Lối tắt cho nền hòa bình bền vững

HẢI MINH 31/12/2017 07:12 GMT+7

TTCT - Châu Á của năm 2017 đã trở thành động lực phát triển kinh tế toàn cầu, với những nền kinh tế lớn thứ hai (Trung Quốc) và ba (Nhật Bản) của thế giới, và là khu vực tăng trưởng nhanh nhất (5,5% so với 3,6% của cả thế giới). Tuy nhiên, về mặt chính trị, những bước tiến đã không được ấn tượng như thế.

Hi vọng về một khu vực hòa bình bền vững sẽ cần sự đồng quy tương đối về những hệ giá trị. -Ảnh: trekearth.com
Hi vọng về một khu vực hòa bình bền vững sẽ cần sự đồng quy tương đối về những hệ giá trị. -Ảnh: trekearth.com

 

Những báo cáo cuối năm của Freedom House hay Economist Intelligence Unit (EIU) đã vẽ nên một bức tranh khá ảm đạm cho tình trạng của dân chủ ở châu Á trong năm 2017.

Mỗi quốc gia châu Á đều đang có những vấn đề riêng trong quản trị nhà nước và trao quyền nhiều hơn cho người dân. Chính quyền Campuchia bị cáo buộc tấn công phe đối lập và đóng cửa các tờ báo độc lập.

Ở Philippines, chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte hứng chịu nhiều chỉ trích vì các vụ thanh toán không qua xét xử. Tại Ấn Độ, các tổ chức xã hội dân sự kêu gọi chính quyền trao thêm không gian cho những tầng lớp dưới và lắng nghe người dân tốt hơn.

Ở Myanmar, nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và chính phủ của bà gặp nhiều trắc trở vì cuộc khủng hoảng không hồi kết với người Hồi giáo thiểu số Rohingya.

Nước láng giềng của Myanmar, Thái Lan, vẫn chưa thể có một chính quyền dân sự sau gần 4 năm trong tay một chính quyền quân sự. Hàn Quốc lần đầu tiên chứng kiến việc phế truất một tổng thống đương chức vì những sai phạm nghiêm trọng...

Nhìn trong một khoảng thời gian dài hơn, đã có những cải thiện nhất định trong việc trao quyền rộng rãi hơn cho người dân ở khu vực, nhưng tiến bộ còn rất khiêm tốn. Lấy ví dụ, theo Chỉ số dân chủ của EIU, điểm số ở khu vực châu Á tăng từ 5,05 năm 2006 lên 5,41 năm 2016, nhưng còn dưới mức chung của toàn cầu: 5,52, và chắc chắn chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế của khu vực.

Cả mục tiêu lẫn động lực

Sau một giai đoạn phát triển kinh tế tương đối nhanh và bền vững, có lẽ đã tới lúc những quốc gia châu Á, cả lớn lẫn nhỏ, dành sự quan tâm xứng đáng hơn cho dân chủ và các quyền dân sự. Bản thân quyền bầu cử hay tự do ngôn luận đã là một điều tốt đẹp.

Còn hơn thế, những điều đó có triển vọng đóng góp thực tế vào tăng trưởng kinh tế bền vững và bình đẳng hơn, nhất là khi với nhiều nước trong khu vực, các động năng lao động giá rẻ, xuất khẩu, tăng trưởng dựa trên tài nguyên và tăng trưởng theo chiều rộng không còn mạnh mẽ như trước.

Quan trọng không kém, về địa chính trị, việc xây dựng các nền dân chủ vững vàng sẽ giúp giảm bớt nguy cơ xung đột vũ trang và chiến tranh vì những tranh chấp đậm màu dân tộc chủ nghĩa ở khu vực, tại Biển Đông, biển Hoa Đông và nhiều tuyến biên giới trên đất liền.

The Diplomat chỉ ra 5 lĩnh vực mà khu vực châu Á còn có thể cải thiện. Thứ nhất là đa dạng hóa các tiếng nói. Những hệ thống nặng màu sắc tộc (như ở Myanmar), tôn giáo, đẳng cấp (Ấn Độ), hay phe phái là cơ sở cho các xã hội châu Á nói chung.

Đó chưa hẳn là điều xấu với dân chủ và sự phát triển xã hội, nhưng chính trị hóa chúng sẽ là điều nguy hiểm. Chính trị hóa các hệ thống đó chỉ việc lợi dụng chia rẽ sắc tộc, tôn giáo, đẳng cấp, dân tộc chủ nghĩa... cho các mục tiêu chính trị.

Vấn đề thứ hai, các nền dân chủ châu Á phải cho thấy được khả năng tạo ra những tiến bộ thiết thực “từ dưới lên”.

Đây có lẽ là thách thức lớn nhất mà khu vực phải đối mặt trong một thời gian dài, khi tăng trưởng không tới được với những người cần nhất, và điều đó làm xói mòn nghiêm trọng tính chính danh của nguyên lý mỗi người một lá phiếu. Liên quan tới vấn đề này, các cấu trúc dân chủ ở cơ sở là cực kỳ quan trọng (dù chúng hiếm khi xuất hiện trên tin tức quốc tế).

Xu hướng thứ ba của dân chủ ở châu Á cũng là một xu hướng toàn cầu, liên quan tới Internet và mạng xã hội. Việc chia sẻ thông tin dễ dàng và rộng khắp đã làm thay đổi cơ bản bối cảnh chính trị ở khu vực.

Các đảng chính trị, dù nắm quyền hay không, giờ buộc phải có trách nhiệm giải trình rõ ràng hơn trước các cử tri. Những phương tiện liên lạc mới cũng mang tới cơ hội theo dõi những lời hứa trước bầu cử, dòng chảy chi tiêu tài chính của chính quyền, chất lượng của dịch vụ công...

Freedom House cũng cho biết tỉ lệ xâm nhập của mạng xã hội ở châu Á trong dân chúng là đặc biệt cao: 47% so với mức 37% toàn cầu vào năm 2017, điều dự báo sẽ còn nhiều thay đổi trọng đại nữa trong tương lai.

Thứ tư, tốc độ đô thị hóa cực nhanh của vùng đã khiến triển vọng dân chủ trở thành một đòi hỏi ngày càng thiết tha, bất chấp những bước lùi tạm thời của năm 2017.

Dễ hiểu là các thị dân, vốn cần nhiều dịch vụ từ nhà nước hơn, thường có dân trí và thu nhập cao hơn, cũng sẽ đòi hỏi một chính quyền minh bạch và phải trả lời những câu hỏi của họ thẳng thắn hơn.

Châu Á hiện là khu vực đô thị hóa nhanh nhất thế giới, với tỉ lệ dân số sống ở thành thị dự kiến tăng từ 48% trong năm 2017 lên 68% vào năm 2050. Những thị dân đông hơn cũng đồng nghĩa với các tiếng nói dân chủ mạnh mẽ hơn.

Cũng liên quan tới vấn đề nhân khẩu học, yếu tố cuối cùng định hình sự phát triển của dân chủ ở châu Á là tỉ lệ người trẻ. Ở những nước như Bangladesh và Ấn Độ, những người dưới 30 tuổi chiếm khoảng 20% dân số.

Hầu hết các nước Đông Nam Á cũng có cơ cấu dân số trẻ tương tự. Giỏi công nghệ, đầy năng lượng và nhiệt huyết, họ sẽ là động lực quyết định cho các xã hội châu Á trong tương lai.

 

 

Dân chủ và địa chính trị

Những vấn đề an ninh như hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hay tranh chấp ở Biển Đông thường áp đảo trong đối thoại chính sách về châu Á năm qua, khiến nhiều chuyển động quan trọng khác về xây dựng thể chế và đối thoại trong khu vực đã không được chú ý đúng mức.

Với nhiều nhà quan sát phương Tây, như Wesley Clark của The New York Times, sự vươn lên của Trung Quốc đồng nghĩa với mối đe dọa cho nền dân chủ khu vực. Nhưng những động năng ở châu Á trong năm 2017 chỉ ra một bức tranh phức tạp hơn nhiều.

Với trường hợp cụ thể của Trung Quốc, cuộc truy quét tham nhũng, với tất cả gièm pha về đấu đá nội bộ và thanh trừng phe phái từ phương Tây, đang dần định hình một chính quyền (bắt buộc) phải trong sạch hơn, đồng thời hiệu quả hơn.

Ở tầng lớp thứ hai, các nền dân chủ trong khu vực, bao gồm cả ở Đài Loan và Hong Kong (với các phong trào Hoa hướng dương và Dù vàng), hướng ra ngoài nhiều hơn để tìm kiếm sự ủng hộ trước mối đe dọa từ Trung Quốc.

Những mối quan hệ quân sự sâu sắc giữa hai nền dân chủ chủ đạo của châu Á, Nhật Bản và Ấn Độ, là một ví dụ quan trọng. Năm 2008, Tokyo và New Delhi đã ra tuyên bố chung về các vấn đề an ninh. Rồi sau đó, trong cuộc gặp thượng đỉnh 2013, hai bên đã gọi nhau là “những nền dân chủ hướng ra biển”.

Năm 2016, một thỏa thuận hạt nhân được ký kết và năm 2017, Thủ tướng Shinzo Abe được chào đón nhiệt thành ở Ấn Độ trong một chuyến thăm rất thiết thực với nhiều thỏa thuận kinh tế lẫn an ninh quan trọng.

Tháng 5-2017, hai nước cũng đã công bố văn kiện mang tính tầm nhìn về “Hành lang tăng trưởng Á - Phi”, được coi là dự án đáp lại sáng kiến Con đường và vành đai của Trung Quốc, mà cả Ấn Độ và Nhật Bản đều không tham gia. Nhật Bản cũng đã tăng cường quan hệ quốc phòng với nhiều nước Đông Nam Á sau khi xem xét lại điều 9 Hiến pháp hòa bình của họ.

Indonesia, một nền dân chủ lớn khác ở châu Á, không cho thấy các động thái địa chính trị rõ ràng như Nhật Bản hay Ấn Độ, nhưng văn kiện “Điểm tựa hàng hải toàn cầu” 2014 của Tổng thống Joko Widodo, đã được triển khai mạnh mẽ trong 3 năm qua, rõ ràng cũng được thúc đẩy bởi sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Dù Jakarta, với chính sách không liên kết công khai, thận trọng trong việc không gửi đi những tín hiệu quá khích cho Bắc Kinh, giống như Ấn Độ và Nhật Bản, họ vẫn coi mình là một nền dân chủ có những giá trị khác biệt, ngoài các lo lắng về lãnh thổ và lãnh hải.

Ranh giới ý thức hệ của thế kỷ 21 tất nhiên khác với những gì diễn ra thời chiến tranh lạnh, nhưng ngoài lợi ích quốc gia thuần túy, một bức tranh khá rõ rệt về những đường biên lý tưởng cũng đã định hình rõ ràng hơn trong năm 2017 ở khu vực.

Năm 2008, dưới thời tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, Indonesia từng xây dựng Diễn đàn dân chủ Bali với hi vọng thúc đẩy các nguyên lý quyền dân sự trong khu vực. Cho tới nay, có thể nói đây là một sáng kiến thất bại. Nhưng các lực lượng vận động sẽ không dừng lại. Những hình thức hợp tác khác vẫn tiếp tục.

Mạng lưới dân chủ châu Á (ADN) ra mắt tháng 10-2013 ở Hàn Quốc. Quỹ dân chủ Đài Loan (TDF) đã tổ chức các diễn đàn thường niên từ năm 2014, với sự tham gia của các đại biểu từ Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Macau, Mông Cổ, Hàn Quốc, Đài Loan và cả CHDCND Triều Tiên.

Tương tự còn phải nhắc tới Genron NPO, một quỹ phi lợi nhuận ở Nhật Bản, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Indonesia và Quỹ quan sát nghiên cứu ở Ấn Độ, tất cả đều nhắm tới việc xây dựng một cơ sở quyền dân sự vững chắc không chỉ ở từng nước mà trong toàn khu vực.

Các tính toán chính trị đôi khi không tránh khỏi xen vào những hoạt động đó, nhưng nếu nhìn vào một bối cảnh rộng lớn và dài hạn, đó hẳn phải là con đường chung của khu vực, không chỉ vì bản thân lý tưởng đó đẹp đẽ, mà trước hết là bởi những giá trị thực tế mà nền dân chủ tạo ra: tăng trưởng kinh tế và một nền hòa bình bền vững.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận