Ngụy tạo trong khoa học: Không chỉ niềm tin bị hủy hoại

GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN TUẤN 22/10/2011 21:10 GMT+7

TTCT - Nhật báo The Straits Times hôm 9-10 (ảnh) chạy trên trang nhất bản tin về một trường hợp gian lận khoa học: giáo sư miễn dịch học của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) ngụy tạo dữ liệu để công bố trên những tập san y khoa hàng đầu thế giới. Việt Nam - đang có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế - có thể rút ra được gì từ những vụ việc như thế này?

  

Ảnh: straitstimes.com

Sự việc được xem là một trường hợp gian lận khoa học lớn nhất ở Singapore.  Tiến sĩ Alirio Melendez là một chuyên gia về miễn dịch học có tiếng và “đang lên”.

Ông là người gốc Venezuela, học y khoa ở Đại học Moscow, học tiến sĩ ở Đại học Glasgow (Anh), được NUS “chiêu dụ” về Singapore từ năm 2001 và đề bạt chức phó giáo sư. Chuyên môn của ông là miễn dịch học, từ ngày về NUS ông liên tục được trao tặng nhiều giải thưởng và được Chính phủ Singapore tài trợ cho nhiều dự án nghiên cứu. 

Năm 2009, xong nhiệm kỳ với NUS, ông được Đại học Liverpool bổ nhiệm chức danh phó giáo sư và vẫn giữ chức danh phó giáo sư thỉnh giảng ở NUS.  

Gần đây, ông và đồng nghiệp công bố hai bài báo quan trọng trên tập san Nature Immunology và Science về một khám phá có thể dẫn đến việc phát triển một liệu pháp điều trị nhiễm trùng máu (sepsis) tốt hơn. Nhưng tuần qua, NUS cho biết họ đang điều tra một tố cáo rằng dữ liệu trong hai bài báo là giả tạo. 

Bài báo trên Nature Immunology đã bị rút lại, và bài trên Science cũng trong quá trình rút lại. Đây là một vụ gian lận khoa học lớn nhất của NUS và các nhà chức trách quyết tâm điều tra đến cùng để làm rõ sự việc.

Những hình phạt nặng nề khó tránh

Sự việc bắt đầu từ một lá thư tố cáo nặc danh. Theo ban giám hiệu NUS, họ ít khi quan tâm, chứ chưa nói đến điều tra những vụ việc bị tố cáo nặc danh, nhưng trong trường hợp này họ phải quan tâm vì thư tố cáo trình bày chứng cứ rõ ràng và mạch lạc.

Những dữ liệu cung cấp trong thư tố cáo chứng tỏ người tố cáo là người trong ngành, rất am hiểu vấn đề và biết rõ những gian lận của ông Melendez trong quá khứ. Đó là những dữ liệu ngụy tạo, sửa biểu đồ. 

Do đó, những kết quả báo cáo trong hai bài báo quan trọng trên không ai có thể lặp lại. Một khi kết quả nghiên cứu không được lặp lại bởi các nhóm nghiên cứu độc lập là một tín hiệu cho thấy nghiên cứu gốc có vấn đề.

Sau khi điều tra, NUS kết luận bài báo trên Nature Immunology có những số liệu đã được làm giả. Chỉ cần một con số hoặc một biểu đồ ngụy tạo cũng đủ để rút lại bài báo. 

Do đó, NUS và các viện nghiên cứu liên quan ra tuyên bố rút lại bài báo. Chẳng những thế, NUS và các trường liên quan cũng sẽ xem xét lại khoảng 70 bài báo khoa học mà Melendez công bố trong quá khứ xem có dấu hiệu ngụy tạo dữ liệu hay không.

NUS rút lại chức danh phó giáo sư thỉnh giảng của ông này, Đại học Liverpool cũng yêu cầu tiến sĩ Melendez nghỉ việc không lương trong thời gian điều tra. Rút lại bài báo là hình phạt nặng nề nhất của một nhà khoa học. Sau sự việc này, sự nghiệp của tiến sĩ Melendez xem như tan thành mây khói.

Trong cộng đồng khoa học, cũng như bất cứ cộng đồng nào, vẫn có những con “cừu đen”. Điều may mắn cho khoa học là những con cừu đen rất hiếm. Trong số khoảng 700.000 bài báo khoa học công bố hằng năm, số bài báo bị rút lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Dĩ nhiên, có thể có nhiều trường hợp gian lận khác nhưng chưa bị phát hiện. Những con cừu đen này có mặt trong bất cứ lĩnh vực nào và khắp nơi.

Không chỉ riêng NUS hay Singapore, những “nhà khoa học bất chính” hiện hữu trong nhiều đại học và trung tâm nghiên cứu trên thế giới từ các nước tiên tiến đến những nước đang phát triển. 

Chúng ta còn nhớ năm ngoái giáo sư Scott S. Reuben (một chuyên gia về gây mê hồi sức của Trung tâm Y khoa Baystate, bang Illinois, Mỹ) bị buộc phải rút lại 21 bài báo vì ngụy tạo dữ liệu. Giới khoa học xem đây là một trường hợp gian lận khoa học lớn nhất trong lịch sử y khoa Mỹ, một Madoff trong y khoa.

Cũng có trường hợp tác giả chịu hình phạt nặng nề như trường hợp Eric Poehlman - cựu giáo sư y khoa của Trường đại học Vermont (Mỹ), chuyên nghiên cứu béo phì. Với hơn 200 bài báo khoa học trên các tập san y khoa quốc tế, ông là một “sao” lớn trong môi trường y khoa. Nhưng ông phạm phải một lỗi tày trời: ngụy tạo dữ liệu.

Năm 1995, trong một hội nghị y khoa, Poehlman trình bày dữ liệu mà ông báo cáo là thu thập từ một nghiên cứu đánh giá các đặc điểm về chuyển hóa năng lượng ở phụ nữ trong thời gian trước và sau mãn kinh. 

Nhưng trong thực tế Poehlman chỉ theo dõi một bệnh nhân, phần còn lại là ông giả tạo số liệu một cách tài tình. Kỹ thuật giả tạo số liệu của ông (bằng kỹ thuật mô phỏng) qua mặt cả ba chuyên gia bình duyệt và một nhà thống kê học.

Ngoài ra, Poehlman còn giả tạo nhiều số liệu trong hơn mười bài báo khoa học khác. Chẳng những thế, Poehlman còn ngụy tạo số liệu mà ông cho là “nghiên cứu sơ bộ” để thu hút tài trợ đến gần 3 triệu USD từ NIH (cơ quan tài trợ cho phần lớn nghiên cứu y khoa ở Mỹ).

Sau nhiều năm điều tra, trường đại học quyết định sa thải Poehlman và Nha liêm chính trong nghiên cứu (ORI) truy tố ông ra tòa. Ngày 28-6-2006, Poehlman bị tòa xử phạt 1 năm tù và phải hoàn trả cho nhà nước 542.000 USD. 

Đây là trường hợp nghiêm trọng nhất và lần đầu tiên trong lịch sử khoa học Mỹ một giáo sư gian lận trong khoa học phải ngồi tù.

Ngụy tạo dữ liệu là trọng tội trong khoa học

Tri thức khoa học dựa vào sự thật - những sự thật được quan sát hay thu thập bằng những phương pháp khách quan. Khoa học dựa vào những sự thật có thể thấy, có thể nghe, có thể sờ được, chứ không dựa vào kinh nghiệm cá nhân hay suy luận theo cảm tính. Do đó, khoa học đặt sự thật khách quan lên trên hết và trước hết.

Nếu kết quả nghiên cứu không phù hợp với giả thuyết đặt ra lúc ban đầu, nhà khoa học phải thành thật báo cáo như thế. Nếu không có lời giải thích thì nhà khoa học cũng phải thành thật nói “không biết”. Nhà khoa học không thể sửa dữ liệu để làm cho chúng nhất quán với ý tưởng của mình hay giả thuyết khác. 

Sửa dữ liệu là một hình thức gian lận nguy hiểm, bởi hành động đó làm chệch hướng khoa học và ảnh hưởng đến người đi sau.

Ngụy tạo dữ liệu làm giảm uy tín của giới khoa học. Cũng như trong thương trường, uy tín trong khoa học đóng vai trò hết sức quan trọng. Có thể nói ví von rằng niềm tin tưởng giữa nhà khoa học là viên gạch xây dựng nên cái mà chúng ta gọi là nền khoa học. Niềm tin tưởng này được thể hiện qua quá trình làm nghiên cứu đến công bố bài báo khoa học.

Khi làm nghiên cứu, tất cả dữ liệu phải được thu thập một cách khách quan, và tất cả những bất bình thường phải được chú giải cẩn thận. Chẳng hạn như trong nghiên cứu lâm sàng, bệnh nhân cung cấp thông tin thế nào thì phải ghi nhận như thế, không được chỉnh sửa (ngoại trừ trường hợp quá vô lý). Ngay cả kết quả thí nghiệm cũng có khi cần một đồng nghiệp ký tên vào sổ tay để làm chứng cứ.

Đến khâu phân tích và công bố dữ liệu, sự tin tưởng còn quan trọng hơn. Khi một bài báo được nộp cho một tập san, bài báo sẽ được gửi cho (thường là) ba đồng nghiệp bình duyệt. Những đồng nghiệp bình duyệt không có khả năng và thì giờ để kiểm tra từng con số, từng hình ảnh, từng câu văn trong bài báo. Họ phải đặt niềm tin vào tác giả: niềm tin rằng tác giả tuân thủ những quy trình nghiên cứu và quy định về đạo đức khoa học, tin rằng tác giả đã làm phân tích đúng và những dữ liệu báo cáo là có thật chứ không phải sản phẩm của một sự tưởng tượng.

Một khi tác giả vi phạm đạo đức khoa học như giả tạo dữ liệu hay đạo văn, thì tác giả đã đánh mất niềm tin ấy của đồng nghiệp. Đánh mất và làm sứt mẻ niềm tin khoa học gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của giới khoa học và làm công chúng giảm niềm tin vào khoa học.

Ở nước ta, tuy chưa có trường hợp ngụy tạo dữ liệu nào bị phát hiện, nhưng vấn đề chắc chắn không mới đối với những ai từng làm quen với hoạt động nghiên cứu khoa học ở trong nước. Có lần, một nghiên cứu sinh vô tư nói với tôi rằng em giả tạo dữ liệu thường xuyên và em tỏ ra không có nhận thức về tầm quan trọng của việc làm tiêu cực đó.

Em kể rằng trong một công trình nghiên cứu, em phải đi Tây nguyên thu thập dữ liệu từ cộng đồng. Em không tìm được ai để phỏng vấn, đêm về khách sạn em tự điền vào bộ câu hỏi (questionnaire) theo tưởng tượng của em. Điều ngạc nhiên là em tỏ ra tự hào rằng việc giả tạo của em không có thầy cô nào quan tâm và còn cho biết chính thầy cô cũng có khi giả tạo dữ liệu và khuyến khích làm như thế!

Một em khác thật thà nói thầy của em khuyến khích giả tạo dữ liệu sao cho câu chuyện “có đầu có đuôi”! Những câu chuyện như thế cho thấy đạo đức khoa học ở nước ta hình như vẫn chưa được nhận thức đúng và bị xem thường.

Trường hợp gian lận khoa học ở NUS là một bài học cho Việt Nam. NUS có chính sách “không khoan thứ” (zero tolerance) về gian lận khoa học, nên họ xử lý vấn đề đến nơi đến chốn, không khoan nhượng. Từ năm 2000, NUS có hẳn một quy trình về công bố khoa học và quản lý các trường hợp gian lận trong khoa học.

Việt Nam đang có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Thiết tưởng, để tạo uy tín cho khoa học nước nhà, các đại học và trung tâm nghiên cứu cần có những chính sách về công bố quốc tế, và quy định cách xử lý các trường hợp gian lận trong nghiên cứu khoa học một cách nghiêm chỉnh.

Tại sao nhà khoa học giả tạo dữ liệu? Một trong những lý do là văn hóa “publish or perish” - công bố hay là chết. Đối với nhà khoa học và giới khoa bảng nói chung, bài báo khoa học trên các tập san quốc tế là đơn vị sống còn để xây dựng sự nghiệp. Do đó, công bố công trình nghiên cứu trên những tập san khoa học quốc tế là một lẽ sống, là lý do để tồn tại.

Công bố trên những tập san hàng đầu trong ngành hoặc những tập san có ảnh hưởng lớn đem lại vinh dự và uy danh cho nhà khoa học trong mắt của đồng nghiệp, và để phân biệt nhà khoa học đẳng cấp quốc tế với nhà khoa học xoàng. Chính vì thế các nhà khoa học cạnh tranh khốc liệt để chen chân có tên trên những tập san như Nature, Science, Cell, PNAS...

Nhưng để có bài báo trên những tập san đó, công trình nghiên cứu phải có cái mới và tầm quan trọng cao. Khi công trình nghiên cứu không cho ra kết quả hào hứng (như dự định) và khi tham vọng cháy bỏng trong người, nhà khoa học có khi gian dối, thường là sửa dữ liệu nghiên cứu, vặn vẹo trong khi phân tích, sửa kết quả phân tích...

Trường hợp của tiến sĩ Melendez, giáo sư Reuben và Poehlman xuất phát từ động cơ vừa đề cập. Dù xuất phát từ động cơ nào thì gian lận trong khoa học vẫn là một hành vi không thể chấp nhận được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận