Những rối rắm sau vụ đầu độc một điệp viên

PHAN XUÂN LOAN 24/03/2018 16:03 GMT+7

TTCT - “Chúng ta sống trong thời đại đặc biệt… Việc thay thế suy đoán vô tội bằng suy đoán có tội đang diễn ra. Hơn thế nữa, nguyên tắc này của luật hình sự đang được chuyển sang quan hệ quốc tế”.

Sergei Skripal và con gái Yulia. Ảnh: AFP
Sergei Skripal và con gái Yulia. Ảnh: AFP

 Phát biểu đầy “tinh thần Sherlock Holmes” này là của đặc sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya, đưa ra ngày 14-3 tại cuộc họp Hội đồng Bảo an. Phiên họp khẩn được triệu tập theo đề xuất của Anh, liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông Yulia. 

Và cũng nhì nhằng như những scandal khác liên quan đến các cáo buộc “vũ khí hóa học” gần đây ở Syria, một bên ra sức buộc tội mà không trình bằng chứng, bên kia ra sức phản bác nhưng không được lắng nghe.

“Suy đoán vô tội”

Vụ việc mới có thể tóm gọn như sau: cựu điệp viên Nga Skripal (67 tuổi) và con gái Yulia (33 tuổi) ngày 4-3 bị phát hiện bất tỉnh trên ghế ở một trung tâm mua sắm tại Salisbury (Anh). Xét nghiệm ban đầu nói họ bị đầu độc bởi chất hóa học hoặc một tác nhân gây ảnh hưởng thần kinh.

Ngày 8-3, London tuyên bố đã nhận dạng được chất độc này là “Novichok”, và thủ phạm, theo tối hậu thư phát đi sau đó của Thủ tướng Anh Theresa May, sử dụng “một loại (chất độc) do Nga phát triển” (a type developed by Russia). 

Bà May coi “vụ đầu độc là đòn tấn công trực tiếp của Nga vào Anh”, và “Novichok là chất độc do quân đội Nga sở hữu”, nhưng bà không loại trừ khả năng Nga không kiểm soát được chất độc này, nên yêu cầu Nga phải “giải thích thật sự” vụ việc trong vòng... một ngày, tức đến tối thứ ba 13-3, nếu không sẽ phải chịu đòn trừng phạt của Anh.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phủ nhận Nga liên quan tới vụ đầu độc. Ông trả lời Nga không thể thực hiện yêu cầu của bà May, vì London không chịu trao cho Nga mẫu “Novichok” được cho là đầu độc cha con ông Skripal, và vì thế Anh đã vi phạm “Công ước cấm vũ khí hóa học” vốn yêu cầu trong những tình huống thế này phải trao mẫu chất độc cho nước bị tình nghi để có thể phân tích đối chiếu.

Chưa kể, cũng theo công ước nêu trên, thời hạn dành cho nước bị tình nghi để phân tích mẫu thử là... 10 ngày, ông Lavrov nhấn mạnh! Thứ tư 14-3, bà May ra điều trần trước Quốc hội và công bố một số biện pháp trừng phạt Nga. Ngay sau đó, 23 nhà ngoại giao Nga bị London tuyên bố trục xuất. Ngày 17-3, Nga trả đũa: trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, đóng cửa Hội đồng Anh ở Nga.

Để giải quyết tình hình này, phía Nga cho rằng biện pháp đúng đắn nhất hiện giờ là mời Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) phân tích các mẫu thu được ở Salisbury, tiến hành xét nghiệm độc lập. Ngày 19-3, theo The Guardian, một nhóm chuyên gia OPCW đã tới phòng thí nghiệm Porton Down (Wilshire, Anh) để đánh giá tác nhân thần kinh được cho là gây nên vụ đầu độc.

Xét động cơ và cách thức tiến hành, các chính quyền phương Tây có vẻ đã tự họ có kết luận trước khi cuộc điều tra kết thúc. “Còn ai có động cơ và phương tiện trong vụ đầu độc này, ngoài Nga” - Sir Edward Leigh, thành viên Ủy ban quốc phòng thuộc Quốc hội Anh, nhận định.

Một số tờ báo Anh nhắc lại một phát biểu của Tổng thống Nga Putin trên “Đường dây trực tiếp” năm 2010 về những kẻ “phản bội tổ quốc”, ông gọi họ là “con lợn”, và “người nào chọn số phận như vậy sẽ phải ngàn lần hối tiếc”. 

Phát biểu này, theo kênh “Tiếng vọng Moskva” (đối lập) ngày 13-3 như một “tiên báo cho số phận Skripal” và rằng “tuyên bố này đã trở thành cơ sở cho London cáo buộc Kremlin”.

Giống như rất nhiều tranh cãi liên quan tới mạng người từ trước tới giờ trong những lần cãi cọ Nga - phương Tây (vũ khí hóa học ở Syria, vụ máy bay MH17 bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine...), truyền thông Nga đã phản bác với những câu hỏi “tại sao” quen thuộc.

Tại sao thời điểm vụ đầu độc (ngày 4-3) là chưa đầy nửa tháng (18-3) trước ngày bầu cử tổng thống Nga, mà ông Putin nắm chắc phần thắng? Tại sao nó diễn ra trong năm Nga chuẩn bị cho một World Cup vốn đã rất nhiều khó khăn? Và nếu quả thật Nga cần giải quyết “ân oán” với tay cựu điệp viên thì tại sao họ lại phải dùng đúng tác nhân làm tê liệt thần kinh “Novichok”, vốn được “đo ni đóng giày” cho người Nga?

Từ Anh cũng có những tiếng nói kêu gọi thận trọng. Cựu thị trưởng London Ken Livingston nói: “Nếu Nga muốn giết người này, họ đã làm thế khi ông ta ngồi tù ở Nga. Tại sao họ phải chờ lâu vậy? Tại sao họ phải sử dụng thứ vũ khí hóa học chỉ rõ vào nước Nga?

Còn nhiều phương pháp giết chết ai đó không để lại dấu vết mà”. Chủ tịch Đảng Lao động Anh Jeremy Corbyn, hiện là phe đối lập, cũng chưa ủng hộ Thủ tướng May lên án Nga. Ông nói mọi hành động cần dựa trên bằng chứng rõ ràng, cho rằng London nên có một cuộc “đối thoại mạnh mẽ với Nga”.

Dự án dự kiến Nord Stream 2 giúp Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu. Ảnh: gazprom.com

Và những suy đoán khác...

“Cui bono?” (Ai có lợi?) - một công thức muôn thuở được các nhà phân tích vận dụng. Trên cơ sở này, hàng loạt “thuyết âm mưu” được giới thiệu. Christopher Black, chuyên gia luật hình sự quốc tế ở Toronto, viết trên New Eastern Outlook ngày 9-3, dẫn ra chính lời Sir Edward Leigh chỉ ra rằng “chính quyền Anh và NATO cũng có động cơ và phương tiện”.

Một trong những động cơ đó, theo Leigh, là “cách duy nhất để bảo vệ hòa bình là bằng sức mạnh”, trong trường hợp này, “phòng thủ là nhiệm vụ đầu tiên mà chi 2% ngân sách cho quốc phòng là chưa đủ”!

Nhà báo Ireland Finian Cunningham kết nối vấn đề với “chiến dịch đánh đắm dự án Nga - EU Nord Stream 2” do Hoa Kỳ dẫn dắt. Ông nhắc lại cuộc gặp tuần trước vụ đầu độc, khi các ngoại trưởng Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson (vừa bị sa thải) tại Washington D.C. 

Trong cuộc gặp, các ngoại trưởng Ba Lan và Baltic đã đề cập đến việc Hoa Kỳ cung cấp khí đốt thay thế cho dự án trên vì lợi ích chiến lược, dù khí đốt của Hoa Kỳ có thể đắt hơn!

Nord Stream 2 là dự án cung cấp khí đốt giữa các đối tác là Gazprom của Nga với năm công ty năng lượng tư nhân của Anh, Đức, Pháp và Hà Lan. Đức và Áo là những nước ủng hộ mạnh mẽ dự án này.

Tổng thống Áo Sebastian Kurz tuần trước đã gặp ông Putin ở Matxcơva và bày tỏ ủng hộ Nord Stream 2. Tuy nhiên, dự án này đang khựng lại vì rắc rối ở Ukraine và việc Nga sáp nhập Crimea. Trong EU, ngoài Ba Lan và một số nước Baltic phản đối dự án, một số thành viên trong ban lãnh đạo EU cũng phản đối việc cung ứng khí đốt qua Nord Stream 2, cho rằng chúng sẽ “trao cho Nga đòn bẩy mạnh hơn trong các vấn đề EU”.

Vì thế, theo Cunningham, có vẻ như đang có áp lực đòi EU phải cứng rắn hơn với Nga trong vấn đề Skripal. Mà “cứng rắn hơn” trong trường hợp này là hủy bỏ Nord Stream 2. 

Cunningham viết tiếp: “Nếu xem đây là động cơ cho mưu toan mới nhất chia rẽ quan hệ Nga - EU” thì tội phạm nhiều khả năng là “các điệp viên Mỹ với các đồng mưu ở Anh và Đông Âu”.

Tất nhiên, đây cũng lại là một suy đoán không bằng cứ, và nếu áp dụng chính câu hỏi “cui bono?” ở trên thì Cunningham rõ ràng đang phát ngôn giống hệt những gì Kremlin sẽ nói. Đó cũng là khó khăn kinh điển của những cuộc chơi tình báo ám muội này, khi tất cả chỉ là cáo buộc, và sự thật đầy đủ có lẽ sẽ không bao giờ đến được với công chúng.

Đi xa hơn, RIA Novosti, qua nhà bình luận Ivan Danilov, thậm chí nói cuộc ám sát ông Skripal liên quan tới những vấn đề đối nội của nước Anh, cụ thể là tiến trình Brexit, vốn được dự báo sẽ tốn kém và kéo dài. Tuy nhiên, đây là một suy diễn quá xa xôi, xa xôi không kém giả thiết của cổng thông tin điện tử Mash thuộc kênh Telegram (Nga).

Qua những phỏng vấn họ hàng của Skripal, Mash cho rằng cựu đại tá tình báo chỉ là nạn nhân oan uổng của một vụ đầu độc nhắm vào con gái ông, Yulia. Vì Yulia sắp lập gia đình với một người Anh, và bà mẹ chú rể, một “nhân viên cao cấp của Anh”, đã ra tay vì không muốn con trai mình lấy vợ là “con của một kẻ phản bội”. Tức là cho tới giờ, ta đã có trong tay mọi suy đoán có thể nghĩ ra, tất cả đều không bằng cứ.

Trong khi đó, điều có lẽ là quan trọng nhất lại chẳng mấy được nhắc đến, ở cả hai phía: sức khỏe của hai nạn nhân. Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko nói các nhà ngoại giao Nga ở Anh vẫn chưa được tiếp cận cha con Skripal. Họ còn sống không? Sức khỏe họ ra sao? Không có thêm thông tin gì ngoài thông báo chính thức của London: họ đang nguy kịch.■

Chuyện dài Novichok...

Theo giới thiệu chính thức của đại diện thường trực Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya: “Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, một số nước, trong đó có Hoa Kỳ và Nga, đã tạo ra một số dạng mới của chất độc làm tê liệt thần kinh có tên gọi XV, thế nhưng từ năm 1992 việc chế tạo chúng đã bị chấm dứt ở Nga, và năm 2017 Nga đã tiêu hủy tất cả những nguồn dự trữ vũ khí hóa học, được OPCW công nhận”. 

Giáo sư Thụy Điển Marcello Ferrada de Noli thì cho rằng Novichok được sản xuất ở Uzbekistan, và Nga đang bị cáo buộc có trách nhiệm với những thứ có thể đã bị đưa lậu khỏi cơ sở này trong giai đoạn nhiều hỗn loạn đầu những năm 1990.

Skripal là ai?

Sergei Skripal là đại tá tình báo Nga, về hưu năm 1999. Đến năm 2003 làm việc ở Bộ Ngoại giao Nga, sau đó chuyển sang kinh doanh. Skripal bị Cơ quan an ninh Nga FSB bắt tháng 12-2004 do các mối quan hệ với giới ngoại giao Anh. Skripal đã nhận tội, khai báo từng cung cấp danh sách điệp viên Nga ở châu Âu cho phương Tây. Tháng 8-2006, Skripal bị một tòa án Matxcơva buộc 13 năm tù vì tội phản quốc. Tuy nhiên tháng 7-2010, sau gần 5 năm tù, Skripal đã được trao cho phương Tây để đổi lấy một nhóm tình báo Nga bị bắt ở phương Tây. Sau đó Skripal chuyển sang cư trú chính trị ở Anh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận