Nhiều nước tự xoay xở kinh phí

NGỌC ĐÔNG 15/03/2017 21:03 GMT+7

TTCT - Việc chuyển đổi mô hình tài trợ nước ngoài sang nguồn lực trong nước vẫn có lợi thế riêng của nó. Đó là giúp nâng cao trách nhiệm quốc gia trong việc thực hiện phòng chống HIV/AIDS và tăng tính bền vững.

Các nước có thu nhập thấp và trung bình đang có xu hướng tự xoay xở kinh phí ứng phó HIV/AIDS -avert.orgTrước kia, việc ứng phó với HIV/AIDS tại các nước có thu nhập thấp và trung bình phần lớn được các nhà tài trợ quốc tế, chính phủ nước ngoài hỗ trợ.

Theo một báo cáo của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon công bố hồi tháng 4-2016, ước tính trong năm 2014 đã huy động 19,2 tỉ USD cho công tác ứng phó HIV/AIDS ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Đến năm 2020, cần đến 26,2 tỉ USD để có thể thực hiện mục tiêu kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

44 quốc gia được hỗ trợ 75% kinh phí

Dù nhiều nước đã có sự tiến bộ trong việc tự lo kinh phí điều trị HIV/AIDS, nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nhà tài trợ quốc tế. Trong năm 2014 có 44 quốc gia được các nguồn nước ngoài hỗ trợ 75% hoặc nhiều hơn cho nhu cầu tài chính trong công tác phòng chống HIV/AIDS của họ. Điển hình là 96% các chương trình ứng phó HIV/AIDS của Mozambique và 86% của Zimbabwe vẫn được hỗ trợ bởi các nguồn quốc tế.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Quốc tế phòng chống HIV/AIDS Avert (trụ sở tại Anh), những năm gần đây đang có sự giảm sút về các khoản kinh phí hỗ trợ ứng phó HIV/AIDS toàn cầu.

Nguyên nhân do sự gia tăng các nhu cầu tài trợ kinh phí như những trường hợp khẩn cấp nhân đạo hay khủng hoảng tị nạn, và chủ trương thắt chặt tài chính từ nhiều nước. Điều này đã dẫn đến những lỗ hổng về kinh phí đang đe dọa việc ứng phó với bệnh HIV/AIDS.

Trước tình hình đó, chính phủ một số nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình đang đẩy mạnh việc tự xoay xở kinh phí điều trị HIV/AIDS cho mình, nhằm lấp đầy các khoảng trống và hướng đến chính sách ứng phó HIV/AIDS bền vững hơn.

Một số nước đã và đang sử dụng một loạt chiến lược để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của các chương trình phòng chống HIV/AIDS của mình. Như Nam Phi đã tiết kiệm hàng tỉ rand bằng cách cải thiện đáng kể quá trình đấu thầu thuốc kháng virút (antiretroviral drugs-ARVs).

Trong khi đó, Kenya và Kazakhstan đã thiết lập sẵn cơ chế kinh phí cho HIV/AIDS vì dự đoán sẽ có ít tiền tài trợ từ nước ngoài trong những năm tới.

Điều này được thể hiện trong năm 2015, nguồn kinh phí nội địa của các quốc gia đã vượt qua kinh phí được tài trợ, và chiếm phần lớn ngân sách HIV/AIDS toàn cầu (57%) với tổng trị giá 10,9 tỉ USD.

Mặc dù đây là một thách thức cho các nước thu nhập thấp và trung bình, tuy nhiên việc chuyển đổi mô hình tài trợ nước ngoài sang nguồn lực trong nước vẫn có lợi thế riêng của nó. Đó là giúp nâng cao trách nhiệm quốc gia trong việc thực hiện phòng chống HIV/AIDS và tăng tính bền vững.

Tại khu vực châu Phi hạ Sahara, các nước Kenya, Nam Phi, Togo và Zambia đã có sự gia tăng đáng kể nguồn ngân sách nhà nước dành cho HIV/AIDS trong những năm gần đây. Nam Phi chủ yếu tự tài trợ các chiến dịch của mình và đã dành hơn 1,5 tỉ USD cho các chương trình phòng chống HIV/AIDS trong năm 2014.

Nhưng điều này có thể là một thách thức trong những năm tới, do chính phủ đã cam kết tài trợ điều trị suốt đời.

Năm 2015, Trung Quốc cũng đạt được tiến bộ đáng kể trong kinh phí dành cho công tác phòng chống HIV/AIDS, với 99% kinh phí là từ các nguồn nội địa.

Còn ở Ấn Độ, trước năm 2012 nỗ lực để giải quyết đại dịch HIV/AIDS chủ yếu dựa vào các nguồn tài trợ quốc tế. Năm 2012, Ấn Độ cam kết sẽ tự lo kinh phí cho 90% các chương trình kiểm soát HIV/AIDS của mình.

Tuy không thành công như kỳ vọng, vì chỉ 80% kinh phí là từ nội địa, nhưng sự kiện này vẫn là bước tiến đáng ghi nhận khi ở các chiến lược trước, nguồn hỗ trợ quốc tế chiếm xấp xỉ 75% tổng kinh phí sử dụng.

Ngoài ra, chiến lược 2015-2019 của Ủy ban phòng chống AIDS quốc gia Thái Lan tuyên bố Thái Lan sẽ là một trong những nước đầu tiên trên thế giới kết thúc AIDS thành công vào năm 2030, và là quốc gia đầu tiên trong khu vực làm được điều đó.

Nhiều năm trước, Thái Lan vẫn dựa vào sự hỗ trợ tài chính từ quốc tế cho công tác phòng chống HIV/AIDS của mình. Nhưng điều này đã thay đổi trong những năm gần đây, với 89% kinh phí ứng phó HIV/AIDS từ trong nước vào năm 2014.

Từ năm 2015, Bộ Y tế Thái Lan đã tăng ngân sách nhằm chuẩn bị việc thực hiện chiến lược chấm dứt HIV/AIDS. Điều này là rất quan trọng khi duy trì được động lực ứng phó HIV/AIDS của Thái Lan, đặc biệt là trong bối cảnh tài trợ nước ngoài tiếp tục giảm. Kinh phí từ Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao đã giảm từ 39 triệu USD năm 2014 còn khoảng 14 triệu USD giai đoạn 2015-2016.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận