Ngân hàng máu cuống rốn TP.HCM - cam go ở phía trước

TTCT - Tháng 8-1999, Ngân hàng Máu cuống rốn đầu tiên ở Việt Nam ra đời tại BV Truyền Máu và Huyết học TP.HCM. Sau 10 năm, đã có 2120 đơn vị máu cuống rốn (MCR) được lưu trữ ở đây và chín bệnh nhân đã được ghép tế bào gốc từ MCR.

 

 Hoàn thành sản phẩm tế bào gốc máu cuống rốn để chuyển đi lưu trữ - Ảnh: Kim Sơn

Âm thầm và gian khổ

Một êkip lấy MCR gồm 10 người của Ngân hàng phải luân phiên đến BV Hùng Vương, Từ Dũ, BV Đại học Y dược để thu thập mẫu MCR. “Mỗi ngày lấy được khoảng 3 mẫu đạt chuẩn là mừng”, BS Bao Minh Hiền, phụ trách ê kíp nói (Đạt chuẩn là sản phụ hoàn toàn khỏe mạnh, không mắc các bệnh lây nhiễm như viêm gan B, C, HIV, giang mai...).

MCR sau khi được xử lý trong buồng lọc vô trùng, loại bỏ những thành phần không cần thiết để còn lại 23,4ml sẽ được bảo quản đông lạnh trong môi trường nitơ lỏng -1960C. 

Mỗi mẫu MCR như vậy có khoảng 900 triệu tế bào gốc, có thể lưu trữ 15 năm. Ngân hàng sẽ cấp phát mẫu MCR này miễn phí khi bệnh nhân cần ghép có HLA (Human Leukocyte Antigen - yếu tố hòa hợp tổ chức) phù hợp với người bệnh.

KTV Lê Phan Thế Trúc, 29 tuổi, chàng trai duy nhất trong êkip đi lấy MCR cho biết một ngày làm việc của anh bắt đầu từ 7 giờ sáng tại phòng xử lý mẫu và thường kết thúc lúc 22-23g đêm tại một BV để lấy mẫu MCR. “Phải chờ từ 5-6 giờ để lấy được mẫu đạt tiêu chuẩn là chuyện bình thường” - Trúc kể.

KTV Lê Phan Thế Trúc và Lê Thị Dịu Hiền xử lý lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn - Ảnh: Kim Sơn

Ứng dụng từ MCR ngày càng được nhiều người biết tới nên không ít sản phụ có con mắc bệnh về máu yêu cầu lấy MCR đứa sắp sanh để chữa cho đứa trước. Với những ca này, nhóm lấy MCR luôn sống trong tâm trạng hồi hộp, “chỉ lo mẫu không đạt thì tội lắm”, điện thoại phải mở 24/24 giờ và nhất định không được trễ khi sản phụ sinh.

“Chỉ trễ 15 phút là máu sẽ đông lại, coi như hỏng”. Toàn bộ dây rốn dài 60-80 cm và bánh nhau được lấy ngay sau khi em bé được sinh ra và ít nhất phải lấy được 80 gr máu cho vào túi có chất chống đông (để đủ ghép cho BN dưới 30 kg). Mẫu MCR đem về cũng phải xử lý, nuôi cấy ngay trong vòng 24 giờ.

Ở Việt Nam lúc đó không có bộ dụng cụ thu thập MCR, BS Bao Minh Hiền phải tự làm một bộ dụng cụ với kẹp rốn, gạc y tế, săng mổ, tấm trải là chiếc khăn có 4 lỗ ở góc và một đường cắt ở giữa tiện cho thao tác treo bánh nhau lên để trích máu. Khuôn hàn túi máu đông lạnh cũng thiếu, nhóm phải dùng hàn dây (tube sealer) để hàn tách ngăn của túi. “Ban đầu hàn chưa quen nên túi máu có khi bị xì” - KTV Lê Thị Dịu Hiền kể lại.

Cam go phía trước

TS Huỳnh Nghĩa cho biết, nhu cầu ghép cho BN mắc bệnh lý máu ác tính như bệnh bạch cầu cấp, ung thư hạch... và những bệnh lý tuy không ác tính nhưng rất khó chữa như suy tủy xương, bệnh lý di truyền như Thalassemi... hiện chiếm tỉ lệ rất cao (từ 40 - 60%), tức là khoảng 300-400 BN cần ghép.

“BV chỉ ghép được từ 20-30 ca/năm do chi phí quá lớn -10.000 USD mỗi ca tự ghép và 20.000 USD mỗi ca dị ghép”. Chi phí này đã thấp hơn rất nhiều so với một số nước lân cận (từ 40.000-150.000 USD) Nhiều BN đã điều trị qua giai đoạn 1 song hoặc không đủ tiền, hoặc không tìm được MCR phù hợp đã phải chịu chết.

Ghép tế bào gốc MCR vẫn đang là một “cuộc chiến đầy cam go và tiến trình điều trị gặp muôn vàn trắc trở”, TS Nghĩa nói. Tuy thế, với không ít người bệnh, các biện pháp điều trị như hóa trị liệu kết hợp ghép tế bào gốc đang là một hy vọng rất lớn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận