Những tầng sâu khác trong vấn đề biển Đông

TTCT - Hội thảo “Biển Đông: vùng xung đột mới?” diễn ra ngày 16-10 tại Paris (Pháp) đã dành suốt năm giờ trong buổi chiều để bàn về tính chiến lược và giải pháp cho vấn đề biển Đông (*).

“Đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý

Phóng to
Hội thảo “Biển Đông: vùng xung đột mới?” diễn ra ngày 16-10 tại Paris (Pháp) - Ảnh: Võ Trung Dung

Cho đến nay, các chính trị gia, chuyên gia, nhà báo và cả công chúng đều nhìn sóng gió ở khu vực biển Đông dưới góc độ kinh tế. Nhìn chung tất cả quốc gia đều tranh chấp các vùng ngư trường hoặc các mỏ dầu khí dưới biển. Phải chăng Trung Quốc thật sự muốn độc chiếm các nguồn tài nguyên tự nhiên đó? Các chuyên gia về địa chiến lược tham dự hội thảo tại Paris tuy vậy lại đồng quan điểm: “Đúng, nhưng chỉ một phần”.

Biển Đông không chỉ có dầu khí

Liên minh châu Âu sẽ cùng bàn với ASEAN về vấn đề biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh ASEM sắp diễn ra ở Lào tháng 11 tới đây. Trong khi chờ đợi hội nghị Á - Âu này tại Vientiane, cố vấn Christian Lechervy cảnh báo: “Trung Quốc đang gây sức ép với tất cả các nước có liên quan để không đưa hoặc nêu vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự hoặc các phiên thảo luận!”.

Giáo sư François Godement khẳng định: “Theo các chuyên gia về dầu khí mà tôi đã gặp, tiềm năng dầu khí ở các khu vực mà Trung Quốc đang tranh chấp với những nước láng giềng thật ra khó khai thác và không sinh lợi. Bởi lẽ nếu không thì chiến tranh đã xảy ra từ lâu rồi và không chỉ giữa các nước trong khu vực!”. Phân tích này của vị chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu Trung Á thuộc Viện Chính trị học Paris (Science Po) được ông Pierre-René Bauquis chia sẻ.

Ông Bauquis, cựu giám đốc chiến lược của Tập đoàn Dầu khí Total (Pháp), giải thích với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: “Hơn thế, không một công ty dầu khí quốc tế nghiêm túc nào lại muốn đầu tư vào những vùng mà vấn đề chủ quyền còn đang bị tranh chấp. Quá nguy hiểm. Chỉ cần xảy ra một đụng chạm quân sự là tất cả đi tong. Các công ty dầu khí luôn muốn tranh chấp giải quyết xong theo luật quốc tế, ở các định chế tòa án quốc tế được công nhận”.

Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng mục đích thật sự của Trung Quốc nằm ở chỗ khác. Nó vừa là vấn đề quân sự trong đối ngoại và chính trị trong đối nội.

Có những dấu hiệu chỉ ra điều đó. Tháng 9-2012, tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton không ngần ngại công bố rằng “thế kỷ 21 của nước Mỹ sẽ nằm ở Thái Bình Dương!” (Foreign Policy). Nhưng đâu chỉ có Mỹ mong muốn điều đó.

Thủ tướng Pháp Jean - Marc Ayrault chọn khởi điểm đầu tiên cho chuyến công du quốc tế của mình là châu Á - Thái Bình Dương. Tại điểm dừng chân đầu tiên ở Singapore (bắt đầu từ ngày 18-10), ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng vai trò then chốt của Singapore trong khu vực và đặc biệt trong khả năng giải quyết xung đột ở biển Đông. Singapore được cho là có lợi thế do vị trí trung lập trong ngoại giao, có tiềm lực kinh tế và nổi tiếng về vận hành chính phủ cũng như tính luật pháp cao.

Ngày 18-10, thủ tướng Pháp cùng người đồng nhiệm Singapore Lý Hiển Long đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược giữa hai nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc tăng cường hợp tác về quốc phòng. Sau thỏa thuận, ông Lý tuyên bố: “Cùng với Mỹ, Pháp là quốc gia mà chúng tôi đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược” (AFP).

Thật ra giữa Pháp và Singapore từng có “tăng cường hợp tác” trong lĩnh vực quốc phòng, cụ thể bằng chương trình đào tạo phi công chiến đấu của Singapore ở miền nam nước Pháp. Đến nay, nội dung chính của thỏa thuận mới ký chưa được tiết lộ, nhưng Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault giải thích thỏa thuận ấy “gắn kết hai quốc gia có cùng tầm nhìn: tầm nhìn về một thế giới đang đòi hỏi cao về liên kết đa cực và cần có sự điều tiết để có thể phát triển trên một hành tinh đang cạn kiệt tài nguyên”.

Phó đô đốc Jean-Louis Vichot, thuộc bộ tham mưu hải quân Pháp, khẳng định với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: “Sự hiện diện ngày càng nhiều công dân Pháp ở châu Á và lợi ích của Pháp là yếu tố mới làm thay đổi chiến lược của Pháp ở châu lục này. Đó là chưa kể các lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở phía nam Thái Bình Dương mà Pháp cần bảo vệ trong trường hợp có xung đột quân sự. Vì điều đó, Pháp đã chuẩn bị và sẵn sàng với các căn cứ quân sự trong khu vực”.

“Địa Trung Hải của Thái Bình Dương”

Vị trí đặc biệt của khu vực biển Đông là điều không ai còn bàn cãi. Một phần ba thương vụ hàng hải của Mỹ (trị giá 1.200 tỉ USD) qua lại trên tuyến đường này. Tướng Pháp Daniel Schaeffer - một diễn giả của hội thảo - bình luận: “Ai kiểm soát được biển sẽ giành chiến thắng! Về điểm này, Trung Quốc còn xa nhưng đang tiến bộ từng ngày”. Trong khi đó, phó đô đốc Jean-Louis Vichot khẳng định với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: “Tàu ngầm đang trở thành vũ khí tối thượng của quốc phòng ở thế kỷ 21. Nhưng với điều kiện là các đội tàu đó có thể di chuyển “vô hình” dưới biển, cắm chốt ở những vị trí chiến lược nằm trong tầm bắn của tên lửa có trên tàu”.

Các bộ tham mưu quân sự phương Tây hiện nay gọi khu vực biển Đông là “Địa Trung Hải của Thái Bình Dương”. Phó đô đốc Jean-Louis Vichot giải thích: “Giới hải quân các nước có tàu ngầm hạt nhân rất thích các eo biển Đài Loan và Luzon (Philippines) bởi có vùng biển sâu hơn 4.000m giúp các con tàu khổng lồ này ra vào dễ dàng ở khu vực biển Đông hoặc tiến ra các vùng đại dương khác”. Khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng như bãi cạn Macclesfield cũng có những khu vực biển sâu 2.500-4.000m giúp các tàu ngầm giấu mình, cũng như có thể thành lập các căn cứ quân sự.

Tướng Daniel Schaeffer phân tích: “Do vậy chúng ta dễ hiểu vì sao Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông”. Một nghiên cứu của Trung tâm CESM (trung tâm nghiên cứu cấp cao của hải quân Pháp) từng cảnh báo: “Các tàu ngầm của Trung Quốc ở căn cứ Tam Á có thể được dùng làm con bài chiến lược nhằm ngăn chặn sự hiện diện của Mỹ ở khu vực biển Đông trong trường hợp có xung đột. Viễn cảnh đó khiến Washington âu lo nên thường điều các đội tàu tiếp cận căn cứ này và vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc với tàu USNS Impeccable của Mỹ vào tháng 3-2009 là một ví dụ”.

Bất chấp một số va chạm lớn nhỏ trên biển trong hai năm gần đây, bất chấp vài lần chiếm đóng trái phép của Trung Quốc đối với một số đảo trong khu vực, các tranh chấp ở biển Đông vẫn chưa được giải quyết tới nơi tới chốn vì thiếu định chế tài phán quốc tế, do lẽ Trung Quốc luôn tìm cách từ chối và ngăn cản mọi giải pháp ngoại giao.

Đụng độ quân sự: Có thể. Xung đột vũ trang: Không!

Những động thái gần đây của Trung Quốc ở khu vực biển Đông không chỉ nhằm vào các quốc gia có liên quan. Ông Jonathan Holslag - nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại (BICCS) ở Brussels (Bỉ) - phân tích: “Những hành động hiếu chiến gần đây của Trung Quốc giúp họ làm giảm sự chú ý của dư luận trong nước đối với các vấn đề nội bộ. Mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc đã đạt đến hết các lợi điểm của nó, giờ là lúc bộc lộ các khuyết điểm như khoảng cách giàu - nghèo, tham nhũng và sự sụt giảm niềm tin”.

Nhà nghiên cứu chính trị Fabienne Clérot thuộc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) cùng chung nhận định: “Tình cảm dân tộc khiến dư luận Trung Quốc quên đi các vấn đề nội tại. Các lãnh đạo Trung Quốc biết rất rõ điều đó”.

Từ cách nhận định như thế, các chuyên gia tại hội thảo cho rằng nguy cơ xung đột quân sự vẫn còn xa. Ông Christian Lechervy, cố vấn đặc biệt về các vấn đề chiến lược ở châu Á của Tổng thống Pháp François Hollande, khẳng định: “Theo thông tin chúng tôi có được hiện nay, tôi không tin khả năng xảy ra chiến tranh ở khu vực biển Đông. Có thể sẽ có đụng độ quân sự nhưng một cuộc xung đột vũ trang đúng nghĩa thì không. Bởi vì sự phát triển kinh tế tuyệt vời của Trung Quốc đã giúp ngăn chặn và tránh ý định tấn công quân sự đối với các vùng lãnh hải đang tranh chấp. Dù có là cường quốc nhưng kinh tế Trung Quốc vẫn phải lệ thuộc các quốc gia khác. Chúng tôi nhận thấy rằng Trung Quốc luôn giữ không vượt qua lằn ranh đỏ khiến làm bùng nổ cuộc chiến trên Thái Bình Dương”.

Các chuyên gia Pháp và châu Âu tại hội thảo cũng đồng tình trước luận điểm sau: ngoài động cơ “làm quên đi các vấn đề trong nước” của Trung Quốc, những căng thẳng trên khu vực biển Đông vừa qua thật ra bắt nguồn từ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt từ việc Mỹ quyết định quay lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Như vậy giải pháp làm giảm nhiệt sẽ là gì? Tướng Daniel Schaeffer nêu quan điểm ở góc nhìn của một nhà quân sự chuyên nghiệp: “Trong kiểu xung đột này, hành động ngoại giao phải đi song hành với cách gây sức ép quân sự với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc đánh giá rằng mình không thể làm gì ghê gớm về mặt quân sự với Nhật, Mỹ và các đồng minh thì Trung Quốc sẽ chẳng làm gì nữa cả”. Các chuyên gia cho rằng mối tương quan thực lực quân sự giữa các bên đang đóng vai trò cốt tử trong việc duy trì hiện trạng để chờ đợi một giải pháp tài phán quốc tế.

Ông Christian Lechervy bình luận: “Tình trạng này là ngõ cụt kéo dài! Phải học cách sống với nó, hóa giải nó sao cho có lợi cho mình. Không nên để yếu tố “Trung Quốc - Mỹ” kéo dài mãi trong chuyện này. Vì vậy ASEAN, Liên minh châu Âu và Liên Hiệp Quốc phải đóng vai trò tích cực hơn. Phải quốc tế hóa giải pháp ngoại giao cho các tranh chấp trên. Đó là lối ra duy nhất và khả dĩ!”.

___________

(*): Do Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) và Quỹ Gabriel Péri, một tổ chức nghiên cứu chính trị Pháp, tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu của Pháp và châu Âu về Luật biển quốc tế và địa chính trị.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận