Macron đối mặt thực tế nghiệt ngã 

DU LONG 27/11/2018 21:11 GMT+7

TTCT - Cuộc phản kháng toàn quốc của những người khoác áo “gilê vàng” hôm thứ bảy (17-11) tiếp tục qua thứ hai đầu tuần, chính là thời khắc mà cả ông Macron lẫn người dân Pháp đều đang đứng trước sự tỉnh thức, sau những mộng tưởng giờ đã rõ là thực tế trần trụi.

Sau giai đoạn trăng mật, giờ ông Macron đang phải đối mặt với thực tế trần trụi và hung hiểm. Ảnh: The Economist
Sau giai đoạn trăng mật, giờ ông Macron đang phải đối mặt với thực tế trần trụi và hung hiểm. Ảnh: The Economist

 

Đúng như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tự nhận xét, năm ngoái, sau cuộc bầu cử Quốc hội Pháp (tháng 6), diễn ra tiếp nối cuộc bầu cử tổng thống (tháng 5) mà phần thắng thuộc về “làn sóng mới” mang tên “Nền cộng hòa tiến bước” của tân tổng thống trẻ tuổi nhất lịch sử Pháp kể từ thời hoàng đế Napoléon, bầu không khí chính trị ở Pháp đã đầy hồ hởi lạc quan. Nhưng thời kỳ trăng mật giờ đã chuyển sang giai đoạn “giập mật”, khi chính quyền không còn mới nữa.

“Áo gilê vàng”

Nhất định những nhân vật đầu não bận rộn nhất hôm thứ bảy tuần rồi là Bộ trưởng nội vụ Christophe Castaner và quốc vụ khanh thuộc Bộ Nội vụ Laurent Nunez cùng bộ trưởng vận tải và các quan đầu tỉnh, với bốn buổi điểm tình hình do Bộ Nội vụ chủ trì trong ngày hôm đó, mà buổi cuối cùng là vào lúc 18h30 (giờ Paris).

Buổi điểm tình hình thứ tư này cho biết vào thời khắc đỉnh điểm, khoảng 17h, trên toàn quốc đã có 2.039 vụ tuần hành với 282.710 người tham gia, 1 người chết (nữ), 229 người bị thương, trong đó có 7 trường hợp nghiêm trọng; 5 hiến binh bị thương nhẹ, 1 lính cứu hỏa bị thương nặng khi cố ngăn những người biểu tình tấn công một cây xăng đã đóng cửa; nhân viên công lực đã bắt giữ 117 người, tạm giam 73 người; người xuống đường đã xâm nhập tòa tỉnh trưởng tỉnh Aube, gây thiệt hại vật chất.

Đối chiếu các buổi điểm tình hình trước đó, lúc 15h30 và 12h30, có thể thấy tốc độ và cường độ lan rộng rất nhanh chỉ trong khoảng ba tiếng. Nếu như vào lúc 12h trưa mới có khoảng 2.000 vụ phản kháng quy tụ 124.780 người, gây ra 446 điểm “ùn tắc”, bắt giữ 24 người, tạm giam 17 người, 47 người bị thương trong các vụ can thiệp của lực lượng an ninh, thì đến 15h, số người tham gia đã lên đến 244.000 người, 52 người bị bắt giữ, tạm giam 38 người, 106 người bị thương.

Như mọi cuộc xuống đường khác, số liệu do Bộ Nội vụ Pháp đưa ra đã bị một số đảng phái phản bác, trong đó có Guillaume Peltier, phó chủ tịch Đảng Những người cộng hòa (LR), dân biểu tỉnh Loir-et-Cher này, vốn xuất thân từ Đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN), cho rằng “sự gian trá các số liệu bởi Bộ Nội vụ là nhằm tối thiểu hóa cơn giận của dân chúng chống lại sự cuồng loạn tài chính của chính phủ”. Số liệu đúng, theo ông, phải vào khoảng gần nửa triệu người.

Về “cơn giận của dân chúng”, Bộ trưởng nội vụ Castaner đã nêu quan điểm của bộ: “Tôi nhận thấy sự huy động (quần chúng)... Những người biểu tình mang theo một thông điệp, và thông điệp đó đã được hiểu. Là bộ trưởng nội vụ, tôi là người đảm bảo việc bảo vệ tài sản, con người, cả của các lực lượng an ninh cùng các địa điểm đại diện cho nền cộng hòa”.

Ông không quên nhắc có thể cho các vụ phản kháng sau này: “Nếu quyền được tuần hành biểu thị là một quyền cơ bản, thì việc nghiêm túc “kết toán” vụ ngày hôm nay cho thấy các cuộc biểu tình phải được loan báo và giám sát để đảm bảo an ninh cho tất cả mọi người”.

Rõ ràng, Bộ Nội vụ Pháp đã tuân thủ sắc luật ngày 23-10-1935, theo đó các cuộc biểu tình trên đường sá công cộng phải được báo trước, cho biết mục đích, địa điểm, ngày, thời gian tụ tập, và lộ trình dự kiến. Nhà chức trách có thể cấm một sự kiện nếu cho rằng có khả năng gây rối trật tự công cộng hoặc xuất hiện các khẩu hiệu trái với pháp luật.

Luật cho phép biểu tình, thế tại sao lại có những vụ cảnh sát dã chiến (CRS) can thiệp, thậm chí bắn trái khói như có thể thấy ở đại lộ Champs Élysées trên YouTube? Là bởi, theo điều 431-3 Bộ luật hình sự: “Bất kỳ việc tụ tập nào trên công lộ hoặc ở nơi công cộng mà có phương hại đến trật tự công cộng(...) có thể bị cơ quan công lực giải tán sau cảnh báo”.

Thế nhưng, khi nào thì “khẩu hiệu trái với pháp luật”? Có thể tạm lấy việc cảnh sát dã chiến ở khu vực Champs Élysées đã “yên tĩnh” khi người biểu tình hô vang: “Macron: Démission” (Macron: từ chức). Thế nhưng, đoạn “Aux armes, citoyens, formez vos bataillons, marchons, marchons...” (Hãy cầm vũ khí, các công dân hỡi, hãy thành lập các binh đoàn, tiến bước, tiến bước) của bài quốc ca Pháp được cất lên lại mang một ý nghĩa khác, khiến cảnh sát phải bắc loa: “Chúng tôi sẽ giải tán quý vị!”.

Hình ảnh trên YouTube cho thấy cảnh sát dã chiến can thiệp ngay mỗi khi “ngựa sắt” (rào chắn) bị người biểu tình xô đẩy và xuyên thủng.

Những người “áo gilê vàng” biểu tình làm tắc nghẽn giao thông ở Caen, Normandy. -Ảnh: Getty Images
Những người “áo gilê vàng” biểu tình làm tắc nghẽn giao thông ở Caen, Normandy. -Ảnh: Getty Images

 

Khi người dân nổi giận

Trên bề nổi, các cuộc xuống đường gây “ùn tắc” là một biểu hiện của sự bất bình trước quyết định tăng giá nhiên liệu của ông Macron vì lý do bảo vệ môi trường, dưới tên gọi “phí môi trường”. Ở đây không có chuyện tăng phí môi trường để bù đắp ngân sách thiếu hụt, mà là do nhà nước chủ trương loại bỏ xe chạy xăng dầu, tiến lên xe chạy điện trong tương lai không xa.

“Cội nguồn” của cuộc khủng hoảng là thói quen sử dụng xe chạy dầu ở Pháp: 64% số xe ở Pháp chạy dầu cho... rẻ! Chính phủ Macron muốn người dân bỏ thói quen chuộng xe chạy dầu vốn thải ra bình quân mỗi chiếc 3,65 tấn thán khí (CO2), nhiều hơn so với xe tương đương chạy bằng xăng.

Nhà nước đã cẩn thận viện dẫn một báo cáo của tổ chức phi chính phủ châu Âu tên là Transport & Environment (Vận tải và môi trường), như một chứng lý khách quan giải thích lý do áp thuế. Tất nhiên, nhà nước cũng đã có sẵn kế hoạch “bù lỗ” cho những ai chịu bỏ xe chạy dầu chuyển qua xe chạy xăng bằng những hỗ trợ lên đến 27% trị giá xe mới, có thể lên đến 6.000 euro.

Nhưng vấn đề không đơn giản. Người dân bực dọc không chỉ do mỗi khi đổ đầy bình xăng xe hơi, bình quân hết khoảng 70 euro, thì 40 euro là... thuế đóng cho nhà nước, mà còn do nghĩ rằng ông tổng thống ngụy biện khi đổ cho giá dầu thế giới mà giá xăng tăng, trong khi, tỉ như theo Đài truyền hình France Info, giá dầu thế giới không tác động nhiều đến thế, mà do thuế tăng dẫn đến 42% giá tăng hiện nay.

Trên thực tế, người lái xe Pháp đã bắt đầu bực dọc từ chủ nhật 1-7, ngay ngày đầu tiên cả nước đi nghỉ hè, khi tốc độ tối đa trên những đường hai chiều không có dải ngăn cách ở giữa bị hạ xuống chỉ còn 80km/h, theo nghị định ban hành hôm 15-6, vì mục đích giảm tai nạn giao thông.

Vấn đề là ở Pháp hiện có khoảng 400.000km đường như thế, và dân số Pháp tuy chỉ 67,12 triệu người (năm 2017), song số xe hơi lại lên đến 39,1 triệu chiếc, trong đó 32,4 triệu là xe cá nhân (tức 82% tổng số xe). Bực dọc chồng chất suốt từ tháng 7 giờ đã “bén lửa”, dẫn đến cuộc phản kháng “áo gilê vàng”.

Tuy nhiên, bực dọc không chỉ từ xăng dầu, tốc độ... mà còn từ nhiều chuyện khác. Cuộc tổng đình công của nhân viên hỏa xa, bắt đầu từ hôm 22-3 và kéo dài trong 36 ngày, đã mở màn cho các hoạt động phản kháng năm nay.

Hôm đó, theo kêu gọi của nghiệp đoàn cánh tả CGT, 320.000 người đã xuống đường ở Paris, Marseille, Lyon, Toulouse (theo cảnh sát), còn theo CGT thì đến nửa triệu người, không chỉ nhân viên hỏa xa mà cả công chức đủ ngành. Lý do? Phản đối kế hoạch cắt giảm 120.000 chỗ làm trong bộ máy nhà nước (France Info 22-3-2018).

Các sinh viên cũng phản kháng theo cách của họ: chiếm đóng các trường đại học, từ Đại học Paris-1 đến Paris-Nanterre (suốt 2 tháng), Lyon 2, Grenoble... Sinh viên phản đối luật ORE mà ông Macron ký hôm 8-3, theo đó các đại học sẽ xét duyệt hồ sơ để lấy sinh viên đầu vào. Liên đoàn Sinh viên Unef cho rằng điều này “làm nản chí theo học đại học, chặn đường vào học ngành ưa thích, thậm chí cấm cửa đại học” (Ouest-France 4-4-2018).

Có thể thấy, như chính ông Macron nay mới nhận ra, ông “đã nghe thấy sự giận dữ của người dân” và thú nhận rằng “đã không thành công trong việc hòa giải người dân Pháp với giới lãnh đạo”, do lẽ “nhà nước có lẽ đã không quan tâm đủ đến ý muốn của người dân”, trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho kênh TF1 hôm 14-11 (tức trước vụ phản kháng “áo gilê vàng” ba ngày).

Một thú nhận chưa từng thấy nơi vị tổng thống được xem là “tuổi trẻ tài cao”, sánh với Napoléon, mà địa điểm phỏng vấn, tàu sân bay Charles de Gaulle đang ngoài khơi quân cảng Toulon, được chính phóng viên phỏng vấn gọi là “niềm tự hào” của ông về vai trò của nước Pháp.■

Change.org

Trên báo chí và mạng xã hội, người khởi động vụ phản kháng ngày 17-11 là một phụ nữ gốc đảo Martinique, 33 tuổi, hiện sống ở khu vực Paris, tên là Priscillia Ludosky. Người phụ nữ này cho biết đã được một hội đoàn xe hơi “động viên”.

Thông điệp của cô Ludosky xuất hiện trên trang web “change.org” (“change” nghĩa là “thay đổi”, tiếng Anh): “Priscillia Ludosky trông cậy nơi các bạn. Priscillia Ludosky cần các bạn giúp đỡ. Vì sự nghiệp giảm giá nhiên liệu ở cây xăng! Hãy cùng Priscillia Ludosky và 914.927 người ủng hộ cho đến hôm nay. Hãy tiến tới 1 triệu chữ ký”. Kiến nghị này được đưa lên mạng hôm 29-5.

Thuyết âm mưu ở đây là ai giật dây Ludosky để gây bất ổn? Có một giai thoại được truyền hình Pháp FR2 thuật lại trong một phim tài liệu hôm 19-12-2016. Năm 2007, tổng thống Pháp khi đó là Nicolas Sarkozy, bên lề hội nghị G8 ở Nice, đã gặp một nguyên thủ khác và “lên lớp” chuyện nhân quyền.

Sau cuộc gặp, ông Sarkozy bước ra “xiểng liểng” như đang say, dù không uống một giọt. Nhà báo Nicolas Hénin của FR2 tiết lộ chẳng qua do ông Sarkozy, sau bài giảng về nhân quyền, đã được trả lời: “Nếu còn thuyết nữa, ông sẽ bị đạp bẹp như một con gián; còn nếu khôn hồn nín đi, sẽ cho ông làm vua châu Âu”. Đố biết ai mà lại quyền hành như thế ở châu Âu?!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận