Những câu hỏi về Iran 

TƯỜNG ANH 23/01/2018 21:01 GMT+7

TTCT - Iran là một đất nước quá rắc rối và phức tạp với hơn 80 triệu dân để ai đó có thể “nhận định từ xa” về những gì đang diễn ra ở đây... Càng cần phải tránh kiểu bình luận của “các chuyên gia sau một đêm có khuynh hướng xuất hiện bất ngờ”.

*** Error ***
Thỏa thuận hạt nhân- Iran vất vả lắm mới đạt được dưới thời Tổng thống Mỹ Obama, đứng trước nguy cơ bị xé bỏ

 

Đó là nhắc nhở đầu tiên của nhà báo đoạt giải Pulitzer, một trong những nhà sáng lập tờ báo điện tử The Intercept Glenn Greenwald khi được yêu cầu phân tích tình hình Iran.

Ít nhất 22 người chết và hàng trăm người bị thương khi những cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ năm 2009 đến nay - diễn ra cuối năm 2017 và đầu 2018 - bùng phát thành bạo lực và lan rộng trên lãnh thổ Iran.

Điều gì đang xảy ra ở đất nước Hồi giáo nổi tiếng với chính sách đối ngoại chống phương Tây này? Việc Tehran gần đây “kết đồng minh” với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trên mặt trận chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria khiến một biến cố lớn như thế khó có thể là tình cờ.

Có thể đồng tình hay phản đối Greenwald, nhưng không thể phủ nhận logic trong cân nhắc của nhà báo này: “Tổng thống (Donald) Trump đã phản hồi những cuộc biểu tình ở Iran trong một tweet đầu tiên vào năm mới của ông: “Đã đến lúc thay đổi”.

Đó cũng chính là vị tổng thống không đầy ba tháng trước đã công bố lệnh cấm người Iran đến Hoa Kỳ”.

“Những bước đi lớn vào miền đất chưa có dấu chân người”

Có lẽ để tránh trở thành “chuyên gia sau một đêm”, người ta cần đặt nhiều câu hỏi.

Câu hỏi đầu tiên là từ tiến sĩ Jan Oberg, giám đốc Quỹ Nghiên cứu hòa bình xuyên quốc gia: “Phải chăng Tổng thống Trump đang tiến đến chiến tranh với Iran?”.

Trong một dự báo u ám 3 tháng trước những cuộc biểu tình hiện giờ, ngay sau tuyên bố về “các yếu tố cốt lõi trong chiến lược mới với Iran” ngày 13-10-2017 của chính quyền Trump, ông Oberg tiên đoán “60-75% nguy cơ sẽ nổ ra một cuộc tấn công của Mỹ vào Iran”.

Ông nêu cơ sở cho nỗi lo của ông là quyết định của Hoa Kỳ: (1) nhắm vào việc vô hiệu hóa ảnh hưởng ngày càng gây bất ổn của Chính phủ Iran..., đặc biệt là sự hỗ trợ của Iran đối với khủng bố;

(2) khôi phục các liên minh truyền thống và hợp tác khu vực như những bức tường thành chống lại sự phá hoại của Iran, khôi phục sự cân bằng quyền lực trong khu vực và

(3) khắc chế việc Iran tài trợ cho những hoạt động của lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC)... (https://www.whitehouse.gov/briefings-statements/president-donald-j-trumps-new-strategy-iran/).

Những lời lẽ đấy khiến ứng viên của giải Nobel hòa bình Oberg ngao ngán: “Với phát biểu của mình..., Tổng thống Donald Trump đã bước những bước lớn vào vùng đất chưa có dấu chân người!”.

Câu hỏi tiếp theo dựa trên nhận định của tổng biên tập cổng thông tin tiếng Ả Rập trụ sở tại London Rai al-Youm, ông Abdel Bari Atwan.

Trong một bài trên trang tin này, Atwan cho biết kênh 10 truyền hình Israel đã tiết lộ một thỏa thuận bí mật giữa cố vấn an ninh quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat và người đồng cấp Hoa Kỳ H. R. McMaster, ngày 12-12-2017.

Theo đó, hai bên “sẽ hành động và đưa ra các kịch bản chống lại Iran trên nhiều mặt trận, cụ thể là giảm bớt khả năng tên lửa và hạt nhân của Iran, triệt hạ sự hiện diện của Iran tại Syria và đối đầu với đồng minh Iran tại Lebanon là Hezbollah”. Sau khi tin tức này bị rò rỉ trên truyền thông, Nhà Trắng buộc phải xác nhận sự tồn tại của thỏa thuận.

Abdel Bari Atwan nhận định: “Có hai phát triển chính dự kiến cho khu vực này vào năm mới. Trước tiên là sự sụp đổ của IS và việc tổ chức này mất phần lớn lãnh thổ họ đang kiểm soát ở Syria, thứ hai là sự thất bại của kế hoạch Hoa Kỳ ở Syria.

Kế hoạch này dựa vào việc sử dụng những nhóm đối lập để lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar Al Assad, nhưng đã bị ngăn chặn bởi quân đội Syria, sự can thiệp của Nga và sự ủng hộ từ các đồng minh (của chính quyền Syria) như Iran và Hezbollah.

Trong bối cảnh này, Washington lo ngại ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực sẽ sụt giảm có lợi cho Nga và Trung Quốc, cũng như những cường quốc khu vực là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Israel thấy khả năng quân sự phát triển của Hezbollah là đáng báo động”.

Tình hình địa chính trị đó có thể dẫn tới “một kịch bản là tổ chức những nhiễu loạn từ bên trong và kích động những nhóm ly khai vũ trang.

Thái tử kế vị Saudi Arabia Muhammad Bin-Salman, một trong những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ ở Trung Đông, đã nói công khai điều này vài tháng trước. Ông cảnh báo Saudi Arabia sẽ tiến hành chiến tranh trong lòng Iran như một biện pháp phủ đầu trước khi Iran đưa chiến tranh tới Saudi Arabia” - Atwan viết tiếp.

Chiến tranh ủy nhiệm hay đòi hỏi chính đáng?

Câu hỏi tiếp theo là của nhà báo Mỹ từng đoạt giải báo chí điều tra quốc tế thuộc Câu lạc bộ báo chí Mexico Stephen Lendman. Trên trang globalresearch.ca, Lendman viết: “Có sự can thiệp của nước ngoài phía sau những cuộc chống đối Iran?”.

Đề cập đến hơn 20 người chết ở Iran vào đầu năm mới, trong đó có một cảnh sát, ông nhắc lại những cuộc biểu tình đẫm máu tương tự ở Daraa, Syria hồi tháng 3-2011 hay sau đó ở Kiev, Ukraine đầu năm 2014, vốn trở thành ngòi nổ cho những cuộc nội chiến giờ vẫn chưa chấm dứt.

Với những gì vừa xảy ra ở Iran, Lendman dẫn lời thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran (SNSC) Ali Shamkhani: “Một cuộc chiến tranh ủy nhiệm đang được tiến hành chống lại Cộng hòa Hồi giáo Iran trên đường phố lẫn qua mạng xã hội”. Ali Shamkhani đổ lỗi cho Washington, Anh và Saudi Arabia về những gì đang xảy ra.

Brandon Turbeville - tác giả sống ở South Carolina (Hoa Kỳ), từng viết 7 cuốn sách về chính trị quốc tế - đặt những câu hỏi thật sự cụ thể: “Chuyện gì đang xảy ra tại Iran? Có phải một cuộc “cách mạng màu” khác đang diễn ra?”.

Tác giả phân tích diễn tiến của “cuộc cách mạng màu” khả nghi dựa hoàn toàn trên tin tức từ báo chí phương Tây: Lúc đầu, yêu cầu của những người biểu tình dường như hợp lý và hợp pháp. Theo đó, tâm điểm của những cuộc xuống đường dường như tập trung vào các mối quan tâm kinh tế như mức sống sụt giảm, thất nghiệp, giá thực phẩm tăng.

Những mối quan tâm đó là vấn đề chính yếu ở Iran, đất nước nhiều năm chịu ảnh hưởng cấm vận của phương Tây, mức thất nghiệp tới 12% và hầu như không tăng trưởng kinh tế.

“Thế nhưng đến ngày biểu tình thứ ba, yêu sách bắt đầu chuyển sang đòi chấm dứt chế độ độc tài tôn giáo và các chính sách của cả Giáo chủ Khamenei lẫn của Tổng thống Rouhani”.

Turbeville bình luận những yêu sách về tự do và tôn giáo xuất hiện ở một thời điểm khá kỳ lạ, khi Iran vừa ban hành luật không bắt phụ nữ phải đội khăn trùm đầu. Iran cũng là một trong những nước Hồi giáo đỡ bảo thủ hơn, nhất là khi đặt cạnh Saudi Arabia - đối thủ sống mái của họ trong khu vực!

Turbeville chỉ ra người biểu tình đã chuyển từ những yêu cầu kinh tế sang các khẩu hiệu yêu cầu giáo chủ và tổng thống Iran từ chức, “rất phù hợp với những gì mà Hoa Kỳ, Israel và NATO muốn xảy ra ở Iran”.

Nhưng Reza Marashi, giám đốc nghiên cứu của Hội đồng quốc gia Iran - Mỹ, không nghĩ như Turbeville. “Những lệnh cấm vận kinh tế đã làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế cố hữu của Iran - Marashi nói trên CNN - Tôi không nghĩ chúng ta có thể tách biệt kinh tế với chính trị.

Chính quyền có cơ hội và trách nhiệm đáp ứng những đòi hỏi hợp lý được bày tỏ (trong các cuộc biểu tình)”. Một lực lượng quan trọng của những cuộc biểu tình là phụ nữ, mà Karim Sadjadpour của Quỹ Canergie về hòa bình quốc tế cho là muốn nhiều quyền bình đẳng hơn.

“Phụ nữ ở Iran được nhận một nền giáo dục tốt - Sadjadpour giải thích - Họ đi làm, có lẽ là nhiều nhất ở Trung Đông”.

Nhưng Sadjadpour cũng tin rằng các cuộc biểu tình tại Iran khó có khả năng biến thành xung đột vũ trang. “Năm 1979, Iran đã trải qua một cuộc cách mạng không có dân chủ. Ngày nay, họ muốn dân chủ mà không cần một cuộc cách mạng - ông nói, giải thích rằng những người trẻ chiếm đa số trong thành phần đi biểu tình sẽ không cầm vũ khí - Tôi không nghĩ họ sẵn sàng theo đuổi các mục tiêu cách mạng bằng bạo lực, không ai muốn đất nước mình như Syria, Ai Cập hay những nơi khác ở Trung Đông suốt 5 năm qua”.■

Mối bận tâm lớn của Mỹ

Trả lời cho câu hỏi “Tại sao Hoa Kỳ lại quan tâm sâu sắc đến thế ảnh hưởng khu vực của Iran?”, tác giả Farhad Shahabi giải thích trong trên globalresearch.ca:

“Giữa thập niên 1980, Hoa Kỳ và các đồng minh đã áp đặt cấm vận quốc tế với Iran, cáo buộc nước này đe dọa hòa bình thế giới” qua việc ủng hộ Palestine và Lebanon cũng như phát triển hạt nhân.

Mỹ sau đó vận động đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc các nghị quyết cấm vận Iran. Các cuộc đàm phán căng thẳng giai đoạn 2013-2015 giữa Iran và P5+1 (5 thành viên thường trực HĐBA và Đức) dẫn tới Kế hoạch hành động hợp tác đa phương (JCPOA) về chương trình hạt nhân Iran, đạt được dưới thời tổng thống Obama.

Tuy nhiên, nỗ lực này đang có nguy cơ bị đảo ngược bởi chính quyền mới của ông Trump và các đồng minh của ông trong khu vực - Israel và Saudi Arabia - hiện đang có các chính phủ với quan điểm “diều hâu” nhắm vào Iran. Greenwald kết luận:

“Tôi nghĩ thật đáng ngờ khi những người như Donald Trump hay giới nghiên cứu đối ngoại ở Washington giả vờ họ muốn can thiệp vào Iran vì quan ngại nhân quyền và phúc lợi cho người dân nước này”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận