Mặt trận chống “Nhà nước Hồi giáo” liệu có thành?

HỮU NGHỊ 14/09/2014 04:09 GMT+7

TTCT - Hai ngày sau khi NATO nhất trí chống “Nhà nước Hồi giáo” (IS), đến lượt Liên đoàn Ả Rập ra nghị quyết chống tổ chức này.

Ông Nabil el-Araby, tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập, từng mạnh mẽ lên án các vụ giết người do IS thực hiện tại Iraq - Ảnh: rferl.org
Ông Nabil el-Araby, tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập, từng mạnh mẽ lên án các vụ giết người do IS thực hiện tại Iraq - Ảnh: rferl.org

Một quyết định chung cuộc sẽ đến từ Tổng thống Mỹ Obama nhân dịp kỷ niệm 13 năm sự kiện tấn công khủng bố 11-9 sau những ngần ngừ trì hoãn, cũng như sự toàn tâm trong “mặt trận” đang hình thành này?

Bộ trưởng ngoại giao các nước thuộc Liên đoàn Ả Rập đã họp khẩn cấp suốt ngày và đêm chủ nhật 7-9 để thảo luận về IS tại trụ sở chính ở Cairo (Ai Cập).

Một nghị quyết đã được thông qua hôm thứ hai 8-9, tuy không hẳn đã hậu thuẫn một cách rõ ràng hành động quân sự của Mỹ chống lại IS, song cũng phản ánh một cảm nhận của 22 quốc gia thành viên trước thách thức của các nhóm vũ trang đang chiếm giữ nhiều mảng lớn lãnh thổ Iraq và Syria.

Nghị quyết kêu gọi phải có những biện pháp trước mắt để chống lại IS về mặt chính trị, quốc phòng, an ninh và pháp lý, nhưng không nêu rõ chi tiết các biện pháp này là gì. Tuy nhiên, theo Aljazeera.com, Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Nabil el-Araby đã nhân dịp đó kêu gọi khởi động hiệp ước quốc phòng của tổ chức này (EPA). 

Thật ra, sự tỏ thái độ của Liên đoàn Ả Rập không phải là mới mẻ. Đầu năm nay, hôm 12-1, ông Nabil el-Araby đã mạnh mẽ lên án các vụ giết người do IS thực hiện tại Iraq khiến hàng trăm người phải chết hoặc bị thương.

Ông Nabil el-Araby nhấn mạnh nguy cơ từ nhóm tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo” này không chỉ nhằm vào an ninh và ổn định của mỗi Iraq, mà còn là cả khu vực. Lần đó mới chỉ là phản ứng của tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập và hậu thuẫn Chính phủ Iraq.

Nay với nghị quyết chung này, đó là thái độ của tất cả 21 thành viên (Syria bị “treo” ghế). 

Nguy cơ từ nhóm tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo” này không chỉ nhằm vào an ninh và ổn định của mỗi Iraq, mà còn là cả khu vực
Nabil el-Araby

Liên hiệp quốc dọn đường

Nghị quyết này của Liên đoàn Ả Rập cũng ủng hộ nghị quyết “lên án việc xâm phạm nhân quyền quy mô, rộng rãi bởi các nhóm quá khích ở Iraq và Syria” của Liên Hiệp Quốc được thông qua hôm 

15-8. Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi các nước thành viên hành động nhằm ngăn ngừa việc các tay súng rời đất nước họ sang tham gia các nhóm này, cũng như cung cấp vũ khí hoặc hỗ trợ tài chính. HĐBA cũng cho biết đã sẵn sàng liệt vào danh sách trừng phạt những ai giúp tuyển mộ và di chuyển các tay súng nước ngoài này. 

HĐBA cũng đặc biệt liệt thêm sáu người có liên quan đến các nhóm này vào danh sách những kẻ khủng bố (thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi không nằm trong số này do đã bị liệt tên từ năm 2011). Qua nghị quyết trên, HĐBA yêu cầu IS, Mặt trận Al-Nusra cùng các nhóm khác liên kết với Al-Qaeda dừng mọi hành vi bạo lực và khủng bố, phải buông súng và rã ngũ ngay lập tức.

HĐBA cũng nhắc lại rằng các vụ tấn công vào dân thường trên cơ sở phân biệt căn cước sắc tộc hay tôn giáo chính là tội ác chống lại loài người, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu đưa những kẻ thủ ác ra trước pháp luật. 

Cùng với những điều khoản cứng rắn như trên, nghị quyết này đã được HĐBA thông qua dựa trên chương 7 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tức có thể được thực thi bằng các biện pháp quân sự. 

Tất cả cho thấy một cuộc chiến chống IS đã được chuẩn y sẵn và với sự đồng tình của cả Nga, Trung Quốc. Được biết, thông cáo báo chí của HĐBA ngày 11-6 về vấn đề này do chính đại sứ Liên bang Nga Vitaly Churkin, chủ tịch HĐBA lúc đó, đứng tên và nêu rõ:

“Các thành viên HĐBA lên án mạnh mẽ nhất trong các sự kiện gần đây tại thành phố Mosul ở Iraq, nơi các phần tử của phái khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông (tên gọi trước đây của IS) đã tấn công nhân viên an ninh Iraq và dân thường tại các cơ sở quan trọng của thành phố, bao gồm Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều tòa nhà chính phủ... Các thành viên HĐBA lên án mạnh mẽ việc giữ con tin tại Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ...”.

Ẩn số thổ nhĩ kỳ

Trên nguyên tắc, Thổ Nhĩ Kỳ chính là “đầu cầu” của mọi nỗ lực quân sự của NATO chống lại IS do quy mô quân sự lớn thứ nhì NATO chỉ sau Mỹ, và vị trí địa dư của nước này cũng như vai trò mà nước này đã hờm sẵn từ mấy năm nay trong cuộc xung đột ở Syria, và ở Iraq qua mấy cuộc chiến tranh Iraq do muốn sẵn tiện “giải quyết” vấn đề người Kurd. 

Cũng trên lý thuyết, về mặt tôn giáo, Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ thù “tự nhiên” của IS. Do lẽ từ hôm 11-6, IS đã trở thành một “Khilafa”, tức một Nhà nước Hồi giáo do một “đấng kế vị” tên là Abu Bakr al-Baghdadi (tức Abu Bakr - người thành Baghdad), thống lĩnh cả thế gian và tôn giáo.

Tước vị “thiêng liêng” này lần đầu tiên do Abubéker đảm nhậm sau khi nhà tiên tri Mahomet qua đời năm 632, người kế vị là Omar năm 634, rồi thì Othman năm 644, Ali năm 656... Song đến năm 1924, chế độ thần quyền này bị bãi bỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ bởi Mustafa Kemal Atatürk, thay vào đó là nền cộng hòa, và ông Kemal trở thành tổng thống đầu tiên.

Sự bãi bỏ chế độ đấng kế vị ở đất nước Hồi giáo “bậc nhất” cho đến lúc đó là Thổ Nhĩ Kỳ có ý nghĩa gây rung chuyển, bởi nó đã trả lại quyền lực cho “người phàm” (thế quyền) sau 13 thế kỷ quyền lực trần thế và tinh thần đều trong tay nhà lãnh đạo của Ummah (khối người theo đạo Hồi) mà mọi tín hữu phải vâng lời vì tin rằng đó là đấng kế vị tiên tri Mahomet. 

Thế là ngay từ trước khi tự tuyên cáo là “đấng kế vị”, thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi đã ra lệnh tấn công vào Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Mosul (Iraq) nhân dịp tấn chiếm thành công thành phố này và ra lệnh bắt làm con tin cả viên lãnh sự lẫn 24 nhân viên khác hôm 11-6.

Cùng với 25 người bị bắt làm con tin ở tòa lãnh sự tại Mosul, còn chừng ấy người lái xe tải Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bị bắt trước nhóm kia một ngày. Đây là những vụ bắt giữ “chọn lọc” nhằm lấy Thổ Nhĩ Kỳ làm gương cho các nước Hồi giáo Sunni khác, đồng thời và nhất là để “trói tay” Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ ấy cho đến nay.

Thế nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ “bị trói tay” bởi số phận các công dân của mình bị bắt làm con tin, mà còn tự trói tay bằng hai việc ẩn khuất. Đầu tiên là việc thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ trước kia, nay mới lên làm tổng thống là ông Recep Tayyip Erdogan, đã từ lâu ngầm hỗ trợ cho quân nổi dậy Syria chiến đấu chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.

Nhiều người trong số các tình nguyện viên quốc tế đã đi qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hầu như không bị cản trở để đến Syria tham gia cuộc chiến đó. Nhưng với thời gian, điều này trở thành một mối quan tâm trong chính nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO: IS đã lần hồi nắm lấy quyền kiểm soát nhiều nhóm đối lập Syria vũ trang, và nay tuyên cáo là một “Nhà nước Hồi giáo do đấng kế vị lãnh đạo”.

Thủ tướng Erdogan lúc đó đã chậm chạp trong việc thay đổi diễn biến này và nay đang trả giá. Đây chính là một trong những “lý do” khiến một số dư luận cho rằng “Nhà nước Hồi giáo” này là một tạo vật của Mỹ để Mỹ giải quyết “cục xương” Assad ở Syria!

Mặt khác, cho dù có khác biệt cơ bản về thế quyền và thần quyền, song lại có một chuyện trần thế đang “kết nối” hai phía: số dầu hỏa mà IS này bán “chui” qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vừa giúp người tiêu dùng Thổ Nhĩ Kỳ “nhẹ thở”, vừa giúp tổ chức này cứ thế mà cứng cáp tài chính.

Trong bối cảnh đó, sách lược về IS mà ông Obama hôm 28-8 đã khất lại trong bài phát biểu trước khi lên đường đi dự thượng đỉnh NATO nay đang được trông ngóng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận