Nhật ký lớp 2

TRẦN THỊ T.T. 18/11/2014 00:11 GMT+7

TTCT - LTS: Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay (20-11-2014) TTCT mời một số thầy cô nói về công việc của họ hiện nay. Và họ đã chọn kể về học trò mình.

Con tàu Titanic của Anh K. - Ảnh: T.T.
Con tàu Titanic của Anh K. - Ảnh: T.T.

TTCT giới thiệu những câu chuyện - kể - của - thầy - cô - này, như một lời tri ân những người đang làm công việc mà nỗi nhọc nhằn dường như đã khác xưa, bởi cuộc sống ngày càng phức tạp hơn và thế hệ trẻ ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận thế giới rộng lớn hơn, không chỉ qua cánh cửa học đường...

Trích nhật ký lớp hòa nhập (*) của cô giáo Trần Thị T.T. ở Trường tiểu học VTT, TP.HCM.

12-8-2014

Ba K.B. đến lớp gửi gắm đứa con tự kỷ của ông. Thằng bé có vóc cao, da trắng, tất cả đều bình thường, duy chỉ có đôi mắt hơi lạ.

15-8-2014

Bắt đầu nhận thấy trong lớp có tám học sinh ở tình trạng đáng chú ý. Uyên Ngh. suy dinh dưỡng; Hạnh Ng. béo phì nặng, mắc chứng thèm ăn uống; K.B. tự kỷ kèm tăng động; Gia Kh. tự kỷ dạng thụ động, còn nguyên vẻ bé bỏng của một trẻ mẫu giáo, đọc viết quá chậm.

Phương L., Vân H. hiếu động, mất tập trung quá mức; Anh K. đang được uống thuốc trị rối loạn giấc ngủ và điều chỉnh hành vi; Chấn T. ở dạng tăng động, quá khích, có bề dày thành tích ở lớp 1: hai lần cào nát mặt bạn! 

18-8-2014

Bọn trẻ khá vui nhộn khi học bài hát sinh hoạt tập thể. Riêng K.B. chẳng hề hát theo, chẳng buồn vỗ tay. Khi xếp hàng ra về, các bạn trong lớp đều phản ứng vì anh chàng cứ chen lấn giành đứng đầu. Mình giữ lại để nhắc nhở, không ngờ cu cậu tự ngã ra, gào khóc phát sợ.

Đến một lúc sau mới ổn lại. Một thỏa thuận nhỏ giữa cô và trò. Cu cậu lên bảng lớp viết câu: “Con sẽ xếp hàng ngay ngắn, không chen lấn”. Thật may. Cu cậu chịu viết. 

19-8-2014

Xếp K.B. ngồi bàn đầu, đối diện bàn giáo viên nhưng suốt buổi học thằng bé cứ quay mặt vào tường, mắt hướng về cửa sổ. Không “khả thi” rồi, phải đổi chỗ thôi.

20-8-2014

Đau đầu vì việc xếp chỗ ngồi cho bọn trẻ. Đứa to đùng nhưng phải tìm cách cho ngồi gần bảng lớp vì cận thị, vì quá mất tập trung. Đứa tăng động, quá khích thì không bạn nào chịu ngồi gần. Phụ huynh gọi điện tới tấp đòi đổi chỗ. Ước gì có ba mươi lăm chỗ ngồi đều ở bàn đầu.

22-8-2014

Hạnh Ng. quá to béo so với tuổi. Vậy mà trong cặp chứa sữa, kẹo bánh nhiều hơn tập vở, đồ dùng. Hết giờ chơi, vào học không bao lâu đã thấy cô nàng cầm hộp sữa hút lấy hút để. Cần để ý em và trò chuyện thêm với phụ huynh.

4-9-2014 

Giờ học luyện từ câu.

Một yêu cầu dễ nhất hành tinh dành cho Gia Kh.. Hãy điền từ thích hợp vào chỗ trống cho thành câu: ... là đồ dùng của học sinh. Gia Kh. rụt rè đứng lên khẽ nói: Em là đồ dùng của học sinh. Cả lớp cười khó dừng lại được. 

6-9-2014

Hôm nay lớp vắng nhiều vì học bù ngày lễ 2-9 nhằm ngay thứ bảy, bọn trẻ bận học tiếng Anh ở các trung tâm. Anh K. quan tâm: Vắng nhiều bạn chắc cô buồn, cô nghe bài My heart will go on nhe cô, nói rồi thằng bé hớn hở phô diễn tài nghệ. Miệng hát lúc giãn lúc co, lúc bẻ giọng bắt chước ca sĩ thực thụ.

Cả lớp không quá ngạc nhiên vì đã biết Anh K. rất thích sự kiện Titanic. Cu cậu thường vẽ chiếc tàu bị chìm nửa thân khá đẹp và nghêu ngao bài này. Lời hát không đầu không đuôi vậy mà cô trò đều cố lắng nghe và khích lệ anh chàng bằng một tràng vỗ tay thiệt lớn.

Hình K.B. vẽ trên bảng khi con chuồn chuồn chết - Ảnh: T.T.
Hình K.B. vẽ trên bảng khi con chuồn chuồn chết - Ảnh: T.T.

8-9-2014

Sáng nay, K.B. mang một túi nilông nhỏ, bên trong đựng con chuồn chuồn vào lớp. Tuấn Kh. nhanh nhảu giằng lấy túi nilông hấp tấp mở dây thun cột miệng túi, bảo: Để tớ cứu nó! Con chuồn chuồn ngay đơ, không động đậy. K.B. lăn ra khóc, dỗ mãi không được.

Rồi bỗng cậu vùng dậy chạy lên bảng vẽ hình một con vật trong bộ quần áo của người, gần giống Dế Mèn. Thì ra cậu bé có khiếu vẽ. Sẽ trao đổi với phụ huynh đặc điểm này.

16-9-2014 

Gia Kh. cứ tròn mắt, chớp mắt, luôn miệng nói con không biết viết... Sau một hồi thuyết phục, anh chàng đã chịu viết chính tả. Trang vở thưa thớt những con chữ bự bằng con gà mái mà mình mừng không thể tả.

19-9-2014

Một con côn trùng có cánh bay vào lớp. Thế là bọn trẻ đồng loạt nhìn theo đường bay của con vật, khỏi tập trung học nữa. K.B. đặc biệt hơn hẳn, đứng phắt dậy, chạy tới chạy lui chỉ trỏ, hú hét...

25-9-2014

Giờ kiểm tra, Vân H. không làm bài, cuộn tờ giấy kiểm tra lại làm ống nhòm, còn lấy đầu bút đâm vào má bạn Tiến. 

Bạn đau, bạn khóc, con vui không?

Vân H. tự tin: Con lấy bút tự đâm con có thấy đau đâu.

!!!

7-10-2014

Trưa nay, Chấn T. chui vào tủ đựng gối làm cánh cửa hỏng, sút bản lề rơi ra trúng vào lưng Anh K.. Một vệt đỏ lựng chạy dài trên sống lưng, vậy mà thằng bé vẫn cười cười. Mình thót tim!

14-10-2014

Giờ chơi không còn vui nữa khi Minh T. bị ngã gãy cả răng, do một anh lớp 4, lớp 5 nào đấy chạy với tốc độ của báo Gêpa đụng phải. Chuyện chưa dừng lại ở đó. Ngày hôm sau, bà ngoại và mẹ Minh T. đến trường “đòi lại công bằng” vì con cháu của họ bị gãy răng vĩnh viễn.

Một cuộc hòa giải thật khó khăn.

Còn may, lúc ấy mình kịp sơ cứu rồi báo tin cho phụ huynh. Nếu không kịp có mặt, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình nữa.

Lớp học - tranh của Anh K.- Ảnh: T.T.
Lớp học - tranh của Anh K.- Ảnh: T.T.

21-10-2014

Bảo Kh. rơm rớm nước mắt: Tuấn K. giở váy của con. 

Sao con làm thế?

Tuấn K. tỉnh bơ: Con muốn biết bên trong có gì?

!!!

Đành dịu dàng: Bạn không thích như vậy. Con nhớ đừng làm phiền bạn nha.

9-11-2014

Lớp đã học được ba tháng. K.B. lúc đầu không bao giờ chịu đứng lên chào giáo viên, giờ đã biết chào thầy cô. Chữ viết đã rõ nét hơn. Gia Kh. đã chịu tập viết. Cả hai đều thích được khen. K.B. vẫn phản ứng thái quá khi được nhắc nhở.

Bận rộn cho các học sinh này nên mình ít có thời gian cho học sinh giỏi. Phụ huynh các học sinh này cũng buồn vì con họ hay bị làm phiền. Lắm lúc khó xử...

Tạm đúc kết những việc cần làm: Cho trẻ thấy chúng cũng được coi trọng, tín nhiệm khi thỉnh thoảng được giao vai trò nhóm trưởng. Giao việc phát tập vở cho bạn, thông tin hoạt động của lớp...

"Triển lãm" những sản phẩm trẻ làm ra dù sản phẩm chưa đẹp, chưa khéo... Thường xuyên gần gũi, trò chuyện thân ái, khuyến khích trẻ kể chuyện, thuật chuyện, nêu nhận xét, so sánh, khen ngợi...

Thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập, rèn luyện, sinh hoạt của trẻ ở trường và các biểu hiện đặc biệt của con cái họ. Cho phụ huynh biết rõ cách giáo viên giải quyết các tình huống ứng xử, cách giúp đỡ, giáo dục trẻ khi những nỗ lực học tập của trẻ chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn...

(*): Hòa nhập là tạo điều kiện cho trẻ có các bệnh lý tự kỷ, tăng động giảm chú ý (ADHD), chứng học khó (C.L.D)... có cơ hội học tập và rèn luyện, mau chóng thích nghi với trẻ khác, hội nhập với môi trường nhà trường và xã hội, tạo sự tương đồng giữa khả năng và lứa tuổi của trẻ. Đối với những trường hợp bệnh lý nhẹ và khi trường chuyên biệt chưa có khả năng đáp ứng về điều kiện phòng ốc, phương tiện giảng dạy cũng như khả năng chuyên môn của giáo viên, lớp hòa nhập được xem là một trong các giải pháp giáo dục tích cực hiện nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận