Một câu chuyện nhiều nghịch lý

TƯỜNG ANH 25/04/2018 01:04 GMT+7

TTCT - Ngay sau “đêm của Tomahawk”, tường thuật trên Hãng thông tấn nhà nước Syria SANA cho thấy người dân các thành phố Aleppo, Damascus... đổ ra đường bày tỏ thái độ ủng hộ chính phủ. Họ vẫy cờ Syria và cờ Nga.

Hoa Kỳ lại tiến hành một cuộc tấn công biểu tượng vào Syria rạng sáng 14-4. Ảnh: AP
Hoa Kỳ lại tiến hành một cuộc tấn công biểu tượng vào Syria rạng sáng 14-4. Ảnh: AP

 

Bức tranh chung khiến những ai ngây thơ nhất cũng không thể không nghi ngờ lời Tổng thống Mỹ Donald Trump về mục đích của cuộc không kích rạng sáng 14-4: nhằm ngăn chặn “quái vật Assad tấn công hóa học người dân mình”. Ngược lại, nó minh họa lời Tổng thống Syria Bashar al Assad sau không kích: “Cuộc tấn công này không thay đổi Syria, nó đoàn kết nhân dân trong cuộc chiến và trong thắng lợi quyết định đối với bọn khủng bố”. Báo chí Nga, một phía của cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” trên đất Syria, viết gì về diễn biến này? TTCT trích giới thiệu một số nhận định.

“Chiến tranh theo thỏa thuận” (Kommersant)

Mặc cho kịch tính của những thông tin đầu tiên, chiến dịch của Hoa Kỳ, Pháp và Anh chống Syria, thực hiện rạng sáng 14-4, về thực chất trở thành một hành động nhằm bày tỏ thái độ và có tính biểu tượng. Trước tiên, nó giúp các bên giữ được thể diện. Thứ hai, nó không dẫn đến cuộc đụng độ của các đồng minh phương Tây với Nga. Thứ ba, nó không thay đổi quá trình chiến tranh Syria mà quân đội chính phủ đang giành phần thắng.

Sau những lời lẽ và hứa hẹn ồn ào mà lãnh đạo các cường quốc phương Tây đưa ra những ngày gần đây, đặc biệt của các tổng thống Hoa Kỳ và Pháp, không thể thoái lui khỏi những cuộc tấn công quân sự đã được tuyên bố. Sẽ là một sự mất mặt không thể chấp nhận được đối với tất cả các chính khách, vốn đã dán nhãn cho cuộc tấn công hóa học ở thành phố Damascus và xác định rõ ràng tội đồ là chính quyền Syria!

Trong tình hình đó, sẽ là vô nghĩa nếu chờ chuyến đi của ủy ban Tổ chức Cấm vũ khí hóa học và hơn thế nữa, kết quả điều tra của nó - thời gian không kích - sẽ bị bỏ lỡ và mồi lửa sẽ thành vô ích. Còn bằng cách đã thấy, các lãnh đạo Hoa Kỳ, Pháp và Anh sẽ cứu được thể diện: họ đã hứa trừng trị chế độ độc tài vì sử dụng vũ khí hóa học chống nhân dân mình và giữ lời. Cùng lúc, họ tránh được những diễn biến xấu nhất, bất định nhất.

Trước hết và đây là điều chủ yếu, đã không xảy ra đụng độ trực tiếp với Nga. Các căn cứ quân sự của Nga ở Syria không bị tấn công. Ngoài ra, các quan chức Pháp thông báo Matxcơva đã được báo trước về các cuộc không kích.

Không loại trừ việc cảnh báo được đưa ra trong quá trình điện đàm vào hôm trước của các ông (Tổng thống Nga Vladimir) Putin và (Tổng thống Pháp Emmanuel) Macron. Còn Kremlin, về phía mình, không thực hiện lời đe dọa của Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov rằng quân đội Nga sẽ tiêu diệt không chỉ tên lửa bắn vào Syria, mà cả “những vật mang” chúng - tức các máy bay và tàu sân bay. Kết quả cuộc đối đầu chỉ là giữa Syria với phương Tây.

Trong khi đó, Damascus cũng có cơ hội cứu thể diện - lực lượng chính phủ báo cáo hệ thống phòng không của họ đã bắn rơi phần lớn tên lửa.

Thứ hai, mặc cho tuyên bố của ông Donald Trump rằng cuộc không kích này mạnh hơn cuộc không kích trước đánh vào cơ sở Shairat, về thực chất, nó chỉ mang tính biểu tượng.

Trong số các phương án mà nhà cầm quyền Hoa Kỳ xem xét, có một kịch bản nguy hiểm hơn cho Damascus: đó là những cuộc không kích hàng loạt, kéo dài nhằm gây tổn thất không thể khắc phục cho bộ máy chiến tranh của Assad, phá vỡ diễn tiến cuộc xung đột Syria, không cho chính phủ giành thắng lợi. Kết quả, như chúng ta thấy, kịch bản này đã bị bác bỏ.

Washington quyết định giới hạn chỉ một ngày (chính xác hơn, một đêm) và chỉ đánh vào vài địa điểm. Tức cho đến cuộc tấn công hóa học mới (hay sự khiêu khích được mô tả thành cuộc tấn công hóa học), quân đội Syria sẽ đi theo kịch bản của những tháng gần đây, có lợi cho Damascus và các đồng minh Nga - Iran của họ: thanh toán dần các nhóm hẹp đối lập, lợi ích của các nhóm này còn lại cũng chẳng nhiều!

Tất cả trong tầm ngắm (Expert.ru)

Mặc cho sự thống nhất có tính phô trương của các lãnh đạo Hoa Kỳ, Anh và Pháp, các quốc gia này có những mục đích và nhiệm vụ khác hẳn nhau trong chiến dịch chống Syria. Trước tiên, liên quan đến Paris, không có gì bí mật việc Pháp là nước yếu nhất về quân sự trong bộ tam này.

Hơn thế nữa, Pháp hoàn toàn không chuẩn bị để tiến hành một cuộc chiến đầy đủ. Sức mạnh tấn công chính của hải quân Pháp - hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle đang được sửa chữa. Mà không có nó, cuộc tấn công của Pháp vào Syria có vẻ quá biểu tượng.

Nhưng lý do thì dễ hiểu. Các công ty dầu khí của Pháp đã ký các biên bản và hợp đồng với Iran trị giá ít nhất 30 tỉ USD, vì vậy Paris rất cần phải hành động sao cho không chỉ không ảnh hưởng đến binh lính Nga đang đóng ở Syria, mà cả binh lính Iran. Không phải tự nhiên mà ông Emmanuel Macron đã vội vã tuyên bố: “Các cuộc tấn công của Pháp sẽ không nhắm vào đồng minh của Chính phủ Syria hay những con người cụ thể”.

London là một chuyện khác. Trên nền những vấn đề nội bộ lớn của Anh quốc liên quan tới Brexit và mất mát không tránh khỏi hơn 100 tỉ USD, nước này không quan trọng việc không kích ai, mà cái chính là tìm được kẻ thù để chuyển tất cả mối quan tâm về họ.

Chính vì thế, London đã tạo nên cơn kích động quanh mưu toan tưởng tượng về việc đầu độc điệp viên Skripal và sau đó ngụy tạo những cáo buộc nhắm vào Damascus liên quan tới cuộc tấn công hóa học. Mong muốn của (Thủ tướng Anh) Theresa May không kích Syria hoàn toàn có tính kích động - bà thậm chí không cho rằng cần phải thảo luận vấn đề này với Quốc hội...

Cuối cùng, thế lực lớn nhất trong cuộc tấn công là Mỹ. Nhưng chính nước này lại ít mong muốn nhất không kích Syria. Không phải tự nhiên mà ông Donald Trump đã hai lần hoãn phát biểu của mình liên quan tới việc bắt đầu chiến dịch.

Thế nhưng dẫu sao ông ta cũng gửi một nhóm tấn công tới Syria, tàu sân bay Harry S. Truman và bảy tàu chiến hộ tống, trong số này có một tàu tuần dương tên lửa và sáu tàu khu trục. Trên đó tổng cộng có hơn 300 tên lửa hành trình Tomahawk. Còn có phi đội 48 máy bay tiêm kích F/A-18 có thể mang tên lửa hành trình. Nhưng tàu sân bay này chỉ có thể đến Địa Trung Hải vào cuối tháng 4. ■

Vì sao Đức không tham gia không kích?

Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là đồng minh then chốt của Hoa Kỳ, nhưng Đức đã từ chối tham gia cuộc không kích Syria. “Đức sẽ không tham gia một hành động quân sự - Thủ tướng Đức Angela Merkel nói khi tiếp Thủ tướng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen ở Berlin - Nhưng chúng tôi nhìn nhận và ủng hộ những việc đang được thực hiện là để gửi đi tín hiệu rằng việc sử dụng vũ khí hóa học là không thể chấp nhận”.

Với khoảng 700.000 người nhập cư Syria đang sinh sống ở Đức và mối lo chống khủng bố hằng ngày, xem ra chính quyền Đức không có nhiều lựa chọn.

Thật ra, ngay cả việc bà Merkel ủng hộ cuộc tấn công Syria, dù không tham gia, với nhiều chính trị gia Đức, vẫn là chưa đủ. Đồng chủ tịch Đảng Xanh đối lập Annalena Baerbock nói với DW rằng leo thang quân sự ở Syria là một sai lầm, ngay cả với “tội ác kinh khủng của chế độ Syria và các nước đồng minh”. “Trả thù không bao giờ nên là mục tiêu. Mục tiêu phải là cứu lấy mạng người và tạo ra hòa bình” - bà Baerbock nói trên trang Twitter của đảng.

Trong khi Đảng Dân chủ tự do (FPD) cũng chỉ trích chính quyền, sự không hài lòng của họ khác với Đảng Xanh. Chuyên gia chính sách đối ngoại của đảng này Alexander Graf Lambsdorff nói là sai lầm khi bà Merkel loại trừ khả năng Đức can thiệp quân sự ở thời điểm này, do có khả năng các đồng minh của họ sẽ yêu cầu hỗ trợ trên chiến trường trong tương lai.

Trong khi đó, Đảng AfD cực hữu đăng hàng loạt tin Twitter chỉ trích việc bà Merkel ủng hộ các cuộc không kích. Alexander Gauland, lãnh đạo AfD ở Quốc hội Đức, nói: “Vẫn chưa có bằng chứng vững chắc cho thấy có tấn công vũ khí hóa học ở Damascus. Bởi thế, những vụ không kích của Mỹ, Pháp và Anh là vội vàng. Chỉ khi nào rõ ràng là có tấn công vũ khí hóa học và Assad thực hiện thì mới nên cân nhắc tấn công trả đũa. Lập trường của bà Merkel, như thường lệ, thật nửa vời: theo đúng khẩu hiệu vừa muốn thế nọ vừa muốn thế kia. Đấy không thể là chính sách đối ngoại tốt cho nước Đức”.

Trần Trọng

Luật của kẻ mạnh

Tổng thống Nga Putin ngày 14-4 đã lên án vụ tấn công làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria và cho biết: “Nga sẽ phản ứng, nhưng trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”. Ông nói: “Lịch sử sẽ đặt mọi thứ về chỗ của mình và nó đã đặt Washington trước trách nhiệm nặng nề vì cuộc tấn công đẫm máu ở Nam Tư, Iraq, Libya”. Trước đó, tờ Sự Thật Komsomol dẫn lời đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống phòng không Nga không phản ứng trước cuộc tấn công của “bộ tam” Mỹ, Pháp và Anh vào Syria vì “không cần thiết, tên lửa và máy bay của liên minh không bay vào vùng các phương tiện phòng không của Nga kiểm soát. Những vùng này từ năm 2015 đã được các chuyên gia Mỹ và Nga “phân chia” rõ ràng để “tránh căng thẳng và những vụ xung đột không lường trước được”.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachyov chỉ ra sự nguy hiểm của cuộc không kích ngày 14-4: “Nếu thế giới tiêu hóa được cuộc phiêu lưu của liên minh phương Tây, cuộc tấn công tiếp theo có thể đánh vào bất cứ nước nào, kể cả nước Nga”. Tuy nhiên, ông cũng nhận định: “Phản ứng của Nga nên mang tính pháp lý thay vì quân sự, chừng nào mà những chủ thể quân sự của Nga ở Syria không bị động đến”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận