Một câu chuyện lớn về các nông lâm trường quốc doanh

TTCT - Đã qua hơn 10 năm thực hiện hai nghị quyết quan trọng (*) về việc sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh, nhưng đến nay các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp (chuyển đổi từ các nông lâm trường quốc doanh) vẫn đang loay hoay tìm hướng đi.


Những người dân làm tô trên một khu đất của Công ty Lam Sơn (Thanh Hóa) đang thu hoạch mía

Qua hai năm nghiên cứu, mới đây Viện Tư vấn phát triển (CODE) đã đưa ra một cảnh báo: “Việc tranh chấp đất đai giữa các công ty lâm nghiệp và người dân đang diễn ra rất nghiêm trọng. Nếu vấn đề không được giải quyết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những mục tiêu đã đề ra”.

Phóng viên TTCT đã đi thực địa và ghi nhận tại các công ty lâm nghiệp trên địa bàn Tây nguyên và một số tỉnh phía Bắc để thấy rõ hơn những vấn đề này.

Xung đột đất đai

Đi dọc theo các tuyến đường từ thôn 14 rồi sang đường 67… thuộc xã Ea Lê, huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi nhận thấy những cánh rừng trước đây thuộc lâm phần của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Chư Ma Lanh (trụ sở tại xã Cư M'Lan, huyện Ea Súp) đã bị dọn quang. Thay vào đó là những cánh đồng cao su, bắp, cà phê, mì… chạy tít tắp cùng những ngôi nhà của người dân mới được dựng lên. 

Đây chính là những khu đất mà theo giám đốc Công ty Chư Ma Lanh - ông Nguyễn Hữu Thu - đang bị người dân lấn chiếm, và tình trạng lấn chiếm đất đang diễn ra “cực kỳ nghiêm trọng”. Sau khi chuyển đổi từ lâm trường sang mô hình công ty, Công ty Chư Ma Lanh được giao quản lý hơn 14.700ha diện tích rừng, đất rừng. Nhưng theo giám đốc Nguyễn Hữu Thu, có đến hơn 700 hộ dân và một số đơn vị đang lấn chiếm khoảng 6.000ha rừng, đất rừng của công ty để trồng cao su, bắp, cà phê, sắn...

Tranh chấp đất đai giữa Công ty Chư Ma Lanh và người dân gay gắt đến nỗi một số dự án liên doanh liên kết của tỉnh đề ra không thể thực hiện được.

Tháng 7-2012, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định thu hồi hơn 900ha đất tại tiểu khu 294 và 295 do Công ty Chư Ma Lanh quản lý để giao cho Công ty cổ phần Vinamit thuê với dạng đất rừng sản xuất nhằm trồng các loại cây công nghiệp, nông nghiệp tạo vùng canh tác, sản xuất nguyên liệu tập trung. Thế nhưng, Vinamit đã không thể triển khai được dự án vì tất cả phần diện tích đất trên đã bị người dân lấn chiếm để canh tác hoa màu và cuối cùng đành phải rút dự án, trả lại phần diện tích đất mà tỉnh Đắk Lắk đã giao cho mình.

Tương tự, Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất kinh doanh trên 8.890ha rừng và đất rừng nằm trên địa bàn hai xã Ea Kuêh và Ea Kiết, huyện Cư M'Gar (Đắk Lắk). Theo giám đốc Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm Trần Thanh Lâm, đã có khoảng 460ha rừng “bị người dân lấn chiếm” để trồng cà phê, điều, hồ tiêu, bắp... Ngay tại tiểu khu 547A đang có 19 ngôi nhà người dân địa phương cất lên và lấn chiếm hơn 34ha để trồng hoa màu.

Tại khu vực này, “công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương nhiều lần vào giải tỏa toàn bộ hoa màu và nhà cửa, sau đó tiến hành trồng lại rừng, nhưng chỉ chờ các cán bộ rút đi, người dân lại vào nhổ bỏ cây rừng mới trồng rồi lấn chiếm đất để tiếp tục canh tác”.

Tại tỉnh Đắk Nông, tình trạng tranh chấp đất giữa người dân với 14 công ty lâm nghiệp, theo ông Vũ Minh Khôi - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cũng đang “rất đáng ngại”. Theo báo cáo của Tỉnh ủy Đắk Nông mới đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra trên diện tích lên tới gần 127.000ha, trong đó diện tích rừng bị lấn chiếm để trồng các loại cây công nghiệp và hoa màu lên đến 79.000ha.

Đa số những vụ phá, lấn chiếm đất rừng với diện tích lớn đều xảy ra tại các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chỉ riêng tại Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) đã để mất hơn 1.300ha rừng mà phần lớn là do các doanh nghiệp tư nhân và người dân chặt phá, lấn chiếm trồng cao su, tiêu, điều, cà phê…

Những người dân bị cáo buộc là đang “xâm canh” như ông Dẩu Văn Hồng (53 tuổi, dân tộc Dao, trú xã Ea Quế, huyện Cư M’Gar) với hơn 5 sào đất tại tiểu khu 547A, lâm phần quản lý của Lâm trường Buôn Ja Wầm, hay anh Dẩu Văn Quang (dân tộc Dao, trú xã Ea M’Ta, huyện Cư M’Gar) với khoảng 2ha đều nói rằng họ đã “mua lại đất bằng giấy tờ viết tay từ người khác”, và vì “nhà đông con, không có đất thì phải phá rừng để trồng bắp, nên nhất định sẽ không trả đất”.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 15 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp và được giao quản lý 197.721ha. Theo UBND tỉnh Đắk Lắk thì tới tháng 1-2013, chỉ tính riêng trên diện tích rừng do các công ty này quản lý, có gần 9.680ha rừng bị người dân chặt phá, lấn chiếm và hơn 800ha đất đang bị tranh chấp.

Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có 5 công ty TNHH một thành viên chuyển đổi từ nông trường quốc doanh trước đây, được giao quản lý hơn 7.356ha đất nông nghiệp. Sau khi chuyển đổi, 5 công ty này chỉ giữ lại 2.445 người (trong biên chế), còn hơn 6.300 nông trường viên trước đây không thuộc biên chế phải nhận khoán đất do công ty quản lý theo nghị định 135/NĐ-CP (ngày 8-11-2005).


Đồ họa: Hồng Quân - (Nguồn: Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, tháng 5-2012)

“Phát canh thu tô nặng”

Tình hình diễn ra có phần khác với phía Nam, nhiều công ty một thành viên phía Bắc lại đang xung đột với người dân trong việc giao khoán đất, trong một mối bất hòa mà người dân gọi là từ tình trạng “phát canh thu tô” nặng mà ra. Tại Thanh Hóa, Công ty TNHH một thành viên Yên Mỹ (xã Yên Mỹ, huyện Như Thanh) được UBND tỉnh giao quản lý 840ha đất. Sau khi chuyển đổi, công ty giao khoán cho các nhân viên của công ty và hộ nông dân bên ngoài trồng mía, cao su, lúa.

Hiện nay có 962 hộ nhận khoán gần như toàn bộ 840ha đất này. Trong đó, 265 hộ là công nhân viên chức, lao động của công ty nhận 281ha (bình quân 1,06ha/hộ, chiếm 34%), diện tích đất còn lại là do nông dân các xã lân cận nhận khoán (528ha, bình quân 0,76ha/hộ, chiếm gần 60%). Mỗi năm, công ty thu của người nhận khoán từ 3-7% tính trên tổng sản lượng cây trồng (chủ yếu là mía nguyên liệu, cây cao su) và người dân phải trả bằng tiền (quy theo giá thị trường).

Được biết, tổng doanh thu của Công ty Yên Mỹ trung bình đạt hơn 20 tỉ đồng/năm, trong đó phần thu từ nhân viên công ty chỉ chiếm 33%, 67% doanh thu còn lại là từ người dân bên ngoài nhận khoán đất của công ty.

Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Lam Sơn (xã Lam Sơn, huyện miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa) hiện quản lý 1.200ha đất nông nghiệp và cũng đang cho hàng trăm hộ dân thuê khoán trên diện tích khoảng 800ha để trồng cao su hoặc mía. Đã nhiều năm nay, ông Lê Nguyên Sơn (ở thôn 7, xã Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc) nhận trồng 7.912m2 mía trên phần đất thuộc Công ty Lam Sơn quản lý.

Hằng năm, công ty “thu tô” của ông Sơn là 830kg mía nguyên liệu/1.000m2 (tức là 8,3 tấn/ha/năm). “Ngoài ra, đội sản xuất của công ty còn thu thêm tiền dịch vụ, tiền bảo vệ, tiền phí tu sửa đường giao thông... nên thực chất tính ra chúng tôi phải nộp cho công ty tới 10 tấn mía/ha/năm” - ông Sơn nói.

Chịu không xiết việc phải thuê đất và phải “trả tô” quá cao như thế, nhiều năm nay ông Sơn đã vác đơn đi khiếu nại từ huyện đến tỉnh để đòi quyền lợi của mình trên chính mảnh đất mà Công ty Lam Sơn đang quản lý. Ông Sơn lý giải do từ trước năm 1989, gia đình ông là nông trường viên và được giao canh tác trên thửa đất số 209, với diện tích 7.912m2, do Nông trường Lam Sơn (sau chuyển thành Công ty Lam Sơn) quản lý. Hằng năm, gia đình ông Sơn vẫn đóng góp nghĩa vụ đầy đủ cho Nhà nước.

Đến năm 2004, khi chuyển đổi Nông trường Lam Sơn thành Công ty Lam Sơn, gia đình ông Sơn không còn là nông trường viên nữa. Do đó nhiều năm qua, ông Sơn và một số hộ trong thôn có đơn đề nghị công ty bàn giao đất canh tác của các hộ về cho xã, để xã giao quyền sử dụng, quản lý cho các hộ sản xuất nhưng Công ty Lam Sơn không đồng ý.

Theo nhiều hộ nông dân ở xã Lam Sơn đang phải thuê đất của Công ty Lam Sơn để trồng mía, thì năng suất mía bình quân chỉ đạt khoảng 60 tấn/ha/năm. Sau khi trừ nộp sản cho công ty và chi phí sản xuất, họ chỉ còn lãi khoảng 30 triệu đồng/ha. Trong khi đó, cũng là nông dân trồng mía nguyên liệu ở các xã Minh Tiến, Minh Sơn, Kiên Thọ (cùng huyện Ngọc Lặc), do không phải thuê đất, sau khi trừ mọi chi phí, bà con lãi khoảng 45 triệu đồng/ha.

Người dân thuê đất của Công ty Lam Sơn để trồng cao su còn bị áp dụng mức thu “quản lý phí” đất rất cao. Gia đình bà Ngô Thị Nam (trú thôn 5, xã Lam Sơn) thuê 4ha đất của công ty để trồng cao su. Ngoài phần “nộp tô” từ 5-12% sản lượng mủ khô/năm, gia đình bà cũng như các hộ thuê đất khác để trồng cao su đều phải nộp thêm tiền “quản lý phí” cho Công ty Lam Sơn từ 5-7 triệu đồng/ha/năm.

Xã Lam Sơn được thành lập ngày 9-1-2004 và có diện tích đất tự nhiên gần 1.290ha. Thế nhưng phần đất do Công ty Lam Sơn quản lý đã lên đến 1.200ha. Hiện xã Lam Sơn có 1.209 hộ (4.657 nhân khẩu), chủ yếu làm nông nghiệp. Toàn xã hiện chỉ có khoảng 20ha trồng lúa nước, hơn 40ha đất trồng màu và gần 30ha đất trồng cây lâu năm. Do thiếu đất sản xuất nông nghiệp trầm trọng, hàng trăm hộ dân vẫn phải thuê đất của Công ty Lam Sơn để canh tác, mưu sinh, nên cuộc sống hết sức khó khăn.

(*): Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị và nghị định số 200/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

Thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường mới đây đã công bố kết quả thanh tra 73 nông lâm trường đã được chuyển sang mô hình công ty một thành viên tại một số tỉnh thành. Theo đó, đã phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan tới việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật. Cụ thể, có đến 23/73 đơn vị đã tự ý chuyển đổi 1.068,55ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.

Ngoài ra, nhiều đơn vị cũng bị phát hiện đem thế chấp quyền sử dụng đất tại các ngân hàng hoặc tự ý góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trái pháp luật. Cụ thể: 6/73 đơn vị đem thế chấp giá trị quyền sử dụng đất tại các ngân hàng, với diện tích 51.768,24ha. Ngoài ra, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn bị phát hiện đem 710ha đất góp vốn để sản xuất; Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ba Tơ (Quảng Ngãi) tự ý góp 1.600ha đất...

Về việc liên doanh liên kết, thanh tra cũng đã phát hiện 15/73 đơn vị liên doanh liên kết với hơn 2.000 hộ dân cùng 6 doanh nghiệp tư nhân trong sản xuất nông nghiệp với diện tích đất lên đến trên 12.300ha. Thanh tra kiến nghị các cấp có thẩm quyền yêu cầu các đơn vị chấm dứt việc liên doanh liên kết này.

Đoàn thanh tra cũng phát hiện 20/73 công ty một thành viên đã cho thuê lại quyền sử dụng đất trái pháp luật với tổng diện tích 16.847,97ha. Thanh tra đã phát hiện 41/73 công ty một thành viên đang có tranh chấp, lấn chiếm với các hộ dân, các tổ chức, với tổng diện tích bị lấn chiếm lên tới 8.445,7ha.


“Nhiều doanh nghiệp thực chất mới thực hiện đổi tên, chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp, nhất là không tạo được điều kiện để công ty phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh…”, “Việc chuyển đổi hàng loạt công ty lâm nghiệp quản lý rừng sản xuất chủ yếu là rừng tự nhiên thành công ty lâm nghiệp sản xuất kinh doanh đã hoạt động không hiệu quả”...

Đây là những nội dung được nhắc đi nhắc lại trong báo cáo của các tỉnh thành, bộ ngành về việc thực hiện nghị quyết 28-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông lâm trường quốc doanh.

Những vạt rừng biến mất, thay vào đó là những vườn cao su mới được người dân chiếm đất của Công ty Chư Ma Lanh (Đắk Lắk) trồng nên

Kinh doanh kém, bảo vệ rừng yếu

Xét trên cả nước, mặc dù phần nhiều công ty một thành viên hiện nay sản xuất kinh doanh đã có lãi, nhưng hiệu quả kinh doanh đạt được rất thấp, không tương xứng với diện tích đất - nguồn tư liệu sản xuất rất lớn mà Nhà nước đang giao cho họ.

Chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã nhìn nhận tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn là “hết sức khó khăn, bộc lộ nhiều nhược điểm trong quản lý rừng” do hầu hết vẫn điều hành, hoạt động như cũ, nguồn thu chính vẫn là tiền bán gỗ khai thác từ rừng tự nhiên theo kế hoạch hằng năm và từ ngân sách nhà nước. Khi không còn chỉ tiêu khai thác gỗ, sự thua lỗ của nhiều công ty là không thể tránh khỏi. Đắk Lắk đang có hướng chuyển một số công ty như thế trở lại là ban quản lý rừng nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng tốt hơn (!?).

Ông Nguyễn Hữu Thu, giám đốc Công ty Chư Ma Lanh, cho biết tình trạng không có tiền dẫn đến chậm trả lương cho cán bộ công nhân viên trong công ty đã diễn ra từ năm 2009 đến nay để rồi “cứ phải chạy đầu này đầu kia để đắp vào lương”.

Theo ông Thu, công ty ông rơi vào khó khăn như thế từ ngày tỉnh Đắk Lắk có chủ trương đóng cửa rừng, công ty không còn được khai thác gỗ để bán nữa và không có bất cứ nguồn thu nào. Khi được hỏi vì sao công ty không tổ chức chăn nuôi trâu bò dưới tán rừng như các trang trại khác quanh vùng đang làm, ông Thu than: “Tiền còn không có để trả lương cho công nhân thì làm gì có vốn mua bò!”.

Nhiều giám đốc doanh nghiệp một thành viên lâm nghiệp khi trao đổi với chúng tôi đều thừa nhận tình hình hoạt động đang rất khó khăn. Theo họ, dù được gọi là “doanh nghiệp” nhưng thực chất việc hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thực hiện được như một doanh nghiệp thực thụ.

“Doanh nghiệp gì mà không có tư liệu sản xuất, nguồn vốn cũng không có?” - chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quốc Hưng nhận xét và cho biết: cả hai nhiệm vụ là sản xuất kinh doanh và bảo vệ phát triển rừng mà các công ty một thành viên lâm nghiệp hiện nay phải thực hiện đều chưa hoàn thành. “Mô hình công ty một thành viên lâm nghiệp hiện nay được chuyển từ các lâm trường quốc doanh trước đây chỉ là bình mới rượu cũ”.

Ông Vũ Minh Khôi, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, cũng cho biết 14 công ty lâm nghiệp của tỉnh đang hoạt động đều kém hiệu quả, vài đơn vị “tạm ổn” là nhờ còn được phép khai thác rừng để bán gỗ, còn lại đều đang loay hoay tìm mà chưa thấy lối ra nào sáng sủa. “Từ đó nhiệm vụ chính là giữ, khoanh nuôi bảo vệ rừng của những đơn vị này cũng không hoàn thành được vì họ còn đang căng mình ra, phân tán lực lượng cho việc kinh doanh” - ông Khôi đúc kết.

Và cũng chính vì nóng vội trong việc sản xuất kinh doanh, mới đây đã có sáu người gồm nguyên giám đốc và các cán bộ khác của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Quảng Tín (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, thực hiện hợp đồng liên doanh liên kết gây mất rừng.

Từ năm 2007, Công ty Quảng Tín đã ký hợp đồng liên doanh liên kết với 9 doanh nghiệp tư nhân để giao cho những đơn vị này trồng cao su trên phần diện tích hơn 1.000ha và bảo vệ rừng trên 1.800ha. Chính việc không kiểm tra, giám sát, giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng sai đối tượng mà lãnh đạo của Công ty Quảng Tín đã để mất đến hơn 1.000ha rừng và có hơn 1.200ha đất rừng đang bị một số doanh nghiệp tư nhân bao chiếm.

Những người dân này cho biết do thiếu đất sản xuất nên mới vào lấn chiếm phần đất của Công ty Buôn Ja Wầm đang quản lý để canh tác nông nghiệp

Mờ mịt hướng đi

Đã có nhiều năm làm giám đốc lâm trường, nay là phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, ông Vũ Minh Khôi hiểu rõ những khó khăn, vướng mắc của các nông lâm trường khi chuyển đổi sang công ty một thành viên.

Theo ông Khôi, cách duy nhất để các công ty này hoạt động ổn thỏa là một cơ chế cho họ hoạt động như một doanh nghiệp bình thường. Nhưng cụ thể là một cơ chế như thế nào thì khi được hỏi, nhiều vị là giám đốc, phó giám đốc những công ty này cũng chỉ có một câu trả lời rất chung chung là một cơ chế… thông thoáng (!?).

Và ngay trong một văn bản gửi cho Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Đinh Văn Khiết cũng nêu ra những kiến nghị rất “bao quát”: cần cơ chế, chính sách đặc thù đối với công ty một thành viên lâm nghiệp về khai thác gỗ rừng tự nhiên; cần được miễn tiền sử dụng, tiền thuê đất, việc trồng rừng phải được vay vốn ưu đãi; cần được dùng giá trị quyền sử dụng đất được giao để góp vốn liên kết sản xuất trong các dự án lâm nghiệp cũng như vay vốn đầu tư kinh doanh.

Việc giải quyết những bức xúc của người dân phải đi thuê đất, nộp “tô” với các công ty một thành viên, theo ông Nguyễn Quốc Minh - phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐND xã Lam Sơn - là “vẫn chưa thấy hướng ra”. Ông cho biết đã nêu nỗi bức xúc này đến các vị đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu Quốc hội trong những lần tiếp xúc cử tri gần đây. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chức năng cấp tỉnh vẫn chưa giải quyết thỏa đáng những kiến nghị của cử tri. Trong đó nổi cộm nhất là việc bà con nông dân địa phương thiếu đất sản xuất, phải đi thuê đất của Công ty Lam Sơn.

Ông Phạm Thanh Sơn - phó giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa (nguyên bí thư Huyện ủy Ngọc Lặc) - cho rằng Nhà nước cần phải xem xét và đánh giá dứt điểm về hiệu quả của việc chuyển đổi các nông trường sang mô hình công ty TNHH một thành viên. Và ngay cả khi hoạt động có hiệu quả, các công ty này cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuê đất của Nhà nước như các doanh nghiệp khác.

“Công ty nào hoạt động không hiệu quả cần bị giải thể, trả lại đất cho địa phương quản lý, giao cho nông dân canh tác theo Luật đất đai” - ông đề xuất.

“Những dạng tranh chấp này đang diễn ra ngày càng gay gắt, nếu không giải quyết kịp thời sẽ kéo theo nhiều hậu quả khác” - ông Phạm Quang Tú, phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE, viện nghiên cứu độc lập), người đã cùng các cộng sự nghiên cứu sâu về quan hệ đất đai giữa các công ty một thành viên nông lâm nghiệp và người dân tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên và Đông Nam bộ trong hai năm qua, nhận định.

Ông Phạm Quang Tú

* Theo ông, tình hình tranh chấp đất đai này sẽ còn diễn biến ra sao?

- Có ba nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc tranh chấp đất đai.

Thứ nhất là sự bất bình đẳng trong thực trạng quản lý, sử dụng đất đai giữa công ty và người dân. Các công ty mặc dù yếu cả về nguồn lực lẫn tài chính nhưng vẫn được giao quản lý một diện tích đất và rừng quá lớn, trong khi người dân sẵn sàng sản xuất lại thiếu đất trầm trọng.

Thứ hai là hậu quả để lại của các chương trình dự án trước đây, đặc biệt là chương trình giao đất giao rừng và các dự án trồng rừng. Do phần lớn đất đai giao cho các nông lâm trường trước đây chỉ thực hiện bằng việc ra các quyết định mà không có giao đất trên thực địa, còn các chương trình giao đất giao rừng thì chỉ thực hiện trên bản đồ và “chỉ tay năm ngón” nên trên thực tế diện tích bị chồng lấn rất nhiều.

Gần đây, khi thực hiện giao lại đất cho cộng đồng tại xã Lùng Sui, huyện Si Ma Cai (Lào Cai), Viện Nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội (SPERI) và Chi cục Lâm nghiệp Lào Cai đã xác định có tới gần 50% đất được giao bị chồng lấn và sai giữa bản đồ với thực địa. Nhiều diện tích đất đai thuộc đất cộng đồng, đất canh tác trong thời kỳ hoang hóa của gia đình và thậm chí là đất trụ sở của UBND xã cũng bị “khoanh” vào đất lâm trường.

Thứ ba là do tác động của kinh tế thị trường, đặc biệt là ở các tỉnh Tây nguyên do giá của một số cây nông sản, công nghiệp (như sắn, mía, cao su, cà phê, tiêu...) tăng cao nên người dân “xâm canh” vào đất đai của các công ty.

Báo cáo ngày 17-5-2012 của Bộ NN&PTNT đưa ra con số diện tích đất đai lấn chiếm ở toàn bộ các công ty lâm nghiệp trên cả nước chỉ là 7.684ha (giảm gần 68.000ha so với báo cáo tổng kết NQ 28 mà Bộ NN&PTNT báo cáo ngày 6-1-2012 - PV).

Tuy nhiên, theo chúng tôi thì tất cả các con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng”, bởi chỉ tại Công ty Đông Bắc ở Lạng Sơn hay Công ty Gia Nghĩa ở Đắk Nông thôi thì diện tích đất đai trong diện tranh chấp đã lớn hơn con số 7.684ha trên rồi. Trong thời gian tới, nếu không có các giải pháp tốt thì diện tích tranh chấp ngày càng gia tăng và có nguy cơ lan từ tranh chấp kinh tế (đất đai) sang bức xúc xã hội.

* Ông và các cộng sự của mình đề xuất giải pháp gì để giải quyết tình hình tranh chấp đất đai này?

- Theo chúng tôi, cần triển khai song song các hoạt động gồm tổ chức đánh giá, rà soát lại thực trạng và hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp hiện nay, đánh giá lại thực trạng đất đai sản xuất và cuộc sống người dân ở vùng có các công ty này đang giữ. Trên cơ sở kết quả của hai đánh giá này, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng phương án cải tổ các công ty nông lâm nghiệp gắn với việc giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

* Nhiều công ty làm ăn thua lỗ, trong khi công tác bảo vệ, khoanh nuôi rừng cũng không đạt. Vậy theo ông, hướng đi nào cho các đơn vị này là phù hợp?

- Phương án sắp xếp, đổi mới công ty này nên được tiến hành theo hướng: đối với các công ty lâm nghiệp quản lý nhiều rừng tự nhiên (đặc biệt là các công ty ở Tây nguyên và miền Trung) thì chuyển đổi sang ban quản lý bảo vệ rừng. Theo đó, một phần Nhà nước sẽ đầu tư kinh phí để các ban quản lý này thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Nhà nước cũng phải đảm bảo điều kiện để các ban quản lý rừng đó có thể thực hiện các chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES), chính sách giảm thải cacbon (REDD+). Đồng thời, cần thực hiện việc đồng quản lý rừng giữa các ban quản lý này và người dân địa phương theo phương án quản lý rừng bền vững. Như thế, các ban quản lý vừa có đủ nguồn thu để duy trì hoạt động mà người dân cũng có thể được hưởng lợi từ rừng để giảm áp lực vào phá rừng.

Đối với công ty lâm nghiệp quản lý rừng trồng và đất trống, sau khi đánh giá thực trạng tranh chấp đất đai, nhu cầu sử dụng đất của người dân thì tiến hành thu hồi đất đai giao lại địa phương để giao cho người dân. Chỉ nên giao cho các công ty một diện tích đất tối thiểu để sản xuất kinh doanh và có thể tạo ra vùng nguyên liệu nhằm sản xuất hàng hóa.

Khi công ty muốn mở rộng sản xuất thì buộc phải liên kết với người dân để sản xuất, người dân có thể góp đất để trở thành các cổ đông. Những công ty hoạt động thua lỗ, yếu kém và không quản lý được đất đai thì giải thể và giao trả đất về cho địa phương.

* Xin cảm ơn ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận