Mùa hè chấn động ở Thổ Nhĩ Kỳ: Vai trò của Mỹ?

DUY VĂN 27/07/2016 03:07 GMT+7

TTCT - Không phải “Mùa xuân Ả Rập”, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có một mùa hè chấn động. Cuộc nổi loạn đêm 15 rạng sáng 16-7 chớp nhoáng, nhưng đủ để lộ cục diện thay đổi trong quan hệ giữa Ankara với Matxcơva và Washington.

Viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bất ổn và chia rẽ sâu sắc sau ngày 15-7 là điều không khó nhận thấy. (Ảnh TheGuardian)

Tuyên bố của Matxcơva

Lần ngược lại diễn biến đêm 15-7 đang đi vào lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, Nga là nước đầu tiên tuyên bố tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ “cần được giải quyết trong khuôn khổ hiến pháp”.

Người tuyên bố là Ngoại trưởng Sergey Lavrov. Châu Âu thức dậy và tuyên bố tương tự hai tiếng rưỡi sau đó. Tổng thống Barack Obama phát biểu ủng hộ Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ muộn màng hơn. Sự chần chừ này không khỏi gây những liên tưởng.

Trong phát biểu đầu tiên qua Facetime trên CNN Turk ngay khi nổ ra mưu toan đảo chính, ông Recep Tayyip Erdogan đã cáo buộc cựu đồng minh chính trị của ông, giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen từ năm 1999 đã chuyển sang sống ở Pennsylvania - Hoa Kỳ, đứng sau vụ nổi loạn.

Ông Erdogan nói: “Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một đất nước dễ nghiêng ngả trước những cuộc nổi dậy rẻ tiền, cũng không phải là quốc gia dễ dàng bị điều khiển từ Pennsylvania”.

Nhiều phương tiện truyền thông sau đó nhận định ông Erdogan ám chỉ sự can dự của Hoa Kỳ trong mưu toan lật đổ. (Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã tuyên bố những ám chỉ này là “sai sự thật và có hại”.

Ngày 17-7, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ lại đưa tin Ankara đang chờ Washington cho dẫn độ Gulen, trong khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố chưa hề nhận được yêu cầu này, nhưng nói rõ nếu muốn dẫn độ, Ankara phải trình đầy đủ bằng cớ về sự can dự của giáo sĩ Gulen vào âm mưu đảo chính).

Không chỉ thế, sáng 17-7, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho hay các binh sĩ ở căn cứ Incirlik có “dính líu tới mưu toan đảo chính”. Incirlik là một trong sáu căn cứ quân sự của NATO trên lục địa châu Âu, nơi có chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Căn cứ này hiện đang được không quân các nước NATO (Anh, Mỹ, Đức cùng một số quốc gia Trung Đông) sử dụng để tiến hành không kích các vị trí của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.

Rõ ràng cơm đã không lành, canh đã không ngọt trong quan hệ giữa hai đồng minh NATO. Gần đây, giữa Ankara và Washington đã có một số bất đồng về vấn đề người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Hoa Kỳ hỗ trợ các tổ chức người Kurd như một đồng minh trong cuộc chiến chống IS, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ liệt các tổ chức này vào các nhóm khủng bố do yêu sách của họ về việc thành lập một Nhà nước Kurdistan độc lập.

Đến độ ông Erdogan nổi giận phải hỏi Washington: “Tôi hay những tên khủng bố ở Kobani mới là đối tác của các vị đây?”. Căng thẳng thêm tăng sau khi ông Erdogan hồi tháng 6 đã chính thức xin lỗi Matxcơva vì vụ máy bay Nga Su24 tham gia chiến dịch chống khủng bố IS bị bắn rơi trên không phận Syria - Thổ ngày 24-11-2015, lời xin lỗi hẳn không làm hài lòng Washington.

Quyền tổng thống Cộng hòa tự trị Chechnya (Nga) Ramzan Kadyrov nhận định mưu toan đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ là kết quả việc “Tổng thống Erdogan gần đây đã theo đuổi chính sách độc lập hơn khỏi phương Tây”.

Viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bất ổn và chia rẽ sâu sắc sau ngày 15-7 là điều không khó nhận thấy. Thổ Nhĩ Kỳ muốn khôi phục án tử hình, số người bị bắt giữ do liên quan mưu toan đảo chính tăng vùn vụt, đến nay đã hơn 6.000 người, bao gồm cả trăm tướng lĩnh quân đội.

Cục diện thay đổi

Trong dòng thông tin cấp tập của ngày 15-7, không thể bỏ qua tuyên bố của thị trưởng Ankara Melih Gökçek trên CNN Turk về việc “phi công bắn hạ Su24 cũng tham gia mưu toan đảo chính”, và viên phi công này là một thành viên của tổ chức “nhà nước song song” của giáo sĩ Gulen.

Trong bài viết “Ai có lợi trong cuộc nổi loạn?”, nhà bình luận expert.ru Gevorg Mirzayan nhận định: “Bây giờ tất cả đều đã biết sự thật (về vụ máy bay Nga bị bắn hạ). Rằng dường như ông Erdogan không có lỗi, mà là tổ chức của Gulen mà viên phi công này là một thành viên”.

Thị trưởng Gökçek trong phát biểu trên CNN Turk “vô tình tiết lộ”: một cố vấn Nga có chuyến thăm Ankara một ngày trước vụ binh biến cũng chia sẻ ý kiến của ông là “nhà nước song song” của giáo sĩ Gulen là thủ phạm “phá hoại quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với Nga”.

Fethullah Gulen xuất thân là một giáo sĩ nhưng dần đã vươn lên lãnh đạo Hizmet, một tổ chức Hồi giáo quy mô toàn cầu. Đây không đơn giản là một tổ chức tôn giáo, mà là một hệ thống các ngân hàng, trường trung học, đại học, các trung tâm thương mại và các công ty lớn.

Tổ chức Hizmet đã mở hơn hàng nghìn trường Hồi giáo ở 160 nước trên thế giới để truyền bá một hình thức nhẹ nhàng hơn của Hồi giáo, một kiểu chủ nghĩa Gulen.

Theo nhà Hồi giáo học Nga Rais Suleymanov: “Chủ nghĩa Gulen là nỗ lực truyền bá Hồi giáo cho phương Tây và châu Âu trong một hình thức dễ chấp nhận hơn, dễ hiểu hơn và thiện cảm hơn. Đó không phải là những người để râu dài kêu gọi thánh chiến, mà là những người hiểu biết, có giáo dục, tích cực tham gia đối thoại về sự tương tác giữa những nền văn minh. Chủ nghĩa Gulen chính là kiểu Hồi giáo mà thế giới phương Tây muốn thấy”.

Năm 2008, Gulen từng được Prospect và Foreign Policy vinh danh là “một trong những trí thức ảnh hưởng nhất thế giới”. Gulen từng là đồng minh thân cận của Erdogan trước khi sang Hoa Kỳ sinh sống do bất đồng trong tầm nhìn về việc xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ.

Nói theo tổng biên tập tờ Sabah (một tờ báo thân chính quyền Erdogan) Mehmet Barlas thì ông Gulen muốn xây dựng “một Thổ Nhĩ Kỳ Hồi giáo”, trong khi ông Erdogan muốn “một Thổ Nhĩ Kỳ phát triển”. Cho một nhân vật như thế cư trú suốt 17 năm qua, chắc chắn CIA không thể không biết những hoạt động của Hizmet. Và đó là lý do mà ông Erdogan tức giận với Washington.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận