Một hạt lúa cõng bao nhiêu phí?

ĐỨC VỊNH 27/05/2013 19:05 GMT+7

TTCT - Ở ngay vựa lúa lớn nhất Việt Nam - đồng bằng sông Cửu Long - mỗi hạt gạo cõng nhiều món nợ mà người nông dân phải trả: từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến chi phí hạ tầng, thủy lợi, đê điều...

Trong khi chờ giấc mơ “lãi 30%” chưa biết khi nào trở thành hiện thực, nông dân vẫn đang thiếu vốn sản xuất.

Thu hoạch lúa vụ ba ở Tân Công Chí, Tân Hồng (Đồng Tháp) chủ yếu bằng thủ công nên càng làm đội chi phí - Ảnh: Đức Vịnh

Gánh nặng đi vay

Khi cánh đồng ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc (An Giang) vừa gieo sạ xong, ông Phạm Văn Thiện đến đại lý vốn là mối ruột mua “thiếu” mấy bao phân và chai thuốc diệt cỏ. Ông Thiện kể vụ nào cũng thường mua... ghi sổ để đó chờ thu hoạch bán lúa xong mới có tiền trả. Nhiều vụ trả không hết phải ghi nợ tiếp, hẹn mùa tới trả, cứ vậy lâu nay.

Chúng tôi thắc mắc sao không vay ngân hàng, ông bảo tuy có vay nhưng chỉ đủ mua giống, thuê máy làm đất và để gia đình chi tiêu lặt vặt. “Làm chục công ruộng mà lâu nay nợ cứ chồng nợ, đã bán hết 3 công đất, vừa cầm cố thêm 3 công nữa mà trả vẫn chưa dứt” - ông than thở.

Bị tính giá cao, kê lãi

Trong cuốn sổ đại lý ghi những vật tư mà ông Thiện mua thiếu từ vụ đông xuân vừa qua, giá chai thuốc diệt cỏ Taco là 140.000 đồng, bao phân đạm Trung Quốc 520.000 đồng, DAP của Philippines 880.000 đồng, phân TE hiệu “Đầu trâu” 860.000 đồng... 

Nếu so với giá mua kiểu tiền trao cháo múc ở các đại lý thì giá bán này bị “kê” lên khá cao, vì giá từng loại theo thứ tự nêu trên chỉ 120.000 đồng, 460.000 đồng, 780.000 đồng và 750.000 đồng. 

Xem lại phần ghi nợ bấy lâu nay rồi đối chiếu với giá bán ở từng thời điểm đều thấy giá phân luôn cao hơn từ 11% trở lên, còn thuốc bảo vệ thực vật trung bình cao hơn 15%. “Mua thiếu thì đại lý nào cũng kê lên như vậy hết, nhiều chỗ khác còn cao hơn” - ông Thiện nói. 

Thật vậy, đến một số đại lý vật tư chúng tôi thấy nông dân mua vật tư ghi nợ như ông Thiện khá nhiều, giá mua thiếu thường cao hơn mua trả tiền ngay gần 15%. Chẳng hạn, ông Lê Văn Thạnh, xã Vĩnh Châu, thị xã Châu Đốc, mua thiếu tại một đại lý gần nhà chai thuốc Sofit diệt cỏ 180.000 đồng, Abasuper 175.000 đồng, Arivit (loại 1L) 160.000 đồng, Rocksai & physan 170.000 đồng... Trong khi giá bán lẻ mỗi thứ đó chỉ 140.000-150.000 đồng.

Xem kỹ từng cuốn sổ ghi nợ chúng tôi phát hiện thêm: nếu bà con thanh toán tiền ở cuối vụ thì đại lý còn tính thêm lãi suất 3%/tháng. Cũng từ đó chúng tôi được biết trung bình những hộ làm chục công ruộng, mỗi vụ thường phải trả tiền mua phân, thuốc và lãi từ 20 triệu đồng trở lên. Theo các cán bộ khuyến nông, trong cơ cấu giá thành hạt lúa ở trường hợp này thì chi phí cho phân và thuốc bảo vệ thực vật chiếm tỉ trọng cực khủng: 80%!

Ông Ngô Văn Trung, phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Tế, cho hay toàn xã có chừng 1.200 hộ trồng lúa, trong đó 60% hộ phải mua thiếu vật tư. Ông Lê Phạm Trường Vũ, trưởng Phòng kinh tế thị xã Châu Đốc, tiết lộ thêm ở địa bàn nông thôn sâu con số ấy còn cao hơn. Một số đại lý còn là nơi cho vay khi nông dân cần tiền mặt để chi xài, mua sắm, làm tiệc giỗ hay trả tiền thuê máy gặt, nhân công... với lãi 3-5%/tháng.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết chuyện mua thiếu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bị tính giá cao, kê thêm lãi suất vốn tồn tại lâu nay. “Trừ những hộ có từ chục hecta đất qua nhiều năm tích lũy được vốn liếng hay những hộ có thêm cơ sở kinh doanh làm ăn khác, còn lại hầu hết hộ trồng lúa đều mua thiếu ở các đại lý và phải “gánh” mức giá cao 20-25% so với mua tiền mặt” - ông Nhị nhận định.

Giới kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng khẳng định phần lớn đại lý đều có bán thiếu giá cao và kê lãi như thế. Mỗi vụ lúa hai bên thỏa thuận mua sổ ghi nợ trong bốn tháng, khi tới hạn mà trả chưa dứt thì phần nợ còn lại tiếp tục bị tính lãi 3-4%/tháng. Theo họ, nếu mua trả tiền ngay thì đại lý đều bán đúng giá gốc, thậm chí còn rẻ hơn giá bán công ty đưa ra do giữa các đại lý cạnh tranh với nhau không kém phần khốc liệt.

Tuy nhiên với nông dân mua thiếu ghi nợ thì phải nâng giá, kê lãi trên cơ sở dựa theo lãi suất ngân hàng 1,5-1,8%/tháng, cộng thêm các khoản chi phí khác, và phải tính cả tới... yếu tố rủi ro. “Bán thiếu dễ bị đứt vốn như chơi, bởi rất nhiều hộ trồng lúa thua lỗ không thể trả nổi cứ nợ kéo dài” - bà Lê Thu Thủy, bán vật tư ở Vĩnh Phú, Giang Thành (Kiên Giang), giải thích.

Theo một số cán bộ khuyến nông, trung bình một vụ lúa tổng chi phí cho canh tác, thu hoạch trên 1 công ruộng là 2,2-2,5 triệu đồng, giá trị chuyển nhượng trên thị trường 40-50 triệu đồng, trong khi ngân hàng cho vay đối với trồng lúa chỉ ngoài 1 triệu đồng/công. Ngân hàng giải thích mức cho vay đó là “Thực hiện theo quy định của ngành, đảm bảo sử dụng đúng mục đích và hiệu quả vốn vay” và “Định mức này dựa trên cơ sở chi phí sản xuất do ngành nông nghiệp đưa ra” - như lời ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Ngân hàng NN&PTNT An Giang, giải thích. 

Đói vốn triền miên

Theo nhiều cán bộ nông nghiệp, tình trạng này phổ biến khắp các địa phương ở ĐBSCL. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những đơn vị sản xuất cung ứng thuốc bảo vệ thực vật nắm rõ việc mua thiếu nợ vật tư nên đã tận dụng để... quảng cáo bằng cách in sổ ghi chép tặng các đại lý ghi nợ. Ngoài bìa những cuốn sổ ấy thường gắn tên, logo, sản phẩm của doanh nghiệp với nhiều màu sắc, nhưng nông dân chỉ có một tên gọi: sổ đen.

“Sổ đỏ là giấy đất. Còn gọi nó là sổ đen bởi đại lý kê lãi suất cao như tín dụng đen, nhiều hộ ngập trong nợ nần phải cầm bán đất rồi thân phận trở nên... đen đủi” - ông Lê Văn Chẩm, người đang làm 13 công ruộng, mỗi vụ thường mua thiếu nợ vật tư 25 triệu đồng, ở xã Tân Công Chí, Tân Hồng (Đồng Tháp), giải thích.

Ông Nguyễn Văn Vằn, chủ tịch UBND xã Tân Công Chí, cho biết người trồng lúa đều được vay ngân hàng và ở xã này nhiều hộ nhờ canh tác diện tích lớn nên có tích lũy vốn, tuy nhiên vẫn còn 50-60% hộ vẫn phải mua thiếu nợ vật tư giá cao, bị tính lãi như thế. “Do chi phí trồng lúa tăng, khoản vay ngân hàng không đủ để sản xuất” - ông Vằn giải thích.

Theo ông Nguyễn Chí Linh - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng, nếu canh tác dưới 20 công ruộng thì lợi nhuận không đủ đắp đổi, trong khi mọi khoản chi tiêu và chi phí sản xuất ngày càng tăng, phần lớn hộ trồng lúa vơi dần vốn liếng, lúc nào cũng rất “đói” tiền mặt. Thực tế lâu nay bà con vay ngân hàng chủ yếu để tiêu dùng theo kiểu... ăn trước trả sau, xong vụ bán lúa trả rồi vay để tiêu dùng tiếp, còn vật tư sản xuất thì mua sổ ghi nợ ở các đại lý.

“Tại vùng sâu, các đại lý bán thiếu nợ vật tư giá cao rồi kê thêm lãi từ 5%, do thiếu vốn sản xuất nên nông dân đành cam chịu” - ông Linh nói. Ông Vương Minh Mẫn, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kiên Lương (Kiên Giang), cho hay hộ trồng lúa ở đây thường phải mua thiếu nợ vật tư bởi thiếu vốn lưu động, có đi vay ngân hàng thì mỗi công đất chỉ được vay ngoài 1 triệu đồng/công, đủ thuê máy làm đất, mua giống.

Ông Phạm Thành Tâm, phó Phòng NN&PTNT huyện An Phú (An Giang), kể thêm trước kia do khó vay ngân hàng nên nông dân phải nhờ đại lý bán thiếu vật tư cho mình, rồi dần dà từ thân chủ gắn bó chuyển sang lệ thuộc. Việc vay vốn ngân hàng gần đây có phần “dễ thở” hơn trước do có thêm các ngân hàng thương mại nhưng thủ tục vẫn rườm rà, chuyện phải chạy vạy, thậm chí biết điều với nhân viên tín dụng... ở đâu cũng vậy.

Định mức vay cũng rất thấp, không đủ cho sản xuất nên hầu hết nông dân vẫn tiếp tục “nương” vào đại lý. Vòng luẩn quẩn ký sổ nợ - kê giá bán cao vô tội vạ - nợ kéo dài - kê lãi càng cao... cứ thế lặp đi lặp lại. “Không thể dứt ra được” - ông Tâm nói.

Sổ nợ của một nông dân. Làm 15 công ruộng mà ở vụ hè thu vừa qua tổng số tiền phải trả cho đại lý gần 25 triệu đồng - Ảnh: Đức Vịnh

Phí cao nên lợi nhuận không đủ đắp đổi, vậy mà nông dân vẫn phải gánh nhiều khoản phí, khoản huy động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn...

Nông dân phải thuê xe chở lúa từ ruộng ra bờ đê, từ đây lại thuê ghe chở ra đầu kênh mới bán được lúa cho thương lái, chi phí tăng thêm từ 200.000 đồng/ tấn - Ảnh: Đức Vịnh

Gần đây, để tăng thêm sản lượng lúa, các địa phương đã mở rộng diện tích trồng lúa vụ ba, buộc nông dân đóng góp xây dựng đê bao, làm cống bửng. Thế rồi hệ thống đê bao khép kín để tăng vụ ấy càng làm tăng thêm chi phí trong canh tác, thu hoạch. Gánh nặng cứ thêm chất chồng.

Trồng lúa khó có lời

Vụ lúa đông xuân vừa được thu hoạch xong trên cánh đồng xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú (An Giang) mà đã nghe nông dân than vãn “khó tiêu thụ”. Đây là vụ lúa trồng giống hạt dài theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp nhưng năng suất chỉ đạt 6 tấn/ha.

Đã vậy, do đê bao khép kín, ghe không thể vào đồng mua lúa nên phải thuê xe chở lúa ra, rồi lại thuê ghe nhỏ chở tiếp ra tận đầu kênh mới bán được cho bạn hàng mà giá chỉ 4.300-4.400 đồng/kg. “Lỗ nặng” - ông Nguyễn Văn Sách kêu.

Ông Sách cùng một số nông dân ngồi trên bờ ruộng tính hết các khoản chi phí trồng lúa cho mỗi công đất, tổng cộng hết 2,56 triệu đồng. “Vụ thu đông trước cũng ở mức đó. Đồng này vốn màu mỡ, đất mới chuyển qua làm ba vụ. Tụi tui được tập huấn, tuân thủ đúng kỹ thuật trồng lúa, hạn chế xài phân thuốc và mua vật tư tiền mặt không bị tính giá cắt cổ mà chi phí làm ra hạt lúa đã cao như vậy rồi. Với giá bán dưới 5.000 đồng/kg khó thể có lời” - nhóm nông dân này nói.

Giá thành hạt lúa theo cách tính của các nông dân ở xã Ô Long Vĩ gần bằng mức giá thành sản xuất vụ đông xuân mà một số tỉnh ĐBSCL vừa tạm công bố. Theo nhiều cán bộ nông nghiệp, trong cơ cấu giá thành đó, chi phí mua vật tư chiếm tỉ trọng khá cao.

GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết để đảm bảo an ninh lương thực và cung ứng cho xuất khẩu nên khâu chọn giống và phát triển trồng lúa ở ĐBSCL tập trung theo hướng tăng năng suất, sản lượng. Một khi trồng giống lúa cao sản và tăng vụ ắt phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

“Làm ra nhiều lúa gạo thật nhưng chủ yếu nhờ sử dụng nhiều vật tư. Nói nôm na, giống như biến chúng thành lúa gạo để xuất khẩu. Chi phí vật tư khá lớn mà giá lúa gạo không cao khiến lợi nhuận của nông dân mình thấp, gặp lúc mất giá thì lỗ” - ông phân tích.

GS.TS Bùi Chí Bửu - viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam - cũng cho rằng lợi nhuận trồng lúa thấp bởi giá các loại vật tư chi phí đầu vào sản xuất quá cao, khâu tổ chức tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu gạo lại chưa đảm bảo phân chia lợi nhuận hài hòa cho nông dân, giá trị gạo xuất khẩu vẫn thấp.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, kể ông “thấu rõ hơn hết tình cảnh nông dân”, bởi sau khi về hưu ông cũng làm 20 công ruộng. “Ai bảo trồng lúa có lãi chứ tôi thấy khó, nếu có cũng chẳng bao nhiêu, gặp những lúc rớt giá thì lỗ nặng” - ông Nhị khẳng định.

 Mất nguồn lợi phụ

Xưa kia mùa lũ cũng là lúc nông nhàn, nông dân đánh bắt cá trên những cánh đồng ngập nước kiếm thêm thu nhập, đời sống tạm ổn. Ông Lê Công Tánh (Tân Hội, Hồng Ngự, Đồng Tháp) kể hồi trước dù chỉ có chục công ruộng nhưng nhờ giăng lưới kiếm thêm tôm cá nên gia đình ông sống thoải mái, nhưng từ khi nơi nơi đều lên đê bao, lũ không còn tràn đồng, cơ hội mưu sinh này không còn.

Do làm đê bao sản xuất lúa vụ ba, các đầu tuyến kênh phải xây cống đập ngăn lại nên ghe không thể vào ruộng - Ảnh: Đức Vịnh

 Chi phí (tạm tính) cho mỗi công ruộng ở xã Ô Long Vĩ, Châu Phú (An Giang):

- Giống, ủ hạt giống và thuê máy xới, bừa đất: 500.000 đồng.

- Sau khi gieo sạ một tuần phải phun thuốc diệt cỏ, bơm nước vô ruộng, bón phân. Kể từ đó đến khi lúa chuẩn bị làm đòng phải bón bốn cữ phân, bốn cữ thuốc phòng các loại sâu bệnh. Lúc lúa vừa trổ cần bón phân thuốc dưỡng hạt, phòng trừ đạo ôn, rầy mò... Chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật: 1,6 triệu đồng.

- Đóng phí sử dụng đường nước: 140.000 đồng

- Lúc thu hoạch phải thuê máy gặt: 200.000 đồng.

- Thuê xe công nông chở lúa từ trong ruộng ra bờ đê: 60.000 đồng, thuê ghe chở tới đầu kênh để bán cho thương lái tốn thêm 120.000 đồng/tấn.

Tổng cộng: 2,56 triệu đồng/công ruộng.

Phí chồng thêm phí

Nhưng không chỉ có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mới “đè” lên hạt lúa. Còn những khoản phí, khoản huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mà tiếng là được “vận động”, thật ra gần như bắt buộc.

Tại An Giang, giai đoạn 2000-2004 huyện Thoại Sơn thực hiện hai đề án xây dựng đê bao thủy lợi và bêtông hóa giao thông nông thôn với tổng kinh phí 143 tỉ đồng, trong đó dân đóng góp 60%. Giai đoạn 2005-2009 huyện thực hiện thêm đề án xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động từ dân gần 60 tỉ đồng.

Ngoài ra, mỗi hộ phải nộp thêm phí an ninh trật tự, xây dựng hệ thống đèn đường, phí tiền điện chiếu sáng, rồi là các quỹ đền ơn đáp nghĩa, xã hội từ thiện, khuyến học, xây dựng ký túc xá sinh viên... Mấy năm gần đây các khoản đó đã bỏ, nhưng địa phương vẫn tiếp tục vận động làm cầu đường nông thôn, đê bao để trồng lúa vụ ba...

Nhiều địa phương khác cũng có đề án tương tự, cứ xong đề án này lại làm tiếp đề án khác. Từ những đề án đó, đối chiếu với các biên lai thu tiền mà người dân còn lưu giữ, chúng tôi thấy mỗi hộ có đất nằm dọc tuyến đường nông thôn thì thường tổng các khoản phải nộp hàng triệu đồng mỗi năm.

Nếu có đất canh tác trong khu vực lên đê bao trồng lúa ba vụ thì trung bình mỗi công ruộng phải đóng gần cả triệu đồng, chưa kể hằng năm còn nộp thêm khoản gia cố đê, tưới tiêu, nạo vét kênh mương, sử dụng đường nước... Nhiều nông dân ở Đồng Tháp, Kiên Giang sau khi cộng lại các khoản thu từ xấp biên lai thu tiền thì nói: “Nếu tính hết thì nay mỗi công đất ruộng “gánh” các khoản phí và đóng góp trên 20 triệu đồng”.

Để thu bằng được các khoản ấy, chính quyền nhiều địa phương gây áp lực đủ cách. Cách thường thấy là khi dân đến UBND xã phường làm bất kỳ loại giấy tờ gì, cán bộ đều rà soát, bắt họ nộp đầy đủ các khoản rồi mới chịu xác nhận. Phường Tân Hưng, Thốt Nốt (Cần Thơ) đang mở rộng đường với kinh phí gần 3 tỉ đồng, trong đó huy động từ dân 60% theo hình thức mỗi hộ có đất dọc hai bên đường phải đóng 135.000 đồng cho mỗi mét chiều dài.

Nhiều gia đình phải đóng bạc triệu, ai chưa nộp thì khó xin được con dấu, chữ ký của phường khi cần. Khi chúng tôi nêu chuyện này, ông Võ Khắc Huy, phó chủ tịch UBND phường, thừa nhận nếu không làm vậy thì không thể nào... huy động được?!

Cánh thương lái mua lúa cho hay ở nhiều nơi, cứ mỗi kỳ thu hoạch lúa xã lại cho lực lượng xuống tận ruộng đòi các khoản đóng góp, gây áp lực buộc dân phải nộp bằng cách chặn ghe không cho vào đồng mua lúa. Ông Phạm Văn Dư, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú (An Giang), có 13 công ruộng, vợ chồng ông làm thêm đủ nghề mà vẫn không lo nổi con cái ăn học, hai đứa đầu đành nghỉ học sớm.

Ông Dư kể cứ mỗi đợt địa phương kêu xáng múc đất dưới kênh đổ lên làm đường thì gia đình ông lại phải trả tiền. “Làm bốn đợt như vậy, tổng cộng đóng hết 15 chỉ vàng, phải đi hỏi đi vay. Sau đó vay thêm ngân hàng 5 triệu đồng, ba năm sau mới trả xong nợ” - ông Dư thở dài.

Gần đây, ngoài một số loại quỹ, xã lại kêu đóng góp chục triệu đồng làm đê bao sản xuất vụ ba, nhưng giờ dù bị đòi liên tục gia đình ông cũng không thể nào xoay xở nổi.

“Mỗi vụ lúa tui mua thiếu khoảng 20 triệu đồng vật tư nên bị đại lý tính giá cao, rồi kê lãi thêm 3%. Muốn vay vốn ngân hàng để mua tiền mặt cho đỡ bị “cắt cổ” nhưng khổ nỗi để xã chịu ký xác nhận vào hồ sơ thì phải nộp đủ tiền đê bao, hoặc khi phát vay xã sẽ liên hệ với ngân hàng chặn lấy để trừ các khoản đóng góp. Bị chặn thu như vậy thì tới hạn lấy gì trả nợ cho ngân hàng đây? Nên tui cần vốn lắm mà chẳng dám vay” - ông Dư kêu khổ.

Không ít nơi người dân cũng gặp tình cảnh tương tự. Ông Phạm Thành Tâm, phó Phòng NN&PTNT huyện An Phú (An Giang), cho rằng đây là một lý do nữa thêm vào chuyện nông dân cam chịu mua thiếu nợ vật tư ở đại lý với giá “cắt cổ”, bởi khi còn nợ những khoản đóng góp thì không thể vay vốn ngân hàng.

Vòng luẩn quẩn

Một số nhà khoa học cho rằng trồng lúa cao sản ngoài chi phí sản xuất cao thì việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật còn giết hệ vi sinh vật có lợi, có tác dụng cải tạo đất dẫn tới đất canh tác sớm bạc màu, mất dinh dưỡng. Gần đây do tăng vụ ba, gối vụ không có thời gian để cày phơi ải khiến cỏ dại và sâu bệnh có điều kiện phát triển.

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, khi canh tác liên tục ba vụ lúa trong điều kiện ruộng thường xuyên bị ngập nước sẽ phát sinh polytinol. Chất này kìm giữ dinh dưỡng trong đất lại, không cho cây lúa hấp thu, nhưng thấy cây lúa còi cọc thì nông dân lại bón thêm phân. “Sử dụng phân hóa học nhiều thì kích thích sâu bệnh nên phải dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn. Khi đó thiên địch có lợi bị tiêu diệt, sâu rầy càng sinh sôi, lại càng dùng thuốc nhiều hơn nữa. Đây là vòng luẩn quẩn làm gia tăng gánh nặng chi phí sản xuất” 

CẦN THÊM NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ CHO NÔNG NGHIỆP

Cho rằng rất khó giảm giá thành sản xuất lúa trong bối cảnh sản xuất lúa đi theo hướng thâm canh, tăng vụ, ông Võ Hùng Dũng - giám đốc Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ - đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn cho nông dân. Ông Dũng cho rằng Nhà nước đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn cũng là cách gián tiếp làm giảm bớt các chi phí trung gian trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ...

* Thế nhưng các địa phương vẫn tiếp tục mở thêm diện tích trồng lúa ba vụ để tăng sản lượng?

- Nhiều nhà khoa học khẳng định sản xuất tăng vụ sẽ làm tài nguyên đất suy kiệt, phải sử dụng thêm nhiều vật tư khiến chi phí sản xuất cao dẫn tới lợi nhuận từ trồng lúa càng giảm thêm. Với tình hình thị trường gạo thế giới đang có nhiều quốc gia cạnh tranh, xuất khẩu gạo của VN gặp khó thì ĐBSCL không nên gia tăng mà nên giảm sản lượng lúa.

Ngân hàng Thế giới đã nghiên cứu khá công phu, từng khuyến cáo chúng ta nên giảm diện tích trồng và sản lượng lúa. Tới đây, mức độ cạnh tranh xuất khẩu gạo càng gay gắt sẽ làm hạ giá lúa gạo. Thế nhưng chúng ta làm điều ngược lại là cứ gia tăng sản lượng. Cứ tiếp tục tăng diện tích làm vụ ba thì nguồn cung lúa gạo dồi dào hơn, giá bán sẽ càng giảm, chi phí sản xuất cứ tăng thì nông dân còn thua lỗ dài dài.

Lợi nhuận từ trồng lúa vốn đã không đủ trang trải cuộc sống, làm vụ ba lại phải đóng góp làm đê bao, thủy lợi... càng chất chồng thêm khó khăn cho nông dân. Theo tôi, các bộ ngành trung ương cần quy hoạch, khống chế diện tích trồng lúa vụ ba ở ĐBSCL.

Nông dân làm ra hạt lúa để bảo đảm an ninh lương thực, cung ứng cho xuất khẩu để thu ngoại tệ về cho đất nước nhưng họ chưa hề được đảm bảo về mức thu nhập tối thiểu để trang trải cuộc sống. Họ đã chịu quá nhiều thiệt thòi, Nhà nước còn nợ, xã hội còn nợ họ nhiều lắm. Ngân sách đầu tư cho nông nghiệp nông thôn vốn đã thấp lại cứ teo tóp dần, lẽ ra ngân sách trung ương cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp, hạ tầng nông thôn, chứ không nên để nông dân phải đóng góp.

* Theo ông, có cách nào tháo gỡ tình trạng thiếu vốn sản xuất, phải mua nợ vật tư nông nghiệp giá cao, lại còn chịu lãi suất khủng của nông dân hiện nay?

- Phải nói là định mức vay vốn ngân hàng hiện nay chưa đủ để sản xuất. Chính vì nông dân tiếp cận vốn vay còn khó nên mới tồn tại tình trạng này. Thực tế là mọi thứ tiêu xài, chữa bệnh đến lo con cái học hành... người trồng lúa đều phải dùng nguồn vốn phi chính thức như tín dụng đen.

Vay để tiêu dùng, mua sắm thì ngân hàng cho vay nhiều, còn vay để trồng lúa thì quá thấp, như vậy rõ ràng tồn tại sự bất bình đẳng trong quan hệ tín dụng với nông dân. Theo tôi, cần chính sách vay vốn bình đẳng không phân biệt đối xử và nên cung ứng dòng vốn lãi suất thấp để phục vụ người trồng lúa sản xuất.

Dù nhận định mô hình cánh đồng mẫu lớn (liên kết sản xuất lúa chất lượng cao qua cung ứng vật tư giá ổn định, bao tiêu sản phẩm) là “lời giải cho bài toán khó lâu nay là tiết giảm chi phí sản xuất lúa”, song Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng cho biết mô hình này vẫn chưa thể nhân rộng, diện tích cả năm 2012 chỉ đạt 15.000ha.

Theo ông Năng, muốn phát triển chuỗi liên kết sản xuất trước hết cần Chính phủ hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khi thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, nhưng hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Mặt khác, việc cho vay theo nghị định 41/2010/NĐ-CP phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn vẫn chưa thực hiện được bởi chưa có hướng dẫn cụ thể.

 

Theo TS Đặng Kim Sơn - viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn VN, lâu nay đầu tư của Nhà nước đã ít ỏi mà thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp cũng hạn chế. Đáng nói là ngay cả thành phần kinh tế có tiềm lực ở nông thôn cũng không tham gia đầu tư ở đấy, khi tích lũy được vốn họ đem đầu tư ở thành thị, mua đất đai, chuyển về định cư, làm ăn ở thành phố.

Nhà nước cần tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, đồng thời có thêm chính sách thu hút nhiều nguồn lực khác nhau đầu tư vào nông nghiệp, tạo kênh thu hút vốn đầu tư vào nông thôn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận