NATO 70 năm

HẢI MINH 16/04/2019 02:04 GMT+7

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kỷ niệm 70 năm thành lập vào năm 2019 này, điều biến nó thành một trong những liên minh quân sự có thời gian tồn tại dài nhất trong lịch sử. Nhưng những tiếng nói khẳng định NATO đã lỗi thời - bao gồm từ chính Tổng thống Mỹ Donald Trump - đang vang vọng.

Trong các liên minh quân sự lớn hiện tại, thì NATO là lâu đời nhất, và trong các liên minh quân sự lâu đời, thì NATO là lớn nhất. Ảnh: New York Times
Trong các liên minh quân sự lớn hiện tại, thì NATO là lâu đời nhất, và trong các liên minh quân sự lâu đời, thì NATO là lớn nhất. Ảnh: New York Times

Đạt tới cột mốc 70 năm là thành tựu khác thường với bất kỳ liên minh nào, đặc biệt là các liên minh quân sự, vốn rất hay chết yểu. Những mối đe dọa từ bên ngoài, lợi ích của từng quốc gia thành viên xung đột nhau, chi phí quốc phòng trở thành một gánh nặng tài chính quá lớn..., có vô số lý do để các liên minh quân sự tan rã. Hiệp ước Xô - Đức trước Thế chiến II chỉ duy trì được 2 năm. 7 liên minh trong thời chiến tranh Napoleon (1803-1815) không liên minh nào kéo dài hơn 5 năm.

Một nghiên cứu năm 2010 của Viện Brookings khảo sát 63 liên minh quân sự lớn trong 5 thế kỷ, cho thấy chỉ 10 liên minh qua được mốc 40 năm, và “tuổi thọ” trung bình của một liên minh là 15 năm.

Tuy nhiên, NATO ngay lúc này đang đối mặt với rất nhiều thách thức, đến mức những tiếng nói cho rằng tổ chức này đã trở nên lỗi thời đang lớn hơn bao giờ hết từ thời Chiến tranh lạnh. Một tổng thống Mỹ “nước Mỹ trên hết” và đòi hỏi các đồng minh phải tăng chi tiêu quốc phòng; sự kình địch thường trực với Nga ở hiện tại, và Trung Quốc trong tương lai; châu Âu đang muốn một chính sách và lực lượng phòng thủ riêng; những thách thức an ninh phi truyền thống, bao gồm, nhưng không chỉ có, chiến tranh thông tin; sự chia rẽ giữa các nước thành viên..., tất cả đặt NATO trước bài toán cải tổ khó khăn, thậm chí là đe dọa chính lý do tồn tại của tổ chức này.

Ông Trump có lý

Trên đường tranh cử, Tổng thống Trump đã gọi NATO là “lỗi thời”. Khi nhậm chức, ông từ chối ủng hộ cam kết phòng thủ tập thể của tổ chức này, coi NATO chỉ là một thỏa thuận như bao thỏa thuận, tức là phải có đi có lại, phải làm sao để nước Mỹ không bị lợi dụng. Không dưới một lần, ông nêu ý kiến muốn rút Hoa Kỳ khỏi tổ chức này và gây sức ép bắt các đồng minh khác chi tiêu nhiều hơn.

Những động thái đó của ông Trump vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ chính nước Mỹ. Hội nghị an ninh Munich tháng 3-2019 chứng kiến sự có mặt của 50 nghị sĩ Mỹ, một kỷ lục, nhằm thể hiện sự đoàn kết của chính giới Mỹ bên ngoài Nhà Trắng với tổ chức này. Tháng 1, Hạ viện Mỹ thông qua đạo luật ủng hộ NATO với tỉ lệ phiếu 357-22. Trước đó, tháng 7-2018, Thượng viện bỏ phiếu ủng hộ NATO với tỉ lệ 97-2.

Tuy nhiên, trong khi động cơ của ông Trump chỉ là vì lợi ích quốc gia của riêng Mỹ theo suy nghĩ của ông, nhận xét của ông về sự lỗi thời của NATO không phải là thiếu cơ sở. Năm 1949, khi mới thành lập, tổng thư ký NATO đầu tiên Lord Hastings Ismay đã tóm tắt súc tích mục đích của tổ chức này: “ngăn chặn người Nga, mời đón người Mỹ, và đè nén người Đức” (“to keep the Russians out, the Americans in, and the Germans down”).

Sứ mệnh đó phù hợp lúc bấy giờ ở châu Âu, ít ra là với phương Tây: Tây Âu hậu chiến bị ám ảnh bởi sự bành trướng của Liên Xô, chủ nghĩa Mỹ hẹp hòi, và chủ nghĩa quân phiệt Đức.

Nhưng 70 năm sau, tất cả các quan ngại đó đều đã không còn. Liên minh quân sự đối địch với NATO, khối Hiệp ước Warsaw, đã bị giải tán vào năm 1989, và bản thân Liên Xô không còn tồn tại nữa từ năm 1991, tức 28 năm trước.

Từ đó tới giờ, NATO lao vào một cuộc tìm kiếm một sứ mệnh mới không hồi kết: tổ chức này can thiệp vũ trang ở Balkan (Bosnia và Kosovo) hồi những năm 1990, mở chiến dịch chống cướp biển ở vùng Sừng châu Phi (giai đoạn 2009-2016), hỗ trợ cuộc can thiệp của Mỹ ở Afghanistan (bắt đầu từ năm 2001 và tới nay vẫn còn 16.000 binh sĩ NATO ở đó), tham gia các vụ không kích ở Bắc Phi trong Mùa xuân Ả Rập, ở Syria trong cuộc nội chiến, và mới nhất là các cuộc tập trận dồn dập và việc bố trí lại lực lượng ở Đông Âu sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Nga hiện giờ không phải là một siêu cường như Liên Xô ngày nào. Trong dài hạn, những vấn đề nhân khẩu học, nền kinh tế yếu ớt và những câu hỏi về nhân sự thay thế Tổng thống Vladimir Putin chắc chắn sẽ càng khiến vai trò của Nga giảm sút trong tư cách “một mối đe dọa với NATO”. Nền kinh tế Nga chỉ có quy mô tương đương của Ý. Ngân sách quốc phòng của Nga năm 2018, hơn 66 tỉ USD, thật nhỏ bé so với tổng chi quốc phòng của NATO (1.013 tỉ USD, trong đó riêng Mỹ là 706 tỉ USD).

Thay đổi để thích nghi

Bất chấp cán cân lực lượng đó, NATO hiện vẫn coi Nga là mối đe dọa thường trực. Trong thượng đỉnh NATO ở Wales năm 2014, Lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp sẵn sàng cao độ (VJFT) đã được thành lập với mục tiêu triển khai các tiểu đoàn đa quốc gia sẵn sàng chiến đấu tới 3 nước Baltic (Estonia, Lithuania, Latvia) và Ba Lan trong vòng vài ngày.

NATO cũng cam kết một sáng kiến “4-30” đắt đỏ, với mục tiêu tới năm 2020, có 30 tiểu đoàn cơ giới, 30 phi đoàn chiến đấu và 30 tàu chiến sẵn sàng di chuyển trong không hơn 30 ngày.

Để điều phối sự di chuyển thần tốc của các lực lượng này, hai bộ tư lệnh mới sẽ được mở ở Norfolk, Virginia, Mỹ và Ulm, Đức. Sự dịch chuyển từ số lượng sang chất lượng thật rõ ràng: Nếu như trong thời Chiến tranh lạnh, quân số thường trực ở châu Âu của NATO có lúc lên tới 400.000 người, thì hiện giờ chỉ khoảng hơn 60.000.

Mùa thu 2018, NATO đã thử nghiệm các năng lực mới trong cuộc tập trận Trident Juncture ở Na Uy, cuộc tập trận lớn nhất của NATO từ Chiến tranh lạnh, với 50.000 binh sĩ tham gia. Trident Juncture cũng đánh dấu nhiều bước tiến khác của NATO, trong đó có hơn 20 thí nghiệm với các công nghệ và chiến thuật quân sự hoàn toàn mới, bao gồm ứng dụng các thiết bị quân sự in 3D, thiết bị cảm ứng điều khiển từ xa giúp giảm nhân lực cần thiết để bảo vệ các lực lượng và căn cứ quân sự, xe tự lái hỗ trợ cho hậu cần và chuyển quân...

Công nghệ đang mở ra một chiều kích hoàn toàn mới cho chiến tranh, bao gồm không gian mạng. Năm 2016, NATO đã công nhận rằng một cuộc tấn công mạng có thể kích hoạt điều 5 hiệp ước, vốn quy định tấn công một quốc gia thành viên đồng nghĩa với việc tấn công cả khối. NATO cũng công nhận không gian mạng là một lĩnh vực của chiến tranh, ngoài hải, lục và không quân.

Năm 2018, trung tâm điều phối không gian mạng của NATO được thành lập ở Mons, Bỉ. Tuy nhiên, do những khó khăn về hậu cần và sự bảo mật của từng quốc gia, năng lực phòng thủ tập thể trên không gian mạng vẫn còn là câu hỏi chưa có câu trả lời.

Tương lai sẽ ra sao?

Bất chấp những nghi ngờ, NATO hiện vẫn là tổ chức quân sự hùng mạnh nhất thế giới. 29 nước thành viên (sẽ sớm thành 30 với sự tham gia của Bắc Macedonia) có dân số 930 triệu người và tạo ra hơn 50% GDP toàn cầu, với tổng cộng hơn 3 triệu binh lính thường trực.

Ngay cả khi nhiều nước châu Âu thuộc NATO không đáp ứng yêu cầu chi tiêu quốc phòng ít nhất 2% GDP, tổng ngân sách quốc phòng châu Âu vẫn là lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, và nhiều hơn cả Trung Quốc lẫn Nga cộng lại. Đó cũng là lực lượng quân đội hiện đại và tinh nhuệ bậc nhất thế giới.

Về sứ mệnh bị nghi ngờ của NATO, cựu tổng thư ký tổ chức này, James Stavridis, viết trong một bài xã luận rất dài trên báo Time ngày 4-4 tựa đề “Tại sao NATO là tối quan trọng với hòa bình thế giới”. Stavridis kể một câu chuyện: “Khi tôi còn là tư lệnh tối cao của liên quân ở NATO, người ta hỏi tôi: Tại sao chúng ta lại cần tất cả những căn cứ của thời chiến tranh lạnh này? Câu trả lời của tôi thật đơn giản: Đó không phải là những căn cứ của Chiến tranh lạnh, mà là các căn cứ tiền tuyến của Mỹ trong thế kỷ 21. Khi cần thiết, những căn cứ này cho phép chúng ta hoạt động ở Trung Đông và châu Phi. Nhưng chúng chủ yếu đóng vai trò một tấm đệm: NATO không phải là một tổ chức có quy mô, tầm mức và hay tham vọng toàn cầu, mà sẽ tập trung thật sâu vào khu vực Bắc Đại Tây Dương”.

Tư duy như một nhà quân sự, Stavridis rất thẳng thừng về nhiệm vụ và cách thức tổ chức NATO trong tương lai. Dẫn lời Winston Churchill, rằng “điều duy nhất tệ hơn việc phải chiến đấu cùng đồng minh là chiến đấu mà không có đồng minh”, cựu đô đốc người Mỹ viết: “Lợi thế đơn lẻ lớn nhất của Hoa Kỳ trên sân chơi toàn cầu là mạng lưới các đồng minh, đối tác và bè bạn.

Mạng lưới này đang chịu áp lực lớn: từ Trung Quốc, với kế hoạch Vành đai - con đường của họ, từ Nga, với những cuộc tấn công liên tục vào sự đoàn kết của liên minh. Một NATO mạnh mẽ không chỉ là để có các đồng minh lúc cần chiến đấu, mà còn là một lực lượng răn đe đáng gờm trước những địch thủ nhiều tham vọng”.■

Châu Âu ra riêng?

Với châu Âu, mối đe dọa thường trực vẫn được coi là Nga, và riêng châu Âu thôi, không cần Mỹ, đã có cán cân lực lượng áp đảo so với Nga. Tổng GDP của các nước thành viên NATO ở châu Âu gấp hơn 10 lần Nga. Họ chi tiêu cho quốc phòng gấp 3,5 lần Nga, và dù Nga có số đầu đạn hạt nhân gấp 13 lần so với Tây Âu, hai cường quốc hạt nhân thuộc NATO ngoài Mỹ, Anh và Pháp, cũng sở hữu đủ số vũ khí hạt nhân để răn đe bất kỳ cuộc tấn công nào. 

Tư duy của giới lãnh đạo ở châu Âu cũng đang thay đổi theo hướng đó kể từ triều đại Donald Trump. “Thời kỳ mà chúng ta có thể dựa vào người khác một cách vô điều kiện đã qua” - Thủ tướng Đức Angela Merkel nói vào tháng 11-2018. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp lời khi nói về một “quân đội châu Âu đích thực”. Tháng 1-2019, hai nhà lãnh đạo này đã ký một hiệp ước Pháp - Đức bao gồm cam kết phòng thủ chung giống với điều 5 của NATO (và điều 42.7 trong Hiệp ước Lisbon của EU).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận