Màn bi hài kịch của ông Sarkozy

DANH ĐỨC 22/04/2012 23:04 GMT+7

TTCT - Ít khi một tổng thống mãn nhiệm lại rơi vào tình huống “sắp thua” ngay trước vòng một của cuộc bầu cử chưa bắt đầu! Chính vì thế mà đấu trường vận động tranh cử ở Pháp lần này đầy hỉ nộ ái ố.

Phóng to
Tổng thống Nicolas Sarkozy trong chiến dịch vận động cuối cùng ngày 15-4 tại quảng trường Concorde - Ảnh: Reuters

Năm 1981, tổng thống mãn nhiệm Valéry Giscard d’Estaing có thất cử trước ông François Mitterrand của Đảng Xã hội thật đấy, song ở vòng một ông vẫn hiên ngang dẫn đầu (1). Lần này thì khác, tám ngày trước vòng một sẽ diễn ra vào chủ nhật (22-4) này, ông Nicolas Sarkozy vẫn tiếp tục bị đối thủ trực tiếp François Hollande qua mặt trong các dự báo cả ở vòng một lẫn vòng hai.

Kết quả thăm dò dư luận do CSA (Trung tâm Tư vấn, thăm dò và phân tích) thực hiện cho các đài RMC, BFM TV và 20 Minutes công bố hôm 15-4 cho thấy ở vòng một, ông François Hollande về đầu với 27% ý kiến thăm dò (ông Nicolas Sarkozy chỉ 26%), song qua vòng hai sẽ chiến thắng với tỉ số áp đảo là 57% so với 43%. Dự báo ông Hollande sẽ thắng ông Sarkozy ở vòng hai đã bắt đầu từ tối chủ nhật 16-10 năm ngoái, ngay sau khi ông Hollande vừa được Đảng Xã hội đề cử. Chính điều này ám ảnh ông Sarkozy suốt một thời gian khiến ông cùng êkip vận động tranh cử của mình đã phạm phải những lầm lẫn chết người.

Bài diễn văn tai hại ở Caen

Hôm chủ nhật 15-4, Tổng thống Sarkozy xuất hiện tại quảng trường Concorde để đọc bài diễn văn vận động tranh cử dài đúng 35 phút quy định trước khoảng 70.000 ủng hộ viên, còn đối thủ chính Hollande chọn lâu đài Vincennes ở ngoại ô Paris cho chiến dịch của mình. Trong cuộc tập hợp quần chúng cuối cùng trước bầu cử này, ông Sarkozy vẫn còn bị ám ảnh “sợ thua” trong lời hiệu triệu của mình: “Hãy đứng thẳng lên. Đừng sợ hãi. Họ sẽ không thắng được đâu nếu các bạn quyết tâm rằng các bạn muốn thắng”. Sau đó ông mới sực nhớ rằng muốn thắng, ông phải tâm sự với toàn dân chứ không phải với cảm tình viên Đảng UMP cầm quyền: “Hỡi nhân dân Pháp, hãy nghe tiếng gọi của tôi! Hãy giúp tôi, hãy giúp nước Pháp. Những giải pháp cực đoan (ý nói của ông Hollande) đều là láo toét cả!”.

Tối thứ sáu 6-4, một ngày sau khi gửi cho dân chúng Pháp một lá thư trịnh trọng loan báo sẽ ra tranh cử và giới thiệu những lời hứa của mình, ông Sarkozy đã đến thành phố Caen đọc bài diễn văn “khởi động”.

Đáng tiếc là êkip soạn diễn văn của ông đã để nỗi ám ảnh thua trận ở vòng hai cứ đè nặng bài diễn văn: “Thiên hạ đã nói với dân chúng Pháp rằng mọi chuyện đã kết thúc rồi, chẳng cần tranh luận, vận động tranh cử làm gì nữa, chẳng cần đợi đến bầu cử làm chi... Họ nghĩ rằng họ chỉ cần họp đại hội, chỉ cần đóng cửa nói chuyện với nhau, nhìn ngó nhau, thuyết phục lẫn nhau là đủ rồi, chẳng cần đối lập làm chi, bầu cử làm chi cho mất công, chẳng cần đến dân chúng, cứ nội bộ họ với nhau là đủ rồi. Và mọi người đã thấy trên sàn đấu chỉ mỗi một người, vung tay lên, hoan hỉ nói: “Mình thắng dễ dàng làm sao!”. Ông ta đã quên là còn có tôi” (2).

Võ sĩ “độc diễn” trên sàn đấu mà ông Sarkozy mỉa mai trước 5.000 ủng hộ viên ở Caen chính là đối thủ Hollande của Đảng Xã hội Pháp. Thay vì chỉ vài ngàn đại biểu đi dự đại hội rồi bầu chọn như trước đây, Đảng Xã hội Pháp đã làm cử tri Pháp “hít hà” khi tổ chức bầu cử nội bộ toàn quốc với cả vòng một, vòng hai như trong bầu cử tổng thống thật sự, qua đó tạo ấn tượng rằng người đại diện đảng này đã thật sự được toàn đảng tin tưởng trực tiếp bầu lên.

Thật vậy, ông François Hollande đã thắng cử ở vòng hai với 56,40% số phiếu trước đối thủ chính là bà Martine Aubry. Thể thức bầu chọn đề cử mới mẻ này đã tạo nên một làn gió mới đầy hứa hẹn đổi thay mà ông Hollande chọn làm khẩu hiệu tranh cử (“Thay đổi, bây giờ là lúc”), cộng hưởng với làn sóng không hài lòng về ông Sarkozy và làn sóng bi quan trước cuộc khủng hoảng kinh tế đang chực quật ngã nước Pháp, đã giúp ông Hollande “bỗng dưng” hốt phiếu!

Sau thoáng mỉa mai, ông Sarkozy cũng kịp trở lại với luận thuyết mang ý nghĩa phổ quát: “Nhân dân Pháp không muốn thiên hạ đánh cắp số phận của họ, không muốn thiên hạ quyết định, ăn nói, chọn lựa, hành động thay họ. Họ quên rằng dân tộc Pháp là một dân tộc tự do”, để rồi lại “sống mái” với ông Hollande: “Chẳng ai sẽ áp đặt được ý muốn của mình nơi nhân dân Pháp được đâu! Buồn cười làm sao! Và giờ đây tôi trở lại”.

Và ông trở lại thật: trong một thăm dò khác do Ifop (Viện Thăm dò dư luận Pháp) thực hiện từ ngày 10 đến 13-4 cho Fiducial/Paris Match, ông Sarkozy vọt lên trước ông Hollande ở vòng một với 28% số ý kiến ủng hộ so với ông Hollande chỉ được 27%.

“Thần khẩu hại xác phàm”

Chính cách ăn nói lúc nghiêm túc, lúc buông đùa này đã khiến ông Sarkozy phạm sai lầm tuyệt đối khi ông kể chuyện đi “thị sát Fukushima” sau vụ động đất và sóng thần tháng 3 năm ngoái, như để nhắc nhở rằng ông mới là người nắm mọi vấn đề của đất nước chứ không phải ông Hollande: “Cùng với Nathalie (Nathalie Kosciusko-Morizet - bộ trưởng môi trường lúc đó), tôi đã đến Fukushima chia buồn. Ông François Hollande thì dường như không có đi. Thế đấy, tôi đã đến Fukushima cùng với Nathalie. Fukushima là gì? Nếu ông ấy cũng đã đến Fukushima để tham khảo thì ông ấy sẽ nhận thức rằng trước hết Fukushima là một vụ động đất, theo sau bởi một cơn sóng thần “khủng”.

Ở một vài chỗ bên Nhật, tôi đã cùng với Nathalie trông thấy, (nghe đây) bám chắc vào ghế nhé, sóng cao đến 42m. (Đến đây), thành thật mà nói, tôi không tài nào hiểu nổi “cái đầu” của ông Hollande. Khi tôi đang ở Fukushima, bên Nhật Bản, thì ông ấy “dập” tôi vụ Nhà máy điện nguyên tử Fessenheim. Tôi vẫn còn nhớ chút đỉnh vài kiến thức địa lý học ở nhà trường. Tôi giở bản đồ ra thì thấy rằng Fessenheim nằm ở Alsace. Tôi tự nhủ: Làm gì có bờ biển nào ở Alsace? Nói thiệt, tôi không thấy có mối đe dọa sóng thần nào ở Alsace cả! (3)”.

Màn “tấu hài” của ông Sarkozy nhằm phản pháo ông Hollande sau khi ông này trong chương trình tranh cử của mình đã đe dọa sẽ sớm đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, bắt đầu là nhà máy ở Fessenheim (4) vì, theo ông Sarkozy, do... sợ sóng thần!

Tối thứ sáu 6-4 ấy, toàn thể cử tọa ủng hộ viên của ông Sarkozy cười bể bụng không biết bao nhiêu lần suốt bài diễn văn dài 36 phút của ông. Báo chí nhao nhao tố cáo ông bịa chuyện, tỉ như tờ Daily Mail của Anh: “Người “vô hình” Sarko dóc tổ chuyện đi thăm Nhà máy điện Fukushima, chỉ hai năm sau khi ông dựng chuyện chứng kiến bức tường Berlin sụp đổ. Ông ta khẳng định rằng ông ở Tây Berlin hôm đó và vượt qua trạm kiểm soát Charlie biên giới với Đông Berlin.

Ông ta viết trên Facebook: “Mọi việc tiếp tục trong đêm trong bầu không khí phấn khởi chung. Cuộc đoàn tụ của dân chúng Đức báo hiệu chiến tranh lạnh chấm dứt...”. Thế nhưng, xui xẻo thay, sổ sách còn ghi rằng viên thị trưởng 34 tuổi lúc đó của thành phố ngoại ô Neuilly hôm ấy đang ở Paris dự lễ giỗ tướng De Gaulle!”.

Một tuần sau, sau khi bị tố giác là ông Sarkozy đi Nhật nhưng không hề đến Fukushima, hôm thứ sáu 13-4, ông Sarkozy lên truyền hình thành khẩn nói lại: “Tôi có đi Nhật (đến Tokyo - NV) với Nathalie Kosciusko-Morizet... Tôi có gặp thủ tướng Nhật và nói chuyện về tình hình ở Fukushima... Tôi không phải kỹ sư nên không cần gí mũi vô tình hình ở nơi lúc đó đang bị cấm xuất nhập”. Đối thủ Hollande đã không bỏ lỡ dịp trời cho để giễu lại: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cộng hòa (Pháp) một ứng cử viên mãn nhiệm thuật lại một chuyến đi chưa từng đi”.

__________

(1) http://fr.wikipedia.org/wiki/Fichier:Tendances-votes-1ertour.png
(2) video clip tại địa chỉ: http://www.lemonde.fr/election-presidentielle-2012/article/2012/04/11/fukushima-hollande-ironise-sur-le-voyage-imaginaire-de-sarkozy_1683592_1471069.html
(3) Video clip
http://www.arretsurimages.net/vite.php?id=13614 (đoạn ngắn)
(4)
http://www.lesechos.fr/entreprises-secteurs/energie-environnement/actu/0201941157924-la-fermeture-de-fessenheim-prendra-un-peu-de-temps-300494.php

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận