Nếu các công dân được biết đầy đủ...

DANH ĐỨC 06/07/2015 21:07 GMT+7

TTCT - Cách đây chín năm, khi TTCT lần đầu tiên giới thiệu “Ngày quốc tế quyền được biết” (International right to know day), mới chỉ có 68 quốc gia ban hành luật về quyền được thông tin (FOI). Nay đã có được 103 quốc gia, và Việt Nam có thể sẽ là quốc gia thứ 104 hay 105 ban hành luật này? (*) Luật này sẽ giúp gì cho các công dân và cả bộ máy nhà nước?Việt Nam có thể sẽ là quốc gia thứ 104 hay 105 ban hành luật về quyền được thông tin (FOI)?

Quyền được biết được LHQ nhấn mạnh là "một quyền cơ bản của con người và là nền tảng cho mọi quyền tự do" - Ảnh: righttoknowday.net

Mới chỉ có chín năm mà trên thế giới đã thêm được 35 bộ luật về quyền được thông tin, tức tăng 51% số quốc gia thực thi nghị quyết 59 ngày 14-12-1946 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuyên cáo rằng đây là “một quyền cơ bản của con người và là nền tảng cho mọi quyền tự do”.

Rõ ràng nhân loại đang tiến hóa rất nhanh, các nhà nước đã và đang nhận chân nhu cầu “nâng cao mức hiểu biết của mỗi cá nhân về quyền được tiếp cận các thông tin do chính phủ nắm giữ, xem các quan chức được bầu lên đang hành xử như thế nào với quyền hạn của họ và xem đồng tiền của người dân đóng thuế được chi tiêu như thế nào” (theo FreedomInfo.org).

Vì sao miễng cưỡng?

Thật vậy, cho dù tổng thống Mozambique đã ký ban hành luật về quyền được thông tin ngày 3-1 năm nay, sau khi quốc hội nước này đã thông qua ngày 26-11 năm ngoái, song đây chỉ là một quyết định “chẳng đặng đừng”.

Theo FreedomInfo.org, đạo luật này đã không hề được các khối đảng phái trong quốc hội xem là ưu tiên, và rằng luật này vẫn còn nhiều điểm yếu, chưa tạo cơ hội cho một cơ chế độc lập kiểm tra việc thực thi luật này hoặc xử lý các khiếu nại của công chúng.

Thế nhưng, dẫu sao cũng đã là bước đầu tiên đúng hướng khi quy định rằng chính phủ phải công bố các kế hoạch hoạt động hằng năm và ngân sách; kiểm toán, điều tra, các báo cáo thanh tra; các báo cáo tác động môi trường; và các hợp đồng, bao gồm cả doanh thu và chi phí liên quan đến các hợp đồng này.

Một điểm son nữa là người yêu cầu tiếp cận thông tin không cần phải biện minh cho yêu cầu của mình và rằng cơ quan được yêu cầu phải đáp ứng trong vòng 21 ngày (1), chỉ tính chi phí sao chụp. Tất nhiên, các thông tin nhạy cảm về các ngân hàng cùng thông tin của các thân chủ hoặc về các vụ án đang diễn tiến không thể được tiết lộ, các bí mật thương mại và công nghiệp được bảo hộ...

Từ thí dụ Mozambique, có thể thấy không phải chính phủ nào cũng thực lòng thiết lập quyền tự do thông tin, nên sẽ là ảo tưởng nếu đòi một đạo luật như ý và tiếp theo đó là một sự thực thi cũng như ý.

Một nền dân chủ luôn “lớn lên” cùng với thời gian mà đơn vị được tính, ở giai đoạn khởi sự như ở Hoa Kỳ với bản hiến pháp 1787 hay ở Pháp với cuộc cách mạng 1789 là theo thế kỷ, và nay ở thế kỷ 21 này là theo đơn vị thập niên, để cho cả dân chúng hiểu được quyền của mình là gì và lớn đến đâu, và các chính phủ nhận ra và chấp nhận quyền lực của mình phải được giới hạn như thế nào.

Đích đến của quyền được thông tin

Ấn Độ có thể là một thí dụ. Ngày 17-6 vừa qua, Luật quyền được thông tin (RTI) của Ấn Độ tròn 10 năm.

TS Prashant Sharma của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội của Liên Hiệp Quốc (UNRISD) nhìn lại và nhận xét lạc quan: “Có lý do để ăn mừng kỷ niệm. Đạo luật mới cho phép người dân thường quyền hạn đặc biệt được đặt câu hỏi về chính phủ trên cơ sở hằng ngày; cho phép bóc tách đi các lớp cứng nhắc đục mờ đặc trưng của quy trình ra quyết định chính phủ; làm cho một nhà nước độc đoán và dễ bị mua chuộc đáp ứng tốt hơn các nhu cầu và nguyện vọng của người dân.

Và tất nhiên sẽ đưa đất nước thoát ra khỏi những tai họa của tham nhũng được bất biến vốn cố thủ trong guồng máy chính trị”.

Xã hội Ấn đã khởi sắc cụ thể như thế nào nhờ RTI? Tác giả mô tả: “Nhiều vụ bê bối lớn (nhỏ) đã được phơi bày thông qua việc áp dụng luật này. Hiếm có ngày nào trôi qua mà RTI không được đề cập trong các bản tin.

RTI đã mang lại một cảm giác sờ thấy được rằng người dân Ấn Độ bình thường đã được trao quyền trong cuộc sống... Với RTI, chúng ta có thể chứng minh hằng ngày rằng nhà nước là tùy tiện, không hiệu quả và tham nhũng... Và khi càng thấy nhà nước không hiệu quả và tham nhũng, càng dễ thuê bên ngoài hợp đồng làm thay, công tư hợp danh, và tư nhân hóa...

Nhà nước phải tập trung chủ yếu vào việc ban hành các quy định và đảm bảo sao cho pháp luật được chấp hành, và nhường lại việc thực hiện cho các tổ chức khác trong xã hội”. Mục tiêu nhắm đến, theo tác giả là “một thực thể phi - nhà nước cung cấp hàng hóa và dịch vụ công một cách công bằng và hiệu quả”.

Nhu cầu minh bạch thông tin ở Việt Nam

“Pháp luật hiện hành chưa có quy định nguyên tắc và tiêu chí để xác định thông tin nào cần phải công bố công khai rộng rãi, thông tin nào có thể được cung cấp theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức”.

(Nguồn: Báo cáo Bộ Tư pháp)

Quyền được biết bao gồm hầu như mọi lĩnh vực, ngoại trừ một số bí mật quốc gia mà nước nào cũng có một danh mục cần thiết cũng như các quy định về việc giải mật sau một thời hạn nhất định.

Thế nhưng ở Việt Nam, đây lại là một “vùng đất xa lạ”, chưa biết bắt đầu như thế nào, từ những lĩnh vực gì.

Báo cáo “Đánh giá thực trạng pháp luật về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin” do Bộ Tư pháp công bố năm nay cho biết điều này: “Pháp luật hiện hành chưa có quy định nguyên tắc và tiêu chí để xác định thông tin nào cần phải công bố công khai rộng rãi, thông tin nào có thể được cung cấp theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức”.

Vấn đề kế tiếp là có phải mọi công dân đều được tiếp cận thông tin hay không. Hiện nay, cũng theo báo cáo nêu trên của Bộ Tư pháp, vẫn phân loại “chủ thể tiếp cận thông tin trong các lĩnh vực được quy định khác nhau, phụ thuộc vào loại thông tin đó cần thiết và ảnh hưởng tới nhóm đối tượng nào trong xã hội”.

Hậu quả là, “trong một số lĩnh vực, chủ thể tiếp cận thông tin được quy định chỉ bao gồm cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí”. Đây là một vấn đề cần nhìn lại thấu đáo song song với việc quy định các lĩnh vực (phải/có thể) được công bố công khai.

Người dân đang cần thông tin gì nhất?

Nổi bật một vấn đề tối quan trọng là người dân ở nhiều nước chưa phát triển đang “khát” thông tin về những gì liên quan đến đất đai. Ở Việt Nam, đây là một vấn nạn nan giải.

Nghiên cứu “Land transparency study, synthesis report” của Ngân hàng Thế giới năm 2014 đã mô tả tình hình công khai thông tin ở Việt Nam như sau, riêng trong lĩnh vực đất đai: “Mặc cho đã có những cải thiện đáng kể như thế, các dữ kiện từ nghiên cứu về minh bạch trong lĩnh vực đất đai đã tỏ rõ rằng hiện trạng cung cấp thông tin liên quan đất đai vẫn còn thiếu so với yêu cầu pháp lý, và thậm chí còn lâu mới đạt đến việc tiếp cận đầy đủ thông tin.

Nếu việc cung cấp các thông tin cứ mỗi ba năm tăng khoảng 10-15%, sẽ còn mất mấy thập kỷ trước khi các cơ quan hành chính của Việt Nam đến gần mức tuân thủ đầy đủ với ngay cả những quy định khiêm tốn về việc minh bạch trong pháp luật. Nếu Việt Nam mong muốn phát triển các thể chế hiện đại dự kiến của một nước thu nhập trung bình, thì bắt buộc phải đẩy nhanh quá trình này”.

Nôm na mà nói Việt Nam còn cách cái chuẩn công khai thông tin của các nước thu nhập trung bình hàng mấy chục năm. Thành ra còn phải cố gắng nhiều.

Trong thực tế, tình trạng không minh bạch thông tin đã và đang là một vấn nạn khổng lồ, bên thiệt hại không chỉ là các công dân bình thường mà còn là chính cơ quan công quyền. Tuần trước, báo chí loan tin “Văn phòng Ủy ban TP Đà Nẵng bị kiểm điểm vì giấu 17.000 lô đất”. Theo đó, 17.000 lô đất tái định cư đã bị Văn phòng UBND TP cùng các ban quản lý dự án giấu không cho dân chúng biết.

Theo lời một phó chủ tịch UBND Đà Nẵng trước hội nghị có mặt đầy đủ lãnh đạo chủ chốt của TP này, Văn phòng UBND TP, một số ban quản lý, các doanh nghiệp đã báo cáo không đầy đủ, báo cáo số liệu đất tái định cư sai cho UBND. Trong đó, riêng Công ty Vật liệu xây dựng đã báo cáo sai hơn 1.200 lô đất. Các công ty, ban quản lý khác thì có đơn vị vài chục lô, có đơn vị vài lô.

Tháng 12-2014, sau khi rà soát đất tái định cư, lãnh đạo UBND Đà Nẵng đã phát hiện các ban quản lý để “lọt sổ” 14.500 lô đất mà không báo cáo với TP. Đến tháng 4-2015, TP cho rà soát lần nữa thì phát hiện thêm 3.000 lô đất. Làm thế nào lại để xảy ra được tình trạng giấu, không báo cáo hay báo cáo sai la liệt như thế?

Hậu quả của vụ này là gì? Theo VNExpress, “nhiều đại biểu HĐND đã bày tỏ sự bất bình vì năm 2013 TP chi khoảng 18 tỉ đồng, năm 2014 chi 18,2 tỉ đồng để trả tiền cho người dân thuê nhà”. E rằng cách đặt vấn đề hậu quả chỉ trong góc độ số tiền phải chi “để trả tiền cho người dân thuê nhà” là chưa đầy đủ.

Lẽ ra cần phải nhìn thấy hậu quả đáng ngại nhất của sự giấu giếm này là nỗi đau khổ của cũng chừng đó hộ dân lẽ ra đã có thể nhận được 17.000 lô đất đó để làm lại một căn nhà khác, gầy dựng lại cuộc sống.

Nếu chừng đó hộ dân đã được nhận đất để tái định cư, không bị bưng bít thông tin, không bị giấu đất thì đã có chừng đó hộ dân không phải cơ hàn - một thí dụ nóng bỏng của tình trạng độc quyền và bưng bít thông tin. Để cho đạo luật tiếp cận thông tin được sát với nhu cầu của dân chúng hơn, có lẽ ngoài đánh giá của Bộ Tư pháp, còn cần nhiều đánh giá độc lập khác, nhiều góp ý khác. Nếu dân chúng được biết đầy đủ, các nhũng nhiễu sẽ bớt đi, cuộc sống của người dân sẽ tốt đẹp hơn.

 

(1): Để tiện so sánh, ở Anh thời hạn là 20 ngày và cũng không phải đóng phí. Điều đó có nghĩa là các nước, cho dù giàu nghèo, tiến bộ hay còn lẹt đẹt vẫn hầu như không khác nhau về thời hạn trả lời yêu cầu thông tin.

(*): Quốc hội khóa XIII đã quyết định đưa Luật tiếp cận thông tin vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh 2014-2016, dự kiến thảo luận tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận