Những người chống WikiLeaks!

NG.THANH TỔNG HỢP 10/11/2010 21:11 GMT+7

TTCT - Giám sát hoạt động của chính phủ, Wikileaks cũng phải chấp nhận sự soi mói nhắm vào mình như một phần tất yếu của trò chơi dân chủ. Tờ Wall Street Journal số mới đây đã giới thiệu một số “con mắt soi mói” nhắm vào Wikileaks.


John Young - Ảnh: WSJ
Đầu tiên phải kể trang web http://cryptome.org của John Young, một kiến trúc sư về hưu ngoài 70 tuổi. Tự xưng là một cypherpunk (kẻ chuyên bẻ khóa đột nhập hệ thống bảo mật máy tính), Young tuyên bố mục tiêu của ông không phải là phá hoại Wikileaks, mà chỉ nhằm “trui rèn đội ngũ này, vì để làm những việc như thế cần những con người sắt”. 

Giám sát kẻ giám sát

Cách trui rèn mà John Young chọn là đưa lên trang web của mình những thông tin mà ông cho là từ nội bộ Wikileaks. Đó là các email cá nhân của nhóm, những cuộc tranh cãi về việc gây quỹ và thu hút người ủng hộ. Các bài viết trên Cryptome.org gọi Wikileaks bằng những từ khiêu khích như “Nỗi sợ hãi của Wiki”, “Kẻ mách lẻo Wiki”, “Sự căm ghét Wiki”... 

Hồi tháng 7, Cryptome đã công bố một thư nặc danh (mà John Young khẳng định là do một “tay trong” của Wikileaks viết) than phiền Wikileaks không minh bạch trong việc gây quỹ và chi tiêu (người sáng lập Wikileaks Julian Assange đã phủ nhận “tay trong” trên là giả, và thông tin kẻ này đưa ra là “ngụy tạo từ đầu tới đuôi”. Sau đó, Julian Assange đã không bình luận gì thêm những thông tin trên Cryptome.org). 

Gần đây nhất, sau khi Wikileaks tung ra 400.000 trang về chiến tranh Iraq, Cryptome cũng đăng tải các thông tin cho rằng đội ngũ của Wikileaks đã “cãi vã gay gắt, kịch liệt” về việc tung ra gần 400.000 trang nhật ký chiến tranh Iraq này.

Theo Wall Street Journal, Young kể đã làm quen với Julian Assange vào thập niên 1990 trong phong trào cypherpunk, quy tụ những hacker quan tâm tới vấn đề riêng tư cá nhân trên Internet. Young lập ra Cryptome năm 1996, như một trong những kho chứa thông tin mật bị rò rỉ. Năm 2006, Assange đề nghị ông ta làm đại diện chính thức cho Wikileaks tại Mỹ, nhưng vài tháng sau đó Young cắt đứt với tổ chức này do cảm thấy không ổn trong việc Wikileaks quyên góp quá nhiều tiền. 

Wall Street Journal dẫn lời Young: “5 triệu USD có thể bị sử dụng cho những mục tiêu đáng ngờ”. Trong thư đoạn tuyệt Wikileaks, Young tuyên bố Wikileaks là “kẻ lừa đảo” và việc làm của trang web này là “phục vụ kẻ thù”.

Một trang web chống Wikileaks - Ảnh: WikiLeakiLeaks.org
Chia rẽ

Cryptome.org không phải là kẻ giám sát duy nhất đối với người giám sát Wikileaks. Có không ít những kẻ tương tự như Wikileak.org (tên giống như Wikileaks, chỉ thiếu chữ “s” cuối cùng, chuyên thảo luận về những khía cạnh đạo đức và kỹ thuật của Wikileaks), hay Wikileads.net (chuyên phân tích những thông tin của Wikileaks, nhưng hoạt động đã đuối dần từ năm 2008), hoặc trang web chuyên đưa những thông tin liên quan tới Assange và nhóm của ông là WikiLeakiLeaks.org. 

Một thực tế không thể phủ nhận là Wikileaks.org đã dẫn tới sự chia rẽ trong truyền thông phương Tây. Tờ The Guardian (Anh) biện hộ rằng việc làm của Wikileaks không phải là vô trách nhiệm, mà là một nghĩa vụ; còn El Pais (Tây Ban Nha) nói Wikileaks cho thấy không thể dùng bạo lực, tra tấn để thực hiện dân chủ. Nhưng The Washington Times lại kêu gọi Bộ Tư pháp Mỹ hãy tuyên chiến với Wikileaks. 

Tờ này viết: “Việc bất kỳ ai trên thế giới, nếu muốn, cũng có thể xem được những thông tin mật của Lầu Năm Góc đã phát đi tín hiệu về sự bất lực của người Mỹ và kích động những kẻ thù tương lai trên không gian điều khiển. Nếu Wikileaks muốn chơi trò này, điều ít nhất chính phủ có thể làm là nạp đạn và bước ra chiến trường”.

_

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận