Ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới: Hãy nói ra, đừng giữ trong lòng

XUÂN MINH 13/10/2020 00:10 GMT+7

TTCT - 10-10 hằng năm là Ngày sức khỏe tâm thần thế giới - một dịp để nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe tâm thần và huy động các nguồn lực cho lĩnh vực này. Năm nay, ngày này đến trong bối cảnh cuộc sống hằng ngày của hàng tỉ người trên thế giới bị đảo lộn do đại dịch COVID-19. Hậu quả là sức khỏe tâm thần của nhiều người bị ảnh hưởng với những biểu hiện như lo lắng, sợ hãi, bất an…

Ảnh: Marion Fayolle/New York Times
Ảnh: Marion Fayolle/New York Times

Nói ra cho thỏa nỗi buồn

Khi chiếc xe chúng ta đi bỗng trở chứng, nếu không thể tự sửa, chúng ta đều biết có thể tìm ai để giúp mình giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, khi cảm xúc của chúng ta có vấn đề, muốn làm cho nó trở lại bình thường thật sự rất khó khăn. Trong nhiều trường hợp, chúng ta cần kết nối với chính mình và dũng khí để có thể “nói ra”.

Một bài viết trên The New York Times (tháng 4-2020) xác nhận với nhiều người, đặc biệt là nam giới, nói về cảm xúc của mình là điều khó khăn vì họ đã quen giấu cảm xúc vào lòng. Một số trường hợp khác, nếu việc nói ra liên quan đến những cảm giác như tội lỗi hoặc xấu hổ thì chỉ có thể ôm mối tơ vò một mình.

Khoa học đã chứng minh: việc tâm sự/nói ra, dù là với một người bạn tin cậy hay chuyên gia tâm lý… có thể đem lại nhiều lợi ích.

Khi bị một cảm xúc mạnh, như sợ hãi, giận dữ hoặc lo lắng chi phối - hạch hạnh nhân (amygdala) trong não cùng các cơ chế khác, như toàn bộ hệ viền (hệ limbic) sẽ hoạt động để tìm ra mối đe dọa, đưa ra phản ứng (nếu cần) và lưu thông tin vào bộ nhớ của chúng ta. Hạch hạnh nhân có thể kiểm soát, thậm chí ghi đè lên các quá trình suy nghĩ logic khi chúng ta bị căng thẳng hoặc quá tải.

Nghiên cứu của ĐH California, Los Angeles (UCLA), Mỹ, chỉ ra: việc thể hiện cảm xúc thành lời giúp giảm các phản ứng quá mức của hạch hạnh nhân trước các trải nghiệm xấu.

Chẳng hạn, bạn từng bị tai nạn xe hơi và sau đó, việc phải ngồi xe lăn khiến bạn không chịu nổi. Nếu có thể nói ra những điều này và đối diện những cảm xúc đến với mình, bạn có thể đưa mình về trạng thái cân bằng, có thể ngồi xe lăn trở lại.

Nghiên cứu từ ĐH Southern Methodist, Texas, Mỹ cũng ghi nhận: viết ra những trải nghiệm đau buồn hoặc trị liệu bằng cách trò chuyện có tác động tích cực đến sức khỏe và hệ miễn dịch của chúng ta.

Ngược lại, không nói ra suy nghĩ và cảm xúc làm chúng ta căng thẳng hơn vì khi cố đè nén cảm xúc, ta dễ bị bệnh hoặc cảm thấy tồi tệ hơn.

Mặc dù không có gì đảm bảo nói ra hay điều trị với chuyên gia tâm lý có thể giúp ta lấy lại tinh thần hoàn toàn, nhưng giống như ăn uống lành mạnh và tập thể dục, những biện pháp này góp phần cải thiện tổng thể về sức khỏe.

Quan trọng hơn, nó có thể giúp chúng ta hiểu lý do tại sao mình thấy đau khổ, buồn phiền để có thể kiểm soát cảm xúc tốt hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, không phải cứ trút bầu tâm sự là hữu ích. Một số thử nghiệm với sinh viên, phụ nữ trẻ và người đang đi làm cho thấy thường xuyên tập trung nói về những trải nghiệm tiêu cực có thể có tác dụng ngược, khiến chúng ta thấy “oải” vì mệt mỏi tâm lý.

Để việc nói ra các vấn đề của mình hữu ích, chúng ta cần chọn đúng người, có thể là một người bạn thân. Nếu cần lời khuyên cụ thể về một vấn đề nào đó, hãy tìm người đã từng trải nghiệm và vượt qua khó khăn đó. Bạn cũng nên thử nói với nhiều người, đôi khi, do vấn đề quá lớn, một người nghe bị kiệt sức nhưng nhiều người sẽ giúp chia sẻ sức nặng của vấn đề.

Không chỉ cần đúng người, chúng ta còn cần tâm sự đúng thời điểm. Bạn bè, người thân có thể rất muốn hỗ trợ bạn, nhưng hãy hỏi trước, liệu họ có thời gian và năng lượng để nghe tâm sự của bạn không.

Điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn trước cuộc trò chuyện vì hầu hết các cuộc trò chuyện mang tính tháo gỡ đều không cần gấp gáp. Có thể cuối cùng, bạn vẫn không có được một kế hoạch hành động nào để thay đổi tình hình, tuy nhiên nói ra sẽ giúp bạn cảm thấy khá hơn.

Các chuyên gia khẳng định: nói về cảm xúc, dù tích cực hay tiêu cực là điều rất bình thường và nên làm. Không nên chỉ nói về tâm trạng tiêu cực. Nói về những điều tốt đẹp củng cố cảm xúc tích cực trong não, giúp chúng ta dễ vượt qua những lúc xuống tinh thần về sau.

Nói ra có thể không dễ dàng, đôi khi bạn sẽ khóc, nhưng càng mở lòng bạn càng dễ dàng hơn khi chia sẻ những cảm xúc của mình.

“Bạn có quyền cảm thấy không ổn”, hãy tìm sự giúp đỡ. Ảnh: REUTERS
“Bạn có quyền cảm thấy không ổn”, hãy tìm sự giúp đỡ. Ảnh: REUTERS

Nghe đúng cách

Katie, một phụ nữ trẻ ở Anh, cho biết nhờ nói chuyện với anh trai mà cô hiểu hơn về tình trạng của mình và chấp nhận sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý. Trên trang www.time-to-change.org.uk, cô viết: “Tôi chia sẻ với anh trai vì anh ấy từng trải qua vấn đề tương tự. Anh ấy hiểu tôi và không cố gắng giải quyết vấn đề hay đưa ra giải pháp.

Anh ấy lắng nghe cả khi tôi nói điều khó nghe. Dần dần, tôi không còn nghĩ tình trạng trầm cảm của mình là vấn đề siêu to khổng lồ, mà thay vào đó nó có thể chia nhỏ để giải quyết với sự giúp đỡ của bác sĩ”.

Adam - người Anh, sắp trở lại trường đại học vào mùa thu này - bị chứng trầm cảm và sợ xã hội, anh có nhiều lo lắng mà với nhiều người là “lo bò trắng răng”, như: sợ không thể cân bằng giữa công việc với áp lực học hành, sợ nước Anh bị phong tỏa lần hai do COVID-19, sợ phải cách ly cùng người lạ…

Adam đã tự giúp mình bằng cách tâm sự với mẹ. Có đôi lần anh thấy khó khăn khi mở lời vì không muốn mẹ thêm lo lắng, nhưng một số lần khác anh cố nói ra những cảm xúc của mình vì hiểu rằng chịu đựng mọi thứ trong im lặng là không tốt.

Adam cho biết mẹ dường như đoán biết được những lúc anh “có vấn đề”. Khi đó, bà thường hỏi anh cảm thấy thế nào. Điều này giúp anh dễ mở lòng hơn vì yên tâm rằng bà không quá bận và muốn lắng nghe.

Từ góc độ một người nhiều năm sống chung với chứng trầm cảm, sợ xã hội, anh cho rằng để nói chuyện với con cái về vấn đề tâm lý, các cha mẹ không nên thúc ép. Con cái có thể chưa sẵn sàng nói về tình trạng tâm lý của mình, càng thúc ép càng khiến những cuộc nói chuyện về sau trở nên khó khăn.

Các phụ huynh hãy lắng nghe và ngừng đánh giá vì trong lúc con trẻ gặp vấn đề tâm lý khó khăn, tạo thêm áp lực bằng cách bảo chúng không nên cảm thấy thế này, thế kia, là phản tác dụng.

Thay vào đó, hãy đồng cảm, ủng hộ, đảm bảo bạn sẽ ở bên con khi chúng cần vì người có vấn đề tâm lý thường cảm thấy cô độc, nghi ngờ bản thân.

Paula, mẹ của Adam, cũng đồng tình với điều này. Bà Paula cho biết cha mẹ nên tiếp cận từng bước, đừng ép con hay tự cho rằng mình biết điều gì đang xảy ra. Hãy hỏi thăm con và chấp nhận nếu con chưa sẵn sàng chia sẻ.

Ngoài ra, cha mẹ có thể tạo ra không gian, thời điểm thích hợp để con dễ tâm sự, có thể là khi không có nhiều người khác ở nhà. Khi biết về vấn đề của con, hãy thảo luận về các giải pháp phù hợp và quan trọng nhất luôn ở bên khi con cần. ■

Đại dịch COVID-19 và sức khỏe tâm lý

Với kinh nghiệm của những tình huống khẩn cấp trước đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo nhu cầu về hỗ trợ sức khỏe tâm thần/tâm lý sẽ tăng lên đáng kể trong những tháng và năm tới, sau dịch COVID-19.

Trước mắt, các tác động của dịch bệnh như các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội, tình trạng thất nghiệp, học và làm việc tại nhà khiến tất cả mọi người phải thay đổi, thích nghi và những điều này đều gây ra ít nhiều khó khăn về tâm lý cho chúng ta.

Theo WHO, trước dịch COVID-19, việc đầu tư cho các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần dù ở cấp quốc gia hay quốc tế đã bị thiếu kinh phí triền miên trong nhiều năm.

Giờ đây do tác động của đại dịch, đầu tư cho chăm sóc sức khỏe tâm thần càng quan trọng hơn bao giờ hết. WHO kêu gọi các nước hãy tập trung chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân.

Ở góc độ cá nhân, chúng ta có thể giữ cho tinh thần của mình tốt hơn để vượt qua đại dịch bằng cách đọc thông tin cập nhật đúng, đủ từ các nguồn uy tín; duy trì các thói quen sống hằng ngày như thể dục, thức dậy và đi ngủ đúng giờ, ăn uống đúng bữa, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi; bớt xem, đọc tin tiêu cực, duy trì liên hệ xã hội; không lạm dụng bia rượu; sử dụng điện thoại, TV vừa đủ, chơi game vừa phải.

Theo số liệu của Viện Đánh giá và đo lường sức khỏe báo cáo trong nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu công bố năm 2017, ước tính 792 triệu người đã sống với chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, chiếm 10,7% dân số toàn cầu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận