​Người thành phố mang đôi mắt khác

ĐỨC HOÀNG 17/03/2015 19:03 GMT+7

Truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao kể về sự lệch lạc trong con mắt của một trí thức thành thị nhìn những người dân quê, đã đi vào kinh điển. Nó chưa bao giờ lỗi thời, thậm chí Đôi mắt đang có một phiên bản mới nghiêm trọng hơn, có nguy cơ làm sai lệch chính sách vĩ mô.

Trên cánh đồng huyện Mê Linh - nơi được sáp nhập vào đô thị Hà Nội từ năm 2008, nhiều đất ruộng khu vực này đã được chuyển đổi thành khu đô thị - Ảnh: lê bích

Chuyện của khói rơm rạ

Tết vừa rồi, người Hà Nội lại nói về “đào Nhật Tân” như một thói quen từ quá khứ. Giống bích đào thuần chủng ở đây đã đi vào huyền thoại. Nhưng giờ làm gì còn đào Nhật Tân. Nông dân trồng đào ở ngoại thành Hà Nội có thời gian phải “dạt” ra bờ sông Hồng trồng đào vì 90% diện tích đất bị đưa vào quy hoạch, xây những khu nhà to đẹp. Bây giờ, ý thức được thực tế một loại gen đào quý chuẩn bị mất đi, người ta lại đang muốn xây khu bảo tồn nó ở... quận Long Biên.

“Khi nhân dân đòi hỏi bảo tồn đào Nhật Tân, cơ quan quản lý thản nhiên trả lời quận Tây Hồ không còn đất (!?)” - báo điện tử Đảng Cộng Sản viết trong bài “Lạ thật, đào Nhật Tân bảo tồn ở Long Biên”. Báo khẳng định đào Nhật Tân có nguy cơ tuyệt chủng chính là sai lầm quy hoạch. Sự “thản nhiên” ấy liệu có phải là một phiên bản hiện đại truyện Đôi mắt của những người muốn có những khu đô thị đẹp, chưa từng “ăn đời ở kiếp” với cây đào như nông dân để biết yêu nó?

Hãy bắt đầu đi tìm khoảng cách trong “đôi mắt” giữa “phố” và “quê” từ một thứ gắn bó chặt chẽ với đời sống nông nghiệp: rơm rạ. Trong quá khứ, rơm rạ là nguồn chất đốt và chăn nuôi gia súc quan trọng. Mỗi nóc nhà nông thôn đều có cây rơm để đun bếp và cho trâu bò ăn trong mùa đông. Nhưng những năm gần đây, khi nấu gas rất rẻ và trâu bò cũng không còn nhiều như trước thì sau vụ gặt, nông dân không còn biết làm gì với rơm rạ: họ vun lại thành đống và đốt ngay trên đường làng. Khói bay vào trong thành phố. Hà Nội những ngày quẩn gió, khói mù mịt đường như sương mù tháng giêng.

Người dân thành phố vô cùng khó chịu. Hãy dạo vòng quanh những trang mạng để thấy thái độ của họ. Những bài viết chủ yếu tập trung mô tả sự bực mình của người thành phố. “Rơm rạ do nông dân đốt sau khi thu hoạch lúa chính là “thủ phạm” khiến thủ đô chìm trong sương mù” - một trang tin dùng ngôn ngữ điều tra. “Khói đốt rơm rạ “bức tử” người đi đường” - một tác giả khác dùng từ mạnh hơn, đồng thời yêu cầu chính quyền “ngăn chặn tình trạng này”.

Suốt nhiều năm, tuyến đề tài này cứ đến mùa đốt rơm là được khai thác, hầu như không có ý kiến nào từ phía nông dân. Trong các đoạn phỏng vấn chỉ thấy người dân Hà Nội phàn nàn. Năm này qua năm khác, chuỗi ý kiến dày đặc này - với chủ ngữ là “Hà Nội” - tạo ấn tượng về việc thủ đô là nạn nhân của một hành vi ác ý nào đó. “Thủ đô Hà Nội lại bị hun... khói” - một trang mạng giật tít đầy bức bối.

Có một vấn đề rất rõ ràng ở đây: nông dân không biết làm thế nào với rơm rạ ngoài việc đốt. Và ở trong thành phố lớn - nơi tập trung những người được đào tạo tốt hơn về tư duy kinh tế, khoa học, phần lớn ý kiến là than phiền. Rất ít người nhìn từ phía khó khăn của nông dân để đưa ra giải pháp cho họ. Và khi một vài nhà khoa học đưa ra giải pháp, ví dụ như biến rơm rạ thành phân bón, chúng cũng được ứng dụng rất chậm chạp...

Việc đốt rơm rạ hay không chính là vấn đề của chính sách. Nhưng chính sách được đưa ra theo “góc nhìn thành phố”: các văn bản hướng tới vấn đề này tại các cấp địa phương hầu như là “cấm” đốt rơm rạ. Chưa thấy có chính sách “áp dụng phương pháp xử lý rơm rạ mới” một cách quyết liệt.

Khi đô thị được thiên vị

“Thành kiến đô thị” (urban bias) là khái niệm được giáo sư Michael Lipton đưa ra năm 1977. Cho đến nay, nó vẫn đang gây nhiều tranh cãi, nhưng tư tưởng của Lipton đã đóng góp rất nhiều cho các công trình khoa học và dự án kinh tế ở những quốc gia đang phát triển. “Thành kiến đô thị” được Ngân hàng Thế giới đặc biệt quan tâm trong nhiều dự án và nghiên cứu của họ.

Khái niệm này mô tả một mô hình, trong đó những người thành phố, vốn có lợi ích và thế giới quan khác hẳn so với người ở nông thôn nhưng lại có tác động mạnh hơn đến chính sách, sẽ tạo ra những chính sách thiên lệch và không có lợi chung cho toàn bộ quốc gia. Nó rất đáng tham khảo tại nước ta, nơi phần lớn dân số vẫn sống ở nông thôn.

Một trong những hình ảnh rõ nhất của “thành kiến đô thị” chính là “thành kiến truyền thông”. Truyền thông, như nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, hướng tới đối tượng khách hàng chủ yếu là các đô thị và cũng mang định kiến.

Trong một hội thảo về chính sách ở Nam Á cách đây khá lâu, nhà báo nổi tiếng người Sri Lanka Lakshman Gunasekera kể một câu chuyện về hai trận lũ ở quê hương ông đầu thập kỷ 1990.

Tháng 7-1992, một trận lụt tấn công thủ đô Colombo của Sri Lanka khiến vài nghìn gia đình bị ảnh hưởng. Toàn bộ nền truyền thông nước này, với tất cả sức lực, chạy theo sự kiện này trong nhiều tháng ròng, gây áp lực lên chính quyền đòi tìm ra người chịu trách nhiệm cho hệ thống cấp thoát nước của thủ đô. Tới tháng 12-1993, một trận lũ lớn quét qua 1/3 đất nước, số người bị ảnh hưởng nhiều hơn gấp bội nhưng theo thống kê của Gunasekera, số lượng bài viết về sự kiện này không bằng một nửa.

Đó chắc chắn là một kịch bản quen thuộc ở nhiều quốc gia. Ở Haiti, đất nước nghèo vẫn đang oằn mình chống lại nạn đói, đặc biệt là sau thảm họa động đất năm 2010, kịch bản của “thành kiến đô thị” thậm chí còn đáng sợ hơn: nhiều nhà quan sát khẳng định có sự phân bổ không đều trong lương thực cứu trợ giữa thủ đô Port-au-Prince và các vùng nông thôn. Tại quốc gia này, chỉ ít lâu sau thảm họa động đất diễn ra, hàng triệu USD đã được đầu tư cải tạo... sân vận động quốc gia.

Người thành phố và nông thôn, với những điều kiện xã hội khác nhau, có thế giới quan khác nhau: có thể một người dân ở đô thị lớn sẽ muốn con em mình được học bằng sách giáo khoa điện tử; nhưng những trường học nông thôn thậm chí thiếu cả những quyển sách tham khảo thông thường. Người thành phố muốn Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giải trình về hoa quả nhập khẩu từ Úc, trong khi người nông thôn sẽ chỉ quan tâm đến chính sách cho hoa quả họ đang trồng. Trên thế giới chắc chắn không chỉ có một sân vận động quốc gia Haiti, chỉ có điều nó được tiến hành theo những cách khác nhau và đôi khi người ta không nhận thấy tài nguyên đang được phân bổ theo một “thành kiến đô thị”.

Giải pháp nào cho thành kiến? 

Trong bối cảnh của một xã hội thông tin, “thành kiến đô thị” có nguy cơ tăng lên. Số lượng thông tin được truyền tải thông qua Internet tăng đột biến, đồng nghĩa với hố sâu khoảng cách về số lượng giữa thông tin nông thôn - thành thị cũng mở rộng. Những người sinh ra và lớn lên tại các đô thị tăng lên (so với thế hệ trước). Thế giới quan của họ có nguy cơ “chênh” nhiều hơn so với dân số nông thôn. Trên mạng, các bạn trẻ hay các blogger có tiếng - những người góp phần tạo dựng quan điểm cho đám đông - chủ yếu nhìn bằng góc nhìn đô thị.

Hãy thử nhìn nhận từ vài khía cạnh trong dư luận nước ta: vấn đề “y đức” được quy kết và chỉ trích kịch liệt bằng những vụ việc tiêu cực diễn ra tại các thành phố lớn. Hầu hết quên mất phần lớn bác sĩ vẫn làm việc ở nông thôn, nơi người dân đôi khi không có tiền để mua một viên thuốc cảm chứ đừng nói tới đưa - nhận phong bì. Chính sách y tế có nguy cơ được xây dựng bằng định kiến.

Vấn đề “du lịch” được đồng hóa với nghệ thuật nhiếp ảnh - theo hệ giá trị của thời đại Facebook. Không có phát triển bền vững, không có bảo tồn văn hóa. Những người trẻ sẵn sàng giẫm nát vườn hoa cải của bà con, nhóm lửa đốt cháy cả nhà sàn, xả rác trắng đồi, chứ đừng nói tới phát triển bền vững.

Giữa năm 2014, một cựu lãnh đạo của Đài BBC, Heather Hancock, đã cùng các đồng sự viết một báo cáo “hạch tội” BBC vì “thành kiến đô thị”. Theo phân tích của Hancock, mặc dù có tới 12 triệu người Anh vẫn đang sống ở nông thôn, nhưng đài quốc gia đang dành một thời lượng quá lớn cho các nội dung đô thị, từ giới ngôi sao giải trí đến các chuyên gia ở thành thị, khiến khán giả và cả cổ đông của đài này bức bối. Ở nước ta hiện nay vẫn thiếu các cơ quan giám sát độc lập dành cho giới truyền thông, cũng như sự “giám sát chéo” giữa các cơ quan truyền thông trong việc phân bổ đề tài để phục vụ lợi ích tốt nhất.

Giáo dục cũng có thể trở thành nơi tạo ra “thành kiến đô thị”, khi khối lượng các chuyên gia giáo dục, các trường đại học chủ yếu tập trung ở thành phố. Ví dụ đơn giản nhất: những nội dung về nông nghiệp, nông thôn trong sách giáo khoa hoàn toàn có thể trở thành “học gạo” khi nhiều học sinh thành phố không có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nông thôn để hiểu và chia sẻ với các vùng này. Các chương trình ngoại khóa nhằm hoàn thiện góc nhìn của các em về đất nước là rất cần thiết.

Đi kèm với lệnh cấm đốt rơm rạ trên ruộng tại Mỹ là hàng loạt giải pháp cho nông dân: những nhà máy chế biến rơm rạ thành ethanol, thành giấy, những phương pháp vùi rơm rạ vào đất. Nếu chính sách chỉ được đưa ra một chiều “cấm”, có cảm giác nó chỉ hướng tới việc làm hài lòng những người đang bị “hun khói” trong đô thị.

Có một hiện tượng tâm lý phổ biến là nếu người ta nhìn vào một bức ảnh tập thể, việc đầu tiên họ sẽ làm là đi tìm mặt mình trong đó. Việc nói cho mỗi cá nhân về những cá nhân khác đang tồn tại cùng họ là điều rất quan trọng trong việc xóa bỏ những thành kiến.     

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận