Người "gác cổng" không gác cổng?

TTCT - Khủng hoảng tài chính ở Mỹ, sữa Trung Quốc chứa melamine, Vedan và một số doanh nghiệp ở Đồng Nai làm ô nhiễm môi trường, những chuyện tưởng chừng như không có liên quan gì với nhau đó thực chất lại có một điểm chung. Đó là việc các cơ quan quản lý, trong vai trò là người gác cổng cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội, đã không tròn trách nhiệm của mình.

 
 

Thị trường chứng khoán của Mỹ đã trải qua nhiều ngày giảm giá liên tục, mà nguyên nhân đã được đề cập nhiều là xuất phát từ sự sụp đổ của thị trường các chứng khoán dựa trên các khoản nợ dưới chuẩn. 

Bản thân lĩnh vực kinh doanh các khoản nợ dưới chuẩn và các sản phẩm phát sinh từ nó như các chứng khoán dựa trên nợ dưới chuẩn (phần không nhỏ trong đó là các khoản nợ dựa trên thế chấp nhà đất) lại không được quản lý chặt chẽ nên mới dẫn đến tình huống đổ vỡ như hiện nay ở Mỹ. 

Báo chí đã mô tả đây là một thị trường “không được quản lý” (unregulated). 

Trong một thị trường không được quản lý như vậy, bản thân các sản phẩm đầu tư phát sinh trên nợ dưới chuẩn là rất rủi ro, nhưng vẫn được nhiều công ty xếp hạng tín nhiệm đánh giá vào hạng tốt, do đó những nhà môi giới các sản phẩm này vẫn có thể bán chúng đi. 

Đồng thời trên thị trường nợ dưới chuẩn và thị trường các sản phẩm phát sinh từ nó thì các nhà môi giới càng bán nhiều những sản phẩm này họ càng kiếm được nhiều hoa hồng, những tổ chức tài chính cho vay cũng sẵn sàng cho vay các khoản nợ dưới chuẩn vì lãi suất của chúng cao hơn, đồng thời các tổ chức đầu tư cũng muốn mua các chứng khoán bắt nguồn từ nợ dưới chuẩn do chúng mang lại tỉ lệ lời cao hơn.

Kết quả hiện tại, có thể nói là do lòng tham, ham muốn kiếm tiền nóng của người Mỹ gây ra, nhưng cũng phải nói tới trách nhiệm của cơ quan quản lý của Mỹ đã buông lỏng quản lý, dung dưỡng lòng tham và ngủ quên trên sự phát triển của thị trường tài chính Mỹ với những “sáng kiến tài chính” kiểu như nợ dưới chuẩn và chứng khoán phát sinh từ nợ dưới chuẩn. 

Nói một cách nào đó, “tự do kiểu Mỹ” trên thị trường chứng khoán đã đi quá đà. Thủ tướng Đức Merkel cũng từng công khai chỉ trích khái niệm tự để thị trường quản lý của Mỹ.

Trong câu chuyện Vedan gây ô nhiễm do nước thải không qua xử lý, chúng ta cũng lại thấy thấp thoáng việc “người gác cổng” đã sao nhãng chức trách của mình. Người gác cổng mà phải thừa nhận mình bị qua mặt bởi “kẻ thủ ác” quá tinh vi thì làm sao người dân yên tâm sinh sống.

Ngay cả trong trường hợp sữa có melamine vừa rồi, đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cũng phải nhận là nếu người dân có gửi đơn thư thì không biết bao giờ được trả lời, muốn đi kiểm nghiệm thì không có tiền. 

Vậy ra, khi dân báo là có mất trộm thì “người gác cổng” cũng không biết chừng nào mới tới kiểm tra, chứ chưa nói tới truy bắt kẻ trộm. Đợi đến khi nhà kế bên thông báo ầm ĩ trên báo đài là có chuyện thì “người gác cổng” của ta mới vội vã lo “khắc phục sự cố”.

Ở các nước, “những người gác cổng” sao nhãng nhiệm vụ bị chỉ trích gay gắt và sau khi giải quyết xong vụ khủng hoảng này, nhiều người gác cổng có thể sẽ bị liên đới trách nhiệm trong các vụ việc bê bối của thị trường, ví dụ như các vụ kiện đòi bồi thường của các cổ đông có công ty bị phá sản. 

Vậy còn ở VN, “những người gác cổng” đó sẽ ra sao? Chính phủ đại diện cho nhân dân, những cổ đông của đất nước, sẽ làm gì với những “nhân viên gác cổng” này của mình?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận