NATO mở rộng: Gió đã đổi chiều

TƯỜNG ANH 23/05/2022 17:00 GMT+7

TTCT - “Nước Nga không có vấn đề gì với Phần Lan và Thụy Điển, việc họ gia nhập NATO không tạo ra nguy cơ trực tiếp cho nước Nga, nhưng việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự trên những lãnh thổ này lẽ đương nhiên, sẽ kích động phản ứng đáp trả của chúng tôi”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định ngày 16-5 về việc Phần Lan và Thụy Điển chính thức quyết định xin gia nhập NATO.

Tổng thống và thủ tướng Phần Lan đã cùng lúc nói lời từ biệt nhiều năm trung lập về quân sự, bằng văn bản. Họ viết rằng thời điểm trở thành thành viên NATO đã đến và không nên trì hoãn nữa: “Việc trở thành thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của Phần Lan… Phần Lan phải ngay lập tức nộp đơn”.

“Cảm ơn Putin”

Nga hiện có biên giới trên bộ dài 1.200km với 5 thành viên NATO. Việc Phần Lan gia nhập NATO có nghĩa là quốc gia mà Nga có chung đường biên giới dài khoảng 1.280km “sẽ có quan điểm quân sự của Hoa Kỳ”, theo bình luận trên CNN. 


 
 Ảnh: Wall Street Journal


“Việc Phần Lan gia nhập NATO không chỉ là tin xấu với Điện Kremlin, mà còn là món quà cho chính NATO. Mặc dù dân số tương đối nhỏ, Phần Lan là một cường quốc quân sự đã nhiều năm tuân thủ quan điểm của phương Tây, tuy không chính thức. Quân đội của họ đã sử dụng công nghệ Mỹ trong vài thập niên, đáp ứng các yêu cầu của NATO, có nghĩa nếu muốn thì họ có thể dễ dàng tham gia các nhiệm vụ của liên minh”, CNN khẳng định. 

Sự thật trớ trêu là một trong những mục tiêu của cuộc chiến mà Nga phát động tại Ukraine - chống lại việc NATO mở rộng về phía đông và áp sát biên giới Nga - lại được cho là yếu tố thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này. 

Ít ra thì chủ tịch Đảng Liên minh quốc gia (trung hữu) - cựu phó thủ tướng và nghị sĩ Phần Lan Petteri Orpo - đã xác nhận trong một trả lời phỏng vấn Foreign Policy: “Ở Phần Lan, cuộc tranh cãi [về việc gia nhập NATO] đã thay đổi gần như chỉ trong một ngày, sau những cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Trong 16 năm, chúng tôi đã ủng hộ tư cách thành viên NATO, bây giờ điều đó đã có thể thực hiện. Cảm ơn Putin”. 

Đảng của ông Orpo, cũng như Đảng Trung dung của ông Ulf Kristersson - lãnh đạo phe đối lập trong Quốc hội Thụy Điển, từ lâu đã vận động cho việc gia nhập NATO. 

Hai tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự, ngày 22-4 hai ông Orpo và Kristersson gặp gỡ các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ ở Washington để thúc đẩy Hoa Kỳ nhanh chóng ủng hộ việc mở rộng NATO.

Nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ

Trong khi thông báo lãnh đạo các nước NATO ủng hộ rộng rãi mong muốn gia nhập khối này của Phần Lan và Thụy Điển, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jens Psaki cũng cho biết Washington “đang làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ để làm rõ lập trường của nước này” về những phản đối mà Ankara đưa ra. 

Trước đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ nói Ankara “không có quan điểm tích cực về việc hai nước nói trên gia nhập NATO”. Ông Erdogan cáo buộc một số nước châu Âu “tiếp tay cho khủng bố” và cho rằng các quốc gia này (người ta hiểu là Thụy Điển và Hà Lan) giống “nhà khách cho các nhóm khủng bố”.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhắc tên hai tổ chức bị cấm ở nước này là Đảng Công nhân Kurdistan và nhóm cánh tả cực đoan Đảng Mặt trận giải phóng nhân dân cách mạng. Ý ông muốn nói tới các chính trị gia Scandinavia gốc Kurd có liên hệ với hai tổ chức trên. 

Việc “thâm nhập nghị viện” Thụy Điển của các nhà tranh đấu người Kurd diễn ra khá gần đây. Năm 2018, 6 đại diện của cộng đồng người Kurd từ các đảng khác nhau được bầu vào Riksdag (Quốc hội) Thụy Điển. 

Người ta tin rằng lá phiếu của nghị sĩ độc lập - đảng viên cộng sản người Kurd Amina Kakabawe có ý nghĩa quyết định trong việc đưa thủ tướng đương nhiệm, Magdalena Andersson, lên cầm quyền vào tháng 11-2021.

Theo quy định của NATO, liên minh chỉ gửi lời mời đến các nước ứng viên sau khi tất cả các nước thành viên (hiện là 30 nước) bỏ phiếu tán thành. Bằng tuyên bố nêu trên, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ coi như đã đặt vấn đề thương lượng để Ankara chấp nhận hai quốc gia Scandinavia gia nhập. 

Đầu tuần này, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö nói Helsinki sẵn sàng thảo luận các vấn đề mà ông Erdogan đưa ra, trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói sẽ nhanh chóng tìm ra một thỏa hiệp với Thổ Nhĩ Kỳ.

4% vẫn là mối đe dọa?

Nếu như Matxcơva coi việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO là mối đe dọa thì một số chuyên gia dùng những từ nặng nề hơn khi gọi quyết định này là “bất hợp pháp”, “tai hại”…

Nhà khoa học chính trị, đấu tranh nhân quyền và sử gia tại Đại học Helsinki Johan Beckman nói trên riafan.ru: “Phần Lan không có quyền gia nhập NATO”. Chuyên gia này cho rằng dưới áp lực của Hoa Kỳ, Phần Lan đã vi phạm các thỏa thuận quốc tế với Nga do có một số hiệp định quốc tế ngụ ý Phần Lan không thể gia nhập NATO. 

Các ví dụ ông Beckman đưa ra là điều 13 Hòa ước Paris 1947, vốn vẫn còn hiệu lực; thỏa thuận song phương Nga - Phần Lan về nền tảng quan hệ 1992, mà điều 4 cấm sử dụng lãnh thổ Phần Lan để gây hấn chống lại Nga; hay hiệp ước hòa bình sau cuộc chiến mùa đông 1940, đề cập đến việc phi quân sự hóa quần đảo Aland… “Có nghĩa Phần Lan không thể trở thành thành viên NATO, hoặc nước này sẽ phải quên tất cả các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của chúng tôi ”, Beckman nói.

Công dân Đan Mạch đang sống và làm việc ở Thụy Điển - giám đốc Quỹ Hòa bình xuyên quốc gia (TFF) Jan Oberg cho rằng tư cách thành viên NATO của hai nước Bắc Âu có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng và đối đầu. 

Chi tiêu quân sự của Nga (66 tỉ USD) chỉ bằng 8% so với 30 thành viên NATO. Với thêm hai thành viên mới sát biên giới, sẽ xuất hiện nguy cơ về một cuộc tái vũ trang lớn khắp NATO. Đức hiện đã có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự lên gần gấp đôi so với Nga. 

Ukraine sẽ nhận được khoảng 50 tỉ USD quân viện. Thêm Thụy Điển và Phần Lan tái vũ trang thì chi tiêu quân sự của Nga có thể chỉ còn bằng 4% so với của NATO, nhưng Nga vẫn bị coi là một mối đe dọa đáng gờm.

Lời mời của Mỹ

Ngoài ý nguyện của các chính phủ Thụy Điển và Phần Lan, cũng có ý kiến cho rằng họ chịu sức ép gia nhập NATO từ Hoa Kỳ.

Cả hai quốc gia từ lâu đã được Mỹ và NATO mời gọi. Hơn 20 năm qua, dù chưa phải thành viên NATO, nhưng họ đã rất gắn bó với khối này theo nhiều cách, thoái lui từng bước khỏi tư duy và chính sách đối ngoại trung lập. 

Gần như cả năm qua, Tổng thư ký NATO Stoltenberg, vốn là cựu thủ tướng Na Uy, đã kiên trì kêu gọi các nước láng giềng rằng liên minh đang chờ đợi họ với vòng tay rộng mở. Về mặt kỹ thuật, hai nước đã sẵn sàng - các cuộc tập trận chung được tiến hành trong nhiều thập niên và tất cả các kỹ thuật đều theo chuẩn NATO.

Địa chính trị là một yếu tố khác không thể bỏ qua. Tiến sĩ Oberg viết: Mặc dù mọi người đều biết Bắc Cực sẽ là khu vực trọng tâm liên quan đến hòa bình và an ninh trong tương lai gần, vấn đề này hầu như không được thảo luận ở hai quốc gia nêu trên khi họ nói đến tư cách thành viên NATO. 

Việc Mỹ / NATO tiếp cận Thụy Điển và Phần Lan có thể giúp họ có được lợi thế rõ ràng trong cuộc đối đầu tương lai với Nga và Trung Quốc ở đó.

Đại biểu Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Andrey Klimov nhận định trên vesti.ru: “Việc lôi kéo hai quốc gia này thậm chí đã bắt đầu từ rất lâu, trước năm 2014. Đầu những năm 2000, Hoa Kỳ hiểu rõ tầm quan trọng của Bắc Cực nên quyết định bằng mọi giá đưa Phần Lan và Thụy Điển ra khỏi trạng thái trung lập, trở thành đồng minh để đảm bảo sự hiện diện quân sự của NATO ở Bắc Cực”.

Muốn hay không, việc hai quốc gia theo đuổi chính sách trung lập nhiều thập niên qua nộp đơn gia nhập NATO cho thấy gió đã đổi chiều. 

“Hầu như sẽ không còn cơ chế xây dựng lòng tin và giải quyết xung đột nào ở châu Âu. Sẽ không có cuộc thảo luận nào về một hệ thống hòa bình và an ninh toàn châu Âu mới. Nga càng cảm thấy bị đe dọa, bị cô lập và trong tình huống nhất định càng trở nên tuyệt vọng hơn. Chúng ta đang sống trong thời kỳ rất nguy hiểm và việc Phần Lan, Thụy Điển vào NATO sẽ chỉ làm tăng nguy cơ chứ không cách nào giảm bớt”, Oberg kết luận.

Có lẽ vì thế mà sau cuộc họp ngày 15-5, Đảng Dân chủ xã hội lãnh đạo Thụy Điển ra tuyên bố cho biết sẽ tìm cách đảm bảo để nếu nước này gia nhập NATO thì đảng này sẽ chống lại việc triển khai vũ khí hạt nhân và các căn cứ thường trực trên lãnh thổ Thụy Điển.

Đài Đức DW bình luận: “Biên giới trên bộ của liên minh quân sự phương Tây với Nga sẽ tăng gấp đôi, từ 1.300 lên 2.600km. Sườn phía đông của NATO sẽ được gia tăng đáng kể… Thụy Điển không có biên giới trực tiếp với Nga, nhưng nếu nước này tham gia liên minh thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của NATO ở biển Baltic. Sau đó, tất cả các nước trên bờ biển Baltic sẽ là một phần của liên minh phương Tây - trừ Nga!”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận