Mở cửa thị trường mua sắm chính phủ

LÊ NGUYÊN MINH THỰC HIỆN 02/12/2013 22:12 GMT+7

TTCT - Thừa nhận mở cửa thị trường mua sắm chính phủ trong một giới hạn nhất định, việc cân bằng giữa “được” và “mất” khi đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... là những nội dung Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, trao đổi với TTCT.

Trong tương lai khi TPP có hiệu lực, có thể một số dự án xây dựng cầu, đường sẽ được đấu thầu quốc tế. Trong ảnh: cầu Long Thành nằm trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Dầu Giây đang được xây dựng - Ảnh: Thuận Thắng

* Dư luận gần đây lại ngờ vực về lợi ích của việc tham gia TPP bởi cái giá phải trả là mở cửa thoải mái hơn cho doanh nghiệp (DN) nước ngoài thâm nhập thị trường. Là trưởng đoàn đàm phán, ông thấy thế cân bằng giữa “cái giá phải trả” và “cái mình sẽ được” như thế nào?

- Khi tham gia đàm phán một hiệp định thương mại, mọi quốc gia đều hướng đến sự cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ, hay nói nôm na là sự cân bằng giữa “được” và “mất”. Tuy nhiên, đây là những khái niệm hết sức tương đối. Có những việc tưởng là “mất” nhưng thật ra lại là “được”, thí dụ như “mất” cho một DN, thậm chí một ngành, nhưng lại là “được” cho cả nền kinh tế.

Vì vậy, khi quyết định phương án đàm phán, Chính phủ luôn có sự đánh giá tổng thể. Cho tới nay, chúng tôi vẫn thực hiện theo đúng phương án đã được Chính phủ phê duyệt.

* Phải chăng để “trả giá” cho xuất khẩu dệt may, chúng ta nhượng bộ vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN)?

- Chúng tôi đàm phán theo phương án tổng thể và chú ý tới sự cân bằng tổng thể, không nhất thiết phải rạch ròi đến mức dùng “cải cách DNNN” để đổi lấy “dệt may” hay dùng “thịt bò” để đổi lấy “giày dép”.

* Với những gì đang diễn ra trong đàm phán, ông đánh giá thế nào về chuyện VN phải cải cách DNNN? Nếu vẫn cổ phần hóa chậm chạp và làm nửa vời như lâu nay, chúng ta sẽ phải trả giá đắt vì TPP?

- Hiệp định TPP không yêu cầu xóa bỏ hay cổ phần hóa DNNN. Hiệp định thừa nhận quyền duy trì DNNN của các quốc gia. Hiệp định chỉ yêu cầu DNNN khi tham gia cạnh tranh trên thị trường phải tuân thủ “luật chơi” như các DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Đây cũng là định hướng cơ bản của tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam nên tôi nghĩ chúng ta có thể tìm được tiếng nói chung với các đối tác.

Ông Trần Quốc Khánh - Ảnh: Võ Văn Thành
* Những đòi hỏi về mua sắm Chính phủ thế nào, công chúng chưa có thông tin về lĩnh vực này? Phải chăng sắp tới các gói thầu mua sắm chính phủ sẽ đấu thầu công khai, không còn ưu tiên cho DNNN? DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam và DN nước ngoài sẽ tham gia thế nào?

- Mở cửa thị trường mua sắm của Chính phủ được thực hiện theo ba tiêu chí. Một là, cơ quan chính phủ nào sẽ phải thực hiện đấu thầu quốc tế khi mua sắm? Hai là, gói thầu với giá trị từ bao nhiêu trở lên thì phải đưa ra đấu thầu quốc tế? Ba là, chấp nhận đấu thầu quốc tế đối với những loại hàng hóa và dịch vụ nào?

Đàm phán vẫn chưa kết thúc nhưng qua ba tiêu chí này có thể thấy không phải 100% mua sắm chính phủ đều phải thông qua đấu thầu quốc tế. Sẽ có một số loại trừ, thí dụ như loại trừ mua sắm phục vụ an ninh, quốc phòng.

Bên cạnh đó, do đây là lần đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm chính phủ nên chúng tôi sẽ yêu cầu thời gian chuyển đổi cần thiết để DN của ta có thời gian chuẩn bị, làm quen với cạnh tranh trong mua sắm chính phủ .

* Thị trường phân phối, bán lẻ sẽ mở rộng hơn nữa đến cỡ nào? Những rào cản kỹ thuật kiểu như “kiểm tra nhu cầu kinh tế” (ENT) sẽ bị dỡ bỏ?

- Đàm phán vẫn đang diễn ra nên tôi không thể nói trước về kết quả. Tất cả sẽ phụ thuộc vào cân bằng tổng thể, có lưu ý tới quyền lợi của DN Việt Nam nhưng cũng không quên nhu cầu tạo công ăn việc làm cho người lao động và đặc biệt là quyền chính đáng của người tiêu dùng Việt Nam trong việc tiếp cận dịch vụ phân phối văn minh, hiện đại.

* Trước đây nguyên tắc bình đẳng được cho là không thể thay đổi trong đàm phán TPP, nhưng nay các nước phát triển hơn dường như đã nhượng bộ và cho lộ trình để các nước chậm phát triển hơn bắt kịp. Vì sao có sự thay đổi này? Ông có tin một lộ trình vài ba năm như vậy sẽ tạo sức ép chuyển biến trong nước, nhất là DNNN?

- Tuyên bố của các nhà lãnh đạo các nước TPP đã thừa nhận “sự đa dạng về trình độ phát triển” giữa các nước tham gia đàm phán. Đây chính là cơ sở để các nước đang phát triển như Việt Nam đưa ra yêu cầu về lộ trình thực thi một số cam kết.

Lộ trình có phát huy được tác dụng “bước đệm” của nó hay không phụ thuộc vào chúng ta. Nếu ta chủ động, lộ trình sẽ thật sự là “bước đệm”, giúp ta có thời gian thay đổi, quen dần với cơ chế mới. Nếu ta bị động, lộ trình là vô nghĩa. Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy lộ trình quá dài đôi khi có tác dụng ngược bởi ai cũng nghĩ thời gian còn nhiều, không đi đâu mà vội. Rốt cuộc, đến cuối lộ trình vẫn thấy “bất ngờ”.

* Những lĩnh vực “nhạy cảm” mà Việt Nam bảo lưu khi đàm phán WTO thì nay có gì thay đổi khi đàm phán TPP (trừ lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng)?

- Sẽ không có nhiều thay đổi nếu thật sự là nhạy cảm.

* Ông đánh giá mức độ thành công của vòng đàm phán vừa rồi? Những hi vọng về một kết quả sơ bộ vào cuối năm nay, theo ông, là có quá lạc quan?

- Vòng đàm phán đầu tháng 10 vừa qua tại Bali (Indonesia) là vòng đàm phán của đích thân các bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng. Các bộ trưởng đã có ba ngày làm việc hết sức vất vả nhưng kết quả, theo tôi, là thành công. Chưa bao giờ tôi được chứng kiến một phiên đàm phán chi tiết và thẳng thắn như vậy giữa 12 bộ trưởng. Họ đã hiểu nhau rất sâu sắc và dự kiến sẽ còn gặp nhau một lần nữa trước cuối năm nay.

Nếu vẫn giữ được tinh thần khẩn trương, cách tiếp cận tích cực và linh hoạt như tại Bali, tôi tin là đàm phán sẽ có được kết quả khả quan trước cuối năm nay dù thách thức về thời gian là rất lớn.

___________________

Nỗ lực cuối cùng cho TPP

Khi chuyên cơ Air Force Two của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden hạ cánh xuống Tokyo vào tuần tới, lịch trình ba ngày của ông sẽ dày đặc chương trình liên quan tới TPP.

Chuyến thăm của ông Biden từ ngày 2 đến 4-12 diễn ra ngay trước thềm hội nghị bộ trưởng các nước TPP (tại Singapore từ ngày 7 đến 10-12), được coi là một trong những nỗ lực cuối cùng để kết thúc đàm phán hiệp định thương mại này trước cuối năm nay.

Các nước TPP ban đầu định tiến hành đàm phán cấp bộ trưởng ngay tại Bali (Indonesia), nơi diễn ra đàm phán WTO từ ngày 3 đến 6-12. Nhưng lo ngại đàm phán WTO đổ vỡ, Singapore được chọn cho đàm phán TPP để tránh sự tương phản của hai cuộc đàm phán.

Phó trưởng đoàn đàm phán Nhật - ông Hiroshi Oe - cho biết có tiến bộ trong chương về sở hữu trí tuệ, một trong những chương gai góc nhất của đàm phán. Ông nói hầu hết các nước đều chia sẻ quan điểm nên đạt mục tiêu ký thỏa thuận vào trước cuối năm nay. Một số nước, như Malaysia, lại muốn một thỏa thuận “chất lượng”, thay vì chỉ để đạt được mục tiêu về thời gian.

Một quan chức cao cấp của Nhật nói 12 nước đã đạt được thỏa thuận về mua sắm công của chính phủ, trong đó bao gồm các quy định về đấu thầu, các dự án công như xây dựng đường bộ và đường sắt. Các nước cũng sắp hoàn tất việc đơn giản hóa thủ tục đi lại cho doanh nhân trong khối TPP. Ngoài ra, trong lĩnh vực dịch vụ xuyên biên giới, như việc phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi, thỏa thuận cũng đi theo hướng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty trong lĩnh vực này.

Mỹ hiện đang gây sức ép để Nhật phải gỡ bỏ toàn bộ các loại thuế, trừ mặt hàng gạo, một đề xuất mà Nhật vẫn chưa chấp nhận. Một phương án nhượng bộ đang được đề xuất là Nhật có thể cân nhắc hệ thống quota cho phép không áp dụng thuế tới số lượng nhập khẩu nhất định cho các mặt hàng nhạy cảm trước khi tiến hành áp thuế.

Thông tin từ cuộc đàm phán của các trưởng đoàn đàm phán tại TP Salt Lake, bang Utah, Mỹ diễn ra hồi tuần trước không có nhiều, dù Văn phòng đại diện thương mại Mỹ ra tuyên bố nói các nước “đạt được tiến bộ đáng kể”. Theo đại diện thương mại Mỹ, vòng đàm phán đã “thu hẹp các vấn đề cần bộ trưởng các nước thành viên TPP phải giải quyết trực tiếp tại Singapore”.

Trong lúc đó, Hãng Kyodo trích lời phó trưởng đoàn đàm phán Nhật Hiroshi Oe nói “bế tắc vẫn tiếp tục trong lĩnh vực quyền tiếp cận thị trường” mà cả Nhật và các nước vẫn còn nhiều khác biệt. Trước đó có thông tin Nhật Bản đã đề xuất lịch trình 10 năm cho việc gỡ bỏ thuế hoàn toàn đối với các mặt hàng không nhạy cảm dù một số thành viên khác muốn thời gian kéo dài hơn, từ

20-30 năm. Theo Politico, đàm phán hiện vẫn bế tắc quanh năm mặt hàng mà Nhật coi là “bất khả xâm phạm” gồm gạo, lúa mì, thịt bò - thịt heo, sản phẩm bơ sữa và đường, trong khi các cường quốc nông nghiệp như Mỹ, Canada, New Zealand và Úc đều muốn Tokyo phải mở cửa các mặt hàng này.

Gần đây WikiLeaks đã tiết lộ bản dự thảo chương về quyền sở hữu trí tuệ gây nhiều tranh cãi, trong đó cho thấy Mỹ đang gây sức ép rất mạnh với các nước như gia hạn thời gian đối với bằng sáng chế thuốc tới trên 20 năm và tăng mức độ kiểm soát đối với Internet... Các phân tích cho thấy Mỹ có rất nhiều khác biệt với các nước còn lại trong chương này.

THANH TUẤN

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận