Những vấn đề của không gian hậu Xô Viết

TƯỜNG ANH 25/11/2020 00:07 GMT+7

TTCT - Cuối cùng, cuộc chiến Nagorno - Karabakh cũng đã lắng dịu nhờ việc ký kết ngưng bắn vào ngày 9-11 giữa Armenia và Azerbaijan, với Nga làm trung gian. Tuy nhiên, cuộc chiến 42 ngày đã khuấy động không ít những vấn đề của không gian hậu Xô Viết.

Cuộc chiến Nagorno - Karabakh đã khiến hơn 4.000 người chết từ hai phía, 8.000 người bị thương và hàng chục ngàn người tị nạn (con số do Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu trên TASS ngày 15-11). Bản đồ khu vực Kavkaz lại có vài dịch chuyển, dẫu chỉ là nhỏ. 
Nhưng căng thẳng chưa hết khi những cuộc biểu tình kéo dài chống Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan vẫn tiếp diễn ở thủ đô Yerevan. Đã có lo ngại nếu ông Pashinyan ra đi và một chính khách khác lên thay thế, hủy bỏ hòa ước, chiến tranh có thể lại nổ ra...

Chiến tranh bàn phím

Nagorno - Karabakh có lẽ là cuộc chiến lớn đầu tiên trong lịch sử mà gần như ai có Internet cũng đều có thể dõi theo mọi diễn biến trong thời gian thực - nhờ mạng ảo. Trên tài khoản cá nhân của các nhân vật nổi tiếng gốc Armenia, người dùng mạng được thông tin sát sao tình hình chiến cuộc. 

Một ví dụ: nữ nhà văn trẻ Nga gốc Armenia Narine Abgaryan sống ở Matxcơva đều đặn mỗi ngày trong suốt tháng đầu cuộc chiến đã đăng trên tài khoản Facebook của mình trang con “Về chiến tranh”. 

Từ những nguồn tin tại chỗ, Abgaryan cập nhật tình hình, số thương vong từ phía Armenia, diễn biến trên chiến trường, chính trường, truyền thông... liên quan đến cuộc chiến. Không che giấu thiên hướng chính trị, Abgaryan công khai ủng hộ quân đội Armenia và Thủ tướng Pashinyan, không ngần ngại chỉ trích những ai không cùng quan điểm. 

Cũng trên tài khoản này, cô lập quỹ từ thiện giúp người dân vùng chiến sự, nhưng cũng vì thế mà không tránh được một đời sống khác của cuộc chiến: bút chiến. Giữa những nhà văn Nga ở hai phía: ủng hộ hay không ủng hộ chính quyền Yerevan.


Một em bé người Azerbaijan mặc quân phục cầm quốc kỳ xuống phố ăn mừng cuộc đình chiến. Ảnh: Tass

Trích một đoạn trên Facebook của Abgaryan ngày 1-10, sau khi công bố kết quả thương vong phía Armenia và chiến sự trong ngày: “... Tôi đã xem trả lời phỏng vấn của Nikol Pashinyan trên kênhRussia-24
Thủ tướng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan đến cuộc xung đột, rằng các chỉ huy quân sự và quan chức Thổ cao cấp đang đóng ở các điểm chỉ huy của Azerbaijan và thường xuyên chỉ đạo các hoạt động quân sự; rằng đó là một chiến dịch đã được chuẩn bị trước, được vạch ra trong những cuộc tập trận phối hợp mới đây - mang tính chất không phải phòng vệ, mà là tấn công. 
Thổ Nhĩ Kỳ đối với Armenia, tính cả cuộc diệt chủng mà nhân dân chúng tôi phải trải qua - là một mối đe dọa hiện hữu, thủ tướng tuyên bố như thế. Ông nói chuyện khó nhọc - cho thấy đang trải qua căng thẳng lớn và mất ngủ...”.

Cũng trên kênh Russia-24, nhà văn Nga Zakhar Prilepin lại nhếch mép khi nói về Pashinyan, rằng ông trông rũ rượi: “Tôi chẳng buồn bực làm gì, buồn bực chỉ mệt thân... Các người cứ cười nhạo đi, còn chúng tôi vẫn làm việc. Trong thời khủng hoảng mỗi người chúng tôi biết rõ mình cần phải làm gì. 

Chỉ ở Marseilles trong một ngày chúng tôi đã quyên góp được 7 tấn hàng, gồm chỉ thuốc men. Hàng đang bay về Yerevan... Và trong bất cứ tình huống nào, kể cả không lối thoát, chúng tôi nhất thiết cũng nghĩ ra được chuyện tiếu lâm. Như cuộc trò chuyện của hai người Do Thái. Hỏi: “Izya, cậu có biết Nga ủng hộ ai trong cuộc chiến này, Armenia hay Azerbaijan?”. Đáp: “Syoma, trong cuộc chiến này, Nga ủng hộ xung đột””.

Không cần nói thêm rằng nhà văn Prilepin đã công khai chỉ trích chính sách thân phương Tây của ông Pashinyan là sai lầm, đưa người dân Armenia lẫn Nagorno - Karabakh vào cuộc chiến thua thiệt. Trích một đoạn trả lời phỏng vấn của nhà văn này sau ký kết ngưng bắn 10-11: Hỏi: “Nước Nga rút ra kết luận gì cho mình sau những gì xảy ra ở Karabakh?”.

Đáp: “Rằng một số nước cộng hòa Xô viết cũ được điều hành bởi những thằng ngu”. Hỏi: “Điều gì xảy ra với Armenia và trước tiên là tương lai chính trị của nó? Liệu Pashinyan có giữ được quyền lực?”. Đáp: “Đa vectơ là cái ác. Armenia chỉ nên có duy nhất một vectơ là nước Nga. Dòng chữ: “Nước Nga hay là chết” cần được treo trước mặt chính quyền Armenia. Khắc vào đá và để đó vĩnh viễn”.

Đa vectơ hay... chọn bạn mà chơi?

Sau cuộc chiến tranh Karabakh, đề tài “đa vectơ hay một vectơ” rộ lên trên truyền thông Nga, với nhiều chỉ trích nhắm vào Thủ tướng Armenia. Ông Pashinyan lên nắm quyền nhờ cuộc “cách mạng nhung” năm 2018 mà ông lãnh đạo chống lại cuộc bầu cử với kết quả cựu tổng thống Serzh Sargsyan giành đa số phiếu. 

Biểu tình kéo dài khiến ông Sargsyan phải ra đi. Lên nắm quyền, Pashinyan thực hiện chính sách mà ông cho là đa vectơ, nhưng bản chất là bài Nga, thân phương Tây.

Một mặt, ông cho rằng Armenia “không tự nguyện, mà bị buộc gia nhập Liên minh kinh tế Á - Âu” và tỏ ra hoài nghi về tư cách thành viên của nước này trong tổ chức “Hiệp ước an ninh tập thể” (do Nga lĩnh xướng). 

Mặt khác, Pashinyan loại khỏi chính phủ và quốc hội những chính khách thân Nga và đưa vào những người thuộc “lò đào tạo” của nhà tài phiệt George Soros hoặc nói chung ủng hộ phương Tây, bắt giữ cựu tổng thống Robert Kocharyan kể cả khi Matxcơva đề nghị tha, và loại các tướng lĩnh thân Nga ra khỏi quân đội. 

Yerevan cũng cắt các kênh truyền hình tiếng Nga khỏi gói phát sóng miễn phí ở Armenia. Không chỉ vậy, ông Pashinyan còn tăng cường quan hệ với NATO và phá vỡ các cuộc đàm phán với Azerbaijan khi yêu cầu Baku phải cho các đại diện của cộng hòa tự trị Nagorno - Karabakh tham gia như một bên trong bàn đàm phán.

Nói như nhà bình luận chính trị Sergey Markov thì ông Pashinyan đã “cắn Nga, sủa vào Azerbaijan và không biết trân quý quân đội mình”. Truyền thông Nga cho rằng đó là một trong những lý do đẩy Armenia đến thất bại trong cuộc chiến, khiến ông Pashinyan bị những người đối lập chỉ trích là “đầu hàng, phản bội” và xuống đường biểu tình sau khi hòa ước được ký kết.

Bất ổn Nagorno - Karabakh khiến truyền thông Nga nhìn lại không gian hậu Xô Viết. Các cựu cộng hòa Xô Viết hiện giờ đang làm bạn với ai và sống ra sao? 

Tờ Luận chứng và sự kiện (AiF) số ra ngày 10-11 đăng bài nhan đề: “Chẳng bao lâu chúng tôi không còn cả quần lót: Trung Quốc đã “nuốt chửng” các nước cộng hòa Xô Viết cũ như thế nào”. 

Bài báo phản ánh tình hình ở Kyrgyzstan, nơi Bắc Kinh sẵn sàng cung cấp các khoản vay để xây dựng đường sắt hoặc hiện đại hóa nhà máy nhiệt điện, với những điều kiện đặc biệt: công ty Trung Quốc sử dụng nhân công Trung Quốc tham gia dự án, đồng nghĩa số tiền đầu tư cuối cùng vẫn chảy về Trung Quốc. 

Nếu có bất kỳ sự cố nào, Trung Quốc sẽ lập tức mạnh tay, ví dụ sau vụ đánh bom tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Bishkek, Bắc Kinh đã ngưng cấp thị thực cho công dân Kyrgyzstan trong hai năm. 

Dmitry Orlov, giám đốc Trung tâm chiến lược Đông Tây, nói với AiF: “Không giống như Nga, Trung Quốc không quan tâm đến sự thay đổi thường xuyên của quyền lực, căn cứ quân sự hoặc thái độ với tiếng Hoa, mà chỉ tỏ ra cần tiền và tự do kinh doanh. Nhưng nếu có gì đó xảy ra thì nước cộng hòa tương ứng, bị ràng buộc bởi các khoản vay, cuối cùng sẽ rơi vào túi họ”. 

Bài báo dẫn lời nông dân Janabek Akimaliev: “Chúng tôi là một nước cộng hòa nhỏ, không có tiền, họ lột dần chúng tôi... chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ không còn tới cái quần lót”.

Tâm lý bài Trung ở Kyrgyzstan đang ngày càng lớn. Xung đột giữa dân bản xứ và công nhân Trung Quốc đã nhiều lần nổ ra. 

Số lượng “khách nhân” này tại Kyrgyzstan cũng không ngừng tăng - năm ngoái đã lên tới 40.000 người, mặc dù dân bản xứ vẫn đầy người thất nghiệp và 1 triệu người Kyrgyz đang phải tha phương cầu thực ở Nga! AiF nhắc lại trường hợp cựu cộng hòa Xô viết Tajikistan, nước đang nợ Trung Quốc 2,9 tỉ đôla (60% tổng nợ nước ngoài), và đang phải bán dần tài nguyên để trả nợ. Chưa kể năm 2011, sau khi phân định ranh giới, 1.158 km2 lãnh thổ Tajikistan đã về tay Trung Quốc.

Mây đen còn che phủ một cựu cộng hòa Xô viết khác là Moldova, dù tình hình có khác ở đây. Ngày 15-11 vừa rồi là kết thúc vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Moldova. Ứng viên Maia Sandu dẫn trước ở vòng một và kết quả kiểm hơn 97% phiếu vòng hai cho thấy bà đạt hơn 54% phiếu, so với đương kim tổng thống Igor Dodon chỉ đạt hơn 45%.

Vấn đề là ở cộng hòa này, trong làn sóng độc lập khỏi Nga thập niên 1990, vào năm 1992 đã xảy ra chiến sự giữa những người muốn ở lại trong thành phần Nga với những người ủng hộ Moldova độc lập. 

Kết quả là trên tả ngạn sông Dnepr xuất hiện nước cộng hòa không được công nhận Pridnestroviye ly khai khỏi Moldova. Do Nga có sự hiện diện quân sự tại Pridnestroviye, Tòa án nhân quyền châu Âu xem Pridnestroviye thuộc quyền chi phối hoặc ít nhất là chịu ảnh hưởng quyết định từ Nga, dù Moldova vẫn xem phần lớn lãnh thổ này là một bộ phận của Moldova.

Đây có thể coi là một khu vực “xung đột lạnh” hậu Xô viết nữa, cùng Crimea, đông Ukraine, Nagorno - Karabakh, Abkhazia và Nam Ossetia. Khả năng thắng cử của bà Sandu (có quốc tịch Romania mà Moldova từng thuộc về trong giai đoạn giữa hai thế chiến) khiến Nga lo ngại về một làn sóng bất ổn mới, nếu bà xúc tiến chính sách liên kết với thành viên NATO Romania như từng hứa. Nhà bình luận chính trị Markov đã nói đến nguy cơ về một cuộc xung đột nữa giữa Nga và NATO trong tương lai, khi “chỉ vì những biến động chính trị tưởng nhỏ ở một nước nhỏ có thể dẫn tới chuyển động ở các nước lớn”. ■

Nagorno - Karabakh đánh động nhiều thứ

Sau bài học Nagorno - Karabakh, Tổng thống nước cộng hòa chưa hết rối ren Belarus Alexander Lukashenko trả lời phỏng vấn Hãng tin RBC đã nói: hội nhập trong không gian hậu Xô viết là phương thuốc hiệu quả trị các cuộc “cách mạng màu”. 

Ông cho rằng nhiều nước trong không gian này đã “trưởng thành và nhận ra rằng tham gia vào những dự án hội nhập khác, chúng ta chỉ nhận được vai trò là nhà tài trợ nguyên liệu thô, lao động giá rẻ và thị trường tiêu thụ hàng hóa thứ cấp”. Nhưng bài học ông Lukashenko đúc kết có vẻ không thuyết phục được chính các đồng bào của ông. Đến nay, biểu tình ở Minsk vẫn tiếp diễn và đã bước sang tháng thứ ba kể từ sau khi công bố kết quả bầu cử ngày 8-9.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận