Những lựa chọn khó khăn

DANH ĐỨC 25/12/2016 18:12 GMT+7

TTCT - Những sự biến dồn dập trong tuần lễ qua - vụ ám sát đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, và vụ tấn công bằng xe tải ở Berlin khiến 12 người thiệt mạng - cũng như kết quả của cuộc trưng cầu ý dân “Brexit” và bầu cử tổng thống Mỹ trước đó, đặt Liên minh châu Âu (EU) trước thử thách chưa từng thấy khi năm 2016 khép lại.

Vụ ám sát đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm thay đổi cục diện quan hệ tay ba EU - Thổ Nhĩ Kỳ - Nga-nymag.com
Vụ ám sát đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm thay đổi cục diện quan hệ tay ba EU - Thổ Nhĩ Kỳ - Nga-nymag.com


Hai tấn thảm kịch vừa qua chắc chắn sẽ buộc EU phải điều chỉnh lại “bánh lái” của con tàu vốn đang ở trên một hành trình đầy nhọc nhằn, với cuộc khủng hoảng tài chính, rồi khủng hoảng người tị nạn, dưới sức ép ngàn cân của “gấu Nga”, và việc phải đối mặt với một Donald Trump không thể lường trước.

Vụ đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov bị bắn chết giữa thanh thiên bạch nhật (hung thủ là Mevlut Mert Altintas, một cảnh sát 22 tuổi) đã được The Atlantic khẳng định không phải là một sự cố “Franz Ferdinand” nữa của châu Âu (ám chỉ vụ ám sát thái tử Áo - Hung dẫn tới Thế chiến I hồi năm 1914), nhưng nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng trầm trọng tới mối quan hệ giằng co phức tạp EU - Thổ Nhĩ Kỳ - Nga, xoay quanh cuộc chiến Syria và rất nhiều vấn đề khác.

Trong khi đó, vụ xe tải lao vào chợ Giáng sinh ở Berlin, diễn ra sau đó chỉ vài giờ, đang đặt Thủ tướng Đức Angela Merkel - lãnh tụ không chính thức của EU - trước những thách thức chưa từng thấy.


Nước Mỹ trên hết, EU ở đâu?

Các lãnh đạo EU trước đó đã đủ đau đầu với thắng lợi của ông Trump ở Mỹ. Những loay hoay ở “giờ thứ 25” của tổng thống mãn nhiệm Barack Obama phanh phui việc Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử hay không ngay trước ngày các đại cử tri bỏ phiếu cho thấy rõ ràng nước Mỹ, ít nhất cũng là đảng cầm quyền, nuốt chưa trôi viên thuốc đắng bầu cử 2016.

Dông dài chuyện nội bộ Mỹ như thế để cảm nhận rõ hơn sự bất ngờ và bối rối của các chính phủ EU trong những ngày cuối cùng của năm 2016 dồn dập sự biến với họ.

Một ngày sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngã ngũ, từ diễn đàn một sự kiện kinh doanh tại Berlin, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố EU cần được tổng thống đắc cử làm rõ một số vấn đề then chốt trong quan hệ tới đây giữa EU và Mỹ.

Chủ tịch Juncker nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn biết mọi việc sẽ được tiến hành ra sao với chính sách thương mại toàn cầu của ông ấy (Trump)... Thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ, tôi không xem đó như là một điều gì đó sẽ xảy ra trong hai năm tới”.

Thỏa thuận thương mại mà ông Juncker nói khó hi vọng đạt được chính là Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), một thỏa thuận tương tự Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Obama đã hoàn tất đàm phán với các đối tác châu Á - Thái Bình Dương.

Tự thân TTIP, dưới thời Obama, đã là cực kỳ khó đàm phán rồi, thậm chí đàm phán vỡ hôm 28-8 sau ba năm cân lên đặt xuống từng chi tiết, bất chấp việc đây là một sáng kiến được cả Tổng thống Mỹ Obama cùng các lãnh đạo EU tán thành; huống hồ giờ thế chỗ ông Obama là một Donald Trump vừa thắng cử đã tuyên bố ngày sẽ xóa sổ TPP ngay hôm nhậm chức!

TPP có quy mô nhỏ hơn hẳn TTIP, nhất là trong lĩnh vực đầu tư và việc làm, còn bị ông Trump “dập” thẳng tay, huống hồ là một EU mà lượng đầu tư trực tiếp của Mỹ vào đấy nhiều gấp ba lần vào toàn thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương (số liệu của phái đoàn đại diện EU tại Mỹ, euintheus.org).

Đó là chưa kể TPP đã thành hiệp định chỉ còn chờ phê chuẩn, còn TTIP thì vẫn chưa đàm phán xong. Ông Trump, trong khi tuyên bố dẹp ngay TPP, thậm chí chẳng buồn nhắc đến TTIP!

Vướng mắc thứ hai của chính quyền mới ở Mỹ và EU sẽ là vấn đề môi trường, mà cụ thể là năng lượng tái tạo. Ông Trump từ lâu đã không ưa các thỏa thuận về tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái sinh và biến đổi khí hậu.

Sáu tháng trước bầu cử, tờ New York Times 26-5-2016 đã chạy tít: “Kế hoạch năng lượng của Donald Trump: nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn, đồng thời ít luật lệ hơn”.

Sau bầu cử, lựa chọn nhân sự của Trump càng nêu bật điều đó. Dưới thời Obama, cả hai bộ trưởng năng lượng - Steven Chu và Ernest Moniz - đều là các nhà khoa học; Sally Jewell - bộ trưởng nội vụ - là một nhà bảo vệ môi trường lớn tiếng.

Trong khi đó, Scott Pruitt, lựa chọn của Trump để đứng đầu cơ quan bảo vệ môi trường, là một người từng dành nhiều năm kiện chính quyền Obama nhằm ngăn chặn các chính sách giảm lượng khí thải carbon. Rex Tillerson, ứng cử viên cho chức ngoại trưởng, thì điều hành ExxonMobil - công ty dầu khí lớn nhất thế giới.

Sau bầu cử, kênh truyền hình nội địa PBS vì thế đã than vãn: “Nội các của Trump có thể sẽ làm thay đổi bộ mặt chính sách năng lượng của Hoa Kỳ”.

Ngay ở Mỹ, dân bảo vệ môi trường còn lắc đầu huống hồ gì là các lãnh đạo châu Âu. Ông Juncker không nói thẳng, nhưng cũng cho thấy hi vọng của ông mong manh ra sao: “Chúng ta phải biết những gì ông ấy định theo đuổi trong các chính sách khí hậu. Điều này phải được làm sáng tỏ trong vài tháng tới!”.

Người dân Berlin đặt hoa tưởng niệm nạn nhân vụ xe tải tông vào chợ Noel. Ảnh DW

 


Tự bơi là vừa

Thắc mắc thứ nhì của EU về chủ nhân tới đây của Nhà Trắng là quan hệ Mỹ - NATO - EU. “Chúng tôi muốn biết rõ những ý định của ông ấy về liên minh NATO” - ông Juncker nói thêm.

Ông Trump đã hứa trong khi tranh cử rằng Mỹ sẽ giảm bớt gánh nặng bảo đảm an ninh khắp nơi, hoặc tối thiểu bắt các đồng minh phải chia sẻ. Trong bối cảnh đó, EU càng sốt ruột muốn nghe một lời xác nhận rõ ràng liên quan tới NATO.

Trong khi chờ đợi, EU phải tự định hướng lại, nhất là khi mối đe dọa khủng bố và sức ép từ Nga đang lớn hơn bao giờ hết.

Trong cuộc họp thượng đỉnh hằng tháng của EU ngày 15-12, cũng là cuộc họp cuối năm 2016, lãnh đạo các chính phủ EU đã ra các “nghị quyết” sau trong biên bản kết luận cuộc họp của EC: “(10) Người châu Âu phải có trách nhiệm hơn đối với an ninh của họ.

Để tăng cường an ninh, quốc phòng của châu Âu trong một môi trường địa chính trị khó khăn, và để bảo vệ tốt hơn các công dân của mình, EC đồng lòng khẳng định cam kết thực hiện điều này, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đồng ý nỗ lực nhiều hơn nữa, bao gồm cả việc huy động các tài nguyên bổ sung một cách đầy đủ, trong khi vẫn chiếu cố đến những hoàn cảnh cùng các cam kết pháp lý của các quốc gia.

Đối với các nước thành viên EU đồng thời là thành viên NATO, điều này là phù hợp với hướng dẫn của NATO về việc chi tiêu quốc phòng”.

Nói cách khác, sự tồn tại về mặt an ninh của EU nay sẽ do chính người EU tự lo, một cách tự chủ, không trông chờ ai khác.

Sau những gì diễn ra ở Ankara và Berlin, khá rõ ràng là Mỹ, ngoài những tuyên bố lên án và khích lệ tinh thần, sẽ không thể đóng một vai trò kịp thời và đủ lớn dù là cho các vấn đề an ninh nội bộ - tức chống khủng bố, hay an ninh trước các mối đe dọa từ bên ngoài - như một liên minh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran, để giúp rập cho EU.

Nước xa vốn dĩ đã không cứu được lửa gần, nay điều đó lại càng đúng với một nước Mỹ dưới quyền Donald Trump. Trừ 5 nước EU không tham gia NATO (Áo, Phần Lan, Ireland, Malta và Thụy Điển), các nước còn lại sẽ ráng mà góp sức người, sức của một cách “hết sức” vào các hoạt động phòng vệ quân sự, mà đến cuối năm 2017, sau khi hoàn tất cơ chế Athena mới, sẽ không cần “dưới trướng” NATO nữa.

Độc lập quốc phòng cũng chính là độc lập với ý muốn của Mỹ trong vỏ bọc NATO, song muốn yên ổn không phải dễ! Chuyện NATO “bành trướng” để rồi bị Nga “phản ứng” là chuyện tranh chấp giữa hai “ông lớn” Mỹ và Nga.

Tuy nhiên, ở vùng chiến tuyến lại là gần như toàn bộ các nước EU, vốn nằm trong tầm bắn của ngay các loại tên lửa phòng không S-400 và tên lửa hủy diệt tầm ngắn Iskander đặt ở Kaliningrad, chứ đừng nói tới các loại tên lửa liên lục địa đầy dọa nạt.

Ở vùng lãnh thổ tách rời nằm ngay “dưới chân” các nước Baltic và “trên đầu” Ba Lan này, Nga đang đồn trú tới 225.000 binh lính, tính đến hết năm 2014. Nên nhớ, toàn bộ Kaliningrad chỉ có diện tích là 215,7km² và dân số chỉ hơn 420.000 người!

Xung quanh pháo đài giữa lòng châu Âu đó của Nga là những nước thành viên NATO chỉ có quân đội “làm vì”.

Estonia: 17.500 binh sĩ, kinh phí quốc phòng 488 triệu USD, toàn bộ lực lượng không quân có... 9 chiếc máy bay ở cả căn cứ Ämari, không đủ làm mồi cho chỉ một quả Iskander! Lithuania: 20.565 quân, ngân sách quốc phòng 753 triệu USD, lực lượng không quân cũng chỉ gồm một dúm máy bay cũ. Latvia thậm chí chỉ có cả thảy 4.600 binh sĩ!

Trong cán cân lực lượng mất cân đối nghiêm trọng đó, việc nhờ cậy NATO bảo vệ không phận là chẳng đặng đừng, khi mà kinh nghiệm thực tế của cuộc chiến tranh chớp nhoáng Gruzia - Nga năm 2008 dẫn đến các tỉnh Nam Ossetia và Abkhazia đông cư dân người gốc Nga tuyên bố “độc lập”, cũng như việc Crimea “trở về với đất mẹ” năm 2014 từ Ukraine, cho thấy nhiều khả năng chẳng ai giúp được EU và các thành viên khi thực sự “có biến”.

Còn với an ninh nội bộ của EU, thảm kịch ở Berlin cho thấy nỗi lo vẫn còn quá lớn, nhất là khi những gì xảy ra gần như lặp lại y xì vụ cán người ở Nice, Pháp, mới hồi tháng 7-2016.

Cho tới giờ, những câu hỏi mà các nhà điều tra đang đặt ra là: (1) Đây là một tai nạn bất ngờ hay một hành động đơn lẻ? (2) Hành động có chủ ý của một tổ chức Hồi giáo “quen thuộc”? (3) Âm mưu kình chống trong nội bộ? Và (4) Đòn ám toán do các thế lực nước ngoài chỉ đạo, giật dây?

Cũng thế, các dấu hỏi tương tự về vụ ám sát đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, với câu hỏi có khác một chút do liên quan tới nghi vấn về vấn đề người Kurd đặc trưng của Ankara.

Trong mớ bòng bong nghi vấn đó, bao gồm cả thuyết âm mưu về hỏa mù tự tạo nhằm tìm kiếm một cái cớ cần thiết để ra tay, EU xem ra đã quá chậm chạp trong việc tìm câu trả lời, khi ngay cả với kết luận họp thượng đỉnh ngày 15-12 vừa rồi cũng mới dừng lại ở đề xuất chia sẻ thông tin.■

Trong bối cảnh địa chính trị hoàn toàn mới, khi nước Mỹ của Trump không còn muốn là “ô dù” cho cả châu Á lẫn châu Âu, với một nước Nga luôn cứng rắn và nhiều tham vọng, các cuộc bầu cử ở châu Âu năm 2017 sẽ là những chọn lựa đầy khó khăn cho cả các cử tri lẫn giới quan sát, đặc biệt là ở Đức và Pháp, hai “đầu tàu” còn lại của EU sau khi “đầu tàu” thứ ba đã “Brexit”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận