Những người bạn của ông Putin

DANH ĐỨC 09/04/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Chủ nhật vừa rồi, ở Hungary, Đảng Fidesz của Thủ tướng Viktor Orbán lại chiến thắng lần thứ tư liên tiếp. Chủ nhật này tại Pháp, bà Marine Le Pen của đảng cực hữu Tập hợp dân tộc (RN) lại ra tranh cử tổng thống, vẫn với ít nhiều hy vọng. Mẫu số chung của ông Orbán và bà Le Pen là... thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Sau khi có kết quả bầu cử, ông Orbán, Thủ tướng Hungary, phát biểu ngay đầy khiêu khích với Liên minh châu Âu (EU): “Chúng tôi đã giành được một chiến thắng lớn đến mức bạn có thể nhìn thấy nó từ Mặt trăng, nên chắc chắn từ Brussels, người ta cũng phải thấy”.

Matxcơva chúc mừng, Brussels rủa thầm

Quả là Brussels, thủ phủ của EU, không vui vẻ chút nào trước thắng lợi một lần nữa của ông Orbán. 

Số là Đảng Fidesz (Liên minh những nhà dân chủ trẻ), thành lập từ năm 1988, và các đảng đồng minh, vừa giành được đến 135/199 ghế trong Quốc hội đơn viện của Hungary, dư đủ để tiếp tục cầm quyền lần thứ tư liên tiếp. 

 
 Ông Orbán lần thứ tư chiến thắng trong bầu cử ở Hungary. Ảnh: AP

Lần thứ nhất là vào năm 2010, với 52,73% số phiếu phổ thông quy ra thành đa số 2/3 số ghế, giúp ông Orbán đủ thẩm quyền thay đổi Hiến pháp và cải cách bầu cử, giảm số ghế trong Nghị viện xuống từ 386 xuống còn 199 ghế. 

Những cải cách này giúp Đảng Fidesz chiếm đa số trong cuộc bầu cử năm 2014 và tiếp tục cầm quyền. Ở cuộc bầu cử năm 2018, liên minh Fidesz - KDNP (Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo) giúp ông Orbán tiếp tục làm thủ tướng. 

Cuộc bầu cử năm 2018 được coi là một chiến thắng của chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở châu Âu, tương tự thắng lợi của ông Donald Trump bên Mỹ. 

Năm 2022 này cũng thế. Và ngay lập tức, thông tấn xã Nga TASS loan tin Tổng thống Putin đã gửi cho Thủ tướng Orbán điện chúc mừng trong đó khẳng định “bất chấp tình hình quốc tế phức tạp, việc phát triển hơn nữa quan hệ đối tác song phương đáp ứng đầy đủ lợi ích của nhân dân Nga và Hungary”.

Phía bên kia, EU đến hết ngày thứ ba 5-4, tức hai ngày sau bầu cử, vẫn chưa đưa ra một phát biểu gì, lờ đi ông Orbán. Tất cả chỉ thể hiện gián tiếp trên báo chí. 

Tờ The Brussels Times 5-4 đưa tin: “Tại cuộc họp báo ngày hôm qua ở Brussels (4-4), người phát ngôn của Ủy ban châu Âu từ chối bình luận về kết quả cuộc bầu cử và không xác nhận liệu Chủ tịch Ủy ban von der Leyen có chúc mừng ông Orbán hay không”. 

Nhật báo Le Soir từ Brussels bình luận sâu hơn về ông Orbán: “Bị Brussels buộc tội về nhiều xâm phạm nguyên tắc nhà nước pháp quyền, Viktor Orbán đã bóp nghẹt công lý và giới truyền thông trong hơn 12 năm, đồng thời đề xướng một tầm nhìn xã hội cực kỳ bảo thủ”. 

Trong các chính sách đó có việc ông Orbán kỵ xu hướng LBGT, cũng là lý do Đảng Fidesz của ông liên minh với KDNP.

Tuy nhiên, EU bực ông Orbán nhất là con đường “dân chủ đi giựt lùi” của ông bao năm qua, bao gồm cuộc tổng “quy hoạch báo chí” Hungary. 

Báo cáo năm 2019 của Liên đoàn Nhà báo châu Âu (European Federation of Journalists) ghi nhận: “Kể từ năm 2010, Chính phủ Hungary đã phá bỏ nền độc lập, tự do và đa nguyên của truyền thông nước này một cách có hệ thống, bóp méo thị trường truyền thông và chia rẽ cộng đồng báo chí trong nước, đạt được mức độ kiểm soát truyền thông chưa từng có ở một quốc gia thành viên EU”.

Tất nhiên, mỗi bên có cách đánh giá của mình: EU đánh giá là chuyện của EU, còn chuyện ở Hungary là của ông Orbán và người dân nước này. 

Cần biết, 66% người Hungary hài lòng với quan hệ thân hữu Orbán - Putin và 91% chống lại các biện pháp trừng phạt Nga sau vụ Ukraine, Hungarian Free Press 5-3 chua chát ghi nhận, kèm theo nhận xét: 

“Cuộc khảo sát này được thực hiện SAU cuộc tấn công của Putin vào Ukraine - nước láng giềng của Hungary. Năm 1956, xe tăng Nga từng tiến vào Budapest để đập tan cuộc cách mạng Hungary. Có vẻ như người dân Hungary có trí nhớ quá ngắn ngủi”.

Tuy nhiên, cũng có khi ông Orbán có lý của ông, như quyết định không đi theo Hoa Kỳ trong việc cắt giảm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga mà theo ông, sẽ tạo ra gánh nặng không thể chịu đựng được với người dân Hungary, vốn phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga cho 85% lượng khí đốt tiêu thụ và 65% nhu cầu dầu thô (Hungary Today 11-3).

Duy dân tộc, không duy EU

Tờ Le Soir đã tỏ ra khách quan và trung thực khi gọi ông Orbán là “duy chủ quyền”. Một trong những phiền trách lớn đối với EU từ các nước thành viên là ở trong EU, tính độc lập các nước suy giảm. 

Quả thật khi tất cả phải cùng chung một đường lối ngoại giao, chung một số chính sách đối nội và chuẩn mực chính trị, phải cùng những tiêu chuẩn vận hành như tỉ lệ thất nghiệp, lạm phát..., không hiếm người cho rằng cái áo EU trở nên quá chật chội.

 
 Những khẩu hiệu duy dân tộc đã kéo ông Orbán, ông Putin và bà Le Pen lại gần nhau hơn. Ảnh: Alamy

Ông Orbán là một trong những người như vậy, bởi thế sau chiến thắng bầu cử, ông hãnh diện nói: “Chúng ta đã thắng vì chúng ta cùng chung một đam mê là Hungary”. Một trong những thể hiện “duy chủ quyền” của ông là việc từ khước chính sách tiếp nhận người di cư của EU. 

Năm 2020, ông đã thẳng tay bác bỏ Thỏa ước di cư của EU: “Hungary chúng tôi dứt khoát không chấp nhận một xã hội song hành, xã hội mở hay pha trộn văn hóa. Chúng tôi không nghĩ rằng một sự pha trộn giữa xã hội Hồi giáo và Thiên Chúa giáo sẽ là một xã hội tốt đẹp và đem lại an ninh cùng cuộc sống tốt đẹp cho người dân” (The Budapest Times 26-9-2020).

Sau khi “nhẹ nhàng” loan tin, tờ Le Soir đăng một bài bình luận nhập đề mạnh mẽ: “Hungary: Tại sao chiến thắng của Orbán đưa đất nước này xa rời phương Tây? Được bầu lại không chút rung động hôm chủ nhật, Thủ tướng người Magyar sẽ nối tiếp nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp, đang củng cố nền “dân chủ - độc tài” giống như Putin. Một đòn giáng vào sự neo đỗ hướng phương Tây của đất nước này”.

Chuyện EU bực dọc việc ông Orbán xoay trở cầm quyền tiếp không mới mẻ gì. 

Năm 2017, một nghiên cứu của giáo sư R. Daniel Kelemen chuyên về châu Âu học, đăng trên chuyên san Government and Opposition, đã giải thích những hiện tượng như ở Hungary: 

“Với một số quốc gia thành viên EU hiện đang trượt về chủ nghĩa độc tài, chúng ta có thể nhìn lại với hoài niệm về những ngày mà các học giả tin rằng những mối đe dọa lớn nhất với nền dân chủ trong châu Âu xuất phát từ những thiếu sót về dân chủ của chính EU". 

"Ngày nay, rõ ràng, những mối đe dọa lớn nhất với nền dân chủ ở châu Âu không phải là ở cấp độ Liên minh châu Âu, mà ở cấp độ quốc gia, nơi những nước mới gia nhập Liên minh”.

Có thể nói thêm: EU đã khá vội vã muốn kết nạp các thành viên mới trước kia thuộc Đông Âu và Liên Xô cũ trong khi các xã hội này chưa hẳn đã chuyển biến theo khuôn mẫu EU. 

Khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa tan rã cuối năm 1989, qua tháng 3-1993 Hungary đã nộp đơn gia nhập, năm 1998 bắt đầu đàm phán các điều kiện và đến tháng 12-2002, Hungary cùng với 10 nước khác được mời gia nhập EU vào năm 2004. 10 năm, thời gian quá ngắn để chuyển mình, hình thành những suy nghĩ và thói quen mới.

Để rồi đúng 10 năm sau khi gia nhập EU, hôm 26-7-2014, tại Trại hè Thanh niên ở Băile Tuşnad, ông Orbán hùng dũng đọc bài diễn văn tựa đề “Nền dân chủ phi tự do” với những lý luận hoàn toàn “phi EU”: 

“Nền dân chủ tự do không có khả năng công khai tuyên bố, hoặc thậm chí bắt buộc các chính phủ có quyền lực hiến định tuyên bố rằng họ phải phục vụ lợi ích quốc gia... Dân chủ tự do ư, Nhà nước Hungary tự do đã không bảo vệ tài sản công... Nhà nước Hungary tự do đã không bảo vệ đất nước khỏi mắc nợ nần”.

Trong góc độ đó, có thể thấy sự đồng cảm chính trị giữa ông Orbán và ông Putin. Nhưng cũng có thể nói thêm rằng có lẽ những phát kiến của Orbán đã lỗi thời: những tệ nạn ông nêu không chỉ là của nền dân chủ tự do.

Những người bạn

Suy nghĩ “duy dân tộc” kiểu ông Orbán rất thịnh hành ở châu Âu ngay lúc này, khi mà các làn sóng nhập cư liên tiếp đem đến những lối sống khác. 

Ở Pháp, từ những năm 70, 80, 90 thế kỷ trước, ông Jean-Marie Le Pen đã từ đó mà tiến thân với Đảng Mặt trận dân tộc (FN), vào đến vòng hai cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.

Con gái ông là bà Marine Le Pen nay cũng đi theo con đường cực hữu bài ngoại này, đã mấy lần ra tranh cử, và lần này lại được cho là có khả năng vô vòng hai trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào chủ nhật tới, 10-4. 

Một đối thủ cũng phe cực hữu ra tranh cử là Eric Zemmour, còn “mạnh tay” hơn khi chủ trương ngưng hẳn dòng người nhập cư, dẹp “đoàn tụ gia đình”, thậm chí trả về nguyên quán những người nhập cư bất hảo, nhập cư lậu, hay nhập cư mà thất nghiệp trên 6 tháng. 

Tinh thần “duy dân tộc” này trùng hợp với tinh thần của ông Putin, và đó là một trong những điều gắn bó họ với nhau.

Trong số các vị kể trên, dường như bà Le Pen liên quan nhiều nhất với đồng tiền Nga. Từ năm 2014, Ngân hàng First Czech-Russian Bank (FCRB, Đệ nhất Séc-Nga Ngân hàng) có trụ sở tại Matxcơva đã phát hành một khoản vay bất ngờ trị giá 10,8 triệu USD để tài trợ cho chiến dịch của Đảng Mặt trận dân tộc của bà Le Pen. 

Thủ quỹ Wallerand de Saint Just của đảng này giải thích là do... không có ngân hàng Pháp nào sẵn sàng cung cấp tín dụng.

Hai năm sau, FCRB đóng cửa. Khoản vay được chuyển qua cho Konti, một công ty cho thuê xe hơi của Nga. Konti lại chuyển giao gói vay này tiếp cho Aviazapchast, “một công ty hàng không liên quan đến quan hệ đối tác chiến lược ưu tiên cao với Nhà nước Nga” - nói cách khác, một bình phong hoạt động tình báo của Nga.

Aviazapchast không yêu cầu bà Le Pen trả nợ; thay vào đó, đã tái cơ cấu khoản vay và chuyển sang hình thức thanh toán tự nguyện: bà có thể trả khoản vay theo từng đợt cho đến năm 2028! Nợ cũ tới 2028 mới phải trả hết, thì năm nay lại bỗng dưng có thêm khoản cho vay nợ mới: Bất ngờ, một ngân hàng Hungary đã tiếp sức cho bà Le Pen với khoản vay 10,6 triệu euro.

Đài RTL của Pháp nói rằng chính phủ Orbán rất kín tiếng về khoản vay này, song ông Orbán và bà Le Pen là đồng minh thân thiết, họ đã gặp nhau vài lần và mới ký một tuyên bố chính trị ở Madrid. 

Mới đây, nhật báo Népszava của Hungary đưa tin khoản vay nói trên đến từ Ngân hàng MKB của tỉ phú Hungary Lorinc Mészáros, người vốn có quan hệ chặt chẽ với giới thân cận ông Orbán (Hungary Free Press 13-3).

Các vụ vay nợ của bà Le Pen đã được biết từ lâu rồi. Câu chuyện về khoản vay từ FCRB đã được thông tấn xã nổi tiếng nghiêm chỉnh Reuters thuật lại từ năm 2017 trong bài báo: “Putin chờ lợi nhuận từ khoản đầu tư Le Pen”. 

Việc đảng của bà này được tái cơ cấu nợ cũng đã được Reuters 8-6-2020 đăng tải đầy đủ: “Tập hợp dân tộc, một đảng cực hữu của Pháp do bà Marine Le Pen lãnh đạo, đã đạt được thỏa thuận trước tòa với một công ty của Nga về các khoản nợ tồn đọng trong khoản vay mà họ đã vay vào năm 2014, tài liệu của tòa án cho thấy". 

"Đảng đang mắc nợ đầm đìa của bà Le Pen đã vay khoản tiền 9 triệu euro tại Đệ nhất Séc Nga Ngân hàng 6 năm trước, khi tìm cách huy động vốn để chuẩn bị cho cuộc tranh cử tổng thống năm 2017. Vào thời điểm đó, các ngân hàng phương Tây đã từ chối không cho đảng này vay tiền”.

Chính trị như thần Janus hai mặt. Những khẩu hiệu “dân tộc”, “chủ quyền”, “lợi ích quốc gia”... chỉ là một mặt mà thôi. Tất nhiên, các kiểu làm bạn thế này, không chỉ Matxcơva mới thích, mà Washington, Paris, London cũng “rành sáu câu”.

Bầu cử Tổng thống Pháp: Cử tri chấm điểm ông Macron

Chủ nhật này 10-6, cử tri Pháp sẽ đi bầu tổng thống vòng một, mà cơ bản sẽ là một tổng kết nhiệm kỳ để chấm điểm những gì ông Macron làm được và chưa làm được.

Bỏ phiếu là một quá trình hàng trăm năm. Cách mạng Pháp 1789 đâu đã đem lại lá phiếu phổ thông. Phải đến 1848 nam công dân trên 21 tuổi mới đồng loạt được bỏ phiếu, và đến 1944 mới tới phiên phụ nữ. 

Thành ra, các cố gắng “bày trò” chỉ là vô ích. 5 năm sau khi cầm quyền, ông Emmanuel Macron đã đáp ứng mong muốn của cử tri thế nào, kết quả kiểm phiếu tối chủ nhật 10-4 này sẽ cho biết. Còn nhớ, ở vòng một cuộc bầu cử trước, bà Marine Le Pen về nhì, được hơn 7,6 triệu phiếu (21,3%) còn ông Macron về nhất - hơn 8,6 triệu phiếu (24%).

Trong khi chờ đợi, các thăm dò dư luận đủ nguồn cho thấy thành tích biểu của ông là không khá lắm, tuy so với các tổng thống tiền nhiệm vẫn nhỉnh hơn chút ít. Thăm dò dư luận trước bầu cử như “trăm hoa đua nở”, không hẳn đều chính xác, song là những mảng hình ảnh cho phép các ứng cử viên soi lại mặt mình. 

Một khảo sát của Opinion Way - Kéa Partners cho tờ Les Echos và Đài Radio Classique cho thấy có đến 61% ý kiến đánh giá thành tích của ông Macron là âm, chỉ 31% đánh giá tích cực. Dẫu sao cũng còn khá hơn so với hai người tiền nhiệm Hollande chỉ 21% và Nicolas Sarkozy 30% vào cuối nhiệm kỳ. 

Lá phiếu đánh giá của người dân là để người cầm quyền ý thức được họ đã làm tốt hay chưa chức trách được giao, bằng không, họ sẽ mất hướng bắc, không biết mình đã làm trò gì.

Ngoài ra, 62% ý kiến cho rằng ông Macron không trung thành với các lời hứa tranh cử; thậm chí 64% nói ông Macron không hề có ý định làm những gì đã hứa; chỉ 36% tin ông Macron đã giữ lời, nhưng vẫn là gấp đôi ông Hollande (18%) và hơn ông Sarkozy 9 điểm. 

Bỏ phiếu đánh giá sau nhiệm kỳ, căn cứ trên những lời hứa tranh cử, chính là bỏ phiếu “có nhân dạng”, chớ không phải “vô danh thị” vô bổ. Giờ đây, ông Macron hóa giải đánh giá “không có ý định giữ lời hứa” như thế nào? Và ngược lại, các đối thủ của ông sẽ khai thác được tới đâu?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận