Myanmar: cuộc chuyển tiếp không dễ dàng

HỮU NGHỊ 22/12/2015 17:12 GMT+7

Có vẻ như ván bài đang đến chỗ kết thúc khi cánh quân đội, sau cuộc gặp giữa bà Aung San Suu Kyi với tướng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing hôm 2-12, cho biết sẽ chuyển giao quyền lực từ sau tháng 4 năm tới. Sự gia hạn này cho thấy vẫn đang có những “mai phục” bà Suu Kyi.

Tướng tổng tư lệnh Min Aung Hlaing và bà Aung San Suu Kyi trước cuộc gặp ngày 2-12 ở Naypyidaw -Reuters
Tướng tổng tư lệnh Min Aung Hlaing và bà Aung San Suu Kyi trước cuộc gặp ngày 2-12 ở Naypyidaw -Reuters

Dân tình Myanmar không thể không thắc mắc: tại sao bà Suu Kyi gặp tướng tổng tư lệnh Min Aung Hlaing và Tổng thống Thein Sein xong, hai hôm sau còn gặp cả cựu tướng Than Shwe - người đã cầm quyền suốt 19 năm trước khi nhường chỗ cho tướng Thein Sein vào năm 2011? Câu hỏi từ đó đặt ra là: cuộc bàn giao cho bà Suu Kyi sẽ còn do ông này “chứng giám” nữa hay sao?

Vai trò “chứng giám” của Tổng thống Thein Sein là đương nhiên theo thủ tục, cho dù từ đây tới đó bà Suu Kyi sẽ giải quyết danh phận của mình như thế nào khi theo hiến pháp hiện tại, bà không thể nào trở thành tổng thống do rắc rối về chuyện quốc tịch của bà.

Tướng tổng tư lệnh Min Aung Hlaing có “chứng giám” cũng là “đương nhiên” trong bóng tối, khi quân đội sẽ còn “tự động” giữ 25% số ghế trong một quốc hội mà mọi dự luật sẽ chỉ được thông qua khi hội đủ 75% số phiếu, một thử thách lớn cho Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi, khi trong quốc hội còn các đảng khác, trong đó có Đảng Đoàn kết và phát triển liên bang (USDP) cầm quyền hiện tại và bất cứ ai cũng có thể bị chi phối bởi quân đội.

Có nhiếp chính nào “buông rèm”?

Thế nhưng, liệu sẽ chỉ có tướng tổng tư lệnh quân đội Aung Hlaing là “buông rèm” trong chính trường Myanmar, sau khi Tổng thống Thein Sein rời khỏi chức vụ? Thắc mắc càng tăng khi cựu lãnh đạo quân sự Than Shwe nay lại xuất đầu lộ diện và gặp bà Suu Kyi.

“Ai muốn gặp ai trong vụ này?” là cả một vấn đề. Nếu ông Than Shwe muốn gặp bà Suu Kyi, cho vời bà đến gặp thì khác; mà nếu do bà chủ động muốn gặp ông này cũng lại khác. Mượn hình ảnh giống “cọp Miến Điện”, trong trường hợp thứ nhất, tướng Than Shwe vẫn còn là “cọp” đang gầm thét đe dọa chính trường; còn trong trường hợp thứ nhì, viên tướng này cũng vẫn là “cọp” nhưng chưa đến nỗi đang giương nanh vuốt!

Giải thích của dân biểu quốc hội Win Htein thuộc NLD cho Hãng tin Reuters, theo đó bà Suu Kyi đã gặp tướng Than Shwe do “tin ở ảnh hưởng của ông nơi chính phủ và quân đội” là một minh thị gián tiếp rằng ông Than Shwe vẫn còn “buông rèm” ở Myanmar.

Ko Mya Aye, một trong những nhà lãnh đạo của “Thế hệ hòa bình và xã hội mở 88”, giải thích trên tờ Irrawaddy rằng: “Chính trị, theo tôi hiểu, là sức mạnh. Sức mạnh của bà Suu Kyi đã được chứng tỏ rõ ràng qua kết quả bầu cử.

Nhưng Myanmar sẽ không thể đột ngột hưởng dân chủ đơn giản chỉ vì Đảng NLD thắng cử. Điều này là bởi vì các cuộc bầu cử đã được tổ chức theo bản hiến pháp 2008 vốn xuất phát từ lộ trình bảy điểm của quân đội. Thành ra, nếu bà Suu Kyi muốn tiến tới hòa giải dân tộc trong bối cảnh chính trị hiện tại, bà không có lựa chọn nào khác hơn ngoài việc gặp tướng Than Shwe, một trong những kiến trúc sư trưởng của lộ trình đó.

Bà Suu Kyi đã yêu cầu gặp ông này và ông đã nhận lời… Bà Suu Kyi gặp tướng tư lệnh Aung Hlaing trong một giờ, và Tổng thống Thein Sein trong vòng 45 phút. Còn cuộc họp với tướng Than Shwe kéo dài lâu hơn so với thời gian của cả hai cuộc họp kia gộp lại”.

Tổng thống Thein Sein bắt tay bà Aung San Suu Kyi tại Naypyidaw ngày 2-12. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa họ sau khi Đảng NLD của bà Suu Kyi thắng cử hồi tháng 11 -Reuters
Tổng thống Thein Sein bắt tay bà Aung San Suu Kyi tại Naypyidaw ngày 2-12. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa họ sau khi Đảng NLD của bà Suu Kyi thắng cử hồi tháng 11 -Reuters

Mớ bòng bong quan hệ quân sự - dân sự

Trong một hội thảo bàn tròn do tờ Irrawaddy của phe đối lập Myanmar tổ chức, tiến sĩ Yan Myo Thein cũng cùng nhận định: “Mặc dù tướng Than Shwe giờ mới lộ mặt, nhưng ông đã thật sự giữ được ảnh hưởng lớn đối với chính phủ hiện tại cũng như quân đội trong toàn bộ thời gian qua. Một lần nữa, các mối quan hệ dân sự - quân sự đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình chuyển tiếp của Myanmar”.

Chủ biên bản tiếng Anh của tờ Irrawaddy là Kyaw Moe Zwa nhấn mạnh: “Điều quan trọng là làm sao cho giai đoạn chuyển tiếp được “dịu dàng”. Tướng Than Shwe là một trong những người hiện có ảnh hưởng lớn nhất đối với quân đội, và đó là lý do chính tại sao bà Suu Kyi yêu cầu cuộc họp.

Bởi vì chính phủ tiếp theo sẽ là thuần túy dân sự, dẫn đầu bởi Đảng NLD, có lẽ cựu tướng Than Shwe muốn một cái gì đó nữa bên cạnh một cuộc chuyển đổi “dịu dàng”. Có lẽ ông cũng muốn có một sự đảm bảo bằng lời nói rằng sẽ không có những hành động trừng phạt hồi tố như đã nêu trong hiến pháp.

Bà Suu Kyi cũng đã nhiều lần nói rằng bà sẽ không giữ bất kỳ mối hận thù nào và rằng bà sẽ thành lập chính phủ tới đây với mục tiêu hòa giải dân tộc... Có thể sẽ còn có nhiều cuộc họp giữa cựu tướng Than Shwe và bà Suu Kyi. Nếu mọi thứ trở nên tích cực, và nếu quân đội dần dần rút khỏi chính trị và tập trung vào bảo vệ tổ quốc, tôi nghĩ rằng hiến pháp có thể được thay đổi một cách nhanh chóng”.

Ko Mya Aye, một trong những nhà lãnh đạo của cuộc đấu tranh năm 1988, không chỉ lặp lại dự báo sau cùng này: “Cuộc đối thoại độc đáo đã bắt đầu với chỉ vài người tham gia. Nhưng trong tương lai, số người tham gia sẽ tăng”.

Nghĩa là chính trường Myanmar không chỉ có mỗi bà Suu Kyi mà còn gồm những chính khách khác nữa, cũng đã “nằm gai nếm mật” như bà Suu Kyi, thậm chí tù đày thật sự chứ không chỉ bị giam lỏng tại gia, nên cuộc đàm phán với “hùm xám” Than Shwe sẽ không chỉ do mỗi bà Suu Kyi, hai nhân vật này gặp nhau, thỏa thuận với nhau là xong!

Tiến sĩ Yan Myo Thein cũng lên tiếng: “Cần phải thay đổi lối đi, bằng cách thảo luận cái khung đối thoại chính trị và chọn lựa đại biểu cho cuộc đối thoại đó”.

Cuộc đối thoại quân sự - dân sự, khởi đầu hôm 4-12 bởi cuộc gặp giữa cựu tướng Than Shwe và bà Suu Kyi, đã mở màn cho những cuộc gặp khác với nhiều người tham dự hơn, để bàn về những điều kiện cho sự “rút lui” của quân đội. Các chính khách hàng đầu từng bị tù đày tới đây lên cầm quyền sẽ đối xử với quân đội như thế nào là một lẽ, mà ý muốn của hàng vạn cựu tù chính trị mới chỉ được trả tự do trong bốn năm qua lại là một chuyện khác.

Theo tiến sĩ Yan Myo Thein, tướng tổng tư lệnh Aung Hlaing trước đây từng tuyên bố rằng “giới quân nhân sẽ rút lui khi nào có hòa bình và ổn định trong nội bộ Myanmar”. Trong bối cảnh đó, làm sao để có “hòa bình và ổn định trong nội bộ Myanmar” là cả một vấn đề nan giải.

Trong nỗ lực nắm giữ tình hình trong tay, thứ năm tuần rồi người phát ngôn phủ tổng thống Ye Htut kiêm bộ trưởng thông tin cho rằng cuộc gặp giữa cựu tướng Than Shwe và bà Suu Kyi là “không có bất cứ tác động nào lên cuộc chuyển giao quyền hành”.

Nhân vật thay mặt chính phủ đương quyền nhấn mạnh: “Thẳng thắn mà nói, tướng Than Shwe đã về hưu rồi. Nay chúng tôi có phần vị nể ông là do ông từng lãnh đạo chúng tôi, nhưng ông nào có quyền lật ngược chiều các chính sách mà chúng tôi đang tiến hành. Nếu ông muốn làm thế, chúng tôi sẽ không chấp nhận đâu!”.

Phát biểu trên cho thấy cuộc chuyển tiếp sẽ không trơn tru như ở các cuộc chuyển giao quyền lực khác sau bầu cử. Ở Myanmar còn là chuyện có “trả thù” bằng cách này hay cách nọ hay không những kẻ đã từng giam cầm, đánh đập chừng đó tù chính trị trong mấy chục năm qua. Cho dù có bằng một sự xét xử, tuyên án thì điều đó cũng sẽ tạo xung đột, là không hòa giải dân tộc.

Vấn đề không chỉ là liệu bà Suu Kyi và tướng Than Shwe cũng như các tướng lĩnh khác mà đại diện là tướng tổng tư lệnh Aung Hlaing có nhất trí với nhau được hay không (điều này là khả dĩ), mà còn là các nhân vật đối lập khác cũng sẽ thỏa thuận đến đâu với cả tướng Than Shwe và các tướng lĩnh.

Từ chuyện oan cừu cũ đến chuyện quyền lợi chính trị, kinh tế, Mya Aye tỏ rõ các điều kiện: “Việc quân đội đang có đến 25% số ghế đại diện trong quốc hội, theo điều 436 của hiến pháp, cần phải được xét lại. Tất nhiên, các lãnh đạo quân đội có quyền lợi, nhưng chúng ta cần vượt qua các quyền lợi đó. Cũng có người nói rằng họ có chính kiến của họ. Tôi không muốn nói rằng chính kiến của ai đúng, của ai sai, mà là vượt qua sự khác biệt đó”.

“Cành lan bằng sắt”

Đó là một cách gọi bà Suu Kyi của dân chúng Myanmar, ý muốn nói đến tính cứng rắn của bà trong suốt mười mấy năm bị quản thúc tại gia. Chắc chắn đây cũng là một biểu thị tính cách của bà bên trong bộ vó “liễu yếu”.

Trong thực tế, bà đang tỏ ra là “cành lan bằng sắt”. Cho dù trên nguyên tắc chuyển giao quyền hành không có nghĩa là xóa sổ bộ máy nhà nước và hành chính cũ, nhưng muốn hay không muốn trường hợp Myamar cũng là một ngoại lệ khi trong thực tế đây là một cuộc thay đổi chế độ không bằng súng đạn. Và bộ đầu tiên mà bà Suu Kyi phải thẳng tay cải tổ là Bộ Thông tin.

Bộ trưởng thông tin sắp mãn nhiệm Ye Htut hôm thứ năm tuần rồi đã lên tiếng yêu cầu Đảng NLD đối xử đúng mực với sự nghiệp và đời sống của 7.000 nhân viên dưới quyền ông đang làm việc không chỉ ở bộ mà còn ở ba tờ báo cùng các đài truyền hình, phát thanh quốc doanh.

Ông nói rằng bất cứ kế hoạch nào giải tán bộ này cũng sẽ phải kèm theo một sự chuyển tiếp “nhẹ nhàng” đối với các nhân viên của ông và cả đối với các công chức cũ. Ông Ye Htut cũng sớm “bày tỏ hi vọng” rằng đảng cầm quyền sắp tới sẽ thực hiện một nền truyền thông đáng tin và đáng tin cậy, không ngần ngại phê bình chính phủ, và sẽ không nhiễu hoặc thông tin.

Đã có một vài nhà quan sát chính trường hình dung trước cảnh bà Suu Kyi phải dùng “bàn tay sắt” để “trị vì” bộ máy nhà nước cũ để lại. Tony Cartalucci đã đặt tựa cho một bài viết của mình trên New Eastern Outlook 21-11-2015 là: “Nhà độc tài mới ở Myanmar: Aung San Suu Kyi”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận