Nhân viên y tế trong đại dịch: Những người ở trong khủng hoảng kép

XUÂN MINH 17/08/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Khi hỏi các y bác sĩ trực tiếp làm việc và chứng kiến những hậu quả tàn khốc của đợt dịch bệnh COVID-19 thứ hai ở Ấn Độ, những từ họ mô tả về bản thân là: Quá tải, tức giận, buồn ngủ, đói, kiệt quệ, sợ hãi, tê liệt, vô vọng, phổ biến nhất là mệt mỏi. Khi số ca bệnh nặng lấp đầy các bệnh viện dù do nguyên nhân gì, kể cả sai lầm trong dự báo, điều hành, phòng chống dịch, các bác sĩ là người trực tiếp khắc phục hậu quả.

Ảnh:

 

NHỮNG ÁP LỰC BẤT NGỜ VÀ KHỦNG KHIẾP

Tháng 4-2021, khi Ấn Độ bắt đầu tăng dần đều số ca nhiễm và số người tử vong do COVID-19, bác sĩ Vivek Jivani, 30 tuổi, phải bắt đầu ngày mới bằng 10 phút cầu nguyện để dịu bớt cảm giác bất lực và lo lắng. Làm tại khoa điều trị đặc biệt ở một bệnh viện tư ở thành phố Rajkot, bác sĩ trẻ này cho biết anh bất lực chứng kiến người bệnh chết.

Ấn Độ đã rất cẩn thận trong làn sóng đầu tiên nhưng từ khoảng tháng 11-2020 trở đi, nhiều sự kiện từ lễ hội tôn giáo tới các chiến dịch bầu cử liên tục diễn ra khiến việc giữ khoảng cách bị bỏ qua. Vui đó, khổ đây, trong vài tháng, hệ thống y tế Ấn Độ bị dịch bệnh làm chao đảo.

Nói với báo The Straits Times, bác sĩ Jalil Parkar - chuyên khoa hô hấp tại Bệnh viện Lilavati ở Mumbai - cho biết trong làn sóng dịch thứ hai tại Ấn Độ, “khối lượng công việc của y bác sĩ như một ngọn núi khổng lồ”. Biến thể mới của virus làm số ca tăng nhanh, bệnh nhân chuyển nặng nhanh chóng, nguồn lực hạn chế của bệnh viện khiến y bác sĩ không thể cứu tất cả mọi người.

Khi thiếu oxy, bác sĩ Rajendra Prasad - chuyên về phẫu thuật thần kinh và cột sống tại Bệnh viện Indraprastha Apollo ở Delhi - cho biết họ phải lựa chọn trong các bệnh nhân nguy kịch ai cần oxy hơn để ưu tiên trước. 

COVID-19 đã đặt ra những tình huống cùng cực: các y bác sĩ có kinh nghiệm cũng chưa từng đối mặt việc phải phân loại ai nguy kịch, ai chỉ bệnh nặng để ưu tiên. Bác sĩ Vivek Shenoy, Bệnh viện Rajshekhar ở Bangalore, cho biết cả bệnh viện của ông chỉ có 25 giường cho bệnh nhân nặng, mỗi bệnh nhân nằm ít nhất 10 ngày nên tỉ lệ có giường trống là rất thấp. 

Một bác sĩ trẻ vừa ra trường cho biết ngoài những thách thức về y tế và thiết bị, họ còn bị áp lực về những con số. Người đứng đầu bộ phận hành chính tại bệnh viện nơi anh làm việc chỉ đạo đưa bệnh nhân bị suy hô hấp cấp không có xét nghiệm COVID-19 sang các khu điều trị khác để bệnh viện có “ít ca tử vong do COVID-19 hơn”.

Bác sĩ nội khoa S. Chatterjee, Bệnh viện Indraprastha Apollo ở Delhi, kể ông làm việc trung bình 18 tiếng mỗi ngày, luôn kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần. Mỗi ngày, ông có 90 bệnh nhân phải chăm sóc và nhiều bệnh nhân cần tư vấn qua điện thoại đến mức không còn thời gian ăn và ngủ.

Mặc dù đối mặt những thách thức chưa từng có về nguồn lực và thể chất, đa số đều không chia sẻ áp lực đó với gia đình vì không muốn người thân lo lắng.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: DUYÊN PHAN

 

NHỮNG KẾ HOẠCH Y TẾ BỊ “ĐỨNG HÌNH”

Tại Brazil, sự kết hợp của việc thiếu nguồn lực y tế, phản ứng chống dịch không tốt của chính phủ, sự thờ ơ và coi thường dịch bệnh của một bộ phận người dân, chiến dịch tiêm chủng chậm - đã khiến các bác sĩ và y tá bị mắc kẹt trong cuộc chiến kéo dài với dịch bệnh. Đến nay, không ai trong số họ biết khi nào đại dịch sẽ kết thúc và kết thúc ra sao.

Brazil là quốc gia phải chôn người chết vì COVID-19 nhiều thứ nhì trên thế giới sau Mỹ. Đến ngày 26-7, nước này đã mất đi 549.999 người do COVID-19 và còn bị dự đoán là con số sẽ vượt qua Mỹ. 

Có thời điểm, như từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4-2021, mỗi ngày Brazil có hơn 3.000 người chết do COVID-19 và gần như rơi vào cảnh vỡ trận thực sự về y tế, đẩy các y bác sĩ đến giới hạn của họ về thể chất và tâm lý.

Theo tổng hợp của The Washington Post, năng lực chăm sóc bệnh nhân nguy kịch ở các bệnh viện tại Brazil được huy động đến 90%, chỉ có rất ít bệnh viện còn chỗ trống. Họ thiếu mọi thứ, từ oxy đến các loại thuốc cần thiết để điều trị. Các đơn vị chăm sóc đặc biệt quá tải đến nỗi bệnh nhân gặp các vấn đề khẩn cấp khác bị từ chối điều trị.

Khi không thể huy động hay tuyển thêm bác sĩ, kế hoạch mở rộng các khu điều trị trên toàn quốc bị “đứng hình”, càng tạo thêm áp lực cho đội ngũ nhân viên y tế vốn đã quá tải. 

Thiếu máy thở, các bác sĩ phải bóp bóng bằng tay để giúp bệnh nhân. Phòng chờ bị biến thành hành lang đau khổ, nơi nhiều người hấp hối nằm lặng lẽ nhiều giờ chờ được chăm sóc y tế.

Vì sao Brazil - quốc gia có thu nhập trung bình, có hệ thống tiêm chủng tốt lại rơi vào tình trạng này? Với nhiều người, trách nhiệm thuộc về Tổng thống đương nhiệm thuộc phe cực hữu Jair Bolsonaro. 

Từ đầu dịch, vị tổng thống này đã xem Covid-19 chỉ là một “loại cúm thông thường”, chỉ trích biện pháp giãn cách xã hội, luôn muốn nền kinh tế mở cửa và căm ghét khẩu trang, hoài nghi vắc xin COVID-19 có thể biến con người thành cá sấu hoặc thành “quý bà có râu”.

Theo BBC, giáo sư Pedro Hallal - một chuyên gia dịch tễ tại Brazil - cho biết lẽ ra 400.000 người Brazil đã không phải chết và 25% trong số các ca tử vong do COVID-19 ở Brazil là do chính phủ đã chậm trễ không ký các hợp đồng mua vắc xin sớm (Hãng Pfizer đã liên tục đề nghị bán vắc xin COVID-19 cho Brazil từ năm ngoái nhưng hơn 100 email gửi đi không được trả lời).

Khi ca COVID-19 đầu tiên được xác nhận trên đất Mỹ ngày 20-1-2020, tổng thống khi đó là Donald Trump tuyên bố vấn đề “Hoàn toàn được kiểm soát. Tất cả rồi sẽ qua”. Tháng 3-2020, bắt đầu với việc tiểu bang New York có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên.

Theo BBC, các dịch vụ khẩn cấp của TP New York nhanh chóng bị quá tải với số lượng ca bệnh phải điều trị và sau đó là số bệnh nhân tử vong tăng dần. Cuối tháng 3-2020, New York có 1.941 người chết do COVID-19.

 Đến hết tháng 4-2020, bang này có 18.548 người chết, tăng gấp 9,5 lần. Các nhân viên y tế đã gặp khủng hoảng chưa từng có vì chưa bao giờ nghĩ tình huống này có thể xảy ra trong nghề nghiệp của họ.

“Nhìn thấy người chết hằng ngày không phải là vấn đề vì chúng tôi được đào tạo để đối phó với cái chết... Vấn đề là chúng tôi phải từ bỏ những người mà bình thường chúng tôi sẽ không từ bỏ họ” - một bác sĩ không nêu tên cho biết.

Theo một bài trên tạp chí Lancet hồi tháng 3 mà bác sĩ Marc Moss tại ĐH Colorado là đồng tác giả, khối lượng công việc nặng nề, một lịch làm việc bị động và cảm giác thường trực dai dẳng về gánh nặng trách nhiệm đã khiến 33% y tá ở khu vực chăm sóc đặc biệt và 45% bác sĩ ở khu vực này kiệt sức nghiêm trọng. 

Một cuộc khảo sát của Medical Economics tháng 9-2020 cho thấy 65% bác sĩ được hỏi nói họ thấy kiệt sức nghiêm trọng vì COVID-19.

Chân dung một nhân viên y tế ở Bệnh viện Whittington (Anh).-Ảnh: Slater King/creativereview.co.uk)

 

MỘT HỆ LỤY LÂU DÀI

Khảo sát của The Washington Post cũng cho thấy áp lực, thất vọng từ công việc đã khiến nhiều bác sĩ bỏ nghề. Họ nửa cảm thấy giằng xé khi bỏ lại đồng đội và bệnh nhân, nửa lại cảm thấy nhẹ nhõm với quyết định của mình.

Bác sĩ gây mê Justin Meschler, 48 tuổi, bỏ việc mùa xuân năm ngoái khi nỗi sợ hãi bắt đầu xâm chiếm mọi phần trong cuộc sống của anh. Anh thường xuyên tự hỏi khi nào đến lượt mình sẽ nhiễm COVID-19. 

Là bác sĩ nhưng anh cũng bị suyễn, huyết áp cao, bệnh tim và thừa cân như bao người khác song vẫn phải làm việc quá sức. Anh có vợ và hai cô con gái nhỏ, những người anh yêu thương và luôn sợ là sẽ làm họ nhiễm bệnh COVID-19 mỗi ngày đi làm về. Suy nghĩ rất nhiều về tương lai nhưng cũng không quên cảm giác giận dữ khi bệnh viện đã không có chính sách an toàn để bảo vệ nhân viên, Meschler quyết định bỏ nghề mãi mãi.

Theo một cuộc khảo sát của The Washington Post và Bệnh viện Kaiser, sau một năm chiến đấu với COVID-19, khoảng 3/10 nhân viên y tế đã cân nhắc bỏ việc. Hơn 50% thấy kiệt sức và 6/10 người bị căng thẳng do COVID-19.

Các y tá, bác sĩ, kỹ thuật viên và ngay cả nhà quản lý, những người không trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 giải thích về sự phức tạp trong cảm giác thôi thúc muốn bỏ việc và sự đổ vỡ về tinh thần mà đại dịch để lại trong cuộc sống của họ. 

Họ nghỉ việc không chỉ vì sự nguy hiểm của nghề nghiệp mà mình phải chịu đựng. Nhiều người nói về sự phản bội và đạo đức giả họ cảm nhận từ người dân mà mình đã hy sinh rất nhiều để hỗ trợ. 

Hôm nay dân chúng vỗ tay, gọi các y bác sĩ là anh hùng nhưng hôm sau cũng chính những người đó từ chối đeo khẩu trang hay thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản để giúp các nhân viên y tế bớt người phải cứu.

Khảo sát cho thấy 6/10 y bác sĩ cho rằng đa số người Mỹ không thực hiện đủ các biện pháp phòng ngừa COVID-19 và 7/10 người cho rằng nước Mỹ đã không làm tốt trong xử lý đại dịch. 

Bởi số liệu biết nói nên con số gây sốc nhất ở nước Anh trong 6 tháng đầu tiên của đại dịch là con số 640 nhân viên y tế Anh chết vì COVID-19. Con số này còn nhiều hơn số lính Anh đã thiệt mạng trong suốt 12 năm tham chiến ở Afghanistan và 6 năm tham chiến ở Iraq cộng lại.

Đại dịch đã đẩy chúng tôi lên một cấp độ hoàn toàn khác: khủng hoảng chồng lên khủng hoảng.

Anthony Rostain (trưởng khoa tâm thần Bệnh viện Đại học Cooper) nói với The Philadephia Inquirer 7-2021)


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận