Những khuyến nghị mới cho giáo dục đại học

NGÔ BẢO CHÂU - NHÓM VED 13/06/2015 00:06 GMT+7

TTCT - Một bản khuyến nghị dài 8.000 từ dựa trên kết quả nghiên cứu về phương hướng cải cách đại học (ĐH) ở Việt Nam trong ba năm của Nhóm đối thoại giáo dục Việt Nam (VED) do giáo sư Ngô Bảo Châu chủ trì vừa được gửi tới các vị lãnh đạo có thẩm quyền về giáo dục ở Việt Nam. Nghiên cứu này đưa ra năm nhóm vấn đề chính, mỗi vấn đề đều có phân tích hiện trạng, hướng giải quyết, khuyến nghị giải pháp và lộ trình thực hiện.

Minh họa: Bích Khoa
Sự cần thiết của cải cách hệ thống giáo dục ĐH xuất phát từ nhận thức chung của xã hội về sự yếu kém của giáo dục ĐH và nguy cơ tụt hậu so với thế giới hoặc thậm chí so với khu vực.

Quan điểm chung của VED

Tuy có nhận thức chung về sự cần thiết của cải cách giáo dục ĐH, thực tế cho thấy còn tồn tại rất nhiều bất đồng về phương hướng và mức độ cải cách. Quan điểm chung của VED là: 

1) Hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam cần được cải cách cơ bản và sâu sắc ngay từ nguyên lý và quy tắc tổ chức; không thể chỉ thay đổi một vài chi tiết. 

2) Cải cách cơ bản và sâu sắc là một quá trình lâu dài và liên tục, không phải là một đơn thuốc có tính công phạt. Trước hết cần tạo ra những vận động tích cực của xã hội, phát huy triệt để các động lực tích cực của xã hội để khởi động, để rồi dựa vào những vận động, động lực đó mà tiếp tục cải cách sâu sắc hơn. 

3) Mô hình dài hạn cần hướng tới là mô hình của các nước đã phát triển, nhưng cũng cần lưu ý những đặc thù của ĐH Việt Nam để xây dựng một lộ trình cải cách hiệu quả.

Cải cách mô hình quản trị

Các trường ĐH công lập thuộc sở hữu toàn dân, được Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu. Các bộ, UBND tỉnh thay mặt Nhà nước thực hiện quyền và trách nhiệm chủ sở hữu thông qua vai trò bộ chủ quản, cơ quan chủ quản. Bộ GD-ĐT có vai trò: (i) điều tiết thông qua những quy định, quy chế chung cho tất cả các trường ĐH; (ii) quản trị nhà trường thông qua quyết định bổ nhiệm nhân sự chủ chốt, trong đó có ban giám hiệu của các trường do bộ làm chủ quản.

Chúng tôi cho rằng việc Bộ GD-ĐT và một số bộ, UBND làm “chủ” hơn 330 trường ĐH, CĐ công lập trên thực tế là một việc bất khả thi, tước đi của các trường những nguồn lực, động cơ đáng kể. 

Theo một nghĩa nào đó, hơn 330 trường ĐH và CĐ công lập này chưa có “chủ” thật sự. Định chế được ủy thác trách nhiệm làm chủ một ĐH phải hoạt động toàn tâm toàn ý vì sự phát triển, vì lợi ích riêng của trường mình, trong khi Bộ GD-ĐT có trách nhiệm điều tiết để đảm bảo sự phát triển chung. 

Tuy tin rằng các trường ĐH Việt Nam sẽ cần có những người “chủ” thật sự, chúng tôi thấy cần dè dặt khi sử dụng thuật ngữ này vì nó có thể bị hiểu nhầm thành chủ sở hữu đất đai và cơ sở vật chất. 

Cần nhấn mạnh hai thuộc tính cơ bản của sở hữu ĐH: một là sở hữu ĐH không sinh ra cổ tức, không trực tiếp sinh ra lợi nhuận; hai là sở hữu ĐH không có tính kế thừa theo huyết thống. Những người được ủy thác làm “chủ” hay quản trị một ĐH phải làm việc đó vì lợi ích của xã hội, hoặc vì lợi ích của địa phương, của ngành nghề mà mình đại diện. (Xin lưu ý: các lập luận này không bao gồm các ĐH vị lợi nhuận hoạt động theo nguyên lý chung của thị trường).

Tự chủ ĐH là động lực lớn cho cải cách ĐH. Vấn đề cần suy nghĩ là hình thành khung pháp lý, thiết kế quy tắc quản lý nhà nước và quản trị nội bộ, những thành tố làm nên nội dung của khái niệm “tự chủ ĐH”. VED cho rằng thay cho các hội đồng trường có vai trò tham vấn, các trường ĐH cần có hội đồng ủy thác (hay hội đồng tín thác - board of trustees) với quyền lực tương tự hội đồng quản trị của các doanh nghiệp. 

Địa phương và các bộ ngành liên quan thực hiện quyền và trách nhiệm làm “chủ” của mình thông qua hội đồng ủy thác. Mọi quyết định quan trọng, trong đó có việc chỉ định ban giám hiệu trường và đề ra những phương hướng chính sách lớn liên quan đến quyền lợi và sự phát triển của trường phải được thực hiện trong các cuộc họp của hội đồng ủy thác.

Việc phân quyền làm “chủ” ĐH cho địa phương có các thuận lợi sau đây:

- Tăng thêm tính lành mạnh trong cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố, cũng như gia tăng tính thận trọng trong cân nhắc nhu cầu thực, tính khả thi của việc xây dựng ĐH của địa phương mình. Cần nhận thấy xu thế chung là có một ĐH mạnh, có tiếng tăm là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của địa phương hoặc vùng. 

- Địa phương là nơi có khả năng tốt nhất để vận động được sự ủng hộ xã hội lớn nhất cho trường. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân sẽ sẵn lòng hơn trong việc đóng góp tiền của xây dựng ĐH ở địa phương mà họ gắn bó.

- Để quá trình phân cấp không dẫn đến sự phát triển ào ạt và sự suy giảm chất lượng của các trường ĐH, các trường ĐH mới phải đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo; tất cả các trường ĐH cần được kiểm định chất lượng định kỳ và nếu cần thiết phải bị đóng cửa nếu không đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng.

Cải cách tài chính

Các nghiên cứu của VED xác định ba thách thức tài chính lớn trong giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay là: các trường ĐH thiếu kinh phí một cách trầm trọng. Thứ nhất, mức đầu tư của Nhà nước cho các trường công còn rất thấp. 

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2010, đầu tư cho giáo dục ĐH của Việt Nam chiếm 14% đầu tư của ngân sách nhà nước cho giáo dục. So với GDP thì tỉ lệ đầu tư công cho giáo dục ĐH là 0,9%. Trong khi đó mức trung bình đầu tư công cho giáo dục ĐH của các nước OECD là 1% GDP. Mỹ đang chi 2% GDP cho ĐH (1% từ nhà nước). 

Tính theo số tuyệt đối, đầu tư của Nhà nước cho giáo dục ĐH ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều. Thứ hai, mức học phí cho các trường công cũng rất thấp. Phần lớn các trường ĐH công ở Việt Nam có mức trần học phí theo quy định ở mức quá thấp.

Thứ ba, các nguồn thu khác như nguồn thu từ dịch vụ, từ dịch vụ khoa học, công nghệ, từ viện trợ, tài trợ, hiến tặng cũng quá thấp, trung bình chỉ khoảng 3% tổng nguồn thu hiện nay của các trường ĐH Việt Nam.

Cải cách tài chính cho hệ thống các trường ĐH Việt Nam cần tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên sau: i) Tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống ĐH, bao gồm cả tài trợ từ ngân sách lẫn đóng góp của xã hội; ii) Tự chủ tài chính cho các ĐH; iii) Thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường và chia thành ba kênh như trong mô hình nêu dưới đây.

Cần lưu ý rằng tăng tự chủ không có nghĩa là Nhà nước giảm hỗ trợ cho giáo dục ĐH. Ngược lại, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này, nhất là ưu tiên đầu tư về nghiên cứu khoa học, vì đây là đối tượng đầu tư quan trọng trong sự phát triển lâu dài của Việt Nam. Tăng tự chủ là một phương thức giúp Nhà nước phân bổ ngân sách hỗ trợ cho ĐH một cách hiệu quả hơn thay vì cào bằng.

Song song, Chính phủ cần can thiệp để giảm thiểu các khiếm khuyết chính sau của thị trường: i) Bất công bằng trong giáo dục: chỉ người giàu mới đủ tiền đi học; ii) Thiếu thông tin về chất lượng của các trường để người đi học lựa chọn; iii) Các trường chỉ tập trung vào nhu cầu của thị trường và xem nhẹ những ngành có lợi ích lâu dài cho xã hội.

VED đề xuất một mô hình dài hạn: Các trường được toàn quyền quyết định các vấn đề như số lượng tuyển sinh, mức học phí, chương trình và chất lượng đào tạo, chi tiêu từ lương đến các khoản chi và đầu tư khác ở mức thị trường, tiền hỗ trợ từ bên ngoài. Có cơ chế giám sát nội bộ và từ bên ngoài để chống các lạm dụng quyền tự chủ này. Có cơ chế cung cấp thông tin cho người dân lựa chọn trường.

Đảm bảo chất lượng 

Theo quan điểm của VED, để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, áp dụng đồng bộ cả bốn công cụ của đảm bảo chất lượng kể trên là một điều cần làm. Tuy vậy, trong điều kiện nguồn lực hữu hạn, Nhà nước nên tập trung vào hai công cụ kiểm định chất lượng và công khai thông tin chất lượng hơn vì tính khả thi và tính phổ dụng (có thể cho toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH) cao hơn. 

Đối với kiểm định chất lượng, cần tiếp tục hoàn thiện, cải tiến hệ thống, tiêu chí kiểm định chất lượng hiện tại trên cơ sở tham khảo hệ thống, tiêu chí của thế giới; áp dụng nhiều bộ tiêu chí kiểm định chất lượng khác nhau cho các bậc học khác nhau và cho các hình thức học khác nhau (chính quy, từ xa...). 

Cần tổ chức lại các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thành các trung tâm kiểm định độc lập, nằm ngoài Bộ GD-ĐT. Khuyến khích sự hiện diện của các tổ chức kiểm định quốc tế ở Việt Nam và có chính sách hỗ trợ các trường ĐH tham gia đánh giá kiểm định tại các tổ chức này.

Về công khai thông tin chất lượng, nhóm đề nghị giao cho một tổ chức độc lập tiến hành việc thu thập thông tin chất lượng giáo dục ĐH và công bố hằng năm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các trường ĐH, CĐ có nghĩa vụ phối hợp với tổ chức nói trên trong quá trình thu thập dữ liệu. 

Có thể tham khảo từ các nước như Mỹ, Anh, Hàn Quốc để thiết lập bộ chỉ số thông tin chất lượng, bao gồm: mức độ hài lòng của sinh viên sau tốt nghiệp, tỉ lệ sinh viên có việc làm 12 tháng sau tốt nghiệp, thu nhập trung bình của sinh viên sau tốt nghiệp... 

Dân chủ nội bộ và tự do học thuật

Theo VED, các định chế dân chủ nội bộ trong các trường ĐH Việt Nam còn thiếu hoặc nếu có thì còn khá sơ sài. Trong khi đó, sức mạnh và uy tín của các trường ĐH trong xã hội phụ thuộc không nhỏ vào các định chế dân chủ nội bộ, cũng như khả năng duy trì đạo đức và tự do trong học thuật. Bản thân chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy cũng bị chi phối nhiều bởi khả năng duy trì đạo đức và tự do trong học thuật. 

Theo đó, nhóm đề nghị thiết lập nghị trường giảng viên (Faculty Senate) với vai trò tham vấn mọi vấn đề liên quan đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong trường. Nghị trường giảng viên có thể đưa ra tiếng nói chung của giảng viên đối với các hiện tượng vi phạm đạo đức khoa học hoặc tự do học thuật. Nghị trường giảng viên bầu ra đại diện để tham vấn ban giám hiệu nhà trường. 

Bên cạnh đó, thiết lập nghị trường sinh viên (Student Senate) với vai trò tham vấn mọi vấn đề liên quan đến học tập và đời sống sinh viên. Nghị trường sinh viên bầu đại diện của mình để tham vấn ban giám hiệu nhà trường. 

Thiết lập các ủy ban (ủy ban kế hoạch, ủy ban tuyển dụng, ủy ban đề bạt, ủy ban đánh giá thường niên) để qua đó giảng viên tham vấn trực tiếp cho ban giám hiệu. 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận