Nghèo, xuất khẩu lao động và nợ

HỒ VĂN - HÀ ĐỒNG 04/03/2013 23:03 GMT+7

TTCT - Gần 7.500 lao động từ các huyện nghèo nhất nước được đưa đi lao động ở nước ngoài trong ba năm kể từ năm 2009, theo một đề án đặt mục tiêu đưa 10.000 người đi mỗi năm, không ít người trở về mang nợ chồng chất.

Làm thế nào mà một chính sách khởi đầu với những mục tiêu được đánh giá là “tốt, hợp lòng dân” lại có một kết quả thực tế èo uột, không tương xứng như vậy?


Mẹ ruột và con trai lao động Lê Văn Quang trước ngôi nhà ọp ẹp mà anh để lại cùng món nợ 30 triệu đồng - Ảnh: Hà Đồng

Với mục tiêu nâng cao chất lượng lao động, tăng số lượng lao động ở các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thực hiện giảm nghèo bền vững, ngày 29-4-2009 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 (Đề án 71)”. 

Người cười...

Ở xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà - một huyện nghèo miền núi của tỉnh Quảng Ngãi - chúng tôi gặp ông Đinh Rò trong căn nhà mới xây từ tiền con trai Đinh Văn Hê đi XKLĐ ở Malaysia gửi về. Nhiều năm chỉ sống nhờ mấy thửa ruộng, phát nương, làm rẫy, ở nhà tranh vách đất, cái nghèo bám riết, nay cả nhà ông được ở nhà mới, mua được xe máy, mở được một tiệm tạp hóa nhỏ, có tủ lạnh bán đá, nước ngọt để tăng thu nhập.

Gia đình ông Đinh Văn Khía cũng nhận được hơn 100 triệu đồng từ con trai Đinh Văn Dục gửi về từ Malaysia sau gần ba năm làm việc. Sang năm, nhà họ sẽ chuyển từ căn nhà tranh vách đất hiện nay sang căn nhà mới đang xây dựng từ tiền con trai gửi về. “Nhà ta đã được xã đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo rồi, mấy đứa con của ta giờ không sợ phải nghỉ học vì thiếu tiền” - ông Khía chia sẻ niềm vui.

Cách Quảng Ngãi khoảng 800km, chúng tôi về xã Ban Công, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), nơi có nhiều thanh niên nghèo tham gia đề án “Hỗ trợ huyện nghèo XKLĐ”. Anh Lò Văn Huynh (34 tuổi, người dân tộc Thái) hiện là chủ tiệm sửa xe máy kiêm thợ cắt tóc và bán chim cảnh sau hai năm làm việc ở Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất).

“Năm 2009 tôi được Công ty Airseco đưa sang Dubai làm xây dựng, thu nhập mỗi tháng hơn 7 triệu đồng, sau hai năm tôi tiết kiệm gửi về hơn 160 triệu đồng, trong đó trả nợ vay ngân hàng đi XKLĐ và nợ vay khi gia đình túng thiếu (trước khi đi XKLĐ) khoảng 70 triệu đồng, còn 90 triệu tôi mua miếng đất mặt tiền mở tiệm sửa xe máy, làm thêm nghề cắt tóc và buôn bán chim cảnh, thu nhập hằng tháng khoảng 5 triệu đồng” - anh Lò Văn Huynh kể.

Thanh Hóa và Quảng Ngãi là hai tỉnh có nhiều huyện nghèo nhất so với các tỉnh trong cả nước (Thanh Hóa có bảy huyện, Quảng Ngãi có sáu huyện). Vì vậy, hai địa phương này là trọng điểm triển khai đề án “Hỗ trợ huyện nghèo XKLĐ”, trong đó Sơn Hà (Quảng Ngãi) và Bá Thước (Thanh Hóa) được đánh giá là hai huyện năng động nhất trong việc triển khai đưa người lao động nghèo đi XKLĐ.

Ông Võ Hữu Thịnh, trưởng Phòng lao động huyện Sơn Hà, cho biết từ năm 2009 đến nay, huyện đã đưa được gần 350 lao động nghèo đi Malaysia làm việc, phần lớn có thu nhập ổn định, gửi tiền về giúp gia đình thoát nghèo. Còn theo ông Dũng - một cán bộ Công ty XKLĐ Sovilaco, Sơn Hà là huyện thực hiện có hiệu quả nhất trong sáu huyện nghèo của Quảng Ngãi.

Ở đây lập được một đội ngũ khoảng 200 cộng tác viên làm công tác tư vấn được trả lương (300.000 đồng/người/tháng từ ngân sách huyện) nên việc triển khai thực hiện đề án mang lại hiệu quả cao.

Tại huyện Bá Thước, tính chung cả đề án “Hỗ trợ huyện nghèo XKLĐ” và ngoài đề án (đi tự do) thì trong sáu năm (từ 2007-2012) có 1.171 người đi XKLĐ ở khắp các thị trường, gửi về cho gia đình tổng cộng khoảng 34 tỉ đồng (theo Ban chỉ đạo XKLĐ của huyện).

Ông Nguyễn Hữu Hùng - chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ngọc Phụng, Thường Xuân, Thanh Hóa - cho biết: “Với mức vay từ 30-40 triệu đồng đi XKLĐ như thế, đổi lại cho họ mua ba con bò nuôi (giá năm 2009) thì sau một năm sẽ sinh lợi gấp đôi, phát triển được đàn bò mỗi năm thì hiệu quả thoát nghèo rất bền vững. Gia đình tôi ban đầu mua ba con bò, nay đã trả hết nợ ngân hàng, đàn bò phát triển gấp đôi mỗi năm nên giờ tôi có thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng, nuôi được hai con vào đại học”.

Bí thư xã đoàn Lương Văn Tư (xã Ban Công, Bá Thước, Thanh Hóa) cũng cho rằng nếu được vay từ 30 triệu đồng trở lên, ba bốn người chung tay làm trang trại gia đình thay cho cách vay vốn lẻ mẻ hiện nay sẽ thoát nghèo tốt hơn nhiều. Xã Ban Công có nhiều thanh niên làm trang trại như vậy mà giàu lên.


Anh Lò Văn Huynh làm việc trong tiệm sửa chữa xe máy và bán phụ tùng nhờ tiền đi XKLĐ hai năm tại Dubai - Ảnh: Hà Đồng

Kẻ khóc...

Thực tế triển khai đề án ở Nghệ An diễn ra theo chiều ngược lại. Theo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, sau ba năm thực hiện có 736 lao động đăng ký, trong đó có 677 lao động tham gia đào tạo nghề, nhưng chỉ đưa được 387 lao động đi Malaysia làm việc. Các tỉnh khác cũng chỉ đưa được từ vài trăm đến dưới 1.000 lao động đi trong thời gian này. Những nơi được xem là làm tốt nhất như Sovilaco (Bộ LĐ-TB&XH) cũng chỉ đưa được 312 lao động đi, Công ty Gaet đưa đi được 570 người.

Tình hình ngày càng khó tuyển, vì đề án 71 chỉ thực hiện tại các thị trường có mức thu nhập thấp như Malaysia, Trung Đông (chỉ một ít được thí điểm tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan).

Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My, Quảng Nam, trong hai năm 2011-2012 đã có 63 lao động đi Malaysia làm việc theo đề án 71 bị trục xuất về nước với nhiều nguyên nhân (vi phạm kỷ luật, sức khỏe không đáp ứng) nhưng nhiều nhất là do nhà máy phá sản, không đảm bảo công việc. Ông Nguyễn Xuân Ba, trưởng Phòng LĐ-TB&XH Nam Trà My, bức xúc cho biết đến nay hầu như các công ty có số lao động bị trục xuất về nước đã không hợp tác giải quyết hậu quả cho người lao động. “Chúng tôi cũng chỉ biết chờ đợi và động viên những lao động này, riêng nợ nần họ đang mang vẫn chưa có hướng giải quyết” - ông Ba cho hay.

Anh Nguyễn Văn Mân ở xã Trà Dơn, một lao động về nước trước thời hạn, cho biết năm 2009 cán bộ Công ty Liên Việt về xã tư vấn đi Malaysia theo đề án 71. Mân bỏ học lớp 12 để đi nhằm kiếm tiền giúp đỡ gia đình thoát nghèo vì nghe: “Họ nói với chúng tôi là sang Malaysia làm việc với lương 7 triệu đồng/tháng trở lên”. Nhưng ngay những ngày đầu làm việc, Mân cùng nhiều lao động được bố trí ăn ở trong một ngôi nhà tạm bợ, thu nhập chỉ 3-4 triệu đồng/tháng.

“Chúng tôi cố gắng làm việc nhưng rồi nhiều người bỏ về dần, riêng tôi gắng làm hai năm rồi cũng phải xin về trước thời hạn” - anh Mân kể. Sau hai năm đi làm, Mân cho biết chỉ giúp gia đình được vài triệu đồng, còn lại chỉ đủ trả lãi vay ngân hàng trước khi đi, hiện vẫn còn nợ gần 30 triệu đồng và phải tiếp tục trả lãi hằng tháng.

Bi đát nhất có lẽ là trường hợp của lao động Lê Văn Quang (xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa). Năm 2009, Quang được vay 40 triệu đồng để qua Trung Đông làm việc theo đề án 71. Ba năm làm việc, Quang trở về trắng tay và hiện bỏ đi biệt tăm.

Ông Nguyễn Hữu Hùng - chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, chú của Quang - kể lại: “Khi đi nó để lại vợ và con trai nhờ bố mẹ nuôi, sau ba năm nó về trong tình cảnh không thể khổ cực hơn, phải nhờ người nhà đến chở về bằng xe máy vì không còn tiền đi xe. Nó chỉ mang về được một bộ quần áo cho con mua với giá 20.000 đồng”. Ước mơ thoát nghèo trong chuyến đi Dubai của Quang không thành, để lại cho cha mẹ (trên 70 tuổi) món nợ hơn 30 triệu đồng.

Hầu hết lao động về trước thời hạn ở Nam Trà My đều đang nợ ngân hàng từ 20-30 triệu đồng, không ai đủ khả năng trả nợ. “Khi đi, họ đã được công ty khám bệnh, kết luận đủ tiêu chuẩn sức khỏe, giờ lại bị trục xuất vì lý do này. Nhiều lao động bị đưa vào các nhà máy có thu nhập thấp, việc làm bấp bênh, phá sản là do công ty làm ăn ẩu. Chúng tôi sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng để giải quyết hậu quả này, nhất là số nợ họ đang mang” - một cán bộ huyện cho biết.

Tại Quảng Ngãi, đến nay đã có hơn 120 lao động về nước trước thời hạn vì nhiều lý do, chủ yếu là lý do sức khỏe và thu nhập không ổn định. Ông Võ Hữu Thịnh, trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), cho biết huyện đưa được 340 lao động đi làm việc ở Malaysia nhưng có tới 68 lao động về nước trước thời hạn và hầu hết không thể trả được nợ vay ngân hàng.

“Không có biện pháp giải quyết hậu quả này, tôi e khó triển khai tiếp đề án 71, vì đối với bà con dân tộc thiểu số, mất lòng tin thì có cho vàng họ cũng không dám theo. Một người đi mà thành công thì cả làng theo, nhưng cũng chỉ cần một người về thất bại thì cả làng sẽ sợ” - ông Thịnh nói.

 Công ty nói mình sang Malaysia làm lương 5-7 triệu đồng/tháng, làm ba năm là dư nhiều, thoát nghèo. Mình tin tưởng đi, nhưng có tháng thì được trả 3,5 triệu đồng, có tháng cao nhất 5 triệu đồng. Mình thấy thấp quá, tính làm ba năm trả đủ nợ là về, nhưng sau đó phải làm thêm hai năm nữa mới trả hết nợ ngân hàng. Giờ mình về không mắc nợ, nhưng không có đồng nào dư”.

Anh LÒ VĂN CHÚC (33 tuổi, xã Xuân Thắng, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa)

Bà Phạm Thị Hoa, phó chủ tịch UBND huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), cho biết khi triển khai đề án 71, hầu như xã nào cũng có người đi, có hộ thoát nghèo nhờ tiền từ XKLĐ, nhưng không giải quyết hậu lao động thì họ lại hoàn nghèo. 

Lao động được chọn là người nghèo, dân tộc thiểu số... gặp vô vàn khó khăn từ chuyện học ngoại ngữ, kỹ thuật đến việc quen với phong cách làm việc công nghiệp.

Khi phê duyệt đề án 71, Chính phủ đã đặt mục tiêu đưa thí điểm 10.000 lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài (giai đoạn 2009-2010); 50.000 người (bình quân mỗi năm 10.000 người trong giai đoạn 2011-2015), tăng lên 15% trong giai đoạn 2016-2020 (so với giai đoạn 2011-2015). 

Song, báo cáo sơ kết của Cục Quản lý lao động ngoài nước sau ba năm thực hiện đề án (tính đến năm 2012) cho thấy chỉ đưa được 7.500 lao động của 56/62 huyện nghèo đi làm việc tại nước ngoài.

 “Đề án 71 được thực hiện từ năm 2009-2020 với tổng kinh phí 4.715 tỉ đồng, trong đó phần vốn hỗ trợ người lao động là 1.542 tỉ đồng, vốn tín dụng ưu đãi là 3.173 tỉ đồng”.

Sẽ còn khó khăn

Có thể dự đoán việc thực hiện đề án sẽ khó khăn ra sao, nhất là khi chính quyền một số huyện nghèo đang nản chí, buông xuôi, nhiều công ty đã “bỏ của chạy lấy người”, nhiều công ty làm ăn cầm chừng, số khác còn làm với giải thích “vì nhiệm vụ chính trị”.

Đại tá Nguyễn Ngọc Hoan, giám đốc Công ty đào tạo nghề - XKLĐ Gaet (thuộc Bộ Quốc phòng), kể lần về huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) tư vấn, thuyết phục được hơn 40 người đăng ký đi Malaysia. Nhưng khi làm thủ tục hồ sơ chỉ còn 19 người, đến ngày đón lao động ra Hà Nội đào tạo thì chỉ còn năm người đi nhưng sau đó cũng bỏ về hết.

Tuyển được người để đào tạo đã gian nan, tỉ lệ bỏ học sau đào tạo lại lên tới 40-50% ở mỗi lớp. Việc bỏ học cũng lắm nguyên nhân, có khi chỉ vì nhà có việc ma chay, cưới hỏi, cũng có khi lao động nhớ nhà, nhớ vợ là ôm balô về liền.

“Có lần, cả lớp học hơn 40 người nghe tin đồn Malaysia lương thấp không đủ sống, một đêm hơn 20 người lặng lẽ bắt xe về nhà không thông báo, công ty phải cử người đến từng nhà vận động họ trở lại” - đại tá Hoan kể.

 Tôi làm việc nghiêm túc trong công ty sản xuất điện tử. Mới nhận lương được một tháng thì họ bảo về nước, nói là vì tôi không đảm bảo sức khỏe để tiếp tục làm việc. Mình ra đi có khám sức khỏe rồi mà, sao giờ bảo mình không đủ? Giờ về quê cũng không có việc làm nên mình đi đốn củi, hái măng rừng, phát rẫy thuê để kiếm tiền. Số tiền 24 triệu đồng vay của ngân hàng không biết lấy gì để trả. Khổ lắm!”.

Chị TRẦN THỊ DIÊM (25 tuổi, xã Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam)  được Công ty Liên Việt đưa sang làm việc tại Malaysia ngày 1-6-2011, bị trả về sau hai tháng với lý do bị bệnh

Tuyển lao động vùng cao, miền núi, vùng dân tộc thiểu số... gặp nhiều nhiêu khê, từ thuê xe ôm đưa họ ra điểm tập kết, làm chứng minh nhân dân cho họ (vì hầu hết không có)... kéo theo nhiều chi phí mà không thể thanh toán được vì các mục này không có trong quy định của đề án.

“Lúc thanh toán rất nản lòng vì thủ tục phức tạp, nhiêu khê” - ông Đàm Trung Bắc, tổng giám đốc Công ty Gmap, cho biết công ty đã hoàn tất việc đưa hàng chục lao động qua Malaysia làm việc nhưng đến nay số tiền gần 300 triệu đồng vẫn chưa được chi trả cho họ.

Công ty Sovilaco cũng cho biết hàng trăm lao động mà công ty đưa đi Malaysia làm việc hết hạn hợp đồng trở về mà họ vẫn chưa nhận xong tiền từ đề án. Cộng thêm tình trạng nhiều công ty thực hiện đề án 71 kiểu chụp giật, chạy theo số lượng, bỏ bê lao động khiến họ bỏ về trước thời hạn khá đông, gây dư luận xấu khiến các công ty làm ăn đàng hoàng gặp rất nhiều khó khăn khi về các địa phương tuyển người.

Bà Hoàng Kim Ngọc - Ảnh nhân vật cung cấp

“Khi xây dựng đề án, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực XKLĐ đã cảnh báo rất khó thực hiện vì đối tượng chủ yếu là người dân tộc, miền núi với trình độ dân trí thấp. Chúng tôi sẽ có biện pháp chấn chỉnh” - bà Hoàng Kim Ngọc, cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), trao đổi với TTCT.

* Theo bà, vì sao đề án chỉ đạt được hiệu quả khoảng 30% so với mục tiêu ban đầu?

- Mục tiêu ban đầu là đưa 5.000 lao động/năm cho giai đoạn 2009-2010 và 10.000 lao động/năm cho các giai đoạn tiếp theo, được xác định dựa trên số người trong độ tuổi lao động của các huyện nghèo. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế lại thấy không đúng. Số người trong độ tuổi lao động không phải ai cũng đáp ứng điều kiện tham gia XKLĐ.

Số đông người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số thường mắc nhiều bệnh, sức khỏe không đáp ứng cho công việc, nhiều thanh niên sớm lập gia đình nên không muốn đi xa làm ăn, tác phong ý thức kém, ỷ lại... 

Sau những vấp váp đó, chúng tôi đã điều chỉnh chỉ tiêu ban đầu theo từng năm, hạ xuống khoảng 1/3 (so với chỉ tiêu 5.000 người/năm).

* Không những hiệu quả thấp, số người lao động bỏ về, bị trục xuất cũng khá cao?

- Đúng là có chuyện này, nguyên nhân là do ban đầu thực hiện ồ ạt, chạy theo số lượng. Vì vậy quá trình tuyển dụng đã không được sàng lọc kỹ càng, có nơi làm tốt nhưng cũng có công ty, địa phương làm không tốt, không đúng chính sách. 

Sắp tới khi sơ kết ba năm thực hiện, chúng tôi sẽ có những biện pháp chấn chỉnh. Tới đây sẽ chú trọng sàng lọc, đào tạo kỹ, không chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng nhằm đảm bảo đưa người phù hợp đi làm việc ở nước ngoài.

* Số lao động về nước trước thời hạn hầu hết đều mang nợ ngân hàng, không có khả năng chi trả. Vướng mắc này sẽ giải quyết như thế nào?

- Trước mắt, cục yêu cầu các công ty, địa phương báo cáo số lượng, tìm hiểu kỹ các nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến người lao động về nước để từ đó phân loại, có đối sách hợp lý. Theo quan điểm của tôi, lao động về nước không do lỗi của họ thì ngân hàng nên khoanh nợ hoặc xóa nợ tùy từng trường hợp. Những lao động về nước do lỗi của họ thì họ phải chịu trách nhiệm.

Trước mắt, những lao động về nước trước thời hạn 12 tháng mà không do lỗi của họ sẽ được hỗ trợ bằng một lượt vé máy bay từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

* Vì sao số lượng công ty tham gia đề án giảm dần, địa phương chán nản, muốn buông xuôi?

- Đúng là có hiện tượng này. Các công ty cũng đã phản ảnh nếu không có những điều chỉnh thích hợp trong các giai đoạn tiếp theo thì khó thu hút họ tiếp tục thực hiện. Khách quan mà nói thì các mức phí hỗ trợ đã có trong quy định, nhưng hầu như công ty nào cũng phát sinh các chi phí mà rất khó thanh khoản.

Nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan, do công ty và chính quyền địa phương khi tư vấn đã vì vô tình hay không rõ quy định khiến người lao động hiểu là họ được bao cấp hoàn toàn, nên khi cần tiền, bất cứ thứ gì họ cũng xin công ty, công ty sợ mất lao động lại chiều lòng.

Thực tế, quan điểm của đề án là hỗ trợ chứ không phải bao cấp. Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền sẽ phải nói rõ và nói nhiều về việc này cho bà con hiểu. Nếu không, có tiền núi cũng không thể đáp ứng được các đòi hỏi của người lao động.

Trong quy định của cục phải có đơn hàng mới được tuyển lao động cũng khiến các công ty gặp khó khăn. Chúng tôi đang bàn về vấn đề này và sẽ có những thay đổi thuận lợi hơn cho họ. Việc một số công ty XKLĐ than vấn đề thanh khoản sau khi thực hiện đề án chậm, gây khó khăn về kinh phí cho họ vừa đúng vừa không đúng. Những công ty có đầy đủ giấy tờ hợp lệ đều được chúng tôi ký duyệt thanh khoản ngay. Chỉ những công ty không đủ hay mập mờ về giấy tờ, hóa đơn thì chúng tôi không thể duyệt. Những công ty đã được chúng tôi ký duyệt rồi mà chưa nhận được tiền thì do lỗi từ các cơ quan liên quan khác.

Đến ngày 31-7-2012 Dolab đã ký 130 hợp đồng đặt hàng với 24 doanh nghiệp thực hiện Đề án 71. Tuy nhiên, đến nay chưa thể nắm được số lượng cụ thể doanh nghiệp đã và đang tham gia.

“Đề án này là một quyết định đúng đắn, là chìa khóa để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người nghèo, bà con dân tộc thiểu số, miền núi. Việc không đạt hiệu quả như mong muốn sau khi triển khai ba năm do nhiều nguyên nhân.

Trước hết, đối tượng mà đề án 71 hướng đến hầu như là đối tượng nghèo của các xã 135 (trong 62 huyện nghèo), trình độ dân trí rất thấp, phong tục, tập quán, tác phong lao động chưa tiếp cận được với môi trường công nghiệp ngay cả trong nước chứ chưa nói đến môi trường ngoài nước. Đặc biệt, người dân tộc thiểu số có truyền thống gắn bó với quê hương, bản làng nên luôn mang tâm lý không muốn đi xa làm ăn.

Nhiều doanh nghiệp tham gia đề án nhưng năng lực không đồng đều, có cả doanh nghiệp không đủ năng lực, hiệu quả đương nhiên không đạt. Vì vậy, cần có sự sàng lọc và chọn lựa doanh nghiệp thực hiện đề án này, nơi nào có trường đào tạo, xưởng thực hành tốt thì cho làm.

Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ có tổng kết, đánh giá toàn diện hiệu quả cũng như những điểm yếu trong ba năm triển khai, trong đó cần liên thông với các địa phương thì mới hiểu cặn kẽ mọi nguyên nhân. Sau đó sẽ đề ra những biện pháp, chiến lược lâu dài để triển khai các giai đoạn tiếp theo.

Cần hiểu rằng mọi vấn đề đều xuất phát từ góc độ văn hóa, tâm lý để có chiến lược đào tạo lâu dài, bài bản, chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, với tâm lý không muốn đi xa của lao động, cần tập trung đào tạo gần nơi họ ở hoặc ngay tại địa phương, nếu đưa họ về các thành phố đào tạo như hiện nay thì tỉ lệ bỏ học rất cao.

Việc đào tạo phải đạt được hai mục đích, đi XKLĐ hoặc nếu không đi được thì cũng mang lại cho họ tư duy về nghề nghiệp, công việc để họ có thể làm việc trong nước. Quan trọng nhất là làm tốt khâu tuyên truyền, vận động, phải làm cho người nghèo, người dân tộc miền núi ý thức được đi XKLĐ đem lại lợi ích cho họ”.

Ông BÙI SĨ LỢI(phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) 



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận