​Nga và xung đột biển đông giữa các đối tác chiến lược

PHAN XUÂN LOAN 13/06/2015 22:06 GMT+7

Trung Quốc đã thất bại trong mưu toan không quốc tế hóa cuộc tranh cãi biển Đông. Ngày càng nhiều nước lớn và trung lên tiếng kêu gọi tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp bằng các giải pháp hòa bình. Trong khi đó, sự im lặng - được diễn giải như thái độ trung lập của Nga - không làm hài lòng một số chuyên gia Nga quan tâm đến vấn đề biển Đông. Họ đã nói gì?

Tổng thống Philippines Benigno Aquino (thứ hai từ trái sang) được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (thứ ba từ trái sang) tháp tùng đến một tiệc chiêu đãi ở Tokyo ngày 4-6. Ông Abe cho biết Nhật và Philippines đã thống nhất chống lại các mưu toan đơn phương thay đổi hiện trạng biển Đông - Ảnh: Reuters

Một thực tế là truyền thông Nga ít đưa tin về các diễn biến trên biển Đông. Bị chi phối bởi cuộc khủng hoảng Ukraine sau vụ sáp nhập Crimea và các cấm vận như hệ quả đi kèm, vấn đề biển Đông không nằm trong dòng thông tin chủ đạo ở Nga. Và nếu có, đa số là những bài kêu gọi một liên minh Nga - Trung để chống lại phương Tây.

Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện một số bài viết nằm ngoài dòng chủ đạo đó của một số chuyên gia phương Đông của Nga.

“Người Mỹ thầm lặng”

Chuyên gia Hội đồng các quan hệ đối ngoại Nga Anton Tsvetov đã dùng nhan đề này cho bài viết đăng trên trang Lenta.ru ngày 25-5-2015 (1). Bài viết điểm lại quan hệ Việt - Mỹ 40 năm sau chiến tranh, nhất là những thay đổi về chất và rất năng động trong năm năm gần đây, khi Hoa Kỳ lo ngại sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc nên từ đầu thập niên 2010 đã xoay trục sang Đông Nam Á.

Ông Anton Tsvetov nhận định: “So với những đồng minh truyền thống trong khu vực như Philippines và Thái Lan, thì Việt Nam là đối tác có lợi hơn... Năm 2014, những cuộc đảo chính quốc gia đã khiến Thái Lan trở thành đối tác khó tiên đoán, còn Philippines thì... khả năng phòng thủ thấp và thiếu kinh nghiệm chiến đấu đã giảm thiểu ý nghĩa chiến lược của họ. Chưa kể Manila và Bangkok hiện vẫn chưa giải quyết được vấn đề Hồi giáo cực đoan trên lãnh thổ mình”.

Về phần mình, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển cần những dịch chuyển chất lượng để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Về đối ngoại, Việt Nam “cần bảo đảm một tỉ lệ gia tăng ảnh hưởng chính trị khu vực để tự bảo vệ khỏi láng giềng phương Bắc”.

Nhưng ngoạn mục nhất, theo chuyên gia Anton Tsvetov, là sự xích gần giữa Washington và Hà Nội trong lĩnh vực chính trị quân sự, khi những năm gần đây Bắc Kinh xem quỹ đạo biển Đông là vùng “lợi ích then chốt” của họ.

Đến đây, bài viết của Anton Tsvetov phân tích động cơ hành xử của Trung Quốc và Mỹ trên biển Đông từ góc nhìn của người Nga: “Thực tế thì không ai có thể nói chính xác biển Đông có nhiều tài nguyên thiên nhiên hay không, luận cứ này đã dần bớt quan trọng.

Nhưng ý nghĩa hậu cần của vùng biển này thì không ai còn nghi ngờ: dọc các tuyến đường biển này vận hành một nửa các buôn bán quốc tế và 2/3 cung ứng năng lượng. Ít có khả năng nếu Trung Quốc “chiến thắng” họ sẽ đóng cửa đường biển này, vì cuối cùng Bắc Kinh cũng cần phần lớn cung ứng năng lượng.

Nhưng người Mỹ e ngại điều khác. Washington diễn giải nguyên tắc tự do hàng hải là khả năng đi lại của bất cứ tàu thuyền nào, kể cả quân sự, ngang qua những vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia. Bắc Kinh không thích khái niệm tự do này do hiện vẫn chưa có hạm đội biển phát triển. Vì thế, (hạn chế) Mỹ tiếp cận biển Đông là yếu tố quan trọng trong chính sách ngăn chặn của Bắc Kinh”.

Vì lợi ích quốc gia của mình, Hoa Kỳ lặng lẽ trở lại Việt Nam. Năm 2013, quan hệ hai nước nâng lên mức “đối tác toàn diện”, và sang năm 2014 đột phá diễn ra khi Mỹ tháo dỡ một phần cấm vận vũ khí đối với Việt Nam... Chuyến thăm dự kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ cũng đang được xem là một diễn biến đáng kể trong quan hệ hai nước.

 

Người Nga... im lặng

Trong khi đó, Matxcơva không bày tỏ một lập trường rõ ràng nào liên quan đến cuộc tranh cãi trên biển Đông. Hai phát biểu tương đối chính thức chỉ được phát đi từ cấp thứ trưởng và trợ lý. Đó là phát biểu của trợ lý Bộ Ngoại giao Nga A. Lukashevich hồi tháng 5-2014, được tác giả Igor Denisov trong bài báo Cuộc biểu tình ngày 1-5 về sự kiện giàn khoan 981 (2) khẳng định là “rất ngoại giao”.

Khi đó, ông A. Lukashevich nói: “Chúng tôi theo dõi sát sao diễn tiến, hi vọng rằng các phía liên quan sẽ thể hiện sự kiềm chế và khắc phục các bất đồng bằng con đường thương lượng”. Gần đây hơn, trong một phát biểu tại Đối thoại Shangri-La (SLD, diễn ra từ ngày 29 đến 31-5 tại Singapore), Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cho biết Nga sẽ tập trận cùng Trung Quốc vào tháng 5-2016.

Trên nền vấn đề biển Đông ở SLD 2015, có dư luận xem đây như một bước xích gần tới Bắc Kinh của Matxcơva.

Trước tình hình đó, các chuyên gia Nga nói gì? Trao đổi với người viết, giáo sư sử học Nga, chủ nhiệm bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông của Đại học Tổng hợp Saint Petersburg V. Kolotov cho rằng cuộc tập trận Nga - Trung không liên quan đến vấn đề biển Đông vì đây là cuộc tập trận chống khủng bố và an ninh biển trong chương trình nghị sự của ADMM - Plus (Cơ chế hợp tác và tham vấn quốc phòng của các nước Asean + các đối tác là úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Nga, New Zealand, Hàn Quốc, Mỹ).

Chuyên gia Hội đồng các quan hệ đối ngoại Nga Anton Tsvetov cũng cho rằng không thể xem phát biểu của Thứ trưởng Antonov ở diễn đàn SLD như một chương trình chính trị của Matxcơva, do lẽ cấp độ đại diện của Nga tại diễn đàn này, số lượng đại biểu và sự quan tâm của báo chí Nga ở đây không thật sự cao.

Để minh họa rõ hơn, có thể dẫn bài báo của tác giả Alesandr Gabuyev trên trang web của Trung tâm Carnergy Matxcơva (một tổ chức nghiên cứu của Mỹ đặt tại Nga) tựa đề Tại sao châu Á không lắng nghe Nga về vấn đề an ninh? (3), phân tích vai trò lu mờ của Matxcơva trong vấn đề biển Đông, mà gần đây nhất là tại SLD 2015. A. Gabuyev là một thành viên trong đoàn đại biểu Nga vỏn vẹn có bốn chuyên gia bên cạnh hai quan chức Nga (Thứ trưởng Quốc phòng Antonov và đại sứ Nga tại Singapore) dự SLD 2015.

Không chỉ hiện diện mờ nhạt, Gabuyev còn cho rằng Nga không đưa ra được thông điệp mới tại SLD 2015, ngoài cảnh báo hiểm họa phát xít ở Ukraine và nguy cơ “cách mạng màu” ở châu Á (không khác phát biểu cũng chính ông Antonov đưa ra tại SLD 2014). Có khác chăng, trong SLD lần này, ông Antonov bày tỏ quan ngại “chính sách của Mỹ ở Đông Nam Á ngày càng nhắm vào việc kiềm chế có hệ thống Trung Quốc và Nga”.

Theo nhận xét của Gabuyev, các đại biểu SLD không quan tâm lắm tới phát biểu của ông Antonov vì cuộc khủng hoảng Ukraine quá xa với họ, trong khi Nga lại không nói gì về những vấn đề quan trọng nhất mà khu vực này đang quan tâm - cuộc tranh cãi trên biển Đông và các nguyên tắc tự do hàng hải.

Liệu có phải Nga thiếu chiến lược Đông Nam Á? Không hẳn là như vậy, vì theo A. Gabuyev, các quan chức Nga trong những cuộc thảo luận riêng cho biết việc không đưa ra một quan điểm rõ ràng về các vấn đề an ninh Đông Nam Á chính là chiến thuật có tính toán của Nga: Nga không muốn làm mích lòng cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, vốn đều là hai đối tác chiến lược của Nga trong khu vực.

Tuy nhiên, Gabuyev nhận định nếu tính đến lợi ích lâu dài của Nga ở biển Đông, trong đó có việc vận chuyển dầu khí, khoáng sản, hàng hóa cho các thị trường Đông Nam Á, thì nguyên tắc tự do giao thương và giải quyết hòa bình những cuộc tranh cãi ở biển Đông buộc Nga “phải thường xuyên lên tiếng” về vấn đề này thay vì im lặng.

A. Gabuyev phân tích: “Liệu có khả năng Trung Quốc sẽ trách móc Nga vì việc này không? Có thể... Nhưng cũng cần nhớ là trong nhiều vấn đề có tính nguyên tắc với Matxcơva, Bắc Kinh cũng có quan điểm của họ. Chẳng hạn vấn đề Abkhazia, Nam Ossetia mà Trung Quốc cho là một phần của Gruzia, hay Crimea thì Trung Quốc cũng cho là một phần của Ukraine. Điều đó cũng đâu có cản trở Nga và Trung Quốc buôn bán, tập trận chung, thậm chí thảo luận về những dự án địa kinh tế ở Trung Á”.

Chia sẻ góc nhìn của Gabuyev, đồng thời theo dõi phản ứng thế giới hậu SLD, chuyên gia Anton Tsvetov mới đây đã đăng một ý kiến trên trang russia-direct.org tựa đề Liệu Nga có vai trò gì trên biển Đông? (4).

Ông cho rằng tuy về chính thức, Bộ Ngoại giao Nga luôn tỏ ra Nga trung lập, kêu gọi các bên tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Tuyên bố ứng xử của các bên (DOC) và sớm đưa ra kết luận về Quy tắc ứng xử (COC).

Tuy nhiên, khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam năm 2014, “Matxcơva đã khiến Hà Nội ngạc nhiên khi không có phản ứng thích hợp”. Theo Anton Tsvetov, có thể giữa Trung Quốc và Nga có một “thỏa thuận” với nhau: Ukraine đối với Nga và biển Đông với Trung Quốc là hai vấn đề quá nhạy cảm để mỗi bên có thể có những phản ứng cứng rắn.

Tuy nhiên, Anton Tsvetov đặt câu hỏi: “Vấn đề là những biên giới nào cho chính sách của Nga ở biển Đông? Nga có thể đi xa tới đâu và nên đi về đâu?”.

 

Sự xoay trục nào sẽ đáng nhớ?

Làm thế nào để Matxcơva thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay? Các chuyên gia biển Đông của Nga đã đưa một số giải pháp. A. Gabuyev cho rằng đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula Gertrud von der Leyen về việc thành lập ở châu Á một cơ chế tương tự OSCE ở châu Âu là một ý tưởng tốt.

A. Gabuyev đề xuất ở châu Á, có thể xem Singapore là “trung tâm đầu não” của hoạt động gìn giữ hòa bình. Đây là quốc gia có quan hệ gần gũi cả với Trung Quốc lẫn Việt Nam, và lợi ích của Singapore cũng gắn với tự do hàng hải. Nga có thể hỗ trợ hoạt động gìn giữ hòa bình này như “một Singapore lớn”.

Chuyên gia Anton Tsvetov thì cho rằng Nga có thể thoát khỏi thế kẹt hiện nay bằng cách không đặt trọng tâm vào câu chuyện chủ quyền, mà đặt trọng tâm vào vấn đề hành xử. Bất luận cuộc tranh cãi nào bùng nổ, điều đầu tiên các bên phải làm là ngưng ngay mọi việc đang làm ở điểm chưa có phát súng nào nổ ra, tránh bất cứ một hành động gây hấn nào.

Cũng giống Washington, Matxcơva nên trở thành người kêu gọi hòa bình, giữ nguyên hiện trạng, tức kêu gọi Trung Quốc dừng tay. Nhưng khác Washington, Matxcơva hiện không là mối đe dọa với Bắc Kinh, nên những động cơ của Nga sẽ không bị xem là có ẩn ý.

Anton Tsvetov kết luận: “Nếu Nga có thể thuyết phục Bắc Kinh dừng các dự án cải tạo và tham gia vào cuộc đối thoại hòa bình, thì Nga sẽ được xem là người đóng góp đáng kể vào ổn định Đông Nam Á. Chẳng phải đây sẽ là một sự xoay trục đáng nhớ?”.         

 

(1): lenta.ru/articles/2015/05/25/vietusa/

(2): lenta.ru/articles/2014/05/16/china/

(3): carnegie.ru/publications/ ?fa=60259

(4): www.russia-direct.org/opinion/there-role-russia-play-south-china-sea

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận