Một trào lưu chủ nghĩa dân tộc mới?

PHẠM VŨ LỬA HẠ 06/07/2016 01:07 GMT+7

TTCT - Tờ Der Spiegel (Đức) viết: “Ngày 23-6-2016 sẽ đi vào lịch sử châu Âu là thứ năm đen tối, một ngày mà một quốc gia gục ngã trước nỗi hoài niệm quá khứ và khát khao được tự do thay vì nghe theo lý trí”.

Tạm biệt Anh quốc -amazonaws.com
Tạm biệt Anh quốc -amazonaws.com

Tờ Financial Times (Anh) nhận định Brexit là quyết định làm suy yếu châu Âu và phương Tây, chỉ trong một đêm đạp đổ những chính sách kinh tế và đối ngoại được gầy dựng trong gần nửa thế kỷ. Kết quả bỏ phiếu có thể là chất xúc tác thay đổi rất lớn cục diện chính trị thế giới thời gian tới.

Dù còn đầy khiếm khuyết và gian nan nhưng các thiết chế siêu quốc gia, như Liên Hiệp Quốc và EU (hay cả ASEAN) đã được gầy dựng sau những cuộc chiến tranh lớn với khát khao chung của loài người kiềm chế chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đặt quốc gia - nhà nước trong những khuôn khổ và khung pháp lý chung để giảm bớt đối đầu, mở rộng hòa bình và cùng phát triển.

Các thiết chế chung đó đã góp phần cực kỳ quan trọng giúp cho thời kỳ hậu chiến trở thành giai đoạn ít xung đột vũ trang và thịnh vượng nhất trong lịch sử loài người.

Vì thế, nỗi lo còn lớn hơn chuyện “cơm áo gạo tiền” của nước Anh là Brexit có thể khởi đầu cho một trào lưu dân tộc chủ nghĩa mới.

Ở Mỹ, Donald Trump nhiều khả năng sẽ ra tranh cử tổng thống đại diện phe Cộng hòa. Khắp châu Âu, các đảng dân túy, cực hữu và chống nhập cư đang nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng, theo các cuộc thăm dò dư luận ở Pháp, Hà Lan, Đức và Thụy Điển.

Sau Thế chiến thứ hai, trật tự chính trị ở các nước châu Âu chủ yếu do các đảng trung hữu và trung tả chi phối. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở các phong trào chính trị cực hữu và cực tả hiện giờ, vì thế khiến nhiều người nhớ lại thập niên 1930.

Hiện giờ, các đảng dân túy đang nắm quyền ở Hi Lạp, Hungary và Ba Lan. Hôm 26-6, liên minh cực tả Unidos Podemos giành được 21% số phiếu trong cuộc bầu cử ở Tây Ban Nha. Tất nhiên, châu Âu sẽ không để xảy ra những cuộc chiến tranh lớn như quá khứ đau thương, nhưng chỉ nỗi lo ngại về sự gắn kết của EU đang lung lay cũng đủ là mồi lửa đốt cháy sự phục hồi còn yếu ớt của khu vực đồng euro và cả kinh tế toàn cầu nữa.

Brexit có thể khiến các nước thành viên (và các cử tri) nhận thức tốt hơn về cái giá phải trả khi rời EU. Nhưng trong một kịch bản khác, Brexit có thể châm ngòi cho những cuộc đòi ra đi hàng loạt.

Ngay sau khi có kết quả trưng cầu ở Anh, ngày 23-6, lãnh tụ Geert Wilders của Đảng Vì tự do, đảng cực hữu ở Hà Lan, kêu gọi làm điều tương tự tại nước này. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hiện khoảng phân nửa cử tri Hà Lan ủng hộ cho bỏ phiếu. Tình hình không khác nhiều tại Đan Mạch hay Thụy Điển, nơi các cuộc thăm dò đều cho thấy khoảng cách sát sao giữa ra đi và ở lại.

Ở Pháp, Brexit là tin vui với Mặt trận dân tộc cực hữu và chủ tịch đảng này, Marine Le Pen. Le Pen đã nhiều lần tuyên bố EU là “ung nhọt hút cạn sinh lực nước Pháp”. Bà cho rằng chẳng có lý do gì để EU tiếp tục tồn tại, và nếu bà đắc cử tổng thống vào tháng 5-2017, hành động đầu tiên sau khi nhậm chức sẽ là đòi EU trả lại chủ quyền cho nước Pháp.

“Tôi muốn giành lại quyền kiểm soát đồng tiền và các biên giới của chúng ta” - bà Le Pen nói. Ở Ý, một trong sáu nước sáng lập EU, gần một nửa những người được khảo sát nói họ có quan điểm tiêu cực về EU.

Mỗi nước thể hiện tâm lý bất mãn mỗi kiểu. Với kinh tế yếu kém, dân Ý và Hi Lạp phẫn nộ trước chính sách thắt lưng buộc bụng do Đức áp đặt. Dân Pháp kêu ca EU quá tự do, trong khi dân Anh lên án tệ quan liêu hành chính của EU. Còn ở các nước Đông Âu, phe dân tộc chủ nghĩa trách EU về chính sách nhập cư và sự mở rộng cho hôn nhân đồng tính.

Nhưng cũng thật đáng nói là hầu hết các nước Đông Âu trong EU, vốn nghèo hơn và ít ảnh hưởng chính trị hơn, lại không đòi ra đi, vì EU quá quan trọng với họ. 

Trước khi diễn ra Brexit, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, vốn phản đối chính sách chào đón người nhập cư quyết liệt không kém các chính trị gia đồng nghiệp đòi ra đi ở Anh, lại bỏ ra 32.000 bảng Anh mua trọn một trang quảng cáo trên tờ Daily Mail kêu gọi người Anh bỏ phiếu ở lại!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận