trường có truyền thống giờ cũng có rất ít cơ hội thực tập vì nhiều bệnh viện không đủ chỗ và điều kiện giúp họ làm việc này. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận