MEKONG giữa hai dòng phát triển 

HỮU NGHỊ 17/10/2018 01:10 GMT+7

TTCT - Ba năm một lần, các nước ven sông Mekong lại cùng Nhật Bản hoạch định lại một chiến lược đối tác mới. Thượng đỉnh Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 năm nay vừa được tổ chức tại Tokyo hôm 9-10 đã đề ra Chiến lược Tokyo 2018 về hợp tác Mekong - Nhật Bản đi vào chiều sâu hơn.

Các nhà lãnh đạo tại Thượng đỉnh Mekong - Nhật Bản 2018. Ảnh: Nikkei Asian Review
Các nhà lãnh đạo tại Thượng đỉnh Mekong - Nhật Bản 2018. Ảnh: Nikkei Asian Review

 

Các nhà lãnh đạo đã nhìn lại chặng đường 10 năm qua kể từ khi thành lập, nhìn lại quan hệ hợp tác Mekong - Nhật Bản và chia sẻ cái nhìn rằng hợp tác Mekong - Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu phù hợp hướng đi được thiết lập là xây dựng một khu vực Mekong hòa bình và ổn định lâu dài; phát triển kinh tế và tích cực đóng góp vào việc hội nhập ASEAN; và phát triển bền vững.

Đó là kết quả của các cuộc họp cấp cao thường xuyên, thảo luận về hợp tác ở mọi cấp, và thực hiện các dự án cụ thể trong những lĩnh vực chuyên môn từng thời kỳ.

Các nhà lãnh đạo cũng điểm lại kết quả thực hiện Chiến lược mới Tokyo 2015 trong giai đoạn 2016-2018. Các nhà lãnh đạo Mekong đánh giá cao việc Nhật Bản cung cấp hơn 750 tỉ yen (6,1 tỉ USD) ODA cho giai đoạn 2016-2018, và hoan nghênh việc thực hiện hàng trăm dự án trong nhiều lĩnh vực, giúp cải thiện kết nối cơ sở hạ tầng và thúc đẩy sự gắn kết kinh tế - công nghiệp và trao đổi giữa người dân Nhật Bản và khu vực Mekong.

Các thủ tướng thông qua một tuyên bố chung nêu bật “Chiến lược Tokyo 2018 về hợp tác Mekong - Nhật Bản” (gọi tắt là Chiến lược Tokyo 2018) cho giai đoạn 3 năm sắp tới. Hội nghị cũng nhận định rằng trong môi trường phát triển có nhiều biến động, việc tăng cường kết nối kinh tế Nhật Bản và Mekong thực sự là cần thiết vì lợi ích chung của tất cả các bên.

Chính vì vậy, quyết định nâng cấp hợp tác Mekong - Nhật Bản thành quan hệ chiến lược là hoàn toàn phù hợp, vừa phản ánh được nội dung và mục tiêu của mối quan hệ, đồng thời đặt cơ sở cho sự phát triển của hợp tác trong tương lai.

Theo Thủ tướng Shinzo Abe, Chiến lược Tokyo 2018 được thông qua sẽ là kim chỉ nam mới để các bên xây dựng một tương lai thịnh vượng chung nhắm đến cả trăm đề mục khác nhau cần có sự hợp tác giữa các quốc gia. Chiến lược này bao gồm 3 trụ cột: kết nối linh hoạt và hiệu quả; xã hội lấy người dân làm trung tâm; hiện thực hóa mục tiêu Mekong xanh.

Kết nối là gì?

Động từ “kết nối” gần đây được “chia” ở rất nhiều hội nghị tương tự, từ ASEAN, tới Mekong - Nhật Bản, rồi Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có hội sở chính ở Trung Quốc... Tổ chức, định chế, nhóm nào cũng nói tới “kết nối” do lẽ đây là từ khóa thời thượng và là một sự bắt buộc của các quan hệ trong các cơ cấu đó: kết nối bằng cái gì và như thế nào?

Đặc biệt, trong mối quan hệ tạm gọi là “cho - nhận” giữa các nước tài trợ và nhận tài trợ, đã qua rồi thời ODA được phân bổ ngẫu hứng, như một thứ bánh “manna” (*) từ trên trời rơi xuống. Các nhà tài trợ do đó nhắc đến hai khái niệm “kết nối cứng” và “kết nối mềm” với hi vọng các nước nhận tài trợ từ nay có nhận thức mới về ODA.

Tất nhiên trên lý thuyết, nhà tài trợ nào cũng công bố mình chủ trương “kết nối” tối hảo cho dù trong thực tế có ra sao.

Như lời AIIB thì “xây dựng kết nối mềm trên cơ sở các hạ tầng cơ sở cứng” là: “Chúng ta thường nói về kết nối xuyên biên giới như đường sá, đường xe lửa, các tuyến giao thông, bến cảng và sân bay kết nối mọi người, dịch vụ và thị trường từ nước này sang nước khác hoặc với nhiều nước.

Tại hội nghị thường niên lần thứ ba của AIIB ở Mumbai, một lời nhắc nhở là: chớ quên kết nối “mềm” khi chúng ta tiếp tục phát triển các liên kết “cứng” xuyên biên giới... Tuy nhiên, các sáng kiến khu vực như Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và Hợp tác kinh tế khu vực Trung Á đang xúc tiến đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng kết nối.

Công nghệ cũng đã mang lại nhiều cơ hội hơn để cải thiện khả năng kết nối ở châu Á. Chính phủ các nước châu Á có thể làm gì để tận dụng những cơ hội này?”.

Nôm na mà nói: các nước vay tiền xây đường sá xuyên biên giới cần nhận thức rằng không chỉ cứ xây xong cao tốc là đã kết nối xong, và đã ngang bằng với nước muốn kết nối; đơn giản là có thể không thua kém về số lượng đường cao tốc, số xe cộ chạy ào ào trên đó, song nếu đầu óc và tư duy chưa chuyển biến thì vẫn chưa thực sự kết nối được.

Các dự án đập thủy điện ở thượng nguồn Mekong. Ảnh: Asia Times
Các dự án đập thủy điện ở thượng nguồn Mekong. Ảnh: Asia Times

 

Linh hoạt và hiệu quả thế nào

Bởi thế, thượng đỉnh Mekong - Nhật Bản lần này đặt ra điểm nhấn là “kết nối linh hoạt và hiệu quả; xã hội lấy người dân làm trung tâm; hiện thực hóa mục tiêu Mekong xanh... theo tiêu chuẩn quốc tế”. Hãy ngẫm nghĩ căn dặn “xã hội lấy người dân làm trung tâm” là gì trong thực tế các quyết định chính sách?

Ví dụ một vấn đề: bởi vay nợ là nhân danh toàn thể dân chúng và đại đa số dân chúng là người trả nợ hằng ngày qua các loại thuế và phí, những đồng tiền đi vay đó cũng phải được sử dụng làm sao để phục vụ đại đa số dân chúng. Cũng thế, hãy ngẫm nghĩ thế nào là “hiện thực hóa Mekong xanh” để đừng tự mình bức tử sông Mekong bằng các con đập và các nhà máy xả thải.

Tuyên bố chung của các ngoại trưởng Mekong - Nhật Bản trong hội nghị trù bị cho thượng đỉnh nhấn mạnh: “Các ngoại trưởng cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển “hạ tầng chất lượng” cũng như tính mở, thông thoáng, tính minh bạch, tính khả thi kinh tế, các quan tâm xã hội và môi trường, tính bền vững tài chính của các nước nhận tài trợ dựa trên khung “Hợp tác về cơ sở hạ tầng chất lượng” và “Hợp tác mở rộng vì cơ sở hạ tầng chất lượng””.

“Tái khẳng định” tức là từng khẳng định rồi mà sợ có người “chưa nhớ”, nên cần khẳng định lại! Tại sao lại phải nhắc nhở “theo tiêu chuẩn quốc tế” và “tăng cường cơ sở hạ tầng chất lượng”? Bởi lẽ có những nơi, những chỗ, có những cây cầu chưa xây xong đã hỏng, cao tốc chưa làm xong đã hư.

Còn “tính mở, thông thoáng, tính minh bạch” là để đảm bảo các khoản tiền vay đi kèm các điều kiện rõ ràng, tương tự là việc giải ngân, kiểm toán, và cả để xã hội tham gia đánh giá những lợi ích - chi phí đi kèm của từng khoản, chứ không phải “kín như bưng” cả khi quyết định đầu tư lẫn triển khai. Tương tự, “tính khả thi kinh tế” (“economic viability”) nghĩa là làm sao để dự án hiệu quả, sống được, tạo ra tăng trưởng thật sự.

Thiết tưởng, hiểu và thực thi các nội dung khuyến cáo từ Tuyên bố chung đó quan trọng còn hơn cả số tiền mà “chủ nợ” hứa sẽ cho vay, đơn giản vì hơn ai hết, Chính phủ Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và chủ nợ ODA đứng thứ tư thế giới - thừa hiểu thế nào là “nợ ác tính” (odious debt), những khoản vay không trả nổi kèm theo các hậu họa khôn lường.

Trước thềm thượng đỉnh, giáo sư người Nhật Fumitaka Furuoka đã chuẩn bị dư luận bằng bài viết “Nhật Bản ở Mekong: Chất lượng hơn là số lượng” đăng trên Diễn đàn Đông Á (eastasiaforum.com). Tác giả viết: “Trong quá khứ, chiến lược viện trợ của Nhật Bản thường bị chỉ trích vì tập trung duy nhất vào phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng theo chiến lược mới, viện trợ của Nhật Bản ngày càng tập trung vào việc phát triển không chỉ là cơ sở hạ tầng cứng, mà cả cơ sở hạ tầng mềm trong khu vực Mekong”.

Tất nhiên, sử dụng tiền vay hay hoặc dở, ngoài việc bị ràng buộc bởi các điều kiện của người cho vay, còn phụ thuộc vào người đi vay: làm những dự án gì, như thế nào, tác động hay hiệu quả ra sao với người dân... Vấn đề, do đó, phải là tự mình biết mình muốn gì, và muốn chơi với ai. ■

(*) Bánh manna: Theo huyền thoại, dân Do Thái đi tìm đất hứa song cứ vòng vòng trong sa mạc suốt 40 năm, không cày cấy gì được, được Thượng đế thả xuống cho bánh miến và mật ong mà qua ngày...

Sẽ đủ chỗ cho tất cả mọi người

Có một thực tế tác động đến chuyện hợp tác giữa các nước Mekong và các nước lớn là sự cạnh tranh, cả trực tiếp lẫn ngấm ngầm, giữa các nước lớn này trong việc tranh giành ảnh hưởng ở khu vực. Hầu hết các nước đều tìm cách cân bằng những tác động đó.

Có thể lấy Campuchia là ví dụ. Xưa nay đã nhận khá nhiều tài trợ của Trung Quốc, nhưng quốc gia Đông Nam Á ở hạ nguồn Mekong này cũng ý thức được sự cẩn trọng cần thiết. Tờ Khmer Times ngày 1-10 đăng lại bài viết của giáo sư Fumitaka Furuoka trên Diễn đàn Đông Á, trong đó có đoạn: “Có sự tương phản đáng chú ý giữa các chiến lược viện trợ của Trung Quốc và Nhật Bản trong khu vực. Trung Quốc đang tập trung vào hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng “cứng”, trong khi Nhật Bản muốn phát triển cơ sở hạ tầng “mềm”.

Trung Quốc hứa sẽ cung cấp 10 tỉ USD theo chương trình hợp tác Lan Thương - Mekong cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng khác nhau, bao gồm xây dựng đập thủy điện, đường sắt và các khu công nghiệp… Những khác biệt trong chiến lược viện trợ của hai nước cho thấy khả năng Sáng kiến một vành đai - một con đường của Trung Quốc (BRI) và chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Nhật Bản có thể bổ sung cho nhau và đóng vai trò xây dựng cho khu vực.

Cố vấn đặc biệt của ông Abe đã bác bỏ khả năng chiến lược viện trợ mới của Nhật Bản sẽ là mối đe dọa đối với tính trung tâm của ASEAN hay BRI…, và rằng sáng kiến viện trợ mới không hề có ý định kiềm chế Trung Quốc”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận