Những diện mạo học trò tôi

LÂM MINH TRANG (Gò Vấp) 18/11/2014 21:11 GMT+7

TTCT - Trên một diễn đàn giáo dục cách đây chưa lâu, chúng tôi đã đưa ra một đúc kết: 100 gia đình tử tế chưa chắc có 100 đứa con ngoan. Nhưng cứ 100 trẻ em “có vấn đề”, thì đều xuất thân từ các gia đình “có vấn đề”!

Minh họa: La Khuê
Minh họa: La Khuê
...Lối dạy dỗ ở cấp trung học phải biết làm sống lại cái sống tiềm tàng trong con người, tức là cái học về bề sâu, cái học về con người sâu thẳm của mình
Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Từ những nếp nhà...

Cách đây hai năm, giáo viên chủ nhiệm một lớp đưa xuống nhờ chúng tôi xử lý trường hợp một học sinh. Năm lớp 6 và 7, em là học sinh giỏi và ngoan. Đến năm lớp 8, sức học của em vẫn thế nhưng... không còn ngoan nữa. Em không vô lễ hay bướng bỉnh, mà là trong tuần, hoặc trong tháng, có những ngày em nghỉ học không phép và đi thẳng vào tiệm Internet chơi game.

Khi tiếp nhận xử lý, tôi hơi ngạc nhiên vì quen biết ba em. Anh là một người rất chăm lo cho gia đình, yêu thương con cái và sống nghiêm túc. Tôi gửi thư mời phụ huynh, nhưng ba em đi công tác và mẹ em đến theo lịch hẹn.

Nhìn chị, tôi lờ mờ đoán ra nguyên nhân vì sao học trò mình thay đổi. Trái ngược với ông bố có vẻ mực thước, người mẹ rất... hiện đại, trau chuốt và đỏm dáng. Cách chị làm việc với nhà trường cũng làm chúng tôi ái ngại. Chị nghe chúng tôi trình bày cho có lệ, nói điện thoại liên tục với ai đó, thỉnh thoảng dùng tiếng Anh và... rất âu yếm.

Cho đến lúc tôi dừng nội dung thông báo về con chị, chị vẫn không một lần quay sang con, cứ thế không phản hồi, chị vội vàng chào và ra về, coi như hoàn thành nhiệm vụ. Đứa bé - vẫn đứng kế bên từ đầu buổi trao đổi - lặng lẽ, rất lặng lẽ nhìn theo mẹ. Và tôi đến giờ vẫn không sao quên được ánh mắt đó. Vừa xót xa vừa tuyệt vọng. 

Nói chuyện kỹ hơn với em sau đó mới biết những ngày em trốn học là những ngày ba đi công tác. Nhà có máy, nhưng em không muốn về. Em vào tiệm net là để khỏi về nhà... 

Không chỉ có những gia đình lạnh lẽo con cái mới có vấn đề. Những gia đình cha mẹ đầy đủ, có quan tâm con cái, nhưng quan tâm theo kiểu của mình cũng tạo ra những học sinh có suy nghĩ méo mó.

Một học sinh nữ của tôi là con một gia đình kinh doanh vàng bạc. Khi còn nhỏ, em thường theo cha mẹ ra tiệm chơi. Sau này khi cô trò trao đổi, em cho biết em có khả năng nhìn vào một cái nhẫn vàng là biết cái nhẫn đó lượng vàng thật có đúng như tuổi ghi hay không! Vì em quen nghe mẹ chỉ cho thợ... độn thêm chất khác vào nhẫn khi làm gia công cho khách.

Chưa hết, em còn hồn nhiên cho biết ngày em học cấp I, mỗi lần em hư, cô cho mời phụ huynh nhưng ba mẹ ít khi nào đến trường mà bảo chị người làm đi thay và cầm theo một phong bì... Thế là xong.

Ý thức về việc “đồng tiền có thể giải quyết mọi thứ” và “thứ chi không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng... nhiều tiền hơn” làm sao không hằn vào tâm trí em bé này? Và sở dĩ em chịu kể cho tôi nghe việc này vì lần đầu tiên em chứng kiến một cô giáo đẩy ngược trở lại cái phong bì “vạn năng” mà cha mẹ em mang đến. 

T. là một học sinh khá đặc biệt của trường tôi. Em hay đánh bạn, cãi lại thầy cô khi phạm lỗi và luôn tìm cách đổ ngược lỗi cho người khác. Nhiều lần vi phạm, phụ huynh của em được mời đến trường và xảy ra to tiếng.

Người bố không chối bất cứ vi phạm nào của con mình. Ông cũng cho biết ông hiểu rõ tính cách của cháu (thậm chí còn cho thêm vài ví dụ về tính cách này khi cháu ở nhà). Nhưng ông nghĩ, sở dĩ con mình vi phạm là do thầy cô cố tình “canh me” (chữ ông dùng, và khi ông dùng đến từ này thì T. đứng cạnh gật đầu đồng tình) để phạt. Rằng nhà trường cố tình làm vậy để đuổi con mình.

Chúng tôi đề nghị ông đặt con mình vào vị trí nạn nhân, ngày ngày bị bạn đánh như... một trò vui? Và ông nghĩ sao khi ông nói cháu bé đó đừng đánh con mình nữa thì cháu... mắng ngược lại cả ông? Người bố đã im lặng rất lâu rồi... đứng lên bỏ về, không lời hồi đáp. Trách nhiệm chúng tôi từ đó càng nặng nề hơn bởi mời phụ huynh T. vào trường một lần nữa là điều không thể.

H. lại là một trường hợp khác hẳn. Khi em mắc lỗi và được thầy cô yêu cầu làm bản tường trình, em luôn chấp hành. Nhưng nếu sau bản tường trình, thầy cô nào yêu cầu em tự kiểm hành vi và ra hình thức xử phạt thì lập tức ngày hôm sau phụ huynh của em sẽ có phản hồi ngay vào sổ báo bài cho giáo viên chủ nhiệm, với những quy chụp phẩm cách người thầy rất nặng nề bằng những viện dẫn điều này, luật nọ.

Được mời vào trường, sau khi khoe mình là giảng viên trường X trường Y, có ông này bà nọ (tất nhiên cấp cao) là... học trò mình, ông đề nghị ghi âm cuộc trao đổi để sau này “làm bằng chứng trước tòa”. Chưa hết, ông còn mở iPad cho chúng tôi xem những tin “bạo hành nhà trường”, những “gương đen” của thầy cô giáo nơi này nơi khác mà ông... sưu tầm được và còn dẫn link bài viết này vào...

Facebook của con như một cách “dằn mặt” nhà trường. Mặc dù không lần trao đổi nào ông không đuối lý để sau đó phải ký vào biên bản, cam kết với nhà trường sẽ điều chỉnh con mình. Không biết là may mắn hay bất hạnh, khi em H. một mặt vẫn vi phạm lỗi, nhưng mặt khác lại có phần... xấu hổ với hành động của bố mình.

Em đã nhiều lần hứa hẹn sửa chữa và năn nỉ tôi đừng mời phụ huynh vì lý do em không muốn bạn bè chọc ghẹo và nhại lại những lời bố em oang oang khoe “chiến tích nói chuyện” của mình với các phụ huynh khác khi chờ đón em ngoài cổng trường... 

Làm sao để “học về con người sâu thẳm của mình”?

Đương nhiên đó không phải là tất cả, nhưng có những diện mạo học trò tôi như thế đó. Mà đó đang là những học sinh trung học.

Vì sao tôi nhấn mạnh vào cấp học này? Xin chia sẻ đôi điều từ những suy nghĩ về sự học của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần.

Tôi nhớ trong Tôi tự học, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo con người ở cấp trung học:

“Cần phải lợi dụng thời gian cấp trung học này... để dạy cho trẻ em một cái vốn hiểu biết căn bản thuần túy, dạy cho chúng biết sử dụng óc thông minh và tình cảm tốt đẹp, tạo cho chúng một nếp sống tinh thần, một phương pháp làm việc có lề lối và học hỏi kiểu mẫu, sửa chữa cho chúng về tư tưởng và khuynh hướng sai lầm, đồng thời tu bổ và khởi phát những khả năng tốt đẹp chưa có cơ hội phát triển đúng đường lối”.

Ông tóm gọn: “Nói tắt một lời, lối dạy dỗ ở cấp trung học phải biết làm sống lại cái sống tiềm tàng trong con người, tức là cái học về bề sâu, cái học về con người sâu thẳm của mình” (*).

Nhưng cuộc sống xã hội hiện nay có tạo điều kiện để lứa tuổi trung học “có thể học về con người sâu thẳm của mình” như Thu Giang Nguyễn Duy Cần mong muốn? Khi quanh chúng dường như không điều gì quan trọng hơn những nhu cầu vật chất được đáp ứng.

Thời gian dành cho gia đình bị đẩy lùi xuống hàng thứ mấy không biết trong cái nấc thang những sự việc quan trọng của các bậc phụ huynh hôm nay? Thói quen ở ngoài đường nhiều hơn về nhà từ người lớn, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm đã hằn lên nơi trẻ một nếp nghĩ: Ngôi nhà không có gia đình thì chắc gia đình sẽ có ở... ngoài đường!

Và thế là khả năng tụ tập chúng bạn cũng bắt đầu manh nha, rồi dần dà trở thành một nhu cầu không thể thiếu nơi các em. Cùng thời gian đó, những đứa trẻ khác đến lớp trong sự dõi theo của cha, sự chăm lo của mẹ, thì những đứa trẻ này tìm đến bạn bè để được quan tâm, chia sẻ, điều mà lứa tuổi các em vốn cần nhưng gia đình lại không thể đáp ứng.

Dễ hiểu những đứa trẻ từ đường phố, trong sự cô đơn tự thân, đã “truyền thụ” cho nhau những gì: đó là bài học về sự không tôn trọng bản thân (vì có ai nâng niu các em?), tiếp đến là bài học không có niềm tin vào thế giới người lớn (vì chẳng ai cho các em có cơ hội đó) và cuối cùng là sự hằn học, tìm cách tước đoạt sự đầy đủ nơi những đứa trẻ khác. 

Không phải để biện minh cho những sai phạm nhà giáo trong việc thiếu kiềm chế khi xử phạt học sinh, nhưng vấn đề chúng tôi muốn đặt ra là khi lên án tình trạng bạo lực học đường trong việc học sinh đánh nhau, người ta cứ chăm chăm tìm hiểu nguyên nhân từ thầy cô giáo mà không bao giờ bình tĩnh xem xét rằng một vài đòn roi từ thầy cô liệu có đủ sức để tạo nên hành vi hung hãn, hiếu chiến và thậm chí gần như côn đồ nơi các em?

Khi chúng không bao giờ được người lớn cho cơ hội để học về sâu thẳm tâm hồn mình.

Thời chúng tôi còn đi học, tất nhiên cũng có những học sinh có hành vi sai lệch. Cũng có học sinh bất trị, nổi loạn. Thế nhưng khi đó, biện pháp cuối cùng được áp dụng và áp dụng có hiệu quả nhất là mời phụ huynh đến trường giải quyết.

Còn hôm nay, việc mời phụ huynh đến trường khi con trẻ có vấn đề, như trong những câu chuyện kể trên, lắm khi còn tạo ra thêm vấn đề, chưa kể sự nhiễu loạn của xã hội trong việc truyền thông cũng góp phần vào việc làm cho trắng đen lẫn lộn...

Khi “ở trường cô dạy em thế” mà về nhà “ông, bà, cha, mẹ khác thế” và ra xã hội “sao mà khác quá thế”, lên Internet thì thành “hiểu không ra làm sao”, thì diện mạo của học sinh tôi đang thay đổi thế nào?

Nên thầy cô giáo chúng tôi, vốn được coi là người đưa đò, đưa những thế hệ học sinh qua sông ra biển, đang phải hỏi nhau rằng: “Đưa người... ta đưa ai qua sông” (**) đây? 

(*): Tôi tự học, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, NXB Trẻ 2012, tr.181.

(**): ý thơ của Thâm Tâm trong Tống biệt hành.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận