Những ngóc ngách của một thỏa thuận

DANH ĐỨC 30/11/2018 22:11 GMT+7

TTCT - Thỏa thuận dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc mới đây không khỏi gây thắc mắc. Bên cạnh đó là những tò mò “ai là ai?” trong vụ này.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Rappler
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Rappler

 

Bản ghi nhớ hợp tác dầu khí Philippines - Trung Quốc được hai bộ trưởng ngoại giao Teodoro Locsin của Philippines và Vương Nghị của Trung Quốc ký kết trong sự chứng kiến của hai nhà lãnh đạo Rodrigo Duterte - Tập Cận Bình nhân chuyến công du Philippines của ông Tập.

Thỏa thuận này là một trong 29 thỏa thuận song phương được ký kết dịp này, như một khởi đầu cho hứa hẹn cam kết hỗ trợ tài chính trị giá 24 tỉ USD của Trung Quốc nhân chuyến thăm Bắc Kinh của ông Duterte năm 2016 cho các chương trình nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Philippines, mà tới nay vẫn chưa khởi động.

Phía Philippines

Tất nhiên, “nhà sản xuất kiêm đạo diễn” của toàn bộ 29 thỏa thuận là đương kim Tổng thống Philippines Duterte trong nỗ lực “bẻ ghi” chính sách đối ngoại từ đồng minh sát rạt với Hoa Kỳ trở thành đối tác toàn diện với Trung Quốc, đúng với ý muốn của ông Tập Cận Bình trong thư chúc mừng ông Duterte đắc cử tổng thống đề ngày 30-5-2016: “Tôi hi vọng hai bên có thể hợp tác để thúc đẩy mối quan hệ Trung Quốc - Philippines trở lại đúng hướng phát triển lành mạnh”.

Chính việc “bẻ ghi” đối ngoại của ông Duterte đã dẫn đến chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Trung Quốc tới Philippines trong 13 năm qua.

Ông Duterte dọn đường cho chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập bằng một loạt tuyên bố chắc chắn không chỉ là “đầu môi”.

Hôm 19-2, nhân kỷ niệm ngày thành lập Câu lạc bộ doanh nhân Trung Quốc tại Philippines, ông đã thản nhiên buông một câu, được cho là nói đùa, trong tiếng vỗ tay của cử tọa là các doanh nhân Philippines và Trung Quốc: “Nếu quý vị muốn, hãy biến chúng tôi thành một tỉnh của quý vị, như tỉnh Phúc Kiến ấy. Tỉnh Philippines”, theo trang tin Rappler ngày 19-2-2018.

Cũng theo Rappler, ông Duterte còn cho biết các cuộc đàm phán về thăm dò chung với Trung Quốc đang được tiến hành, và ông đã thử đưa ra một đề xuất “ăn chia” như sau: “Do đó là dầu mỏ, và là liên doanh, nên chúng tôi sẽ được phần chia lớn, tụi tôi 2/3, quý vị 1/3”.

Không chỉ hứa hẹn “chia” dầu mỏ với Trung Quốc, ông Duterte còn hứa hẹn cho Trung Quốc lập căn cứ quân sự. Rappler tường thuật: “Ông Duterte cũng thừa nhận trong bài phát biểu của mình rằng Trung Quốc đang xây dựng “căn cứ quân sự” ở biển Tây Philippines, nhưng ông nói rằng sẽ là ngớ ngẩn nếu ai đó nghĩ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng cơ sở quân sự như vậy để chống lại Philippines”.

Chín tháng sau, câu nói đùa “Quý vị hãy biến Philippines thành một tỉnh của Trung Quốc” dường như đã được minh họa cụ thể trong buổi đón ông Tập. Rappler 21-11-2018 tường thuật: “Nhiều người nhận thấy sự vắng mặt của lá cờ mang huy hiệu chính thức của tổng thống Philippines (trong cuộc tiếp).

Lá cờ này hiện diện bất cứ nơi nào tổng thống có mặt, đặc biệt là khi duyệt đội danh dự. Nhà sử gia, nguyên phó phụ trách truyền thông phủ tổng thống Manuel Quezon III nhắc lại: 'Đó là một trong những giao thức lễ tân chính thức lâu đời nhất'”.

Cũng thế, quốc kỳ Trung Quốc luôn được xếp bên tay trái theo mắt người nhìn trong suốt chuyến thăm của ông Tập, mà theo quy định lễ tân của Philippines vốn luôn là vị trí của quốc kỳ chủ nhà. Bình luận về những sự phá lệ này, sử gia Eufemio Agbayani III phát biểu:

“Chính phủ của chúng ta dường như quá quan tâm đến việc chiều lòng các vị khách Trung Quốc, nên họ đã tuân theo quy tắc lễ tân của Trung Quốc, thay vì của Philippines. Khi chúng ta đặt lá cờ Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác ở vị trí nổi bật hơn so với cờ Philippines ngay tại đất nước chúng ta, điều đó hẳn phải có ý nghĩa gì đ ấy”.

Tất nhiên, ông Duterte không “đơn ca”, phụ họa cho ông là cả một dàn đồng ca. 12 ngày trước cuộc gặp doanh nhân Trung Quốc nói trên của ông Duterte, người phát ngôn của ông, Harry Roque, cũng đã nửa thật nửa đùa trong một cuộc phỏng vấn, mà theo Rappler ngày 7-2-2018, do một ngòi bút phục vụ ông Duterte tên là Franco Mabanta thực hiện.

“Sẽ có lúc Trung Quốc dừng lại, lúc đó chúng ta sẽ cảm ơn họ vì những hòn đảo đó. Các căn cứ đó, rõ ràng, sẽ là của chúng ta, nếu chúng ta bảo họ rời đi” - ông Roque phát biểu (ông Roque đã thôi làm người phát ngôn tổng thống từ giữa tháng 10-2018).

Trong các tin tức về bản ghi nhớ Philippines - Trung Quốc, nổi lên chi tiết Ngoại trưởng Philippines Locsin nhận là đã được phía Trung Quốc ủy thác chuyện soạn văn kiện này.

“Họ đã ngầm tin tưởng tôi để tôi viết bản ghi nhớ đó theo ý tôi” - ông Locsin nói với CNN Philippines ngày 22-11-2018. Thật ra, đàm phán Philippines - Trung Quốc, theo lời ông Duterte, đã bắt đầu từ ngày 19-2-2018, từ thời cựu ngoại trưởng Alan Peter Cayetano, giữ chức từ 18-5-2017 đến 17-10-2018.

Quan điểm của ông Locsin về thế nào là chủ quyền có thể được tóm tắt bằng chính tin Twitter của ông lúc 4h23 chiều thứ hai 26-11. Đầu tiên, ông chia sẻ một tin Twitter của tài khoản Littleblonde1: “Ngư dân Hà Lan đánh bắt hơn 50% số cá của họ trong vùng biển của nước Anh...

Sau đó, họ chế biến, đóng hộp rồi bán ngược lại cho Anh!”. Rồi ông bình luận: “Coi bộ chẳng có chuyện mất hay giảm chủ quyền gì cả, do lẽ cá đâu có quốc tịch!”. Qua sáng thứ ba 27-11, càng hiểu ông Locsin thêm qua một tin Twitter nữa: “Hiện tôi đang hối hận vì đã từ khước một thỏa thuận được đề xuất về việc phối hợp chặt chẽ hơn giữa lực lượng duyên phòng Trung Quốc và Philippines”.

Phía Trung Quốc

Nếu thái độ của tổng thống và bộ trưởng ngoại giao Philippines, một trong hai bên ký kết bản ghi nhớ dầu khí, đã khá rõ ràng, thì phía Trung Quốc ra sao?

Trong cuộc họp báo ở Davao nói trên, trả lời một câu hỏi về tình hình tương lai biển Nam Hải (tức Biển Đông), ông Vương Nghị đánh giá: “Mấy năm nay, mỗi khi tôi gặp những người bạn Philippines, chúng tôi đều nói về vấn đề Nam Hải.

Nhưng bây giờ chúng tôi cảm thấy hoàn toàn khác biệt. Dưới sự chỉ đạo của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Philippines, tình hình ở Nam Hải đang trở nên ổn định và lành mạnh thông qua những nỗ lực của hai bên. Các nước liên quan trở lại đúng hướng giải quyết tranh chấp đúng đắn thông qua đối thoại và tham vấn...

Trong tháng này, Trung Quốc và Philippines đã tổ chức một loạt cuộc họp song phương liên quan đến vấn đề Nam Hải... Là một quốc gia điều phối viên cho quan hệ Trung Quốc - ASEAN, Philippines đã đóng một vai trò quan trọng và tích cực trong đàm phán này, mà phía Trung Quốc đánh giá cao”.

Sau đó, ông Vương Nghị nói đến chuyện tương lai: “Trong bước tiếp theo, chúng tôi sẵn sàng làm việc với các nước ASEAN, bao gồm Philippines, để nỗ lực trong một số khía cạnh nhằm củng cố thêm đà phát triển hiện tại. Đầu tiên, chúng tôi sẽ thúc đẩy hợp tác hàng hải.

Phía Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Philippines và các nước khác trên bờ biển Nam Hải để tăng cường hợp tác thực tế trong việc bảo vệ môi trường, khảo sát khoa học, ngư nghiệp, cứu hộ và các lĩnh vực khác, để tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và mang lại lợi ích cho người dân các nước. Phía Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Philippines để tiếp tục thăm dò và phát triển chung dầu và khí đốt ở Nam Hải.

Vừa theo đuổi sự phát triển chung, vừa giải quyết tranh chấp là một tầm nhìn chính trị sáng suốt mà nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đề xuất khi ông gặp lãnh đạo Philippines cách đây 32 năm.

Nếu chúng ta có thể đạt được sự phát triển chung mà không ảnh hưởng đến các yêu sách chủ quyền mỗi bên, chúng tôi sẽ không chỉ giúp Philippines giảm bớt tình trạng thiếu năng lượng mà nước này có thể phải đối mặt trong tương lai, mà còn tìm ra một cách thiết thực giải quyết những tranh chấp cho cả Trung Quốc lẫn Philippines, và tạo ra một ví dụ tốt cho việc tiến hành hợp tác kiểu như vậy giữa các quốc gia khác trên bờ Nam Hải”.

Cuộc họp báo trên diễn ra hôm 29-10, tức 14 ngày sau khi ông Locsin lên giữ chức ngoại trưởng Philippines. Có thể việc Trung Quốc “ủy nhiệm” ông Locsin soạn bản ghi nhớ hợp tác dầu khí đã diễn ra vào dịp này, sau khi ông Vương Nghị thuyết phục được ông Locsin, điều không khó bởi lập trường mềm mỏng của ông Locsin như nêu trên!■

Theo bản ghi nhớ, đại diện cho phía Trung Quốc là Tổng công ty Dầu khí quốc gia (CNOOC). Còn phía Philippines sẽ ủy quyền cho một hoặc nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng dịch vụ với chính phủ nước này. Nếu không có doanh nghiệp như vậy, thẩm quyền sẽ được trao cho Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí quốc gia (PNOC-EC).

Tin từ Bộ Năng lượng Philippines ngày 22-11 cho biết doanh nhân Manuel V. Pangilinan đã bày tỏ hi vọng đây sẽ là một điểm xuất phát tích cực. Đại gia Manuel V. Pangilinan, tổng tài sản 105 triệu USD theo Forbes, hiện lãnh đạo và làm chủ nhiều tập đoàn, trong đó có tập đoàn viễn thông lớn nhất nước PLDT và tập đoàn MPIC chuyên đầu tư vào phân phối điện, nước, năng lượng, hạ tầng…

Trong vai trò lãnh đạo MPIC, Manuel V. Pangilinan được mời làm diễn giả duy nhất đại diện cho Philippines trong hội nghị quốc tế về “Vành đai và con đường” do Đặc khu Hong Kong và Hội đồng thương mại Hong Kong tổ chức năm nay (theo The Philippine Star 18-8-2018). Manuel V. Pangilinan cùng MPIC có thể sẽ là ứng viên đại diện cho Philippines trong liên doanh sắp tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận