Mỹ và cuộc đảo chính Diệm Nhu: Tổng giám mục Ngô Đình Thục

HỮU NGHỊ 15/09/2003 02:09 GMT+7

TTCT - Vai trò của tổng giám mục Ngô Đình Thục trong cuộc đời chính trị của em ruột mình là Ngô Đình Diệm đã được rất nhiều sử gia đương thời và sau này phân tích. Sẽ không là quá đáng nếu nhận xét rằng giám mục Thục đã đưa Diệm từ trong “cánh gà” của chính trường VN ra trước “ánh đèn sân khấu” của cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-10-1955, qua đó 98% (!) cử tri miền Nam bỏ phiếu chọn Diệm thay vì Bảo Đại, để rồi sau đó Diệm lên ngôi tổng thống.

Kỳ 5: Về tổng giám mục Ngô Đình Thục

Ngô Đình Thục truyền chức cho các linh mục.

Vai trò của tổng giám mục Ngô Đình Thục trong cuộc đời chính trị của em ruột mình là Ngô Đình Diệm đã được rất nhiều sử gia đương thời và sau này phân tích. 

Sẽ không là quá đáng nếu nhận xét rằng giám mục Thục đã đưa Diệm từ trong “cánh gà” của chính trường VN ra trước “ánh đèn sân khấu” của cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-10-1955, qua đó 98% (!) cử tri miền Nam bỏ phiếu chọn Diệm thay vì Bảo Đại, để rồi sau đó Diệm lên ngôi tổng thống. 

Thật vậy, chính nhờ giám mục Thục vận động nơi hồng y Spellman mà Diệm được đưa sang Mỹ và sau đó trở thành “lá bài” chống cộng của các chính phủ Mỹ.

Thế nhưng, cũng chính Thục - bấy giờ là tổng giám mục Huế - đã sớm đưa Diệm, Nhu và cả cậu út Cẩn (ba người em trai của Thục) đến cái chết bi thảm bằng những cuồng vọng đánh đồng thần quyền với thế quyền và phân biệt tôn giáo. 

Những tư liệu vừa giải mật của Bộ Ngoại giao Mỹ, cụ thể là FRUS vol. IV, thuật lại thái độ của Mỹ đối với Thục trong giai đoạn này.

Từ trong nước...

Điện tín của tòa đại sứ tại VN gửi Bộ Ngoại giao: Sài Gòn, ngày 31-8-1963, 6 giờ tối ... 4-Bà Nhu cần rời khỏi đất nước này. Nên giới hạn chức trách của Nhu trong chương trình ấp chiến lược. Tổng giám mục Thục cần ra khỏi đất nước”.

Qua đề xuất của đại sứ Lodge, đứng đầu danh sách “ưu tiên mời ra khỏi VN” là bà Nhu và tổng giám mục Thục. Hơn nửa ngày sau (tính theo khoảng cách múi giờ), đã có điện trả lời từ Washington cho đại sứ Lodge:

Điện tín của Bộ Ngoại giao gửi tòa đại sứ tại VN: Washington, ngày 31-8-1963, 10 giờ 48 phút tối ... Đại sứ có nghĩ rằng việc chúng ta ra sức yêu cầu Vatican gọi tổng giám mục Thục qua La Mã để tham khảo lâu dài là hữu ích?”...

Câu trả lời khá rõ ràng: không chỉ mời Thục ra khỏi nước, mà là còn chỉ định nơi đến cho Thục: La Mã, bằng một lệnh trình diện của Vatican. Tại sao lại phải tống khứ Thục ra khỏi quê hương của mình? Bức điện sau đây sẽ cho thấy rõ lý do:

Điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8-6-1963 gửi tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn: Đề nghị xem xét các đề xuất sau: ... 2-Đích thân đại sứ hoặc khâm sứ Tòa thánh Vatican tại VN khuyến cáo Chính phủ VN tránh cử hành lễ tưởng niệm chính thức Giáo hoàng John XXIII (vừa qua đời hôm 3-6-1963) 3- Cần khuyến cáo Chính phủ VN tạm thời hãy bớt công khai tuyên truyền cho thuyết nhân vị để tránh việc dân chúng đồng hóa thuyết nhân vị với Công giáo...

Điện văn trên cho thấy nỗi lo sốt vó của Mỹ trước những hậu quả nơi cuộc chiến tranh chống cộng của Mỹ tại VN. 

Mỹ sợ rằng Diệm - Nhu sẽ lại phạm thêm sai lầm sau khi đã biến lễ Phật Đản ngày 8-5-1963 trước đó thành một thảm kịch đẫm máu bởi lệnh cấm treo cờ Phật giáo ở nơi công cộng theo ý của Thục, lúc đó là tổng giám mục Huế. Làm sao lại cấm treo cờ Phật giáo trong khi đã từng cho treo cờ Tòa thánh Vatican ở nhiều nơi công cộng?

Trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng đó, Mỹ sợ rằng lễ cầu hồn cho cố giáo hoàng John XXIII sẽ bị Diệm mù quáng biến thành một quốc lễ, và điều này sẽ càng đổ thêm dầu vào lửa. Mỹ có lý do để sợ Diệm làm điều càn dở đó, do lẽ vào thời điểm đó cả bộ máy nhà nước đang ráo riết chuẩn bị tổ chức lễ ngân khánh (mừng 25 năm ngày thụ phong giám mục) của Thục!

Linh mục Trần Tam Tỉnh đã thuật lại việc tổ chức mừng lễ này như sau trong quyển biên khảo Thập giá và lưỡi gươm (Nhà xuất bản Sud- Est Asie, Paris, 1978): “Từ tháng ba, một ủy ban ngân khánh đã được thành lập do chủ tịch quốc hội là chủ tịch với nhiều vị bộ trưởng và nhân vật tên tuổi làm ủy viên". 

"Người ta tổ chức tại Sài Gòn một bữa tiệc mà mỗi thực khách phải đóng 5.000 đồng (tương đương nửa lượng vàng thời điểm đó, chú thích của TTCN). Người ta muốn biến lễ ngân khánh này thành quốc lễ” (tr.135). 

Không dừng ở chi tiết, bức điện trên cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ còn muốn đại sứ Lodge chỉ đạo Diệm - Nhu trên bình diện tư tưởng. 

Cho đến nay Mỹ vẫn để mặc cho Diệm - Nhu phát triển thuyết nhân vị, vốn thoát thai từ tư tưởng của triết gia Emmanuel Mounier, thành một lý thuyết chính trị nền tảng cho “Đệ nhất cộng hòa, để đối đầu với thuyết cộng sản: lấy hữu thần chống vô thần, lấy nhân vị đối phó với con người xã hội chủ nghĩa, lấy cần lao đối phó với lao động”.

Linh mục Trần Tam Tỉnh trong tác phẩm nêu trên cũng đã viết: “Hệ tư tưởng của Đảng Cần lao và của Phong trào Cách mạng quốc gia là thuyết nhân vị". 

"Chỉ có một trường đào tạo duy nhất là “Trung tâm Đào tạo Nhân vị” do một người anh của tổng thống là giám mục địa phận Vĩnh Long, Ngô Đình Thục, sáng lập. Là công giáo hay không, không cần biết, tất cả công chức đều phải trải qua một khóa học tập ít nhất là một tháng tại đó". 

"Các lớp học đều do các linh mục đảm nhiệm, nhồi nhét những khái niệm về nhân bản con người được Thiên Chúa sáng tạo, giảng về những lầm lạc của Phật giáo, Khổng giáo, về các tội ác của cộng sản...”

Từ vị trí bào huynh của tổng thống, Thục đã đồng hóa vai trò lãnh đạo tôn giáo của mình với lãnh đạo đất nước. Linh mục Trần Tam Tỉnh viết: “Vị giám mục này (Ngô Đình Thục), anh của tổng thống, đã hóa thành trí não tuyệt vời của chế độ". 

"Người ta tìm đến ông để xin xỏ ân huệ, đặc quyền. Giám mục làm như là hiện thân của giáo hội, cũng như ông em là hiện thân của Nhà nước". 

"Đáp lại các lời chỉ trích, giám mục Thục nói với ICI, một tạp chí Công giáo số 15-4-1963, rằng “Trên bàn giấy của tôi chồng chất cả lô đơn xin tôi can thiệp cho họ ơn này, ơn nọ, khổ thay thường chỉ là thế tục. Tôi không thể dửng dưng được trước lời kêu gọi của họ! Ở vào địa vị của tôi các ông sẽ xử sự như thế nào?”. 

Suốt tám năm trước đó, Diệm - Nhu và nhà Ngô đã ung dung cai trị miền Nam theo cách của mình với thuyết nhân vị, không thấy Washington phản ứng! Ấy vậy mà nay Washington lại bảo ngưng thuyết nhân vị là vì sao? 

Chẳng qua, nay khi thấy rằng những sai lầm của Diệm đã tạo ra những hậu quả quá nghiêm trọng nên “nài” Mỹ mới hốt hoảng giật cương thắng “ngựa” lại. Thế cho nên, không thể đơn giản xem những can thiệp của Mỹ nơi Diệm như là vì tự do, bình đẳng tôn giáo.

Biên bản cuộc họp lúc 6g chiều 11-9-1963 giữa Bộ trưởng Ngoại giao D.Rusk với giám đốc CIA McCone, tướng tổng tham mưu trưởng Taylor, Thứ trưởng Ngoại giao Gilpatric, phụ tá ngoại trưởng Hilsman... cho thấy Mỹ can thiệp vì mục đích gì: “Bộ trưởng Rusk khuyến cáo rằng tới đây sẽ phải chỉ thị cho đại sứ Lodge đấu tranh với Diệm sao cho Diệm có những thay đổi trong chính phủ mà chúng ta nghĩ là cần thiết nếu muốn cuộc chiến tranh này đi đến thắng lợi". 

"Bộ trưởng nói cần điểm lại (với Diệm) những nỗ lực trong tám năm qua để sau đó tập trung xem xét những gì vừa xảy ra trong mấy tháng qua. Từ đó, sẽ giải thích với Diệm rằng chúng ta đang hậu thuẫn ông ta trong nỗ lực chiến thắng cuộc chiến tranh này, song ông ta phải xem lại những hành động của mình trong những tháng qua”

Chiến thắng trong cuộc chiến chống cộng sản chính là mục tiêu tối hậu của Mỹ.

Tất nhiên, Thục không giơ tay đầu hàng ngay. Điện tín của tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn gửi Bộ Ngoại giao Mỹ đánh đi lúc 11 giờ tối 9-9-1963 có câu: “Tổng giám mục Thục phát biểu với Thông tấn xã AP rằng Mỹ đã chi 20 triệu USD để tìm cách thay thế Diệm”.

Thục đã sử dụng báo chí để phản công Mỹ. Thế nhưng, điều đó cũng không ngăn cản việc Thục phải ra đi. Biên bản cuộc họp hằng ngày hôm 11-9-1963 của Nhà Trắng cho biết Thục đang ở đâu vào hôm ấy: “Tổng giám mục Thục vừa rời Roma ngày hôm nay và đang trên đường đến Hoa Kỳ". 

"Trợ lý đặc biệt của tổng thống, Ralph Duncan, nói rằng nếu tổng giám mục Thục có làm phiền lòng Đức giáo hoàng thì hồng y Spellman nhất định sẽ che giấu ông ấy ở New York”.

Từ bức điện tín ngày 31-8-1963 của đại sứ Lodge gửi Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị “Tổng giám mục Thục cần ra khỏi đất nước” đến khi Thục xa xứ là không đầy chục ngày.

...Đến lưu vong

Từ điển bách khoa QUID 2000 ghi tóm tắt như sau về quãng đời sau này của Thục: “... đã truyền chức “chui” cho năm linh mục và tấn phong giám mục “chui”cho năm linh mục. Bị dứt phép thông công (tương đương khai trừ khỏi giáo hội) vì những vụ truyền chức “chui” này". 

"Năm 1976 lại bị dứt phép thông công sau khi đã được tha. Năm 1978, đã hối lỗi. Năm 1981, lại bị dứt phép thông công vì đã tấn phong giám mục Laborie và giám mục Guérard des Lauriers dòng Đa Minh. Năm 1984, bốn tháng trước khi qua đời, đã xin hối lỗi và kêu gọi giám mục Laborie trở lại thần phục giáo triều Roma. Qua đời tại Hoa Kỳ ngày 13-2-1984”. 

Những thông tin khách quan về Thục là như thế. Song website vietcatholic.org lại ghi chép như sau:

Đức cố tổng giám mục Phêrô Martinô Ngô Đình ThụcNguyên tổng giám mục Tổng giáo phận HuếKhẩu hiệu : “Chiến sĩ chúa Kitô”Soạn bởi “Vietnamese Missionaries in Asia” (xem bảng).

NgàySự kiệnChức vụ
6-10-1897SinhTại Phủ Cam , Huế
20-12-1925 Thụ phong linh mục Giáo phận 
8-1-1938 Được bổ nhiệm Giám mục giám quản tông Tòa giáo phận Vĩnh Long, VN
4-5-1938 Thụ phong giám mục Giám mục giám quản tông Tòa giáo phận Vĩnh Long, VN

24-11-1960 

Được bổ nhiệm Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế,VN
17-2-1968 Hưu dưỡng Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế,VN
13-2-1984 Qua đời tại Nguyên tổng giám mục Tổng Springfield, USA giáo phận Huế, VN

Trang web này hoàn toàn tẩy xóa những “tội trọng” của Thục: ba lần chống lại giáo triều Roma, ba lần bị dứt phép thông công và ba lần hối lỗi rồi lại tái phạm.

Cụ thể, tổng giám mục Thục đã làm gì để đắc tội với giáo triều Roma? Văn bản Corona Spinarum (Mão gai) đã tường thuật đoạn tiểu sử này của Thục như sau:

“Các lễ tấn phong của Thục thường bị phản đối là bất hợp pháp, vi phạm giáo luật do lẽ nếu bất cứ vị giám mục nào phong chức cho một giám mục khác mà không có phép của giáo hoàng thì họ sẽ bị Tòa thánh dứt phép thông công. Trong trường hợp của Thục, vấn đề lại không như thế. Giáo hoàng Pius XI đã trao thẩm quyền đặc biệt cho Thục để truyền chức thánh mà không cần xin Roma phê chuẩn”. 

Các tác giả đã trích đăng bản sao sắc lệnh đó. Bản dịch dưới đây từ tiếng la-tin như sau: “Bằng quyền năng tòa thánh, chúng tôi ủy quyền cho giám mục tông tòa địa phận Sài Gòn, Pierre Martin Ngô Đình Thục, mọi quyền năng cần thiết cho những mục đích mà chúng tôi đã rõ.Làm tại Roma, ngày 15-3.

Theo các tác giả của văn bản Corona Spinarum này, còn có một giám mục khác, giám mục Michel d’ Herbigny, giám mục tông tòa Troie (Pháp), được Giáo hoàng Pius XI trao thẩm quyền đặc biệt như giám mục Thục. Theo họ, các giám mục này được trao quyền giáo hoàng, quyền của các thượng phụ. Tất nhiên, các tác giả của Corona Spinarum cùng một cánh với Thục nên đã hết sức bào chữa cho Thục như thế!

Không dừng ở đó, Thục còn ra tuyên cáo chống lại đương kim Giáo hoàng John Paul II: “Giáo hội Công giáo ngày nay hiện ra như thế nào? Tại Roma, John Paul II đang cầm quyền giáo hoàng... Bên ngoài Roma, giáo hội Công giáo có vẻ như nở rộ..." 

"Thế nhưng, dưới bóng Thiên Chúa, giáo hội xuất hiện như thế nào?... Các thánh lễ hằng ngày có làm đẹp lòng Thiên Chúa hay không? Không, do lẽ các thánh lễ này giống y của bên Tin Lành, do đó không đẹp lòng Chúa và bất hợp lệ. Thánh lễ duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa là của Giáo hoàng Pius V mà tôi cùng một số ít linh mục và giám mục còn cử hành. Ngoài các thánh lễ này, còn nhiều việc khác mà Thiên Chúa bác bỏ..."

"Vì lẽ đó, trong tư cách giám mục giáo hội Công giáo La Mã, tôi phán rằng tòa thánh đang khuyết chức vụ giáo hoàng, và tôi cần làm mọi việc cần thiết để giáo hội Công giáo La Mã này tồn tại trong sứ mạng cứu rỗi của mình".

Munich ngày 25-2-1982 - Peter Martin Ngo-Dinh-Thuc, tổng giám mục

Có thể tóm tắt nôm na như sau: Thục thuộc một thiểu số những giáo sĩ Công giáo chống lại những cải cách của Công đồng chung Vatican II, trong đó có những đổi mới nghi thức phụng vụ, cử hành thánh lễ bớt tính chất “cung đình” hơn. Từ đó, Thục chống lại giáo triều Roma cùng giáo hoàng John Paul II, tự cho mình quyền năng của một giáo chủ.

Liệu Thục có bị bệnh tâm thần hoang tưởng? Đã có nhiều tác giả nêu câu hỏi này và đã có nhiều giải đáp, nghịch cũng như thuận. Dường như ở đây có cả yếu tố gốc gác gia đình họ Ngô (quan lại) nên “con quan lại muốn làm quan”, thậm chí muốn “làm vua”, cho dù ở cương vị giáo sĩ. Nhìn lại những gì Thục đã làm tại VN và tại hải ngoại, khó có thể nói rằng đó là một người “công chính”, ít nhất cũng là với Tòa thánh Vatican.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận