Mugabe và các "ông lớn" 

DANH ĐỨC 26/11/2017 02:11 GMT+7

TTCT - Ông Mugabe đã không còn dịp kỷ niệm 30 năm cầm quyền ở Zimbabwe với tư cách tổng thống (ông nhậm chức tổng thống năm 1987 và là thủ tướng trong bảy năm trước đó 1980-1987).

Xe tăng đã xuất hiện trên đường phố Harare hôm 15-11. -Ảnh: AFP
Xe tăng đã xuất hiện trên đường phố Harare hôm 15-11. -Ảnh: AFP

 

37 năm cầm quyền đó của ông đã đem lại gì cho đất nước và người dân Zimbabwe, nay sẽ là câu hỏi mà ông cần trả lời trước tiên.

Tất cả bắt đầu vào tối thứ ba 14-11 tuần rồi khi một số đơn vị thuộc lực lượng quốc phòng Zimbabwe (ZDF, tức quân đội) tụ tập xung quanh thủ đô Harare, chiếm trụ sở đài truyền thanh, truyền hình ZBC, cùng trụ sở quốc hội, một số cơ quan chính phủ - những hành động triển khai lực lượng và chiếm đóng tiêu biểu của một cú đảo chính.

Theo AFP, các nhân chứng cư ngụ ở khu Borrowdale gần tư dinh ông Mugabe cho biết họ nghe tiếng súng nổ.

Đảo chính mà không phải là đảo chính 

Phát biểu trên truyền hình nhà nước sáng hôm sau, người phát ngôn của quân đội, thiếu tướng Sibusiso Moyo, đưa ra lời giải thích lạ thường:

Quân đội không đảo chính chống chính phủ. Chúng tôi chỉ nhắm tới bọn tội phạm xung quanh ông Mugabe, những kẻ đã gây ra những đau khổ xã hội và kinh tế...” và “quân đội sẽ đưa họ ra trước pháp luật”. Thiếu tướng Moyo còn đoan chắc rằng ông Mugabe và gia đình ông Mugabe an toàn, khỏe mạnh, an ninh của họ được đảm bảo.

Cách giải thích như thế hoàn toàn không mang dáng dấp một cuộc đảo chính, khi tránh “chạm” tới ông Mugabe và gia đình ông này mà chỉ “chạm” tới những “vệ tinh” của ông ta, mà theo quân đội, mới là “bọn tội phạm”.

Bằng cách tiếp tục “kiêng nể” ông Mugabe như thế, các tướng lĩnh của vụ binh biến đêm 14 coi như đã tự trói tay mình và tạo điều kiện cho ông Mugabe lật ngược tình thế nếu muốn.

Ông Mugabe còn được kiêng nể tới mức ông “tự do” nhận cuộc gọi điện thoại của Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và xác nhận mình đang yên ổn (quản thúc tại gia chớ không phải là đã bị lật đổ hay từ chức). Đây chính là kẽ hở và lối thoát khả dĩ cho “cáo già” chính trị như ông Mugabe.

Gọi là “cáo già” không phải là vô cớ. Bằng cớ là tối chủ nhật vừa qua, khi lên truyền hình với các tướng lĩnh ngồi sau lưng chứng giám, ông Mugabe đã đọc một bài diễn văn dài 20 phút mà có người cho là đã bị đánh tráo.

Lẽ ra ông Mugabe đã đọc bài diễn văn từ chức, song ông đã biến hóa màn xuất hiện trên truyền hình này thành một cơ hội phản bác, khiến các tướng lĩnh chỉ biết ngồi như phỗng nghe ông huyên thuyên:

Tối nay, tôi nói chuyện với quốc dân sau một cuộc họp mà tôi tổ chức ngày hôm nay với các chỉ huy lực lượng an ninh quốc gia. Cuộc họp này đã được tạo điều kiện bởi một nhóm trung gian... tiếp theo một cuộc hành quân do lực lượng quốc phòng Zimbabwe tiến hành trong tuần qua bắt nguồn từ những lo ngại về việc họ đánh giá tình hình trong nước ta và trong Đảng Zanu - PF cầm quyền”.

Tóm tắt: quân đội đã tự ý “hành động” sau khi “đánh giá tình hình” theo ý họ, và hậu/kết quả là bây giờ tôi ngồi ở đây trước ống kính truyền hình, còn họ ngồi canh phía sau.

Trót lọt được đoạn nhập đề, ông “tới luôn bác tài” bằng cả một đoạn chứng tỏ uy quyền: “Bất luận những ưu và nhược điểm của cách họ thể hiện những mối quan tâm đó, tôi, trong tư cách tổng thống Zimbabwe và là tổng tư lệnh của họ, thừa nhận những vấn đề mà họ đưa ra đã thu hút sự chú ý của tôi, do quan tâm sâu sắc đến sự ổn định của đất nước và sự yên ổn của người dân và lòng yêu nước”.

Để rồi ông tỏ ra mình mới chính là người nắm tình hình trong tay chứ không phải các tướng lĩnh không dám gí súng vào ông: “Cuộc họp hôm nay với bộ phận chỉ huy đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cùng nhau bắt đầu các quá trình đưa đất nước của chúng ta trở lại bình thường để tất cả chúng ta có thể tiến hành công việc của mình mà không bị cản trở, trong một môi trường hòa bình và an ninh hoàn hảo, đảm bảo rằng luật pháp và trật tự vẫn là tối thượng như trước và cả trong tương lai”.

Nói cách khác, ông Mugabe, dù có bị quân đội quản thúc, vẫn cứ là tổng thống. Thế nhưng, một điểm tối quan trọng bài diễn văn 20 phút của ông lại được hé lộ dù quá sức vắn tắt: “Cuộc họp này đã được tạo điều kiện bởi một nhóm trung gian”. Chưa có mấy chi tiết về “nhóm trung gian” đó.

Những nghi vấn ban đầu 

Ngay sau vụ quản thúc ông Mugabe, báo chí quốc tế nêu chuyến thăm Trung Quốc của tướng Constantino Chiwenga, tổng tham mưu trưởng quân đội Zimbabwe, chỉ ít ngày trước vụ binh biến.

Viên tướng này đã gặp hai tướng lĩnh cao cấp nhất quân đội Trung Quốc và cả bộ trưởng quốc phòng nước này, Chang Wanquan (Thường Vạn Toàn). Báo hại chính biến ở Zimbabwe hôm 14-11, qua hôm sau 15-11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải hứng mấy câu hỏi “phát phiền”:

Hỏi: Các nguồn tin cho biết cựu phó tổng thống Zimbabwe đã trốn sang Trung Quốc. PNV có thể xác nhận tin này và bình luận về tình hình hiện tại ở Zimbabwe?

Đáp: Là một quốc gia thân thiện với Zimbabwe, chúng tôi đang theo sát tình hình đang diễn ra ở Zimbabwe. Sự bình an, ổn định và phát triển của Zimbabwe phục vụ lợi ích cơ bản của đất nước và các nước trong khu vực. Đó cũng là mong muốn chung của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi hi vọng rằng Zimbabwe có thể giải quyết đúng đắn các vấn đề nội bộ của mình. Còn về việc cựu phó tổng thống Zimbabwe nay ở đây, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng ông ta không ở Trung Quốc.

Hỏi: Theo trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tướng Constantine Guveya Chiwenga, chỉ huy Bộ Quốc phòng Zimbabwe, đã ở Trung Quốc hôm thứ sáu tuần trước. Ông có thông báo cho Trung Quốc về kế hoạch của ông ta trong việc quân đội “tiếp quản” không? Bình luận của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là gì?

Đáp: Giống như bạn đã nói, Bộ Quốc phòng đã công bố thông tin về chuyến thăm của tướng Chiwenga, chỉ huy Bộ Quốc phòng Zimbabwe. Tôi chỉ có thể nói với bạn rằng chuyến thăm của ông là một cuộc trao đổi quốc phòng qua lại bình thường được Trung Quốc và Zimbabwe đồng thuận mà thôi.

Thanh minh là một chuyện, tin hay không là chuyện khác. Qua tới ngày 20-11, tức năm ngày sau đính chính của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tờ Le Monde của Pháp nêu một số câu hỏi thẳng thừng: “Có phải thủ lĩnh phe đảo chính sang Trung Quốc tìm sự đồng ý của Trung Quốc, đối tác kinh tế hàng đầu của Zimbabwe, trước khi lật đổ Mugabe? Ông ta tới Bắc Kinh để báo trước các ý định của mình hay là để nhận lệnh?”.

Tờ báo nổi tiếng là nghiêm túc hàng đầu này của Pháp còn chua thêm bình luận: “Một trình thuật từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho thấy tướng Li Zuocheng đã nói về mối quan hệ mạnh mẽ giữa hai nước. Vị tướng này rất gần gũi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tướng Chiwenga cũng được trích dẫn, đề cập đến “hợp tác quân sự sâu sắc hơn”.

Các cuộc trao đổi này là khá ổn, ngoại trừ mỗi việc là đã diễn ra trước cuộc đảo chính Robert Mugabe. Khó tưởng tượng rằng trường hợp của phó tổng thống Emmerson Mnangagwa đột ngột bị cách chức, diễn ra cùng lúc, không được tướng lĩnh hai bên nhắc tới ở Bắc Kinh. Đặc biệt kể từ khi thiên hạ đồn rằng ông Emmerson Mnangagwa đã lưu vong ngắn ngủi ở Trung Quốc trước khi trở lại quê nhà vào tuần rồi”.

Câu chuyện về cựu phó tổng thống Mnangagwa phải lưu vong ở Nam Phi chứ không ở Trung Quốc như sau: ông này nguyên là cựu giám đốc tình báo, cũng xuất thân từ cuộc đấu tranh giải phóng Rhodesia (sau này đổi tên nước là Zimbabwe) cùng ông Mugabe.

Do trẻ hơn ông Mugabe nên ông được nghĩ tới như người kế vị ông này. Diễn biến “tự nhiên” này đã bị khựng lại từ khi đệ nhất phu nhân Grace Mugabe, 50 tuổi, người gốc Nam Phi, muốn làm... tổng thống chứ không làm phu nhân tổng thống.

Hôm 5-11, ông Mnangagwa bị cách chức vì lý do “bất trung và hành xử không đúng chức trách”, theo tờ The Herald của Zimbabwe.

Những nghi vấn nêu ra về một cú “bật đèn xanh” từ chuyến thăm Bắc Kinh của tướng Chiwenga không phải không có cơ sở.

Từ đầu cuộc đấu tranh giành độc lập vào những năm 1960, Trung Quốc đã luôn hậu thuẫn “con sư tử” (một tên gọi của ông Mugabe). Sau này, việc Trung Quốc đã có “của ăn của để” trở thành nước đầu tư số 1 ở Zimbabwe cũng dễ hiểu.

Nhưng thực tế ông Mugabe ngày càng bị chống đối, có thể bị “đột tử” cả về chính trị lẫn thể chất, đe dọa các dự án đầu tư của Trung Quốc là một rủi ro có thật, khiến tờ báo nhà nước Global Times không giấu được nỗi lo ngại, qua trích dẫn phát biểu của nhà nghiên cứu Wang Hongyi:

“Trung Quốc đã khốn khổ vì sự quản trị của tổng thống Mugabe khiến vô số dự án phải đóng cửa hoặc dời sang các nước khác, gây ra thiệt hại to lớn.

Sự hợp tác song phương đã không đạt hết tiềm năng dưới trào Mugabe... Một sự thay đổi chính phủ sẽ là có lợi cho cả hai nước”. Tờ Le Monde trích lại và đặt tựa “Trung Quốc có buông rơi ông Mugabe?”.

Để hình dung quy mô của sự đầu tư này, không gì bằng sự giúp vốn trong việc xây dựng Học viện quốc phòng trị giá 100 triệu USD và trụ sở quốc hội gồm 650 chỗ vào năm 2016. Những quà tặng đó giải thích các dự án trị giá 2 tỉ USD của R&F mua lại Tập đoàn gang thép Zisco.

Nói chung, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Zimbabwe tăng tới 5.000% tính từ năm 2009, theo Viện Nghiên cứu quốc tế vùng Nam Phi (SAIIA). Trung Quốc cũng là đối tác lớn nhất và xuất khẩu lớn thứ hai (sau Nam Phi) của Zimbabwe, chiếm xấp xỉ 20% kim ngạch thương mại của nước này.

Giữa các "ông lớn" 

Đến tối thứ ba 21-11, tất cả hạ màn. Ông Mugabe đã gửi tới quốc hội nước này, vốn đang họp bàn phế truất ông, một lá thư loan báo từ chức có hiệu lực ngay. Do biết đang bị đặt dấu hỏi, đến sáng thứ tư 22-11, tức sau khi đã có tin ông Mugabe từ chức cả một đêm, Tân hoa xã Anh ngữ vẫn còn đưa tin “Mugabe của Zimbabwe nói sẽ chủ tọa đại hội Đảng ZANU-PF vào tháng 11 bất chấp lời kêu gọi của đảng cầm quyền”.

Nhưng, còn phải để ý tới việc Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm thứ sáu tuyên bố trước một nhóm bộ trưởng ngoại giao và nhà ngoại giao châu Phi tại Bộ Ngoại giao Mỹ:

“Tất cả chúng ta nên cộng tác để một chính quyền dân sự nhanh chóng quay trở lại đất nước này đúng theo hiến pháp... Nhất thiết Zimbabwe phải tổ chức bầu cử tự do và sòng phẳng... Mugabe đã thắng trong các cuộc bầu cử trước đây mà các nhà quan sát đã phát hiện ra đã bị thiếu sót sâu sắc...

Zimbabwe nay có một cơ hội để tự đặt mình trên con đường mới, bao gồm bầu cử dân chủ và tôn trọng nhân quyền”. Ông Tillerson kết luận: “Cuối cùng thì dân Zimbabwe phải chọn chính phủ của họ. Trong các cuộc trò chuyện ngày hôm nay, chúng ta có cơ hội để thảo luận những cách cụ thể mà chúng ta có thể giúp họ thông qua quá trình chuyển đổi này”.

Chẳng rõ “mèo nào cắn mỉu nào” trong cuộc phân định quyền lực sắp tới ở Zimbabwe. Song, ông Mugabe, người từng được ca ngợi là một anh hùng cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng là người bị cáo buộc là một nhà độc tài, quản lý kinh tế yếu kém, để nạn tham nhũng lan rộng, vi phạm nhân quyền... sẽ còn phải trả lời nhiều câu hỏi hóc búa từ chính những người dân đang sống một cách kiệt quệ của đất nước Zimbabwe.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận