​Người nước ngoài được sở hữu nhà ở: Thoáng nhưng chưa rõ

TTCT - Luật nhà ở năm 2014 cho phép người nước ngoài được quyền sử dụng, khai thác nhà ở/căn hộ mà họ sở hữu như một tài sản - điểm mấu chốt trước đây chưa giải quyết được khi chỉ cho phép sử dụng cho mục đích cá nhân.

Khách nước ngoài đến các sàn giao dịch bất động sản tìm hiểu có tăng lên - Ảnh: Tiến Long

Với Luật nhà ở 2014, người nước ngoài có đầy đủ quyền sở hữu đối với căn nhà của mình gồm góp vốn, cho thuê, chuyển đổi, thừa kế, tặng cho. Luật nhà ở 2014 còn khẳng định rõ người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam có quyền cho thuê căn nhà của mình để lấy tiền thuê, miễn là họ có đăng ký hợp đồng thuê và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế thu nhập đối với tiền cho thuê thu được.

Phải có quota?

Liên quan đến số lượng căn hộ mà người nước ngoài được sở hữu, câu hỏi là người nước ngoài có được phép sở hữu 30% số lượng căn hộ trong mỗi tòa nhà chung cư tại các dự án trong một phường hay không?

Luật có nêu rõ trong trường hợp có nhiều nhà chung cư trong một phường hoặc nhiều nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì Chính phủ sẽ có quy định cụ thể số lượng căn hộ và số lượng nhà ở riêng lẻ mà người nước ngoài được quyền sở hữu. Như vậy, sắp tới đây sẽ có nhiều trường hợp phải chờ “hạn ngạch” (quota) nhà ở và căn hộ mà người nước ngoài được quyền sở hữu.

Đối tượng Việt kiều và những người nước ngoài kết hôn với Việt kiều cũng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như người Việt Nam. Các đối tượng này được xem như người Việt Nam nên không có bất kỳ giới hạn nào về số lượng sở hữu căn hộ và nhà ở.

Như vậy trong thời gian tới, các đối tượng này sẽ tạo ra một nguồn cầu khá lớn trong lĩnh vực bất động sản. Điểm đáng lưu ý nữa, khi người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với Việt kiều thì được phép sở hữu nhà như công dân Việt Nam.

Như vậy sẽ có một số quota mới phát sinh nếu người nước ngoài trước đó đã sở hữu nhà/căn hộ theo quota dành cho người nước ngoài nay kết hôn và được mua nhà như người Việt Nam. Khi đó, một người nước ngoài khác sẽ có thể đăng ký sở hữu nhà dựa trên quota đó.

Điều này có thể phát sinh trường hợp khi các bên thương lượng việc chuyển nhượng nhà thì vẫn còn quota, đến khi kết thúc việc thương lượng và đặt cọc thì đã có người nước ngoài khác đăng ký và quota xem như đã mất. Các bên trong giao dịch cần tiên lượng trước tình huống này trong quá trình thương lượng để tránh tranh chấp xảy ra khi hết quota mà tiền đã giao cho bên bán.

Với quy định của luật hiện hành, chưa rõ quy trình công bố và thủ tục đăng ký quota này sẽ như thế nào và được quản lý ra sao?

Cần rõ ràng hơn

Có thể đã dự liệu trước các tình huống này, luật dành một chương riêng quy định việc lập hệ thống thông tin về nhà ở. Theo đó, các cơ sở dữ liệu nhà ở, cơ sở dữ liệu liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng nhà ở... sẽ được quản lý chặt chẽ và thống nhất từ trung ương đến địa phương với hệ thống phần cứng và phần mềm ứng dụng được Chính phủ đầu tư từ ngân sách nhà nước do Bộ Xây dựng chủ trì.

Trong thời gian tới, các dữ liệu này sẽ được xem có giá trị tương đương với hồ sơ văn bản giấy. Các phiền toái khi mất tài liệu có thể sẽ được giải tỏa vì mọi thông tin đều có thể truy cập từ hệ thống thông tin nhà ở. Hi vọng vấn đề quota cũng sẽ được giải quyết tương ứng.

Trong thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ ban hành hướng dẫn chi tiết giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện đối với người nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam kèm theo các điều kiện và quy định khác.

Trong khi chờ đợi, có thể nhận định lạc quan rằng thị trường bất động sản có thể được hâm nóng trở lại. Người nước ngoài với đủ thành phần, với nhiều mức thu nhập khác nhau có thể tìm được cơ hội sở hữu nhà ở Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng hiện có rất nhiều người nước ngoài đang sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng do người Việt Nam đứng tên hộ, các đối tượng này sẽ thực hiện thủ tục để sở hữu chính thức. Số lượng này cũng tương đối lớn nên có thể quota còn lại không nhiều như mọi người vẫn đang mong đợi.

Mặc dù vậy, có thể thấy rằng đây là một trong những chính sách góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian tới.

(*) CÔNG TY LUẬT lNT&Partners.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận