Một câu chuyện đại học ngoạn mục

TTCT - Trước khi thế kỷ 19 kết thúc, hiệu trưởng Charles Eliot của Trường đại học Harvard khuyên tỉ phú John D. Rockefeller rằng cần phải có 50 triệu USD (khoảng 5 tỉ USD ngày nay) và 200 năm để tạo ra một trường đại học nghiên cứu (Altbach 2003).

Bước sang thế kỷ mới, với khoảng trên 50 triệu USD, Đại học Chicago chỉ mất 20 năm để đến vị trí trên đỉnh. Nhưng ngay trước thời điểm bước sang thế kỷ này, Đại học Khoa học và công nghệ Hong Kong chỉ mất mười năm để vào tốp những trường đại học nghiên cứu hàng đầu châu Á.

Phóng to
Sinh viên và giảng viên Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hong Kong - Ảnh: HKUST

Năm 1991, Trường đại học (ĐH) Khoa học và công nghệ Hong Kong (HKUST) khai giảng với 600 sinh viên lứa đầu tiên. Chín năm sau, HKUST xếp hạng 7 ở châu Á, theo Asia Week. Năm 2009, HKUST được xếp hạng 35 trong 200 trường hàng đầu thế giới. Năm 2010, trường đứng hạng 2 trong 200 trường ĐH hàng đầu châu Á, hạng 39 trong 100 trường hàng đầu thế giới về kỹ thuật, công nghệ và khoa học máy tính (số 1 trong các nước nói tiếng Hoa) và hạng 52-75 trong bảng xếp hạng 100 trường hàng đầu thế giới về khoa học xã hội năm 2010.

Những thành tựu chưa từng có tiền lệ của HKUST trong việc trở thành một ĐH nghiên cứu có thứ hạng trên trường quốc tế chỉ trong vòng một thập kỷ từ ngày thành lập năm 1991 đã trở thành một chủ đề nghiên cứu và thảo luận thú vị. Tựu trung, sự trỗi dậy nhanh chóng của trường ĐH này xoay quanh một số nhân tố cơ bản: nhận thức được sâu sắc cơ hội của mình trong nền kinh tế và môi trường chính trị thay đổi nhanh chóng, tuyển dụng những giảng viên hàng đầu, đặt nặng vai trò của nghiên cứu ngang với giảng dạy và tự chủ.

Tuyển dụng sáng tạo

Những nhân tố trọng yếu của HKUST:

Tầm nhìn được chia sẻ, sứ mạng rõ ràng và nhiệt huyết.

Mục tiêu: lưu ý tới những ưu tiên của khu vực, vị trí trong nước, tác động toàn cầu trong những chuyên ngành chọn lọc.

Trọng tâm: chọn lựa các lĩnh vực và chuyên ngành, tập trung nguồn lực vào đó.

Quản trị: tổ chức và hệ thống.

Thích nghi: quốc tế hóa mà không tấn công vào truyền thống song đôi đang có.

Tâm điểm của nhà trường: chất xám, cơ bắp, tinh thần, tư tưởng, sức mạnh.

Tâm hồn: giảng viên là tâm hồn của nhà trường.

Những sinh viên đầu tiên được tuyển vào năm 1991 cho trường ĐH mới vừa thành lập này là một trong những hoạt động tối quan trọng của HKUST vì trong mắt công chúng, nhà trường chưa đạt được vị thế có uy tín. HKUST đã chọn cách tiếp cận chủ động, đưa nhà trường trực tiếp đến với nhiều bộ phận công chúng. Khoảng 250 trường trung học được mời gửi hai đại diện học sinh đến dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng trường... Các giáo sư gặp gỡ từng sinh viên tương lai để cung cấp thông tin chung. Sinh viên chính thức được chọn qua một hệ thống trên toàn Hong Kong (ngày nay được biết dưới tên gọi Hệ thống tuyển sinh liên kết các trường theo ngành học).

Trước khi HKUST mở cửa, trường đã xây dựng một kế hoạch về thành phần sinh viên cho ba khoa chủ yếu: sinh viên khoa học sẽ là 25%, kỹ thuật 40% và quản trị kinh doanh 35%. Đồng thời 20% tổng số sinh viên sẽ là sinh viên sau ĐH (Kung 2002, 5). Tỉ lệ này được duy trì ổn định đến năm 2009. Tuy nhiên, tổng số sinh viên của trường sẽ được giữ ở mức dưới 10.000 (để phù hợp với quy mô nền kinh tế và giúp giữ vững những đặc điểm của trường).

Năm 1991, Ủy ban Tài trợ ĐH cấp nguồn lực cho HKUST đào tạo 7.000 sinh viên, cho dù trong lúc đó hai trường ĐH nghiên cứu khác đã tăng trưởng tới 12.000 sinh viên. Trong thời hiệu trưởng thứ nhì của HKUST, số sinh viên tăng đến 10.000 dựa trên lời hứa của chính phủ sẽ hỗ trợ để duy trì tỉ lệ giảng viên/sinh viên là 12:1.

Một điểm lý thú khác là HKUST bắt buộc sinh viên khoa học và công nghệ phải dành 40% số môn học của họ cho khoa học xã hội và nhân văn.

Cuộc tìm kiếm Hiệu trưởng cho HKUST

Năm năm trước khi khai giảng người ta đã chọn được tên ngôi trường và hai năm sau, việc tìm hiệu trưởng được khởi động. Sau một quá trình tìm kiếm toàn cầu, họ đã nhận được 44 hồ sơ ứng viên: hơn nửa là từ Anh (25 hồ sơ), chín hồ sơ từ Mỹ và Canada, hai hồ sơ từ Úc, năm hồ sơ từ Hong Kong và ba hồ sơ từ các nước khác.

Woo Chia Wei, hiệu trưởng đầu tiên của HKUST, một người vốn được đào tạo thành nhà vật lý, từng là hiệu trưởng một trường ĐH nghiên cứu chính ở Hoa Kỳ. Thực tế ông đã là người gốc Trung Quốc đầu tiên lãnh đạo một trường ĐH lớn của Hoa Kỳ. Điểm nổi bật này biến thành một điểm lợi thế mấu chốt trong việc tuyển dụng đội ngũ khoa học, nhân tố chính tạo ra thành công nhanh chóng của nhà trường.

Hiệu trưởng Woo không chỉ trông nom việc thành lập và những bước xây dựng ban đầu của HKUST, mà còn là người đã tụ hội những nhà khoa học lỗi lạc xuất chúng và nổi tiếng thế giới, đặt ra nhịp điệu phát triển của HKUST cho hai đời hiệu trưởng kế tiếp.

Phóng to
Sinh viên Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hong Kong - Ảnh: HKUST

Những rường cột chính của HKUST

Việc giảng dạy ở HKUST được thực hiện bằng tiếng Anh. Ngôn ngữ giảng dạy có ý nghĩa quan trọng đối với mục đích của HKUST là quốc tế hóa sinh viên đầu vào.

HKUST được định nghĩa không chỉ là nơi cho lĩnh vực khoa học và công nghệ, mà còn chuyển tải một văn hóa đại học tập trung vào nghiên cứu. Điều này được gói gọn trong một tầm nhìn nhấn mạnh tinh thần “dám làm dám chịu” độc nhất của nhà trường. Nhân tố trọng tâm nằm dưới sự thành công của nhà trường là việc tuyển dụng có kết quả thực tế hai thế hệ nhà khoa học người gốc Hoa ở nước ngoài. Bằng cách cung cấp cho họ cũng như cho các giảng viên địa phương và giảng viên quốc tế khác một cơ hội lịch sử duy nhất và một môi trường làm việc trí óc được cung cấp nguồn lực tương xứng, HKUST đã duy trì bền vững một cộng đồng tri thức lành mạnh.

HKUST đã thành công trong việc tự phân biệt mình với những trường địa phương khác trong một hệ thống phần lớn do nhà nước cấp kinh phí hoạt động là nhờ đã được bảo đảm một mức độ tự chủ rất cao để đổi mới.

Những cải tiến chủ chốt của HKUST nằm ở cách trường lựa chọn các nhà quản lý. Tất cả trưởng khoa đều được bổ nhiệm dựa trên đề xuất của một ủy ban tìm nhân sự trong đó phần lớn là giảng viên, chứ không phải do các nhà quản lý trực tiếp bổ nhiệm hay bầu chọn trong nội bộ nhà trường. Các giảng viên cai quản những chuyện liên quan đến học thuật của nhà trường.

Mặc dù là trường công ngay từ đầu, HKUST có một mức độ tự chủ cao về hầu hết mọi mặt và có thể tự do cải cách trong hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như cách thức giảng dạy.

Nhân tố thành công quan trọng nhất của HKUST là sự tuyển dụng các nhà khoa học và học giả tài năng lỗi lạc xuất chúng. Đây là một điểm khác đáng để xem xét tại các trường ĐH ở những nước đang phát triển và có nhiều sinh viên, giảng viên học tiến sĩ ở nước ngoài nhưng chưa trở về nước...

Không chỉ toàn bộ giảng viên của HKUST có bằng tiến sĩ từ các trường trên khắp thế giới, mà ít nhất 80% trong số họ là những người từng tốt nghiệp hay làm việc ở những trường ĐH nghiên cứu lừng danh trên thế giới như Carnegie Mellon, Columbia, Harvard, Princeton, Stanford, Cambridge, Oxford, Yale... Điều này không chỉ phản ánh đẳng cấp giảng viên mà còn hữu ích cho việc xây dựng những hợp tác nghiên cứu xuyên quốc gia trong mạng lưới các nhà khoa học.

Hiệu trưởng đầu tiên của HKUST đóng vai trò quan trọng trong việc tuyển dụng và người ta thường trích dẫn câu nói của ông: “Bạn sẽ phải bắt đầu từ trên đỉnh, vì chỉ có người thuộc đẳng cấp số một mới có thể thu hút được những người ở đẳng cấp số một khác. Trong những lĩnh vực thay đổi nhanh như khoa học, kỹ thuật và quản lý, bạn sẽ hoặc là thuộc đẳng cấp số một hoặc là chẳng có đẳng cấp nào hết” (Course 2001, 8). Cột trụ học thuật của HKUST bắt đầu với những người ở tuổi 50 hoặc trẻ hơn, nhiều người đã trở thành công dân Mỹ và làm việc ở nước ngoài nhiều thập kỷ song vẫn có khát vọng đóng góp cho quê hương.

Theo hiệu trưởng Woo: “Họ là những người có tài năng, có năng lực, nhưng cuối cùng điều đã mang họ đến đây chính là tiếng nói của con tim họ” (Course 2001, 9). Nhiều học giả này gần đến tuổi nghỉ hưu và sẽ lãnh đạo khoa hay đơn vị của họ trong trường ĐH mới chỉ vài năm, nhưng giá trị của họ còn ở chỗ thu hút những học giả trẻ hơn và có thể đóng góp lâu dài cho nhà trường.

Mặc dù tiền lương không phải là điều duy nhất hấp dẫn đối với nhiều học giả, nhưng tiền lương của họ ở trường ĐH mới sẽ được nhìn như một dấu hiệu của địa vị và cho đồng nghiệp của họ tại trường cũ thấy rằng sự ra đi của họ không phải là một sự xuống cấp. Một trường ĐH mới cần chuẩn bị để đưa ra mức lương hấp dẫn đối với các học giả lỗi lạc trong khi cần nhìn động cơ tham gia vào nhà trường của họ không đơn thuần là tiền bạc.

Cơ chế quản trị

HKUST tự xây dựng mình như một ĐH quốc tế mới, với cơ chế quản trị bao gồm một đại hội đồng (court), một hội đồng trường (council) và một tổ chức tương tự như nghị viện của nhà trường (senate), tạm gọi là hội đồng đào tạo. Đại hội đồng họp một lần mỗi năm, là một tổ chức tư vấn về chính sách tổng quát. Hội đồng trường là tổ chức điều hành và quản trị tối cao của nhà trường, chịu trách nhiệm về đầu tư, hợp đồng, tài sản, bổ nhiệm hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, ngân sách, tài chính và quy chế, điều lệ của nhà trường.

Hội đồng trường bao gồm tối đa ba quan chức nhà nước, tối đa 18 thành viên bên ngoài là những người không phải quan chức cũng không phải là người ăn lương của nhà trường; và 12 thành viên nội bộ nhà trường bao gồm hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, các trưởng khoa, các thành viên học thuật do hội đồng giảng viên bầu ra. Chủ tịch hội đồng trường là một người không ăn lương của HKUST.

Hội đồng đào tạo đặt ra các quy định về đào tạo và nghiên cứu. Thành viên hội đồng này bao gồm những người làm việc ăn lương trong trường và sinh viên, trong đó có hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, các trưởng khoa, các trưởng phòng, trưởng đơn vị, lãnh đạo các trung tâm trực thuộc, giảng viên được đồng nghiệp bầu chọn và đại diện sinh viên. Hội đồng chịu trách nhiệm lên kế hoạch và phát triển hoạt động học thuật; quản lý cơ sở vật chất trang thiết bị cho cư trú, giảng dạy, học tập và nghiên cứu (thư viện, phòng thí nghiệm...) và quản lý việc cung ứng phúc lợi xã hội cho sinh viên.

Các hội đồng của bốn khoa (khoa học, kỹ thuật, quản lý kinh doanh và khoa học xã hội nhân văn) cùng với khoa sau ĐH chịu trách nhiệm về giảng dạy. Nhìn chung nhà nước không can thiệp trực tiếp vào công việc của nhà trường ở Hong Kong, hoặc nếu có thì cũng can thiệp một cách tế nhị.

Các trường ĐH làm tổ trong nền văn minh khu vực, mỗi nền văn minh đem lại những điều kiện độc nhất có thể dựa vào để thành lập những trường ĐH nghiên cứu lỗi lạc. HKUST đã dựa trên cả hai nền văn minh Trung Hoa và phương Tây về tài năng và đổi mới, và đã biến những điều kiện thuận lợi như tự chủ ĐH và nguồn lực đầu tư thành nguồn vốn của mình.

Tuy vậy, thành công của nhà trường đã được bảo đảm bằng việc tuyển dụng chủ động và mang tính chất chiến lược, là điều đã giúp mang lại một đội ngũ học thuật được công nhận trên phạm vi quốc tế, những người chia sẻ mục đích chung của nhà trường, với một động lực không ngơi nghỉ, tất cả cùng nhau hỗ trợ cho sự trỗi dậy nhanh chóng chưa từng có tiền lệ của HKUST: chỉ trong vòng một thập kỷ đã trở thành một trường được xếp hạng trong nhóm được gọi là các trường ĐH nghiên cứu đẳng cấp quốc tế.

Việc thành lập HKUST trùng hợp với việc sáng lập Hội đồng Tài trợ nghiên cứu Hong Kong - một tổ chức cung cấp tài chính để tăng cường năng lực nghiên cứu của các trường ĐH và cao đẳng ở Hong Kong (UGC 2000). Ngày nay, hội đồng này vẫn là nguồn tài trợ kinh phí nghiên cứu chủ yếu thúc đẩy các trường ĐH tập trung vào giảng dạy theo lối truyền thống chuyển sang hướng về nghiên cứu nhiều hơn.

Ngân sách nghiên cứu và phát triển của Hong Kong chỉ là 0,7% GDP, đứng thứ 50 trên toàn cầu. Bởi vậy, số tiền nghiên cứu dành cho HKUST có thể được coi là khá lớn cho đến khi ta so sánh với các trường ĐH cùng loại và tăng đều, trừ thời điểm khủng hoảng kinh tế châu Á. Đến tháng 6-2008, kinh phí nghiên cứu của nó là 45 triệu USD, bao gồm tài trợ tư nhân 12,66 triệu USD (28,2%); ngoài Hong Kong là 832.860 USD (1,9%); Hội đồng Tài trợ nghiên cứu cấp 16,05 triệu USD (35,7%); Ủy ban tài trợ ĐH cấp 10,85 triệu USD (24,1%) và ngân sách nhà nước là 4,55 triệu USD (10,1%).

Các khoản quyên tặng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong vấn đề tài chính và phát triển của giáo dục ĐH ở Hong Kong. Chính phủ Hong Kong lúc đó đã tạo điều kiện cho văn hóa hiến tặng bằng cách cung cấp những khoản tài trợ tương ứng với các khoản tài trợ mà nhà trường được hiến tặng. Trong lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, HKUST cho biết trường đã nhận được đóng góp của 18 quỹ, 19 doanh nghiệp, bảy cá nhân và gia đình các nhà tài trợ.

____________

Theo “Sự trỗi dậy của các trường đại học nghiên cứu: ĐH Khoa học và công nghệ Hong Kong” từ tập sách Con đường dẫn đến sự ưu tú trong học thuật (Philip Altbach and Jamil Salmi, WB, 2010),

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận