Lý Quang Diệu và bản góp ý chiến lược từ 23 năm trước

VÕ TÁ HÂN 05/04/2015 00:04 GMT+7

TTCT - Là một chuyên gia ngân hàng quốc tế, tôi được chuyển đến làm việc tại Singapore năm 1981 khi đảo quốc bé nhỏ này chỉ có hơn 2 triệu dân và đang trong giai đoạn chuyển mình phát triển mạnh mẽ.

Ông Lý Quang Diệu thăm tỉnh Bình Dương năm 2007 - Ảnh: Trần Tiến Dũng

So với ngày nay thì cảnh quan Singapore bấy giờ hoàn toàn khác xa. Con đường Orchard tráng lệ ngày nay lúc đó còn cho xe lưu thông hai chiều, tòa nhà cao tầng duy nhất trên con đường này là khách sạn Mandarin, mảnh đất của khu thương mại quốc tế Ion tại ngã tư Orchard và Scott lúc ấy còn là một bãi cỏ với một trạm cảnh sát bằng gỗ ọp ẹp và cách đó không xa là một nghĩa trang hoang phế của người Mã Lai.

Thành phố Singapore vẫn còn vẻ hoang sơ và mối liên hệ giữa Singapore với Việt Nam lúc bấy giờ cũng khá xa lạ.

Sau này đọc lại hồi ký của ông Lý Quang Diệu viết về Việt Nam mới biết rằng trước đó ba năm, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã sang thăm Singapore và gặp ông Lý Quang Diệu để bàn chuyện bang giao giữa hai nước nhưng kết quả không khả quan.

Đầu năm 1988, với tư cách là chủ tịch Hội Doanh nghiệp Canada tại Singapore, tôi đưa một phái đoàn doanh nhân đầu tiên của Bắc Mỹ về Việt Nam và đến cuối năm 1991 thì giúp đoàn của Cục Phát triển thương mại Singapore chính thức viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên.

Chuyến đi này đạt thành công ngoài kỳ vọng của phía Singapore nhưng Nhà nước Singapore vẫn tiếp tục khuyến cáo về lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Vì không dễ dàng sang Việt Nam để tham quan, một loạt hội thảo đã được tổ chức tại Singapore để một số doanh nghiệp đầu ngành từ trong nước sang gặp gỡ các đối tác bạn ngay tại đất Singapore.

“Tình trong như đã” nhưng “mặt ngoài còn e”, nhiều mối quan hệ thương mại đã được kết nối nhưng mọi người còn phải chờ đợi ông Lý bật đèn xanh mới có thể mạnh dạn giao thương với Việt Nam.

Vâng, đúng như thế, tất cả đều phải chờ!

Ông Lý cai trị Singapore như một người cha già nghiêm khắc hết lòng bảo bọc gia đình mình mà đàn con nhỏ luôn phải ngước mắt nhìn cha để chờ đợi được phép mỗi khi muốn làm gì!

Thái độ phục tùng này đã là đề tài châm biếm, nhất là từ phía Malaysia, người láng giềng còn giữ chút hiềm khích xen lẫn ganh tị với Singapore từ ngày hai xứ tách rời nhau.

Nhiều mẩu chuyện cười được lưu hành, chẳng hạn như chuyện kể hai người đàn ông và một cô gái đẹp bị đắm tàu lạc lên một hoang đảo. Nếu là dân Anh thì hai người đàn ông sẽ phớt tỉnh Ăng-lê ngồi... đánh bài! Nếu là hai người đàn ông Pháp thì họ sẽ chia nhau mỗi người ngủ với cô gái một đêm, còn nếu là hai người Singapore thì họ sẽ không biết phải làm gì mà ngồi... chờ fax từ văn phòng ông Lý!

Tôi không hề có ý xem thường những người bạn Singapore đáng mến khi nhắc lại mẩu chuyện cười này nhưng việc tuân lệnh cấp trên trong một xã hội được điều tiết và quản lý chặt chẽ của Singapore đã trở thành một nét đặc thù của người Singapore mà chỉ những ai sống lâu ở xứ này mới hiểu và cảm thông với họ được.

Trở lại với cái đèn xanh của ông Lý! Một buổi sáng đẹp trời tháng giêng năm 1992, một doanh nhân lớn tuổi người Singapore gốc Ấn bước vào văn phòng tôi với nét mặt âu lo. Ông bạn già này có một công ty lớn đã mở chi nhánh kinh doanh nhập thiết bị điện tử tại TP.HCM, cho tôi biết là vừa dự một buổi dạ tiệc của Hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Singapore vào đêm hôm trước.

Ông hãnh diện khoe mình được sắp xếp ngồi bên cạnh ông Lý và tất cả quan khách đều ngạc nhiên hết sức khi thấy ông Lý chỉ quay ra nói chuyện riêng với ông bạn này suốt hơn một tiếng rưỡi để hỏi cặn kẽ về chuyện làm ăn ở Việt Nam. Ông bạn cho biết là ông Lý yêu cầu gửi gấp một bài viết về Việt Nam, ông bạn rất lo lắng vì không quen làm việc này nên nhờ tôi giúp đỡ.

Bản kiến nghị 10 trang mang tên “Singapore - Vietnam/ A Proposed Strategy For Business Development” được hoàn thành ngày 6-2-1992 và trình lên ông Lý.

Trong bài này tôi nêu rõ những cơ hội có lợi lớn cho Singapore trong 10 lĩnh vực nếu họ nhanh chân bước vào Việt Nam, đồng thời tôi cũng đề nghị 10 điểm cụ thể mà Singapore nên thực thi đối với Việt Nam.

Bài góp ý chiến lược kết thúc với mấy dòng rằng “Việc phục hồi kinh tế Việt Nam là một cơ hội hiếm có mà Singapore không nên bỏ qua. Biết khéo léo khai thác cơ hội này sẽ giúp Singapore tăng thêm sức mạnh hầu góp phần vào việc phát triển kinh tế và mở rộng cơ cấu phát triển cho giai đoạn kế tiếp. Việc tạo mối quan hệ tốt với Việt Nam sẽ mang lại những lợi ích lâu dài và vững bền cho Singapore trong một khu vực đang phát triển mạnh và đa dạng về kinh tế, xã hội và chính trị”.

Ông Lý thật sự chỉ quan tâm duy nhất đến sự sống còn của Singapore nên bài điều trần nhắm đến khía cạnh trao đổi mậu dịch có lợi cho Singapore.

Tôi được mời tham vấn tiếp về một số việc sau đó, rồi ngọn đèn xanh từ ông Lý cuối cùng cũng đã được bật lên, hai nước chính thức nối lại mối bang giao vào năm 1994. Quan hệ giữa Singapore và Việt Nam từ thương mại, kinh tế bước sang các lĩnh vực xã hội, giáo dục, chính trị... và từ đó trở nên khắng khít hơn.

Singapore ngày nay là một quốc gia cường thịnh, đầy tự tin và người dân Singapore cũng không còn cần phải chờ... fax của ông Lý mới biết ứng xử ra sao như trong câu chuyện cười ngày xưa, thế nhưng dường như người dân Singapore cảm thấy tự tin và an tâm cũng là vì họ biết rằng ông Lý luôn thấp thoáng đâu đó để sẵn sàng đứng ra che chở cho đàn con qua những lúc nguy nan của đất nước.

Sự ra đi của ông Lý do đó sẽ là một khoảng trống khó lấp được trong tâm trí người dân Singapore và Singapore rồi sẽ phải mất một thời gian mới quen với sự hụt hẫng này.

Đối với Việt Nam, ông Lý Quang Diệu đã đến như một người bạn giúp chúng ta rất nhiều trong những ngày đầu tiên khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới. Và nay, Singapore đã trở thành một người bạn đồng hành để cùng nhau vươn ra năm châu.

NHỮNG ĐIỂM CỐT YẾU TỪ BẢN CHIẾN LƯỢC ĐẦU TIÊN

“Con đường phía trước sẽ không phải dễ dàng cho Việt Nam vì thập kỷ 1990 sẽ khác nhiều thập kỷ 1960 khi nền tảng tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương hình thành. Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều cạnh tranh hơn, đặc biệt là các nước láng giềng vốn sản xuất các mặt hàng tương tự” - ông Võ Tá Hân viết trong bản đề xuất về chiến lược phát triển hợp tác thương mại Singapore - Việt Nam.

Theo ông, bối cảnh này cho Singapore cơ hội quan trọng vì kinh tế Singapore và Việt Nam khá là bổ trợ nhau. Ngoài ra, trong quá trình tăng trưởng kinh tế, Việt Nam thường hướng tới kinh nghiệm của Singapore như là mô hình lý tưởng.

Trong bản phân tích, ông Hân nhắc đến các điểm yếu của Việt Nam như thiếu tiền, thiếu kinh nghiệm quản lý, tâm lý e dè, quan liêu, hạ tầng kém, hệ thống ngân hàng... Ông đề xuất tăng cường thương mại và vận động có đại diện ngân hàng Singapore ở Việt Nam để tạo thuận lợi cho giao thương. Các lĩnh vực ông đề xuất có các sản phẩm xuất khẩu như hàng nông nghiệp, hải sản, dầu khí, du lịch, sản xuất, dịch vụ...

Đề nghị của ông là “trong bối cảnh cạnh tranh mạnh từ các nước láng giềng, chiến lược chính của ta nên là “khóa” Việt Nam vào một loạt hoạt động mà do Singapore cung cấp ở mọi cấp độ càng nhanh càng tốt” và các việc này phải làm thành công trước khi Mỹ gỡ bỏ cấm vận.

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận