"Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam": đừng dừng lại ở khẩu hiệu

LÊ QUANG KIỆT 15/07/2014 20:07 GMT+7

TTCT - Tổng cục Du lịch Việt Nam phát động chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với mong muốn “chuyển hướng” nhu cầu du lịch của người dân về với thị trường nội địa. Hiện thực hóa chiến dịch này xem ra không phải là điều dễ dàng.

Ngành du lịch đừng để đến khi gặp khó mới nhớ tới du khách trong nước. Trong ảnh: du khách tham quan nhà tù Côn Đảo - Ảnh: L.N.M

Việc đi du lịch giờ đây không còn là nhu cầu xa xỉ với nhiều người Việt nữa, nhưng vì sao bao nhiêu năm qua, đã có không ít chính sách được đưa ra, du lịch nội địa vẫn chưa là ưu tiên của người dân?

Ai cũng biết du lịch trong nước có nhiều ưu điểm hơn đi nước ngoài, không phải lo việc xin visa, không ngại bị rào cản ngôn ngữ, việc ăn uống, đi lại cũng dễ dàng, thuận tiện… Không thể cứ mãi lấy lý do “sính ngoại” hay sự bùng nổ, lớn mạnh của ngành hàng không đã kéo người Việt đi ra nước ngoài nhiều hơn để giải thích cho sự mất cân bằng này.

Vận chuyển là cản ngại

Ngành du lịch cần phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm giải quyết những “điểm trừ” vẫn đang làm phiền lòng những ai có ý định đi du lịch trong nước, đặc biệt là chất lượng của các loại hình vận chuyển, sự đa dạng của điểm đến và giá cả của các dịch vụ đi kèm.

Làm sao có thể an tâm đi du lịch khi hệ thống đường bộ kém chất lượng, tai nạn chết người luôn rình rập; khi hệ thống đường sắt cũ kỹ, chậm chạp, mất vệ sinh, phục vụ kém mà giá lại cao; khi ngành hàng không nội địa phát triển nhưng vẫn chưa phải là cạnh tranh công bằng, giá vé lại cao, hay trễ giờ, trễ chuyến, có khi lại đưa khách đi nhầm điểm đến?

Làm sao mà thu hút nổi du khách khi các điểm đến đều có chương trình quảng bá na ná nhau, mà đồng bằng sông Cửu Long là ví dụ điển hình. 13 tỉnh thành mà hễ đặt chân đến là chỉ có chèo ghe đi dọc kênh rạch, vào vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử! Bản sắc, nét riêng là những đặc sản thu hút du khách mà ngành du lịch nội địa vẫn mãi loay hoay đi tìm câu trả lời.

“Té nước theo mưa” cũng là tình trạng mà ngành du lịch trong nước cần phải triệt để dẹp bỏ. Cứ hễ lễ tết là giá cả có dịp đua nhau “phóng hỏa tiễn”, tăng một cách bất hợp lý mà Tổng cục Du lịch hay chính quyền địa phương dù đã có một số hành động nhưng không thể ngăn đà tăng giá. Chưa kể là hễ được vào danh sách di sản, được phong tặng danh hiệu là giá cả lại rình rập để tăng “ăn theo”.

Thói quen “ăn xổi ở thì”, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái được lâu dài đã thật sự khiến du lịch trong nước nhiều khi trở thành nỗi bực dọc cho du khách Việt. Nhiều du khách đã chỉ đích danh các “điểm đen” chuyên “chặt chém” khách vô tội vạ và rỉ tai nhau cách để phòng tránh mà cuối cùng luồn lách cỡ nào cũng bị “trảm”. Sầm Sơn, Hạ Long, Vũng Tàu… trở thành những nỗi khiếp sợ là vì vậy.

Nên nhớ quảng bá cho khách nội

Quan trọng không kém là những người làm du lịch, những nhà hoạch định chính sách cũng nên nghiêm túc nhìn lại mình và học cách làm du lịch một cách chuyên nghiệp. Đừng chỉ chăm chăm vào xây dựng hình ảnh với du khách quốc tế mà bỏ quên du khách Việt.

Du khách hẳn sẽ vui hơn, sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé vào phố cổ Hội An nếu chính quyền nơi đây ghi rõ “Mua vé là để bảo tồn phố cổ cho các thế hệ tương lai. Cảm ơn quý khách đã giúp chúng tôi bảo tồn phố cổ Hội An”, thay vì dòng chữ “Khu vực phải có vé tham quan”. Ngôn từ cộc lốc, lạnh lùng và có phần quá coi trọng “tiền bạc”.

Hoạch định chiến lược thu hút khách, bên cạnh đó còn phải gắn liền với các mục tiêu dài hạn, tạo sự khác biệt và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên hơn là đặt tiêu chí nguồn thu lên hàng đầu.

Du lịch, xét ở một khía cạnh nào đó không chỉ là ngành công nghiệp giúp tạo nguồn thu, tạo việc làm, phát triển kinh tế, mà còn phải đóng vai trò thúc đẩy giao lưu văn hóa, tạo sự thuận lợi, thoải mái cho người tham quan.

Nếu cứ mãi quay tới quay lui để tìm cách thu hút du khách, kêu gọi du khách trong nước ủng hộ ngành du lịch nội địa bằng khẩu hiệu, chiến dịch ngắn hạn, tạm thời mà không thật sự có những đột phá thì người Việt sẽ còn quay lưng với du lịch trong nước dài dài. Bởi với cùng số tiền hoặc nhỉnh hơn đôi chút, khi đi nước ngoài người ta sẽ dễ có xu hướng cảm thấy đồng tiền của mình bỏ ra rất xứng đáng, lại được tôn trọng.

“Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” sẽ không còn là khẩu hiệu suông nếu có sự chung sức của các đơn vị tham gia (ngành hàng không, đường sắt, nhà hàng - khách sạn, chính quyền các tỉnh thành) cùng các bước đi phù hợp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận